30/06/2022 -

Giáo lý

837
Học làm người trưởng thành nhân cách - LM ĐAN VINH – HHTM

BÀI 01
 
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – ĐỂ NÊN TRƯỞNG THÀNH VỀ NHÂN CÁCH

1. LỜI CHÚA : Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô : “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. (Ep 4,22-24).

2. CÂU CHUYỆN : NẠN BẠO HÀNH TRẺ EM.

Chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành, tra tấn trẻ em cách dã man. Đó là vụ bé gái 8 tuổi bị cô nhân tình của cha bạo hành đến tử vong, hay gần đây là vụ bé gái 3 tuổi nhập viện với 9 chiếc đinh găm vào hộp sọ do cha dượng thực hiện gây xôn xao trong dư luận.

Đây là điều gây phẫn nộ do sự độc ác, tàn nhẫn mà các nghi phạm đã gây ra cho nạn nhân là những đứa trẻ yếu thế, không có khả năng tự vệ. Đáng tiếc, những vụ việc như thế đang có xu hướng gia tăng. Điều đó khiến tất cả chúng ta phải đặt ra câu hỏi tại sao và làm thế nào để ngăn chặn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian sắp tới ?

3. SUY NIỆM :

1) THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH THỰC SỰ ?

Trưởng thành... nghĩa là một người có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình, suy nghĩ bằng cái đầu của mình, tự làm điều mình muốn, tự kiếm sống bằng khả năng của mình... và cuối cùng tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình... 

Nhiều người cho rằng khi được 18 tuổi trở lên thì đương nhiên con người sẽ nên người trưởng thành theo luật pháp. Tuy nhiên thực tế cho thấy : Một số người tuy tuổi đời khá cao, nhưng lại có lối sống vô nguyên tắc và vô trách nhiệm. Họ không phải là người trưởng thành thực sự mà chỉ là “những đứa trẻ to xác”. Ngược lại, có những trẻ em tuy mới 9 – 10 tuổi, nhưng lại mang dáng vẻ chững chạc và ăn nói cư xử nghiêm túc như người lớn. Vậy để trở nên một người trưởng thành thực sự, cần phải có những phẩm chất nào ?

2) NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH THỰC SỰ :3.4 / 5 ( 9 bình chọn )

1.-  Biết suy nghĩ chín chắn :

Người trưởng thành phải biết suy nghĩ trước khi nói như người xưa dạy “Hãy uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”, nghĩa là trước khi nói ra điều gì cần phải suy nghĩ xem điều mình nói đúng hay sai, lợi hại thế nào ? để khỏi hối hận vì đã lỡ nói ra những điều sai lầm, có hại cho tha nhân và khó thu hồi lại, vì : “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” - Một lời nói ra, bốn con ngựa khó truy bắt lại.

2.- Biết làm chủ cảm xúc của mình :

Khi nghe một người nói lời khiếm nhã với mình, kẻ ấu trĩ sẽ lập tức nổi nóng và phản ứng bằng thái độ hung hăng và đáp lại bằng những lời thô tục, do không làm chủ được cảm xúc. Trái lại, người trưởng thành sẽ không để cho cảm xúc tác động ảnh hưởng đến mình, nhưng biết làm chủ nó bằng sự kiềm chế cơn giận, nhẫn nhịn chịu đựng và tìm ra cách giải quyết ổn thoả tốt đẹp.

3.- Biết ý thức về giới hạn của mình :

Một người ấu trĩ sẽ thích huênh hoang về tài trí hơn người của mình, đang khi người trưởng thành biết ý thức về giới hạn sự hiểu biết của mình, để luôn sẵn sàng học hỏi qua việc đọc sách báo và qua các phương tiện truyền thông nghe nhìn. Khiêm tốn học hỏi cả với người ít tuổi hay địa vị thấp kém hơn mình, hầu thêm hiểu biết và sẵn sàng cải tiến phương pháp làm việc để đạt hiệu quả hơn.

4.- Biết khiêm tốn trong cách nói năng và hành xử :

Người ấu trĩ sẽ thích phô trương thành tích nhiều khi được thổi phồng quá đáng để tìm tiếng khen; Thích “nổ“ trên facebook để câu view trở thành trung tâm của dư luận. Trái lại, người trưởng thành sẽ nghe nhiều hơn nói và chỉ nói khi cần hay khi được yêu cầu. Tuy tự tin vào khả năng của mình, nhưng luôn biết tôn trọng tha nhân và sẵn sàng tiếp thu các lời phê bình góp ý để sửa sai nếu cần.

5.- Biết nghĩ đến người khác khi ứng xử:

Trong mọi việc người ấu trĩ sẽ luôn có thái độ ích kỷ khi chỉ lo bảo vệ quyền lợi của mình hay của người thân, đang khi người trưởng thành sẽ biết nghĩ đến người khác và đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện để ứng xử, như người xưa dạy : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”.- Điều mình không muốn thì đừng làm cho người, hoặc lời Chúa dạy : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

6.- Biết phục thiện chứ không cố chấp gàn dở :

Người ấu trĩ sẽ có lối suy nghĩ nông cạn, cố chấp theo tầm nhìn hạn hẹp hay theo định kiến cố hữu của mình. Chẳng hạn họ cố trì hoãn không chích vác-xin phòng chống lây nhiễm Cô-vít 19, mà không sáng suốt nhận biết tầm quan trọng của biện pháp phòng chống được cả thế giới công nhận này. Khi làm điều sai trái gây hậu quả nghiêm trọng, họ không nhận lỗi, mà thường đổ lỗi cho người khác. Trái lại, người trưởng thành sẽ luôn sáng suốt nhận định sự việc để phục thiện, và sẵn sàng áp dụng phương cách đúng đắn để khắc phục sai lỗi hiệu quả.

7.- Biết sống nghiêm túc và làm việc theo nguyên tắc :

Người ấu trĩ dễ dàng sống buông thả theo bản năng thôi thúc, đang khi người trưởng thành có lối sống nghiêm túc. Họ luôn ứng xử sự việc xảy ra theo nguyên tắc như “châm ngôn sống” của người xưa để lại và những Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Sau mỗi lần vấp ngã họ biết tìm ra nguyên nhân để khắc phục và tránh tái phạm.…

8.- Biết ý thức tự lập và chu toàn trách nhiệm :

Người ấu trĩ sẽ chỉ biết ỷ lại vào cha mẹ hay người khác giúp đỡ đáp ứng các nhu cầu tinh thần vật chất của mình. Còn người trưởng thành sẽ đứng trên đôi chân của mình, luôn có ý thức chu toàn trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội được cấp trên và tập thể trao phó.

4. SINH HOẠT : Trong các điều trên, bạn thấy điều nào quan trọng nhất để giúp mình nên người trưởng thành về nhân cách, nên người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết ý thức về những thiếu sót của mình, để không tự cao tự đại, nhưng luôn biết làm chủ cảm xúc, biết khiêm tốn học tập để ngày một thăng tiến. Cho chúng con biết luôn nghĩ đến người khác trong suy nghĩ, nói năng và hành động. Cho chúng con biết ứng xử theo châm ngôn sốngchu toàn trách nhiệm đối với bản thân và tha nhân… Nhờ đó chúng con sẽ nên người trưởng thành về nhân cách, được mọi người quý trọng và xây dựng cho gia đình và xã hội ngày một an vui hạnh phúc hơn, theo thánh ý Chúa.- AMEN.


BÀI 02
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – LỌAI TRỪ CÁI TÔI ÍCH KỶ, TỰ ÁI VÀ TỰ MÃN

1. LỜI CHÚA : Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

2. CÂU CHUYỆN : TỰ LỘ DIỆN DO THÓI KIÊU NGẠO.

Ngày xưa có một nhà bác học có tài biến mình thành nhiều người khác giống y như mình đến độ không thể phân biệt ai thật, ai giả. Một ngày kia ông được báo tin sắp có một vị thiên thần đến gọi ông trở về chầu Chúa. Vì chưa muốn chết, nên ông đã biến thành 12 người khác giống y như ông để thiên thần không biết ai thật ai giả mà gọi. Quả thật, thiên thần đã không thể nhận ra nhà bác học là ai trong mười hai người, nên đành tay không trở về thiên đàng. Sau đó không lâu, khi đã thêm kinh nghiệm đối phó với sự gian trá của con người, thiên thần đã nghĩ ra một kế. Khi đối diện vói 12 người giống nhau, thiên thần đã nói với các nhà bác học:

- Tôi rất khâm phục tài biến hóa của ông. Tuy nhiên, tôi thấy còn một chi tiết rất nhỏ cần phải sửa lại cho hòan chỉnh hơn.
Vừa nghe thế, nhà bác học thật liền lên tiếng:

- Đâu ? Tôi không tin còn có thiếu sót. Vậy ngài hãy cho biết thiếu sót chỗ nào ?

- Ở chỗ này nè. Vừa nói, thiên thần vừa “túm cổ” nhà bác học “thật” để về chầu Chúa.
            (Lm Anthony de Mello)

3. SUY NIỆM :

1) « Cái tôi » là gì ? : Cái tôi (the selfness) là sự tự ý thức về tư cách, phẩm chất và giá trị của mình, phân biệt với người khác. Hầu như ai trong chúng ta cũng đều có một “cái tôi”. Ai cũng yêu mình và muốn bảo vệ những gì thuộc về mình như lời thánh Phao-lô : “Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ” (Ep 5,29). Khi mới ra đời, đứa trẻ nào cũng đều có tính tự ái và ích kỷ, thể hiện qua thái độ muốn vơ vào mình các đồ ăn hợp khẩu vị hay những vật dụng đồ chơi hợp sở thích, và cố  giữ nó làm của riêng chứ không muốn để các em khác cùng chơi chung. Thực ra “cái tôi” này cũng là điều cần để con người có thể tồn tại. Những ai tự  ghét mình, muốn làm hại mình như dùng tay tự đánh vào mặt mình, uống thuốc độc tự tử… đều là người mắc bệnh tâm thần và không thật tính người nữa.

