07/01/2023 -

Giáo lý

186
Cách thức Chúa Giêsu làm cho một thị trấn tầm thường trở thành trung tâm thế giới
 
Thị trấn Bêlem. (Ảnh: iStock)
 
Giáo hội cử hành tuần cuối mùa Giáng sinh với Lễ Chúa Hiển Linh. Các bài đọc Lời Chúa mời gọi chúng ta suy tư về cách thức mà Bêlem, nhờ Chúa Giêsu, từ một thị trấn tầm thường đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới (Mt 2, 5).

Có nhiều đối thủ cạnh tranh nhau về đặc quyền “trung tâm thế giới”. Các thành phố lớn với những truyền thống tri thức tầm cỡ như Alexandria và Athens đã khẳng định danh hiệu này, và thậm chí ngày nay, một thành phố như Boston cũng tự xưng là “trung tâm của vũ trụ”. Thậm chí tôi đã nghe những cư dân vùng Jocko, Montana xa xôi [vùng tây bắc Hoa Kỳ], kiêu hãnh về phong cảnh hùng vĩ tại đó với lời chào: “Chào mừng đến với Jocko, trung tâm của thế giới!”

Bản đồ cổ nhất về Đất Thánh còn tồn tại là nền “ghép mảnh” (mosaic) trong nhà thờ Thánh George ở Madaba, nước Jordan. Bản đồ này mô tả Giêrusalem là thành phố lớn nhất nằm ngay trung tâm Đất Thánh. Với lối tiếp cận khiêm tốn hơn, dựa theo những bản đồ cổ xưa khác, Đất Thánh được xem là trung tâm của thế giới vì các lục địa Á, Phi và Âu phân nhánh từ trung tâm nơi sinh ra của Chúa Kitô.

Qua các bài đọc Lời Chúa, Giáo hội giới thiệu hình ảnh của những người từ khắp nơi đến thờ phượng. Cuộc hành hương từ khắp địa cầu đến với vị hoàng tử mới sinh này cho thấy cả thế giới đang khao khát một nền công lý đích thực mà chỉ đấng được xức dầu mới có thể thực hiện (Tv 72,1-2). Bốn phương của thế giới này cũng có những đặc điểm nhất định làm cho câu chuyện thêm sinh động.

Phương Đông là nơi của tri thức. Các đạo sĩ là những nhà chiêm tinh và học giả xuất thân từ triều đình vương quốc Ba Tư (Mt 2,1-2). Qua nhiều thế kỷ, những nhà đạo sĩ này có đặc tính “vua chúa”. Điều này một phần là do những đoạn như Tv 72,10-22 nói đến các vị vua từ mọi nước đến chiêm ngưỡng và tôn vinh đấng được xức dầu.

Phương Tây biểu trưng cho thương mại, đặc biệt là nguyên liệu thô. Theo Tv 72,10, “Từ Tácsít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống”. Tácsít là một tham chiếu có tính thần thoại về vùng cực tây của châu Âu, có lẽ là một nơi giống như Tây Ban Nha ngày nay. Trong Kinh thánh, có đôi chỗ nói đến Tácsít, hay những con tàu của Tácsít. Chẳng hạn, những câu mở đầu trong sách Giôna, vị ngôn sứ miễn cưỡng tìm cách trốn tránh Đức Chúa bằng cách trốn sang Tácsít, ở hướng đối diện với thành phố Ninivê, nơi mà Đức Chúa sai ông đi rao giảng.

Phương Nam là nguồn cung cấp các mặt hàng xa xỉ như trầm hương và ngà voi. Các bài đọc Chúa nhật tuần này trích từ sách Isaia và Thánh vịnh 72 đề cập đến những người thờ phượng từ các vùng đất mà ngày nay là các quốc gia Yemen, Eritrea, Ethiopia và Somalia. Ngôn sứ Isaia nói về “Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha: tất cả những người từ Sơva kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (Is 60, 6). Trong khi đó, Tv 72,10 nói về “những vua Ảrập, Sơva, cũng đều tới tiến dâng lễ vật”.

Phương Bắc là quê hương của các nền văn minh cổ đại và quyền lực đế quốc. Tv 72,7-8 nói rằng tất cả mọi người sẽ bị cai trị, “Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất”. “Dòng sông” này là sông Euphrates vĩ đại ở phía bắc chảy từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria và xuống Irắc để gặp sông Tigris. Hai con sông lớn này đánh dấu ranh giới của vùng Lưỡng hà địa (Mesopotamia), cái nôi của nền văn minh vào thời đại Kinh thánh.

Theo quan điểm nhân loại, mỗi khu vực này đều quan trọng, nhưng với sự hiện diện của Chúa Kitô, chúng đều khao khát ơn cứu độ. Các Kitô hữu tiên khởi đã nhận ra niềm khao khát này là phổ quát, và dùng từ “công giáo” để diễn tả một thực tại bao trùm tất cả vốn mô tả một Giáo hội duy nhất, thánh thiện và tông truyền trong Kinh Tin kính.

Lễ Hiển linh là một cơ hội để nghiêm túc cởi mở tận căn với thế giới. Ngay cả khi thế giới đến với Chúa Giêsu, Giáo hội phải mở ra cho thế giới. Trong bài đọc II, thánh Phaolô viết: “Mầu nhiệm bấy giờ được mạc khải rằng, đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,5-6).

Các địa danh có sức mạnh thu hút mọi người. Chẳng hạn, tang lễ của Đức Bênêđictô XVI ở Rôma vừa qua đã thu hút sự chú ý của thế giới về cuộc đời phục vụ Chúa Kitô của ngài. Qua các bài đọc Lời Chúa, Giáo hội suy niệm cách thức mà một nơi chốn tầm thường như Bêlem đã thu hút cả thế giới đến với nó khi mặc khải sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giêsu. Niềm khao khát được đến Bêlem này vẫn tiếp tục hôm nay trong niềm khao khát hòa bình và công lý mà Chúa Kitô ban cho tất cả những ai tìm kiếm Ngài.

Cầu nguyện:

Điều gì làm cho quê hương chúng ta quan trọng?
Mảnh đất ấy có tặng phẩm gì để dâng cho Chúa Kitô?
Với tư cách cá nhân, chúng ta có thể dâng gì cho Chúa Kitô, Đấng ta tìm kiếm? Ngày nay, Giáo hội cần thực hiện bước cụ thể nào để mở ra với thế giới?
 

Victor Cancino, S.J.
Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (04/01/2023)
https://giaophannhatrang.org/

114.864864865135.135135135250