01/06/2019 -

LỜI KINH và Ý NGHĨA

4128
Kinh Cám Ơn
Ngay từ thuở ấu thơ, các Ki-tô hữu đã được cha mẹ dạy đọc “Kinh Cám Ơn” mỗi khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, khi trời hừng sáng cũng như lúc đêm về. Lời “Kinh Cám Ơn” đã gieo rắc trong tâm hồn mỗi người tâm tình con thảo biết ơn:
 
“Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây Thánh Giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội thánh nữa, và đã cho phần xác con hôm nay được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy, các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào, thì con cũng hợp cùng các thánh mà dâng cho Chúa cùng cám ơn như vậy. Amen”

Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su cũng đã có kinh nghiệm rất sâu sắc về tâm tình tạ ơn Thiên Chúa khi cầu nguyện. Ngài chia sẻ: “Đối với tôi, cầu nguyện là dịp vươn lên của trái tim, nó đơn giản là cái nhìn hướng về trời. Nó là tiếng kêu của lòng biết ơn và yêu mến, cả khi gặp thử thách lẫn niềm vui.”[1] Cũng về kinh nghiệm tạ ơn này, thánh Phao-lô tông đồ đã từng chia sẻ: “Anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.”[2] 

Vậy, tại sao ta phải tạ ơn Chúa? Thưa, vì mọi sự ta LÀ và ta CÓ đều do Chúa ban. Thánh Phaolô khẳng định rằng: "Có ơn nào anh em không nhận từ nơi Chúa?”[3] Vì thế, hãy tạ ơn Chúa, Đấng ban mọi ơn lành, những ơn làm cho đời ta hạnh phúc[4]: ơn làm con Chúa, ơn được làm người, ơn được che chở - được giữ gìn, ơn được Cứu Chuộc, ơn được gia nhập Hội Thánh, ơn được mọi sự lành hồn xác, ơn được chết trong tay Chúa… Tất cả đều gói gọn trong “Kinh Cám Ơn” mà Mẹ Hội Thánh đã dạy cho chúng ta, ở đó ta tìm được niềm vui của lòng biết ơn. Văn sĩ Theodor Baecker người Đức đã chia sẻ: “Bạn hãy canh chừng tất cả những niềm vui nào không đồng thời là lòng biết ơn.”[5]

Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng còn nhắc nhở ta rằng: “Chúa không đòi ta những công việc lớn, mà đơn giản là ta hiến mình cho Chúa và tạ ơn Người.” Một nhà thần bí của Dòng Đa Minh còn quả quyết với chúng ta rằng: Nếu lời kinh duy nhất của đời bạn cốt tại thưa rằng: ‘Con xin cám ơn Chúa’, tôi dám chắc như thế là đủ rồi.”[6]

Hơn nữa, mỗi lần chúng ta tạ ơn, chúng ta nối kết với kinh nguyện tạ ơn của Chúa Giêsu. Thật vậy, trong công trình cứu độ, Ðức Ki-tô giải thoát toàn thể thụ tạo khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết, để thánh hiến và qui hướng chúng ta về với Chúa Cha, để tôn vinh Chúa Cha. Lời kinh tạ ơn của các chi thể trong Thân Thể được tham dự vào lời tạ ơn của Ðức Ki-tô là đầu. Và vì chúng ta sẽ được Chúa Giêsu biến đổi và cứu chuộc, chúng ta đã có thể tự đáy lòng mình tràn ngập sự biết ơn, và còn bày tỏ sự biết ơn đối với Chúa bằng nhiều cách khác nữa. Vì thế, Kinh Tiền Tụng dạy chúng ta:Những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ.”

Lòng biết ơn là ghi nhớ về tình yêu của Thiên Chúa. Người biết ơn thì tự nguyện quay về với người ban ơn và đi vào trong hiệp thông mới, sâu sắc hơn với người ban ơn. Thiên Chúa muốn ta ghi nhớ tình yêu của Người, và ngay bây giờ ta sống đời ta trong hiệp thông với Thiên Chúa, mãi mãi: Vậy, các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào, thì con cũng hợp cùng các thánh mà dâng cho Chúa cùng cám ơn như vậy.

Hãy ý thức rằng, mọi biến cố và mọi nhu cầu đều có thể trở thành dịp để dâng lời tạ ơn. Việc tạ ơn được nâng đỡ bởi đức tin, có thể giúp con người biết tạ ơn trong những lúc nặng nhọc đau buồn, trong những lúc thất bại thảm thương… Và chừng nào được như vậy thì mọi sự có thể biến đổi. Thánh Phao-lô tông đồ đã nói: "Anh em hãy siêng năng cầu nguyện; trong khi cầu nguyện, hãy tỉnh thức mà tạ ơn" (Cl 4,2). Những lời tạ ơn đưa chúng ta về thiên đàng: Các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thế nào, thì con cũng hợp cùng các thánh mà dâng cho Chúa cùng cám ơn như vậy. Amen

[1] Youcat Việt Nam trang 346.
[2] 1Thes 5,18.
[3] 1 Cr 4,7.
[4]GL HTCG các số 2637-2638, 2648.
[5] Văn sĩ Đức, Theodor Baecker (1879-1945). Youcat Việt Nam trg 70.
[6] Maître Eckhart (1260-1328).
 
114.864864865135.135135135250