Tuy nhiên “nhân đức ở mực trung dung”. Nếu “cái tôi” được nuông chiều quá đáng sẽ dẫn đến ích kỷ, tự mãn và khinh thường người khác… và trở nên “đáng ghét” như Blaise Pascal đã viết: ”Ôi cái tôi thật đáng ghét ! Tôi không rõ lắm, nhưng có một điều tôi chắc chắn là «cái tôi» của tôi rất cứng đầu, khỏe mạnh, sống lâu và nổi bật về hai điểm này là: vị kỷ và kiêu hãnh. Tôi nghe nói rằng sau khi người ta chết được 5 phút thì cái tôi ấy mới chết hẳn”.

2) “Cái tôi” và sự tự tin :

“Cái tôi” trong mỗi người sẽ phát triển theo năm tháng. Một đứa trẻ sẽ ít bị chạm tự ái hơn là người lớn. Khi bị khiển trách, trẻ em sẽ mau quên, đang khi người lớn lại nhớ dai và có phản ứng mạnh khi bị kẻ khác xúc phạm đến danh dự của mình.

Sự đánh giá đúng khả năng và những giá trị thực sẽ giúp chúng ta thêm tự tin và làm việc hiệu quả hơn. Bất cứ ai cũng có những ưu và khuyết điểm, như câu người ta thường nói : “Nhân vô thập tòan”. Một người dù có nhiều khuyết điểm nhưng cũng có nhiều ưu điểm. Một cô gái có diện mạo không mấy xinh đẹp cũng vẫn có thể gây được thiện cảm với người khác qua cách ứng xử thân thiện. Một khi ý thức được những giá trị của “cái tôi” của mình, chúng ta sẽ không còn mang mặc cảm tự ti, không dễ bị “chạm tự ái” khi nghe những lời nói xấu về mình, hay khi đối diện với thái độ khinh thường của kẻ khác.

3) Thành thật với chính mình :

Sự chân thành cộng với việc đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực của bản thân sẽ giúp chúng ta không bị mất sự tự tin. Cũng giống như một bé gái khi bị trêu chọc là “cô bé sún răng”, nó liền đáp lại : “Thế còn đôi mắt của cháu thì sao?”. Nghĩ rằng mình có đôi mắt đẹp, cô bé đó muốn được người khác nhìn nhận ưu điểm này của mình. Nếu chân thành và công tâm với chính mình, chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận ra về những ưu điểm của mình.

4) Cần tránh những “Cái tôi » nào? :

-Cần tránh “Cái tôi” tự tôn Ranh giới giữa nhận thức về “cái tôi” rất mong manh. Cái tôi một khi bị thổi phồng thường gây nhiều đau khổ… Những người có địa vị cao dễ mang tâm trạng tự tôn và cố chấp. Thực vậy: đang khi một người bình thường dễ dàng đón nhận ý kiến bất đồng, thì các “ông lớn” nhiều quyền thế lại “khó lòng chấp nhận được ý kiến bất đồng của người dưới”. Nếu biết khiêm tốn thì chắc mỗi người chúng ta sẽ nhận ra giới hạn của mình: Thực sự mỗi chúng ta cũng chỉ là một hạt bụi nhỏ bé và yếu đuối trong vũ trụ vô tận : Chỉ cần một giọt nước như một giọt nọc độc của loài rắn hổ mang cũng đủ hạ gục một lực sĩ khỏe mạnh nhất. Thế thì tại sao chúng ta lại không bỏ đi cái tôi tự mãn, để trở thành một người trung thực với bản thân mình?

-Cần tránh Cái tôi giả hình : Chúng ta thường muốn được người khác khen ngợi, đề cao ưu điểm và trân trọng tài năng của mình, và không muốn bị kẻ khác xâm phạm đến quyền lợi của mình. Vì luôn muốn được nghe lời khen đang khi thực tế vẫn còn nhiều thói hư, nên chúng ta thường «Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại». Chúng ta thường muốn trình diễn bộ mặt «tốt ảo », như các người biệt phái đã bị Đức Giê-su quở trách là giả hình : ”Chúng là mồ quét tô vôi, bên ngòai có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết  và đủ mọi thứ ô uế » (Mt 23,27).

-Cần tránh “cái tôi” tự ái cao Một người không dám nhìn nhận khuyết điểm của mình vì tự ái cao, sẽ hay đổ lỗi cho người khác và không tự nhận lỗi. Sau khi phạm tội và bị Chúa xét hỏi, ông A-đam đã đổ lỗi cho bà E-và đã xúi mình. Còn bà E-và lại đổ lỗi cho con rắn đã cám dỗ mình. Còn chúng ta thì sao ? Mỗi lần tham dự thánh lễ, Hội thánh dạy chúng ta phải khiêm tốn đấm ngực nhận lỗi : ”Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”…

-Cần tránh “cái tôi” ích kỷ Theo nghiên cứu của một số điện thọai viên thì chữ “tôi” được người ta hay nói nhất. Trong đời sống gia đình, muốn cho vợ chồng hòa thuận, hai vợ chồng khi nói chuyện cần dùng chữ “chúng mình” thay vì chữ “tôi”.

4. SINH HOẠT : Chúng ta cần làm gì để lọai trừ “cái tôi” ích kỷ tự mãn ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho chúng con biết nhận ra những ưu điểm Chúa ban để dâng lời tạ ơn Chúa. Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận các khuyết điểm và sự thiếu sót của mình để tu sửa ngày một nên hòan thiện hơn. Chúng con hy vọng nhờ năng nghe Lời Chúa dạy tại nhà thờ và trong giờ kinh tối tại gia đình, nhất là nhờ được Thánh Thần ban ơn trợ giúp, chúng con sẽ loại trừ được “cái tôi” ích kỷ, tự mãn để học nơi Chúa Giê-su sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng. - AMEN.

BÀI 03
 
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – ĐIỀU TRỊ CĂN BỆNH “MA-KÊ-NÔ”

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : ”Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : CƯỚP TIỆM VÀNG.

Cách đây ít lâu báo chí đã đăng tin về mấy vụ cướp tiệm vàng táo bạo đã xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bọn cướp có trang bị súng và không cần bịt mặt khi hành sự. Sau khi cướp vàng xong, chúng bình tĩnh đi ra xe và rời hiện trường mà không gặp bất cứ phản ứng nào của khổ chủ và những người đi đường.

Trước đó, vào một buổi tối đầu năm dương lịch 2006, tiếng thét thất thanh “Cướp, cướp, cướp…” trên đường Nguyễn thị Minh Khai Quận I TP Hồ chí Minh lọt thỏm trong tiếng ồn ào của xe cộ qua lại. Một vài người đi đường thấy một cô gái vừa chạy bộ đuổi theo vừa chỉ tay về phía hai tên cướp kêu cứu. Những người chứng kiến cảnh tượng đó chỉ biết lắc đầu nhìn theo với ánh mắt thương hại.

3. SUY NIỆM :

1) Thực trạng tệ nạn cướp giựt hiên nay: Câu chuyện bọn cướp lộng hành được báo chí ghi nhận đầy đủ và không mấy ngày mà không có chuyện lớn xảy ra. Tuy nhờ phối hợp với quần chúng mà các lực lương an ninh cũng đã phá được một số vụ án cướp giựt và trả lại tiền của cho người bị hại. Nhưng số vụ cướp xảy ra ngày một gia tăng cả về số lượng cũng như về tính chất nghiêm trọng: Bọn cướp hoạt động có tổ chức và kế hoạch cuả chúng được dàn dựng rất bài bản công phu. Đây là một vấn đề gây nhức nhối không nhỏ đối với các cơ quan chức năng và cũng là sự thách thức lớn đối với toàn thể xã hội.

2) Phản ứng của xã hội trước tệ nạn này: Điều đáng nói ở đây chính là thái độ của người đi đường khi thấy một vụ cướp xảy ra trước mắt. Một số thanh niên nam nữ khi được hỏi về thái độ nên ứng xử thế nào với bọn cướp đã trả lời như sau:

- “Việc bắt cướp là nhiệm vụ của công an, mình có quan tâm thì cũng đâu làm được gì hơn, đâu có lấy lại được đồ đã bị chúng cướp?”. Đó là câu nói mà một số khá đông bạn trẻ thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên đã trả lời khi được hỏi về trách nhiệm góp phần bảo vệ trật tự an toàn trên đường phố.

- Cũng có bạn khác nói: ”Khi thấy một người bị bọn cướp trấn lột, tôi sẽ im lặng và làm như không nghe và không thấy gì hết. Vì mấy tên cướp giựt thường đi từng nhóm 4, 5 đứa. Dính vô tụi nó là mệt lắm ! Tôi sợ sau này sẽ bị chúng quay lại trả thù. Khi gặp trường hợp này cùng lắm thì tôi cũng chỉ giúp nạn nhân trình báo với cơ quan công an gần nhất mà thôi”.

- Cũng có bạn khác lại cho rằng: ”Trước hết phải trách người bị hại không chịu cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của mình: Có người còn thích phô trương khi đeo vòng vàng ra đường, hoặc thiếu khôn ngoan khi mang theo một số tiền lớn mà thiếu biện pháp bảo vệ tài sản của mình. Do đó nếu có bị cướp giật thì một phần cũng do lỗi của họ đã thiếu cẩn trọng, chứ không thể đòi người khác phải hy sinh tính mạng bản thân để bảo vệ tài sản cho mình được”.

- Nhưng nếu có người hỏi ngược lại: “Giả như bạn chính là người bị bọn cướp trấn lột ở chỗ vắng người hoặc người bị hại lại là người thân trong gia đình bạn thì bạn có muốn được người khác giúp đỡ không?”, thì các bạn này cũng chỉ cười trừ, do không biết phải trả lời sao cho phải. Vì ai cũng đều muốn được người khác giúp đỡ khi bản thân mình hay người thân gặp nạn.

Công bằng mà nói thì không phải mọi người đều mắc bệnh thờ ơ. Đã có không ít tấm gương các bạn trẻ đã dũng cảm bắt cướp, để lại sự khâm phục và kính trọng của mọi người. Nhưng thật đáng tiếc số dũng sĩ này lại quá hiếm so với số băng nhóm tội phạm ngày một gia tăng trên đường phố, và so với số người thờ ơ khi nghe tiếng kêu cứu của các nạn nhân. Bây giờ không ít chàng trai sức dài vai rộng đã thản nhiên lướt qua những cô gái bị kẻ gian đạp cho té ngã đang nằm bên đường phố. Căn bệnh thờ ơ này luôn được che đậy bằng lớp sơn ngụy biện: ”Việc bắt cướp không phải là trách nhiệm của tôi !”

3) Phương thuốc nào để chữa bệnh thờ ơ của các bạn trẻ hôm nay?

- Một cô bạn gái từng là nạn nhân bị trấn lột, đã chia sẻ như sau: ”Bản thân em rút kinh nghiệm là phải cẩn trọng khi đi ra đường: không đeo trang sức, không sử dụng IPAD, IPHONE ở những nơi công cộng mà thiếu cảnh giác đề phòng...

- Một cô khác lúc nào cũng thủ sẵn bên mình một khúc cây dài 40 phân khi lưu thông trên đường. Cô cho biết: “Em mà thấy thằng nào giật đồ của người khác là em sẽ chạy tới đập cho nó té ngã rồi bắt giao cho công an xử lý”.

- Một bạn trai cũng cho biết dự định: ”Tớ sẽ bí mật rượt theo để biết rõ hang ổ của bọn chúng ở đâu và báo cáo với cơ quan công an đến tóm gọn bọn tội phạm đó. Tớ sẽ không sợ, kẻ sợ chính là bọn tội phạm mới đúng. Vì nếu ai cũng sợ không dám bênh vực người bị hại, thì chẳng lẽ cứ để cho bọn xấu ngày càng lộng hành hay sao?“

- Một cô bạn khác sau lần bị giật giỏ tiền, cũng đã tập cho mình thói quen khác thường này: Hễ xe dừng lại ở chốt đèn xanh đèn đỏ là cô lại dáo dác nhìn chung quanh và sẵn sàng hét to lên để tố giác bọn tội phạm khi chúng hành sự cướp giật, và lúc nào tay cô cũng lăm lăm cầm sẵn một cục đá xanh để ăn thua đủ với bọn cướp giật trên đường phố.

4. SINH HOẠT : Theo bạn, cách ứng xử đúng đắn nhất để chống tội phạm là gì ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con thực hành tình thương cụ thể đối với những người đau khổ vì bị kẻ cướp lộng hành trấn lột. Xin cho chúng con tránh thái độ Ma-kê-nô hay vô cảm như phần lớn các bạn trẻ hiện nay. Xin cho chúng con tuy không thể trực tiếp đương đầu với bọn cướp, nhưng sẵn sàng hợp tác với khu xóm làm thành một đội chống tội phạm, vì “Hợp quần gây sức mạnh”. Xin cho mỗi người biết làm hết khả năng chống lại cái xấu cái ác bằng lời nói cũng như hành động của mình. Nhờ đó hy vọng xã hội chúng con đang sống sẽ ngày một văn minh, an toàn, sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn. – AMEN.

BÀI 04

 
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – TẬP NGHĨ TỐT, NÓI TỐT VÀ LÀM TỐT CHO NHAU

1. LỜI CHÚA: Chúa Giê-su phán: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,1-2).

2. CÂU CHUYỆN: TÀO THÁO GIẾT NGƯỜI. 

Trong Tam Quốc Chí có thuật lại câu chuyện Tào Tháo do xét đóan sai, đã gây hậu quả nghiêm trọng là sát hại cả gia đình vị ân nhân đã cứu giúp mình trong lúc nguy khốn như sau:

Một lần kia sau khi hành thích viên tướng quốc Đổng Trác bất thành, Tào Tháo cùng một người bạn thân đã chạy trốn ra khỏi thành đô trong tình trạng bị triều đình dán cáo thị khắp nơi, ban thưởng 1000 lượng vàng cho ai bắt được Tào Tháo. Khi chạy đến một khu rừng vắng thì trời đã tối, hai người bị đói lả kiệt sức. Bấy giờ Tào Tháo liền tìm đến nhà một người thân quen tên Lã bá Xa ở gần đó để xin tá túc. Ông này dù biết Tào Tháo đang bị quan quân truy đuổi, nhưng sẵn lòng đón hai người vào nhà và còn sai gia nhân mổ heo làm tiệc đãi khách quý. 

Trong khi chủ nhà ngồi xe ra ngoài chợ mua rượu thì Tào Tháo và người bạn nằm nghỉ trong phòng khách. Ông ta bỗng chột dạ khi nghe thấy tiếng mài dao, rồi tiếng gia nhân hè nhau : “Trói nó lại”. Rồi có tiếng hỏi : “Giết nhỏ hay lớn”, và tiếng kia đáp : “Giết lớn”. Tào Tháo tưởng gia chủ đang sai gia nhân đến giết mình để báo quan lãnh thưởng, ông ta liền rút gươm và ra ngoài giết hết mọi người trong nhà. Sau khi đã chém giết, Tào Tháo đi xuống nhà bếp kiểm tra tìm kẻ sống sót, thì nhìn thấy một con heo lớn đang bị trói, bên cạnh là con dao đã được mài sắc, thì mới biết mình lầm : Thì ra, gia nhân trong nhà đang hè nhau bắt con heo lớn giết thịt để thết đãi mình. Nhưng do tính đa nghi xét đoán sai nên đã vội ra tay giết oan cho cả nhà vị ân nhân của mình. Rồi hai người liền vội vã bỏ đi trước khi chủ nhà về tới. Dọc đường gặp chủ nhân đang từ chợ mang vò rượu về, Tào Tháo liền giết luôn vị ân nhân để trừ hậu hoạn.

Chính do thói suy nghĩ hồ đồ dẫn đến xét đoán sai nên Tào Tháo đã phạm phải tội ác vô cùng nghiêm trọng không thể sửa chữa được, là ra tay giết hại cả gia đình vị ân nhân giúp đỡ mình.

3. SUY NIỆM:

Một trong những thói xấu mà chúng ta cần phải cấp thời sửa đổi là thói hay xét đoán ý trái cho người khác. Vậy thế nào là xét đóan ? Người ta có thường xét đóan đúng không ? Tại sao ? Ta cần làm gì để tránh xét đóan oan sai cho kẻ khác ?

1) Thế nào là xét đóan ? : “Xét” là cứu xét bao gồm mấy việc: quan sát sự kiện, tìm hiểu nguyên nhân và kết luận đúng sai. “Đoán” là phỏng đoán và thiếu chính xác. Vậy xét đoán là những kết luận được rút từ sự phỏng đóan chứ không dựa trên các sự kiện khách quan, rồi kết án theo cảm tính “yêu nên tốt ghét nên xấu”, nên thường dẫn đến kết luận oan sai và hành động cho người khác.

2) Phân biệt hai cách xét đóan đúng và sai :

- Xét đóan đúng : Thực ra xét đoán nói chung là một việc tốt, là biểu hiện trí thông minh của một người. Một nhà lãnh đạo cần phải có khả năng phán đóan chính xác khi biết nhìn xa trông rộng, để thấy được hậu quả sẽ xảy ra và tìm cách khắc phục, hầu công việc ngày một ổn định. Hơn nũa phán đóan tốt còn cần để duy trì an ninh trật tự xã hội. Chẳng hạn khi một vụ án cướp của giết người xảy ra, công an hình sự được điều đến phá án. Điều tra viên trước hết phải cách ly hiện trường để thu thập dấu vết kẻ thủ ác để lại, rồi tiếp tục phỏng vấn thêm các đối tượng liên quan để tìm thêm chứng cớ. Tiếp đến sẽ dùng phương pháp nghiệp vụ loại dần các nghi can để xác định kẻ thủ ác là ai. Để phán đóan chính xác, điều tra viên phải dựa trên bằng chứng khách quan, rồi còn phải có trình độ nghiệp vụ cao mới hy vọng sớm phá án được.

- Xét đóan sai : Tuy nhiên trong thực tế đời thường, chúng ta lại hay xét đoán theo cảm tính chủ quan của mình, hoặc dựa trên thành kiến có sẵn về người khác để kết án họ hơn là dựa trên các bằng chứng khách quan. Kết quả là chúng ta thường xét đóan sai đến 70-80 phần trăm sự việc. Ngay những điều nhìn thấy tận mắt mà nhiều người vẫn xét đóan sai như người ta thường nói: ”Nhìn cò ra quạ ! “, “Thấy vậy mà không phải vậy”… phương chi nếu chỉ dựa trên dư luận lời đồn hoặc tệ hơn lại dựa vào các bằng chứng ngụy tạo do kẻ thủ ác cố tình đưa ra thì sẽ khó tránh khỏi sự xét đóan hồ đồ và kết án oan sai cho người vô tội.

3) Cần tránh xét đóan ý trái cho người khác :

-Sự phức tạp của các hành vi nhân linh : Con người ngòai hành động bên ngòai người ta có thể nhìn thấy, còn có phần tinh thần là động lực hành động, làm cho tội ác có thể được giảm khinh hay thậm chí vô tội. Do đó chúng ta cần phải thận trọng khi xét đóan hoặc kết án kẻ khác. Vì thế Đức Giê-su đã dạy các môn đệ về thói xấu này như sau : “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1).

-Tránh xét đóan ý trái : Ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận mình đã nhiều lần xét đóan ý trái cho kẻ khác, nhất là những kẻ mình không ưa, như người đời thường nói : “Không ưa dưa có dòi !” và “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”… Muốn xét đóan tha nhân đúng đắn, chúng ta cần tránh thành kiến, cần lắng nghe nhiều phía và nhất là phải dựa trên các bằng chứng xác thực hơn chỉ dựa vào những lời tố cáo vô căn cứ. Muốn xét đóan đúng cần phải theo trình tự tố tụng như tại tòa án: Đầu tiên quan tòa sẽ nghe công tố viên trình bày diễn tiến tội phạm để buộc tội bên bị. Tiếp đến luật sư bên bị bào chữa bị can và luật sư bên nguyên sẽ phản bác với sự trợ giúp của các nhân chứng. Sau khi nghe hai bên đối đáp, bồi thẩm đòan sẽ họp kín để định tội, rồi quan tòa sẽ nhân danh luật pháp đọc lời tuyên án bị cáo là vô tội hay có tội và mức độ chịu hình phạt nặng nhẹ ra sao… Vậy khi xét đóan tha nhân chúng ta có theo các trình tự trên hay không ? Ngay cả tòa án dù làm việc nghiêm túc như vậy, mà nhiều khi vẫn bị sai lầm khi đưa ra những bản án bất công và kết án oan sai cho người vô tội. Do đó thánh Gia-cô-bê khuyên tín hữu: “Chỉ có một Đấng ra Lề Luật vả xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thóat và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4,12b).

4) Chúng ta phải làm gi ?

- Tiên trách kỷ hậu trách nhân : Mỗi khi mắc phải một sai lầm, chúng ta thường hay đổ lỗi cho người khác. Chẳng hạn khi trong gia đình có đứa con phạm tội ăn cắp hoặc trốn học đi chơi, ông bố thường hay đổ lỗi cho bà vợ đã quá nuông chiều con khiến nó sinh hư. Hầu như xã hội cũng đồng quan điểm qua câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà !”. Tuy nhiên trong trường hợp này, lẽ ra ông bố phải tự trách mình: “Tội quy vu trưởng” để nhận ra phần lỗi của mình :Lỗi tại tôi, vì tôi đã không chu tòan trách nhiệm quan tâm giáo dục con cái. Tôi đã vô trách nhiệm khi phó mặc việc dạy dỗ con cho vợ, dù biết rõ khả năng giới hạn của vợ mình”.

- Cần phải nhìn lại mình trước : Nhiều người thích soi mói và hay lên mặt thầy đời sửa lỗi anh em, đang khi chính bản thân lại đầy những khuyết điểm như người xưa dạy : “Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Đối với hạng người này, Đức Giê-su đã có lời dạy như sau : “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình ! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được” (Mt 7,3-5).

- Phải biết đối xử bao dung : Đức Giê-su muốn chúng ta đối xử bao dung nhân từ với tha nhân noi gương Thiên Chúa trên trời như sau : "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha “ (Lc 6,36-37).

- Tập nghĩ tốt và làm trạng sư bào chữa cho anh em : Sở dĩ chúng ta hay xét đóan ý trái cho kẻ khác vì chính chúng ta là kẻ xấu. Có người đã nêu ra nhận xét chí lý như sau : “Nếu bạn hay xét đóan ý trái cho tha nhân về một tội gì thì đó là dấu chứng tỏ bạn đang mắc phải thói xấu ấy”. Thực vậy, một người có thói dâm ô tục tĩu, sẽ luôn nhìn và xét đóan người khác dưới lăng kính này : Khi thấy đôi bạn trẻ nam nữ chở nhau trên xe hai bánh là đã vội “suy bụng ta ra bụng người” và cho rằng hai người đang chở nhau đến khách sạn để tình tự !!! Đang khi thực ra họ đang cùng nhau đi làm công tác bác ái thăm viếng người già neo đơn... Do đó, mỗi người chúng ta phải tập nghĩ tốt cho người khác. Khi nghe một người nói xấu về người thứ ba, chúng ta phải làm trạng sư biện hộ cho kẻ bị nói xấu. Làm như vậy là  chúng ta sẽ phần nào chặn được dư luận xấu ngay từ trứng nước, sẽ làm cho kẻ hay nghĩ xấu bị mất hứng, để không tiếp tục nói hành kẻ vắng mặt với người khác.

- Phải năng cầu xin ơn Chúa : Hành vi xét đóan tha nhân là một việc khó và tế nhị cần phải có ơn Chúa giúp, nên thánh Au-gút-ti-nô đã luôn cầu xin với Chúa: “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”. Đây cũng phải là lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta. Chúng ta xin cho mình được biết Chúa để thấy lòng quảng đại yêu thương vô biên của Chúa; Và cũng xin Chúa cho biết mình để ý thức về sự yếu đuối, bất toàn của mình. Nhờ đó chúng ta sẽ đối xử rộng lượng với lỗi lầm của người khác như Đức Giê-su đã dạy: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6,38).

4. SINH HOẠT : Hãy cho biết bạn có cảm tưởng thế nào khi bị kẻ khác nghĩ xấu và kết án oan sai cho mình ?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin giúp chúng con tránh hồ đồ khi xét đoán tha nhân. Con xin lỗi Chúa vì nhiều lần con đã xét đoán ý trái và kết án bất công cho những kẻ con không ưa. Xin cho con biết luôn bình tĩnh trong mọi tình huống, và tập xét đoán ý tốt cho tha nhân, tập bênh vực chữa lỗi cho kẻ đang bị xét đoán oan sai. Nhờ đó chúng con sẽ được Chúa thương xét xử khoan dung trước tòa phán xét sau này.-AMEN

 
 “Một ngọn nến có thể thắp sáng cho hàng ngàn ngọn nến khác mà vẫn không bị tàn nhanh hơn. Cũng vậy, hạnh phúc không thể bị vơi khi mang ra chia sẻ.”
 

BÀI 05

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – HỌC LÀM NGƯỜI QUÂN TỬ
 
1. LỜI CHÚA :  “ Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

2. CÂU CHUYỆN :  QUAN VŨ TRỌNG NGHĨA KHINH LỢI :

Trong “Tam Quốc Diễn Nghῖa”, QUAN VŨ hay còn gọi là Quan Công, có tên tự là Vân Trường, là một trong ba huynh đệ kết nghĩa Vườn Đào cùng với Lưu Bị và Trương Phi. Cũng như Trương Phi, Quan Vũ đi theo phò tá huynh trưởng Lưu Bị, là cánh tay đắc lực của Lưu Bị và là người đứng đầu ngũ hổ tướng nước Thục.
Quan Vũ được mọi người yêu thích bởi tính cách trung nghĩa hào kiệt, cũng như tài năng chiến trận của mình. Là người đứng đầu ngũ hổ tướng, Quan Vũ có võ công phi thường : Một mình địch trăm người, lập nên nhiều chiến tích oanh liệt. Có thể kể ra là : Trảm Nhan Lương; Chém Văn Xú; Một mình qua ải chém sáu tướng; Góp công giúp Lưu Bị chiếm Xuyên Thục và giữ Kinh Châu. Quan Vũ chính là mãnh tướng mà Tào Tháo muốn có, nhưng vì tính trung dũng mà Quan Vũ nhất quyết không chịu, chỉ một lòng một dạ với huynh trưởng mà thôi. Là người trọng nghῖa khinh lợi. Tuy ông bị vây hᾶm, lᾳi được Tào Thάo đối đᾶi hσn người, dὺng tiền tài để dụ dỗ, nhưng ông không động tâm, trάi lᾳi vẫn thὐy chung không quên nghῖa với Lưu Bị. Việc trọng nghῖa cὐa Quan Vῦ trở thành mẫu gương trong cách đối nhân xử thế của người quân tử, được người đời ca tụng.

3. SUY NIỆM : PHÂN BIỆT QUÂN TỬ VÀ TIỂU NHÂN :

Quân tử trong văn hóa truyền thống là tấm gương đạo đức có đủ những phẩm chất cao thượng là : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín...

Quân tử là trọng điểm mà Khổng Tử muốn truyền đạt cho hậu thế. Để phân biệt rõ thế nào là người quân tử, Khổng Tử thường so sánh quân tử với tiểu nhân về các phương diện : ĐẠO ĐỨC, NHÂN CÁCH, ĐẠO NGHĨA, LỢI ÍCH VÀ HÀNH VI… như sau :

1) QUÂN TỬ TRỌNG NGHĨA KHINH LỢI, TIỂU NHÂN TRỌNG LỢI KHINH NGHĨA :

- Thứ mà người quân tử đề cao là đạo nghĩa cao đẹp, đang khi tiểu nhân lại đề cao lợi lộc vật chất. Người quân tử hành động dựa theo tiêu chuẩn đúng sai, đang khi tiểu nhân dựa theo tiêu chuẩn lợi hại.

Khổng Tử đề cao lối sống đạm bạc của học trò Nhan Hồi như sau : "Ăn cơm thô, uống nước trắng, gối lên cánh tay ngủ, niềm vui đã có trong đó rồi".
Tu dưỡng của người quân tử là lấy Đạo làm chuẩn mực : "Thấy lợi thì nghĩ đến nghĩa", vì phú quý có được bằng bất nghĩa thì chỉ là thứ của cải phù vân chóng qua.

- Khi người quân tử rơi vào hoàn cảnh hoạn nạn khốn cùng, thì vẫn luôn giữ được chí hướng, kiên trì với chính nghĩa, giống như cây tùng cây bách, dù gặp thời tiết khắc nghiệt giá lạnh sương tuyết ra sao, vẫn luôn xanh tươi mà không bị tàn úa. Còn kẻ tiểu nhân khi gặp hoàn cảnh khốn cùng sẽ suy nghĩ và hành động vô nguyên tắc, miễn sao tránh hoạ cho mình, dù có gây hại cho người khác.

2) QUÂN TỬ HÒA MÀ KHÔNG ĐỒNG, TIỂU NHÂN ĐỒNG MÀ KHÔNG HÒA :

- Người quân tử tìm kiếm sự hài hòa thống nhất trong lòng, chứ không ở hình thức bên ngoài. Trong cách giao tiếp đối nhân xử thế, người quân tử luôn độ lượng bao dung trong mọi hoàn cảnh. Họ kiên trì giữ vững tiết tháo và đạo nghĩa, không hùa theo kẻ quyền thế, không vào phe với thế lực gian ác. 

Còn kẻ tiểu nhân khi kết giao chỉ nhằm mưu lợi, dựa vào thế lực cường quyền, hại người lợi mình. Để đạt được tư lợi thì bề ngoài ra vẻ nhất trí, nhưng trong lòng lại ngầm làm hại những kẻ không cùng phe phái với mình.

- Người quân tử không mong cầu Đồng, không yêu cầu người khác phải giống mình, nhưng để họ tự do có điểm riêng. Khi đối đãi với bằng hữu thì người quân tử luôn tôn trọng, lắng nghe để cảm thông nên dễ hoà hợp với mọi người.

Còn kẻ tiểu nhân lại chỉ cầu Đồng bên ngoài nhưng thiếu hòa hợp bên trong.

Quân tử chung sống hòa thuận với mọi người, không kéo bè kết đảng nhằm mưu lợi cá nhân. Còn tiểu nhân thì ngược lại : Việc gì cũng phụ họa theo số đông, mà không theo chuẩn mực đạo đức, nên cùng lắm cũng được coi là hạng ngụy quân tử

- Theo Khổng Tử, phán đoán về đức hạnh của một người "không được dựa theo sự yêu ghét của số đông, mà phải dựa theo tiêu chuẩn đạo đức, cần phân biệt rõ thiện ác trắng đen chứ không dựa theo sự thỏa hiệp ”.

3) QUÂN TỬ YÊU CẦU BẢN THÂN, TIỂU NHÂN YÊU CẦU THA NHÂN :

Khi xảy ra sự cố thua lỗ thất bại, người quân tử sẽ kiểm điểm để tìm nguyên nhân xem trách nhiệm của mình đến đâu để kịp thời khắc phục. Còn kẻ tiểu nhân lại chỉ biết đổ lỗi cho người khác.

4) QUÂN TỬ CÓ TÂM HỒN BÌNH THẢN, CÒN KẺ TIỂU NHÂN LUÔN LO ÂU :

- Người quân tử quang minh lỗi lạc, không lo âu sợ hãi, trong lòng trong sạch, luôn dùng thiện lương mà đối đãi với kẻ khác, nên "lòng rộng mở bình thản".
Còn kẻ tiểu nhân luôn so đo tính toán, do bị dục vọng và lợi ích tác động, nên trong lòng luôn lo lắng, sợ hãi.

- Quân tử luôn coi trọng thành tín : Thành thực là Đạo của Trời. Cần phải làm mà không tư dục, thản nhiên mà không lừa dối, bền bỉ mà không mệt mỏi. Người quân tử trung tín trước sau như một, lời nói luôn đi đôi với việc làm, biểu hiện qua thái độ chân thành, trái với thái độ giả dối của kẻ tiểu nhân.

- Người quân tử trong lòng có lễ nghĩa, hành vi quang minh chính đại, lập trường kiên định đi theo chính đạo chứ không có thái độ ba phải

TÓM LẠI : Lòng dạ và tầm nhìn của người quân tử và kẻ tiểu nhân hoàn toàn đối nghịch nhau. Khổng Tử nói: "Đạo người quân tử có ba phương diện:

NHÂN nên không lo buồn,
TRÍ nên không bị mê hoặc,
DŨNG nên không sợ hãi".

Ông khen các học trò của mình đã sở hữu được các đức tính của quân tử như sau :

NHAN HỒI an bần lạc đạo,
TỬ CỐNG thông minh chân thành,
TỬ LỘ chính trực dũng cảm,
TĂNG SÂM trung thực quang minh.

4. SINH HOẠT : Bạn giải thích thế nào về những đức tính của người quân tử mà các học trò của Khổng Tử đã đạt được : An bần lạc đạo, thông minh chân thành, chính trực dũng cảm, trung thực quang minh.

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Con thấy những đức tính : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín của người quân tử do Khổng Tử dạy rất gần với các nhân đức tự nhiên mà các môn đệ của Chúa là chúng con hôm nay cũng cần học tập để nên người trưởng thành về nhân cách và nhờ đó sẽ gây được thiện cảm với tha nhân khi đối nhân xử thế.
Xin cho chúng con biết học sống : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín là các đức tính nhân bản tự nhiên, đồng thời sống theo gương mẫu và lời dạy của Chúa trong Tin Mừng. Nhờ đó, chúng con sẽ vừa nên trưởng thành về nhân cách, lại vừa nên con thảo của Cha trên trời như Chúa xưa đã được Chúa Cha xác nhận là “Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha” (x. Mc 1.11).- AMEN.


BÀI 06
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – VỀ LỐI ỨNG XỬ BẤT CẬP CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó(Mt 7,12).
 
2. CÂU CHUYỆN : CHEN NGANG KHI XẾP HÀNG.

Gần đây trên báo Tuần Tin Việt Nam có đăng câu chuyện của một tác giả, trong đó phê phán lối hành xử thiếu văn hóa của nhiều người Việt Nam như sau :

- Hồi đầu năm tôi đi công tác tại Nhật. Khi làm thủ tục xuất cảnh chuẩn bị về lại Việt Nam tại sân bay bên Nhật, tôi thấy một người đàn ông châu Á vô tư xách hành lý chen ngang vào vị trí thứ hai của hàng người đang đứng xếp hàng chờ theo thứ tự. Bị nhân viên an ninh yêu cầu đứng vào cuối hàng, anh ta đành phải miễn cưỡng làm theo trước những ánh mắt khinh thường của nhiều người nước ngòai. Khi về đến Việt Nam, tôi đứng xếp hàng phía sau anh ta để làm thủ tục nhập cảnh và nghe nhân viên an ninh gọi tên, tôi mới biết anh là người Việt Nam.

- Tuần trước tôi cùng vợ và con ra Hà nội thăm gia đình, khi vợ tôi bế con ngồi ghế gần đó đợi, còn tôi thì đứng xếp hàng chờ làm thủ tục lên máy bay, tôi bị hai cô gái ăn mặc mốt thời trang từ ngòai chen ngang vào hàng trước chỗ tôi đứng, phía sau tôi có hai vợ chồng khách du lịch người Âu châu. Vì ngọai hình của tôi không giống người Việt, nên hai cô gái cứ vô tư nói chuyện về thành tích chen ngang xếp hàng của mình tại Xanh-ga-po như sau : “Tao chen ngang một thằng Xanh-ga-po lúc làm thủ tục. Cái thằng chó ấy cứ nhìn đểu tao thật là khó chịu và còn nói câu gì đó tao không hiểu. Nhưng tao cứ kệ mẹ nó, coi như mình chẳng hiểu gì cả”. Đến lúc này thì tôi thấy chẳng cần phải ga-lăng làm gì với hạng người như vậy nên đã nhắc nhở : ”Yêu cầu hai cô vui lòng xếp vào hàng chờ”. Lúc đó họ nhận ra tôi cũng là người Việt nên tỏ vẻ khó chịu rồi nói khẽ với nhau, đủ để cho tôi nghe thấy hai từ “khốn nạn !”, rồi nhổ tọet bã kẹo cao su xuống nền nhà bóng lộn của sân bay Quốc Tế Tân Sơn Nhất.

- Chiều nay đi làm về sớm, tôi nhường xe lại cho vợ và đón xe búyt về nhà cùng một anh bạn đồng nghiệp người Nhật Bản. Chiếc xe ngày một thêm đông khách sau mỗi lần dừng, và rồi hết chỗ ngồi khiến vài ba người phải đứng, trong đó có một phụ nữ khỏang 30 tuổi có vẻ là một công chức. Theo phép lịch sự, tôi đứng dậy mời chị ngồi vào chỗ của tôi. Chị ta nhìn tôi không cười, lẳng lặng ngồi xuống và ngỏanh mặt đi chỗ khác ! Anh bạn người Nhật nhìn tôi mỉm cười lắc đầu tỏ vẻ thông cảm.
Đó là ba ví dụ cho hàng trăm lần tôi đã từng chứng kiến. Chẳng cần phân tích kỹ, chúng ta cũng thấy hình ảnh của người Việt có thể để lại những ấn tượng không tốt thế nào trước mắt người nước ngòai.

3. SUY NIỆM :

1) Ứng xử bất cập của người Việt Nam nói chung :

Có người đã nhận xét như sau : “Ăn nhanh đi chậm hay cười. Thích chơi đồ cổ (second hand) ấy người Việt Nam !”. Điều đáng nói là về cách ứng xử của nhiều người Việt cũng như thế : Chen ngang được vào hàng thì nghĩ rằng những người khác ở phía sau đều ngố ! Đi xe vượt đèn đỏ mà không bị công an thổi còi xử lý thì nghĩ mình giỏi ! Nếu ai đã có dịp đi châu Âu, chắc hẳn đã cảm nhận được cảnh người Việt chúng ta bị các nhân viên an ninh người nước ngòai khinh thường, đang khi người Nhật lại được họ tôn trọng, ngay tại những nước có nền văn hóa cao như Đức, Pháp, Ý…

Ngày nay người trẻ Việt Nam ngày càng ít các biểu hiện đẹp trong cách hành xử tại nơi công cộng. Nhiều người trẻ thường chen ngang vào hàng khi mua vé, sẵn sàng vượt qua đèn đỏ khi vắng bóng công an. Mỗi khi bị ùn tắc giao thông, họ thường đi lên hè dành cho người đi bộ hoặc lấn sang làn đường bên trái dành cho xe phía đối diện. Trên xe búyt họ không nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, thường xả rác bừa bãi, nói cười oang oang giữa nơi công cộng là nhà hàng rạp hát, khạc nhổ bừa bãi, ăn nói tục tĩu, không dội nước bồn cầu sau khi đi vệ sinh …

2) Nguyên nhân của cách ứng xử yếu kém về văn hoá :

Chúng ta phải khiêm tốn thừa nhận rằng : văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta nói chung rất kém. Sở dĩ như vậy là do đã không được những người có trách nhiệm quan tâm dạy dỗ đúng mức : Trong gia đình cha mẹ ông bà đã không ý thức phải nêu gương sáng và không quan tâm giáo dục con cái ứng xử có văn hóa. Rồi nhà trường phần lớn chỉ lo dạy học sinh kiến thức thi cử để lập thành tích mà không quan tâm dạy về văn hóa ứng xử. Xã hội tuy có nhiều chương trình truyền hình, nhưng lại ít có loại phim hay về giáo dục văn hóa ứng xử. Có lẽ đã tới lúc các nhà lãnh đạo cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho những kênh giáo dục văn hóa ứng xử giống như các kênh về sức khỏe, mua sắm, kinh tế…

Nhiều người cho việc giáo dục nói trên chỉ là chuyện nhỏ, nhưng thực ra lại không nhỏ chút nào. Vì nó thể hiện đạo đức và trình độ văn hóa của con người. Đã đến lúc không thể coi nhẹ các môn công dân giáo dục và đạo đức xã hội : Dạy phép lịch sự nơi công cộng, cách tiếp xúc với người nước ngòai, về tinh thần trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng... Nói chung về văn hóa ứng xử.

3) Làm gì để khắc phục ?

+ Kiến tạo môi trường văn hoá lành mạnh : Nếu có dip ăn uống khi đi du lịch bên trời Tây, hay tại các nước văn minh, chắc bạn sẽ không dám vứt rác bừa bãi xuống nền nhà. Một là vì nhà hàng bên đó vệ sinh sạch sẽ và rất có trật tự ngăn nắp. Hai là vì chỗ nào cũng có thùng rác dễ dàng sử dụng. Ba là vì có những quy định xử phạt nghiêm minh. Chẳng hạn bên Xanh-ga-po, hướng dẫn viên du lịch luôn nhắc nhở khách tham quan trong đòan về mức xử phạt lên tới 500 “đôla Xanh” cho ai xả rác bừa bãi không đúng chỗ quy định. Vì thế mà sau một chuyến đi du lịch nước ngòai ngắn ngày trở về, nhiều người Việt Nam đã có sự thay đổi nhận thức về văn hóa ứng xử theo chiều hướng tốt hơn.

+ Đổi mới tư duy văn hóa ứng xử đồng bộ : Hiện nay tại Việt Nam, những ai cư xử lễ độ lịch sự, biết nhường nhịn người khác và tôn trọng của công… lại thường bị số đông coi thường và bị đánh giá là “hâm mát”, “khùng điên” và thường bị thiệt thòi khi luôn phải nhường nhịn những kẻ có lối hành xử thiếu văn hóa.

+ Đổi mới phương pháp giáo dục về văn hóa nhân bản : Tuy môn đạo đức hiện nay đã được đưa vào nhà trường từ tiểu học đến trung học như : “Học tập năm điều bác Hồ dạy”, “Học tập lao động và sống đạo đức theo phong cách Chủ tịch Hồ chí Minh”… Nhưng nội dung các môn đạo đức này vẫn mang nặng tính giáo điều khô khan và mới chỉ xoay quanh những định nghĩa trừu tượng mà học sinh cần học thuộc để thi cử, đang khi lẽ ra các thày cô giáo phải giúp các em hình thành nếp sống văn hóa lành mạnh cụ thể như : biết nói “không” trước những cám dỗ của bạn bè xấu, biết nói “xin lỗi”, “cám ơn”, biết chào hỏi, ăn mặc lịch sự, biết tôn trọng tha nhân bằng việc tránh gây phiền hà cho người khác, biết xếp hàng trật tự khi nộp bài thi hay khi mua vé, có ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản chung, có ý thức tuân thủ luật pháp, nhất là luật giao thông đường bộ, biết ứng xử có văn hoá với tha nhân ….

Tóm lại cần phải có một sự phối hợp nhịp nhàng đồng bộ trong việc giáo dục văn hóa ứng xử từ trong gia đình, đến trường học, nơi thờ tự và ngòai xã hội. Người lớn phải làm gương cho giới trẻ, những người quyền cao chức trọng phải nêu gương tốt chấp hành luật pháp cho cấp dưới noi theo… thì mới hy vọng chuyển biến được xã hội Việt Nam và việc giáo dục văn hóa ứng xử mới đạt kết quả tốt.

4. SINH HOẠT : Các bậc cha mẹ cần giáo dục nhân bản cho con cái mình từ tuổi nào của con và dạy theo phương pháp nào để đạt kết quả tốt nhất ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho mỗi tín hữu chúng con ý thức tầm quan trọng của nền văn hoá ứng xử văn minh, để quyết tâm tập luyện, hầu ngày một nên người trưởng thành về nhân cách và nên con thảo luôn đẹp lòng Chúa Cha trên trời theo gương mẫu và lời dạy của Chúa trong Tin Mừng.- AMEN.

BÀI 07
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – HÌNH THÀNH LỐI SỐNG ĐẸP VÀ HỮU ÍCH 

 1. LỜI CHÚA : “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

2. CÂU CHUYỆN : “NHẬT KÝ ĐI ĐƯỜNG”

Thạc sĩ khoa tâm lý chuyên nghiên cứu về phát triển cộng đồng NGUYỄN THỊ OANH đã hài hước kể lại “nhật ký đi đường” của bà tại hội thảo “SINH VIÊN VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC NHÂN VĂN TRONG NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ” tổ chức cách đây ít lâu như sau :

“Tôi đi từ nhà ở Hóc Môn xuống Bình Thạnh bằng xe búyt. Trên xe có 8 em nữ sinh cấp hai, em nào cũng mặc áo dài trắng tươm tất và rất dễ thương. Khi tôi bước lên xe thì tất cả các em đang ngồi trên xe đều cúi mặt xuống coi như không nhìn thấy tôi. Cho tới khi anh lơ xe la lên “Các em xích lại nhường chỗ cho bà già đi chứ” thì các em mới chịu ngồi sát lại gần nhau để có chỗ trống cho tôi ngồi.

Nhật ký đi đường của thạc sĩ Oanh được tiếp tục bằng tường thuật cảnh bà đi bộ trong một con hẻm nhỏ, suýt nữa đã hứng phải nước bọt của người đàn ông từ trong nhà phun ra, đi được vài bước thì bà lãnh trọn một tàn thuốc của anh chàng đi xe máy ngang. Đi thêm một quãng nữa thì gặp một bà mẹ trẻ đang bồng con trên tay đứng trên hè nhà và đứa trẻ đã “tè” vồng ra đường xém bay vào mặt bà. “Bệnh “đái đường” đã được “giáo dục” từ bé như vậy đó !!!” – Thạc sĩ Oanh dí dỏm.

3. SUY NIỆM :

1) Thực trạng : Việc xả rác bừa bãi ra đường, không nhường chỗ cho người già và phụ nữ mang thai trên xe buýt, thờ ơ trước những số phận kém may mắn của tha nhân... là những chuyện có thật trong giới trẻ Viêt Nam hiện nay, trong đó giới sinh viên chiếm không ít. Vì thế một diễn giả đọc tham luận về văn hóa xe buýt của sinh viên đã khẳng định như sau : “Hiện nay nhiều bạn sinh viên đã triệt để áp dụng chiến thuật “3 không” là : “không thấy – không nghe – không biết” trên xe buýt cũng như khi tham gia giao thông hoặc khi sinh hoạt nơi công cộng... để  đạt mục tiêu cuối cùng là “không mất chỗ !”.

Nói về thực trạng việc lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên TP.HCM hiện nay, Tiến sĩ Tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN đã tiến hành nghiên cứu trên 873 sinh viên tại các trường Đại Học – Cao Đẳng, kết quả cho thấy : Trong bậc thang giá trị thì giá trị “vì lợi ích cộng đồng”, “tôn trọng người khác” và “sẵn sàng hy sinh cho tha nhân” lại bị xếp cuối cùng. Điều này cho thấy ý thức nhân bản “mình vì mọi người” nơi phần lớn sinh viên hiện nay ở mức rất thấp.

2)  Nguyên nhân : Thạc sĩ Oanh nhận xét nguyên nhân của thực trạng trên như sau : “Cái tôi của sinh viên quá lớn, lợi ích cá nhân đã được đặt trên lợi ích cộng đồng. Sự ích kỷ cực đoan này khiến nhiều sinh viên cư xử thiếu ý thức ở những nơi công cộng”. Sở dĩ có tình trạng tồi tệ này là vì quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình hiện khá lỏng lẻo, do cha mẹ không có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc dạy dỗ con cái. Bên cạnh đó, sự thiếu gương mẫu của người lớn cũng tác động không tốt tới sự hình thành nhân cách trong giới trẻ. Một đứa bé lớn lên trong môi trường gia đình hay xã hội còn nhiều bất cập như vậy, ắt sẽ trở nên những con người không biết trân trọng các giá trị đạo đức và nhân văn.

3) Khắc phục : Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh đã kể lại chuyện cách đây hơn 40 năm, khi bà có dịp đi công tác ở Nhật, bà được chứng kiến cảnh các em học sinh băng qua đường một cách trật tự và ý thức :

“Trên lề đường có những cái hộp như hộp đựng dù, trong đó có những cây cờ. Một học sinh đi đầu đến lấy một cây cờ trong hộp ra và giơ cao lên. Các em đi sau liền đến xếp hàng một rồi cả nhóm cùng băng qua đường. Tất cả xe hơi đều dừng lại đợi đến khi các em học sinh đi qua mới tiếp tục lăn bánh. Sang tới phía đường bên kia, em cầm cờ lại đem cất cây cờ vào một cái hộp khác ở ngay bên lề đường gần đó”.

Tiến sĩ Tâm lý Tô Thị Ánh cũng kể thêm chuyện đi công tác ở Tiệp Khắc : Khi bà  vừa bước lên toa xe điện thì liền có 7–8 bạn trẻ đứng dậy nhường chỗ cho bà...

Tham gia hội thảo trên, một số bạn sinh viên cũng đóng góp ý kiến cho biết sở dĩ nhiều bạn trẻ chưa có lối “sống đẹp và hữu ích” không phải do họ cố ý, mà do sự thờ ơ thiếu quan tâm dạy dỗ giáo dục của xã hội như sau :

Vì thiếu gương sáng nơi người lớn, các em không được cha mẹ giáo dục từ nhỏ;
Vì thiếu những bài học đạo đức cụ thể của thày cô ở trong nhà trường;
Vì thiếu truyện giáo dục nhân bản cho trẻ em như “Tâm Hồn Cao Thượng”;
Vì thiếu phương án giáo dục tổng hợp đề cao gương “người tốt việc tốt” trên báo chí, phim ảnh, truyền hình…

Ngòai ra, điều căn bản nhất là

luật pháp của chúng ta còn thiếu những biện pháp xử lý hành chánh nghiêm đối với những kẻ cố tình gây ô nhiễm môi trường như “đái đường”, khạc nhổ, xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định…

4. SINH HOẠT : Riêng các bạn trẻ trong các lớp học giáo lý vào đời hay giáo lý hôn nhân cần làm gì để đạt lối “sống đẹp và hữu ích”, hầu nên ánh sáng của Chúa Ki-tô trong môi trường sống và làm việc ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Xin thắp sáng ngọn đèn đức tin cậy mến trong lòng mỗi tín hữu chúng con hôm nay. Xin cho chúng con ý thức tầm quan trọng của nền giáo dục văn hoá ứng xử cho các thế hệ học sinh sinh viên, để biến lối ứng xử ích kỷ thiếu văn hoá hiện nay, bằng lối ứng xứ văn minh vị tha đầy tình người theo thánh ý Chúa.- AMEN.

BÀI 08
 
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – TÔN TRỌNG THA NHÂN

1. LỜI CHÚA : Chúa Giê-su phán : “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

2. CÂU CHUYỆN : GIÁ TRỊ CỦA THÁI ĐỘ TÔN TRỌNG THA NHÂN.

Vào một ngày nọ, khi mới tốt nghiệp đại học, A-DI-AN đã nộp đơn xin làm công việc quảng cáo tại một công ty quốc tế có mức lương khá cao. Sau mấy vòng sơ tuyển, cô biết mình không có nhiều tài năng bằng một số thí sinh khác và nghĩ cô sẽ rất khó trúng tuyển để được làm công việc này. Sau buổi thi cuối cùng, khi đang cùng các thí sinh khác ra chỗ để xe. Đang khi các thí sinh khác đều tỏ ra lạc quan nói cười vui vẻ, thì A-DI-AN lại lủi thủi đi tụt hậu với tâm trạng chán nản. Sau một đọan đường ngắn, bỗng xuất hiện một lão ăn xin đang đứng cầm chiếc mũ để xin tiền các thí sinh đi tới. Anh chàng đi đầu liền lớn tiếng xua đuổi : “Lão già kia, mau cút đi chỗ khác. Đừng có đứng đó làm phiền chúng tôi nghe !”. Một người khác nói thêm : “Tránh ra, tôi không có tiền cho lão đâu”. Có người còn mỉa mai : “Dường như ăn xin là cách làm tiền dễ nhất của bọn người lười biếng !”. Một số người cũng quay mặt sang chỗ khác khi ngang qua ông lão. Còn lão ăn xin đã không quan tâm đến thái độ khinh thường của mọi người mà chỉ giơ chiếc mũ ra im lặng chờ đợi…

Khi đến lượt A-DI-AN đi ngang qua ông lão, cô liền dừng lại mỉm cười với ông rồi thò tay vào túi định lấy tiền lẻ cho ông. Nhưng cô hơi ngượng khi không tìm thấy chiếc ví đựng tiền trong túi. Bấy giờ cô liền nắm lấy hai bàn tay ông lão và nói với giọng thành khẩn : “Thưa ông, cháu thật có lỗi vì đã để quên ví tiền ở nhà, nên hiện giờ cháu không có đồng nào để biếu ông được”. Bấy giờ lão ăn mày liền nói với đôi mắt ngấn lệ : “Không sao đâu cô. Lão thật biết ơn cô rất nhiều. Những gì cô cho lão hôm nay còn đáng giá hơn tiền bạc gấp bội. Vì cô là người đầu tiên đã tỏ thái độ tôn trọng đối với một người ăn xin như lão”.

Một tuần sau, A-DI-AN nhận được thư của công ty báo tin cô đã được trúng tuyển. Đây là công việc mà cô luôn mơ ước ngay từ những ngày chuẩn bị thi tốt nghiệp đại học. Về sau khi có dịp gặp Phó Giám Đốc có mặt trong buổi phỏng vấn hôm trước, A-DI-AN đã hỏi lý do tại sao cô lại được tuyển chọn đang khi nhiều bạn ứng viên khác trổi vượt hơn cô về nhiều phương diện. Bấy giờ ông Phó Giám Đốc đã trả lời như sau : “Sở dĩ công ty chọn cô vì cô là người thích hợp nhất với công việc quảng cáo của công ty. Cô có thể không giỏi hơn các ứng viên khác về nhiều mặt, nhưng điều quan trọng nhất công ty muốn thì các ứng viên khác lại không ai bằng cô. Chính thái độ tôn trọng kẻ khác, bất kể họ là ai và thuộc hạng người nào của cô là nhân tố quyết định khịến ban giám đốc chúng tôi chọn cô”. Thì ra sự tôn trọng tha nhân lại được đánh giá cao hơn nhiều tài năng khác. Qua câu chuyện với ông Phó Giám Đốc, A-DI-AN cũng biết được lão ăn xin hôm trước chính là người đã được công ty bố trí đóng vai để sát hạch về lối ứng xử của các thí sinh mà công ty đang cần tuyển dụng.

3. SUY NIỆM :

a) Phải cẩn trọng về lời nói : Cách đây vài năm, trong một chương trình giao lưu âm nhạc, một MC trẻ trung, xinh đẹp của đài truyền hình Trung Ương đã giới thiệu trước đông đảo cử tọa : “Đây là nhạc sĩ P. Có lẽ khán giả chúng ta không ai lạ gì cái bản mặt của anh”. Chắc cô muốn nói là “không ai lạ gì anh” !. Quả là một sự cố “đáng tiếc !”. Không những cô MC tái mặt vì lỡ lời, mà hết mọi người trong khán phòng cũng đều thấy ngượng thay cho cô. Ai trong chúng ta cũng đều có lần nói sai, nói ngọng, nói lắp hay lỡ lời… Nhưng phải tránh kiểu nói năng ấu trĩ do thói quen, mà không phù hợp với hoàn cảnh và  không thể rút lại được như trường hợp này.

b) Sai lỗi về lời nói cũng được xếp vào lọai văn hóa ứng xử : Ca dao có câu : “Vụng ăn có thể cho qua; Nhưng mà vụng nói người ta chê cười”; “Sảy chân gượng lại còn vừa; Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ” …

c) Kính trọng tha nhân qua lời nói : “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”; “Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Kim vàng ai nỡ uốn câu. Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”; ”Người khôn nói mánh. Người dại đánh đòn”…

d) Mau nghe chậm nói : Hãy biết lắng nghe lời người khác đang nói, ngay cả khi họ nói điều trái với ý bạn. Bạn cũng cần suy nghĩ trước khi nói. Vì : “Mau nói mau lỗi”; “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”…

e) Phải tránh nói dai nói dài : Khi trao đổi trong buổi họp, cần tránh nói dài vì : “Rượu nhạt, uống lắm cũng say. Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm”; và “Đa ngôn đa quá !”…

g) Phải tránh nói to tiếng : Đây là điều bất lịch sự vì gây cho người khác sự bực bội như người xưa dạy : “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

h) Phải biết giữ chữ tín : “Một sự thất tín, vạn sự chẳng tin”. Đã hứa thì phải giữ lời : “Quân tử nhất ngôn” (Người quân tử chỉ nói một lời); “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (Một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi kịp).

i) Phải tránh tranh cãi về tôn giáo : Bạn có thể thuyết phục người khác về điều bạn tin tưởng, nhưng cần có bằng chứng thực tế, hơn là chỉ tranh cãi suông. Do đó cần tránh đả kích niềm tin của tha nhân như người ta thường nói : “Đả kích niềm tin của kẻ khác là cách hữu hiệu nhất để có thêm kẻ thù”.

4. SINH HOẠT :

Qua câu chuyện đầu bài, bạn có thể rút ra bài học nào trong việc ứng xử với tha nhân ? Tại sao ta phải tôn trọng tha nhân ? Bạn tâm đắc với câu ca dao tục ngữ nào trong bài suy niệm trên ? Tại sao ?

5. LỜI CẦU :

LẠY Chúa Giê-su. Xin cho chúng con luôn biết tôn trọng tha nhân, nhất là tôn trọng những người nghèo khổ túng cực, để gây được thiện cảm của mọi người. Xin cho chúng con ý thức tầm quan trọng của sự tôn trọng tha nhân, thể hiện trình độ văn hoá của một người trưởng thành về nhân cách. Xin cho chúng con luôn nhìn thấy Chúa hiện thân trong mọi người, nhất là trong những người nghèo khổ để chia sẻ phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu nên con thảo đẹp lòng Chúa Cha và nên chứng nhân tình yêu của Chúa trước mặt người đời. – AMEN.

BÀI 09

 
GIÁO DỤC NHÂN BẢN – ĐỪNG COI THƯỜNG NGƯỜI NGHÈO
 
1. LỜI CHÚA : Thánh Gia-cô-bê dạy phải biết tôn trọng người nghèo : Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói : “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói : “Đứng đó !” hoặc : “Ngồi dưới bệ chân tôi đây !”, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao ? (Gc 2 2-4).

2. CÂU CHUYỆN : KẾT ĐẮNG CỦA THÁI ĐỘ COI THƯỜNG NGƯỜI NGHÈO

Một phụ nữ 40 tuổi có kinh nghiệm làm quản lý lâu năm đã rất vui mừng khi mới tìm được công việc ưng ý với mức lương hậu hĩnh. Ngày đầu tiên đi làm trong vai trò mới, cô đã đến sớm và mang cả con trai theo. Cô và con trai ngồi chờ tới giờ được chính thức nhận việc tại vườn hoa bên dưới trụ sở công ty. Hai mẹ con chọn một chiếc ghế băng dài ngồi xuống và ăn nhẹ tại đó.

Nhưng điều đáng nói ở đây là cô đã vứt túi rác vừa ăn xong xuống dưới đất theo thói quen xưa nay thay vì lẽ ra phải bỏ vào thùng rác.

Cách đó không xa, một cụ bà lớn tuổi trong bộ đồ lao động đã cũ có đeo găng tay, từ từ tiến lại gần nơi hai mẹ con đang ngồi và nhẹ nhàng cúi xuống nhặt túi rác cô vừa thải ra bỏ vào thùng rác ở gần bên. Vài phút sau, người phụ nữ lại vứt thêm một mẩu giấy gói đồ ăn khác xuống đất. Một lần nữa, bà lão lại bước tới nhặt mẩu giấy ném vào thùng rác. Nhưng lần này trước khi bỏ đi bà quay lại nhẹ nhàng nói :

- Người thiếu ý thức bảo vệ môi trường thì tương lai sẽ không tốt đẹp đâu !

Bị chạm tự ái, người phụ nữ liền đứng dậy quát mắng bà lão lao công đã dám lên tiếng dạy dỗ mình :

- Này bà già kia. Tôi sắp trở thành người quản lý mới của tập đoàn này và tất nhiên khu vườn này cũng sẽ do tôi quản lý. Tôi có quyền làm bất cứ điều gì tôi muốn ở đây. Còn bà thì hãy chuẩn bị nghỉ việc đi là vừa.

Ngay lúc đó một người đàn ông từ trong nhà chạy đến cung kính nói với bà lão :
- Thưa chủ tịch ! Cuộc họp đã chuẩn bị xong và sắp tới giờ bắt đầu rồi.

Bà lão nhẹ nhàng gật đầu, tháo găng tay và cởi chiếc áo choàng đang mặc và nói :

- Tôi sẽ lên phòng họp ngay. Nhưng trước hết anh hãy thay tôi tiến hành thủ tục hủy bỏ hợp đồng với nhân viên quản lý mới này đi nhé.

- Vâng thưa chủ tịch. Anh chàng đáp.

Người mẹ gần như chết lặng và không thể nói thêm lời nào nữa. Lời xin lỗi lúc này đã trở nên quá muộn màng.

Trước khi đi bà chủ tịch còn nhẹ nhàng nói thêm với người phụ nữ :

- Tôi hy vọng rằng sau sự việc này cô sẽ thay đổi cách ứng xử với mọi người. Hãy tôn trọng người khác dù họ đang ở trong cương vị nào. Vì khi cô biết tôn trọng người khác thì chính cô cũng sẽ được người khác tôn trọng.

3. SUY NIỆM :

- Cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao khi mọi người biết tôn trọng nhau, biết cảm thông, tha thứ và nâng đỡ nhau. Hãy thay cho lời kết án, là lời chúc mừng, khuyến khích. Thay cho cái nhìn hẹp hòi là những cái nhìn nhân ái, bao dung. Cuộc sống sẽ thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết nhìn điều tốt nơi nhau để động viên khuyến khích, thay vì nhìn vào điểm yếu để chỉ trích xem thường. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết trân trọng những đóng góp của tha nhân và thành thật khen ngợi họ, thay vì ganh ghét, nói xấu để hạ giá trị của họ.

- Ước gì mỗi người chúng ta biết khiêm tốn để nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình. Vợ chồng cần có nhau để nâng đỡ bổ túc cho nhau hầu mang lại hạnh phúc. Con cái cần đến cha mẹ để bao bọc chở che khi còn nhỏ và dạy dỗ động viên khi con tới tuổi bước vào đời. Hàng xóm cũng cần đến nhau để khi “tốt lửa tắt đèn có nhau”. Một khi đã nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình, thì hãy tôn trọng nhau, cộng tác với nhau để xây dựng cho gia đình, khu xóm, nhà máy được sạch đẹp và hạnh phúc.

4. SINH HOẠT :

Bạn rút ra bài học gì về văn hoá ứng xử trong cuộc sống qua câu chuyện cô nhân viên quản lý mới đã tỏ thái độ khinh thường bà lão lao công nghèo khó, mà cô không biết chính là chủ tịch tập đoàn đóng vai để đánh giá nhân cách của cô trước khi chính thức tiếp nhận cô làm người quản lý mới của tập đoàn ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Chúa. Qua lời thánh Gia-cô-bê dạy phải tôn trọng người nghèo, Chúa muốn chúng con coi trọng mọi người chúng con gặp gỡ tiếp xúc. Xin cho chúng con biết sẵn sàng nói chuyện với người lao công trong môi trường chúng con đang sống và làm việc, hoặc người ăn xin trên đường phố, hay bệnh nhân liệt giường tại bệnh viện hay nhà tư. Xin cho chúng con nhìn thấy Chúa đang hiện thân nơi người nghèo khó để cảm thông chia sẻ và sẵn sàng phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu sau này trong ngày phán xét, chúng con sẽ được Chúa đón nhận vào hưởng hạnh phúc Nước Trời muôn đời.- AMEN.

BÀI 10

GIÁO DỤC NHÂN BẢN – NGUYÊN NHÂN THẤT NHÂN TÂM

1. LỜI CHÚA : Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo. Bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà : “Bà muốn gì ?” Bà thưa : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây : Một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy”… Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó” (Mt 20,20-21.24).

2. CÂU CHUYỆN : LỆNH CẤM BÁN BÁO VÀ VÉ SỐ DẠO CỦA TP ĐÀ LẠT.

Mới đây TP Đà lạt ra lệnh cấm bán báo và bán vé số dạo. Báo Tin Sáng có đăng một bài của tác giả Trần Bạch Đằng phê bình : lệnh cấm như vậy là “thất nhân tâm”. Trong bài báo có đọan như sau  :

“Tôi thật tình ngỡ ngàng : Bán báo dạo thì tội gì, bán vé số thì tội gì ? Tại TP HCM báo dạo rất nhiều, mặc dù cũng có khá nhiều sạp báo. Nhưng sạp báo và người bán báo dạo là hai bộ phận hợp thành để phổ biến văn hóa phẩm rộng rãi. “Cấm” là sai lầm, sai lầm về HÀNH CHÍNH, về XÃ HỘI và cả về VĂN HÓA. Bán vé số dạo cũng vậy, người bán vé số dạo có tội gì mà phải cấm, họ làm cái gì bất hợp pháp cần ngăn ngừa ? Không có câu trả lời.

Tôi vừa đi Xanh-ga-po về, bên đó có mua báo của người bán dạo. Ai bán ? Trẻ em, học sinh trong giờ nghỉ học kiếm thêm ít tiền tiêu vặt. Lành mạnh quá đi chứ. Ở TP HCM, bán báo là một nghề để sinh sống của hàng trăm người, nếu cộng với người bán vé số thì là hàng ngàn người, len lỏi khắp các xóm, từ sáng đến tối mong có thêm chút gạo, chút rau giúp mẹ giúp cha. Đó là các em, còn phụ nữ từ nông thôn lên không có nghề, trông mong thu nhập ở tiền bán báo dạo, bán vé số để nuôi mình và nuôi con. Biết bao nhiêu bà mẹ bán báo dạo, bán vé số mà nuôi con ăn học thành tiến sĩ. Đó là chưa kể những người đi xe lăn bán báo dạo, bán vé số, những người mất một hay hai chân lê lết trên đường, chỉ mong kiếm một tỉ lệ hoa hồng còm cõi.

Chính phủ chưa giải quyết hết các hiện tượng đau lòng này thì không nên ngăn cản.Tôi mong UBND Thành Phố Đà lạt xét lại chủ trương cấm bán báo , bán vé số dạo của mình. Thất nhân tâm lắm ! Tiện thể xin nói thêm  : Thực hiện văn minh đô thị ở Đà Lạt còn quá nhiều việc, ngay những nơi thanh lịch nên lo cho tốt. Đừng lấy những người cơ cực nhất thành phố làm thí điểm.”

3. SUY NIỆM :

Trong bất cứ tập thể nào cũng có người xấu kẻ tốt : có người thật thà, có kẻ mưu mô; có người chăm chỉ, có kẻ chây lười… Những “kẻ đáng ghét” ấy đôi khi lại rất khôn khéo khiến người trên không nhận ra, còn người chung quanh dù biết cũng đành chấp nhận. Sau đây là 6 lối sống khiến người khác thiếu thiện cảm và không muốn hợp tác, và một số bí quyết giúp ta “chung sống” hòa bình với họ  :

1) Thái độ nhẫn tâm vô cảm :

Một số người có chức có quyền tỏ ra nhẫn tâm khi đề ra các biện pháp để đạt mục đích như trường hợp Thành Phố Đà Lạt trong câu chuyện trên : Vì muốn giữ cho thành phố được sạch đẹp trước mặt du khách nước ngòai, nên Ủy Ban Nhân Dân TP Đà Lạt thay vì dùng các biện pháp ngăn ngừa kẻ xấu, lại ra lệnh cấm việc làm ăn lương thiện là bán báo dạo và bán vé số dạo.  Lệnh cấm này ảnh hưởng trực tiếp đến chén cơm manh áo của rất nhiều người nghèo, đặc biệt là những người khuyết tật, già cả neo đơn, trẻ em đường phố và cả các sinh viên học sinh nghèo hiếu học…, đang khi ngay đến chính phủ trung ương, Ủy Ban Nhân Dân hai thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nơi có đông du khách nhất nước vẫn chưa có quyết định về vấn đề này. Tác giả Trần Bạch Đằng đã yêu cầu UBND TP Đà Lạt xét lại chủ trương “thất nhân tâm” này.

2) Thái độ ích kỷ hại nhân :

Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy khó chịu bất mãn khi sống chung hay làm việc chung với lọai người chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình mà không biết nghĩ đến tha nhân bên cạnh. Lối sống ích kỷ thường biểu lộ qua những thái độ chỉ lo cho nhà mình sạch đẹp nên sẵn sàng vất rác, xác chuột chết… bừa bãi ra ngoài đường lộ hay sang nhà bên cạnh: Không cho nhà hàng xóm trổ cửa thóat hiểm hay lỗ thông gió để thông thóang, dửng dưng vô trách nhiệm với các việc chung trong khu xóm như làm đường hẻm chung, khơi thông cống rãnh thóat nước thải … Thái độ ích kỷ như vậy là thất nhân tâm, khiến hàng xóm chê cười và cũng sẽ nhận lại thái độ bất hợp tác khi gia đình cần được hàng xóm giúp đỡ.

3) Thái độ kiêu ngạo tự mãn :

Hạng người này thường có chút ưu điểm nào đó như học vị cao, có chút địa vị quyền hành nên thường tỏ ra cao ngạo coi thường người khác, thể hiện qua thái độ phớt lờ khi được người khác chào hỏi, phát biểu với giọng “cha chú”, thích nghe lời xu nịnh, có thành kiến với những ai không theo mình và tìm cách “đì” cấp dưới. Thái độ kiêu ngạo tự tôn như vậy sẽ làm thất nhân tâm, gây sự bất mãn và bất hợp tác của người khác nên công việc sẽ khó thành công tốt đẹp.

4) Thái độ phản cảm bất lịch sự :

Hạng người này tỏ ra vụng về trong cách ứng xử, thể hiện qua việc luôn gây phiền hà bực mình cho người khác qua cách đối xử thiếu nghiêm túc,  ăn mặc lôi thôi, nói năng bỗ bã bất lịch sự, ứng xử thiếu tế nhị, nói chuyện điện thoại oang oang khiến người khác bực mình… Thái độ như vậy làm thất nhân tâm, nên dù có chức có quyền, cũng khiến mọi người bất phục và nói hành nói xấu.

4. SINH HOẠT : Gặp phải một người bạn mắc phải thói xấu làm thất nhân tâm nói trên, bạn sẽ góp ý xây dựng thế nào để giúp họ tu sửa lại ?

5. LỜI CẦU :

Lạy Thiên Chúa Cha Tòan Năng nhân hậu. Xin sai Thánh Thần đến giúp chúng con luôn biết khiêm tốn học tập để ngày một nên hòan thiện như người ta thường nói : “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng !”. Xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra những sai sót khuyết điểm của mình, hầu tu sửa nên hoàn thiện hơn. Xin cho chúng con biết khiêm tốn phục vụ tha nhân noi gương Chúa Giê-su là Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, mà để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” để được thành công trong mọi việc (Mc 10,45).- AMEN.


(Còn tiếp...)
114.864864865135.135135135250