27/10/2021 -

Giáo lý

508
Ngôi sao của Tân Phúc Âm hóa: Bước theo Đức Maria trong việc khai phóng Tin Mừng


Chúng ta cần có đức khiêm nhường của Mẹ Maria, loại khiêm nhường cần có để chia sẻ Chúa Kitô với thế giới xung quanh chúng ta và để cái tôi của chúng ta dần bị phai nhoà đi.

"Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót
những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”

(Lc 1,49-52, trích từ Kinh Magnificat của Đức Trinh Nữ Maria)


Trong tháng dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria, thật thích hợp để xem xét vai trò của Mẹ trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Qua cách hiểu vai trò của Đức Maria như Ngôi sao của Tân Phúc Âm hóa, chúng ta cũng nên nhận thức rõ hơn lời mời gọi dành cho chính mình trong việc “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
 

Không phải ngẫu nhiên mà đoạn cao trào trong quyển tiểu thuyết Chúa tể những chiếc nhẫn, đoạn về sự hủy diệt của một Chiếc nhẫn Quyền lực, lại diễn ra vào ngày 25 tháng 3 thuộc Kỷ nguyên thứ ba của Trung địa. J.R.R. Tolkien, một người Công giáo sùng đạo, đã cố tình chọn ngày này cho chiến thắng quyết định trong câu chuyện của mình, khi thế giới hư cấu của ông sẽ được giải phóng khỏi cảnh nô lệ của cái ác và khỏi mối đe dọa của sự hủy diệt và nô dịch.
 

Tất nhiên, tính quan trọng của ngày 25 tháng 3 nằm ở chỗ đó là ngày lễ Truyền tin, ngày mà Tổng lãnh Thiên thần Gabrien đã đem đến lời ngỏ ý của Thiên Chúa muốn Đức Trinh Nữ Maria trở thành Mẹ của Con Một Người. Lúc Truyền tin, Đức Maria đã thưa “xin vâng” với Thiên Chúa và “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Ngày 25 tháng 3 theo truyền thống còn được biết đến như là ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá. Vào hai ngày trọng đại nhất như thế, thế giới này được giải phóng khỏi quyền lực của Satan và tội lỗi, khỏi mối đe dọa của sự hủy diệt và nô dịch sau cùng.
 

Chiến thắng trước tội lỗi và Satan thuộc về Đức Kitô. Như bài thánh ca cổ, Laudes Regiæ, tuyên bố rằng, “Christus vincit! Christus regnat! Christus imperat!” (“Đức Kitô toàn thắng! Đức Kitô uy quyền! Đức Kitô thống trị!”). Hơn thế nữa, Đức Trinh Nữ Maria còn chia sẻ và công bố cuộc chiến thắng của Con mình theo một cách thức vô cùng độc đáo.
 

Mọi người Công giáo được mời gọi để loan báo về chiến thắng của Đức Kitô và rao giảng Tin Mừng trong một thế giới của những người “ngồi nơi tăm tốivà trong bóng tử thần” (Lc 1,79). Và chúng ta không thể có được một hình mẫu người môn đệ truyền giáo nào tốt hơn cho bằng Đức Mẹ của chúng ta.


Đức Mẹ đã giải phóng chân lý cứu độ của Tin Mừng theo nghĩa thông thường nhất mà chúng ta có thể hình dung được. Ngôi Lời của Thiên Chúa, Con Yêu Dấu của Chúa Cha, đã được sinh ra từ trong cung lòng của Mẹ, được chia sẻ tư nơi xác thịt của Mẹ. Đức Maria đầy ơn phúc được truyền thống gọi là Theotokos, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Mẹ Thiên Chúa”. Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa, đã đưa Người đến thế gian, và đã rao truyền vinh quang của Thiên Chúa bằng những lời được toàn thể Giáo Hội hoàn vũ cầu nguyện: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1,46-47)


Một vấn đề nhanh chóng xuất hiện ở đây: Làm thế nào tôi có thể noi gương Đức Maria trong vai trò làm mẹ? Tôi có thể làm nhiều điều để chia sẻ Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô, nhưng chắc chắn tôi không thể là mẹ của Người được?


May mắn thay, chúng ta lại có được sự hướng dẫn thiêng liêng để giúp trả lời câu hỏi này! Chúng ta cần nhớ lại thời điểm mà Đức Maria và các thành viên khác trong gia đình Chúa Giêsu muốn nói chuyện với Người khi Người đang giảng dạy cho đám đông trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu chương 12. Chúa Giêsu đã tận dụng cơ hội đó để tạo lập nên những mối quan hệ gia đình mới với các môn đệ của Người khi nói rằng: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)


Sự nhấn mạnh của Đức Kitô về việc làm theo ý muốn của Thiên Chúa đưa chúng ta tiến sâu vào sứ mệnh mầu nhiệm của chính Người và sự chia sẻ của mẹ Người trong sứ mệnh đó. Những lời cuối cùng của Đức Maria trong Kinh Thánh chính là một sự khích lệ về lòng vâng phục: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2,5)


Đức Maria không chỉ kêu gọi người khác vâng theo ý muốn của Thiên Chúa. Mà hơn hết, chính Mẹ là người đã sống vâng phục với một con tim thuần khiết và vẹn toàn. Có lẽ Đức Maria đã nói lên những lời nổi tiếng nhất trong cuộc truyền tin khi chào đón sứ giả của Thiên Chúa và ước nguyện dâng hiến đời mình cho kế hoạch của Người: “Bấy giờ bà Maria nói: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.’” (Lc 1,38)


Ngày nay, đặc biệt là nơi những cộng đoàn trong Giáo Hội, nơi mà việc tân Phúc Âm hóa được đề cao, thì một biệt ngữ mạnh mẽ đã làm triển nở ý nghĩa của việc trở thành người Công giáo. Chúng ta nghe thấy lời mời gọi để trở thành “những môn đệ nhiệt tâm”, “những người Công giáo nhiệt huyết”, “những xứ đạo tuyệt vời”,... Và những khái niệm này chứa đựng nhiều điều tốt đẹp. Theo lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta cần phải trở nên “mới mẻ nơi lòng nhiệt thành” khi sống và chia sẻ đức tin của mình ngày nay.


Nhưng đôi khi chúng ta lại có thể gặp phải lòng nhiệt thành xen lẫn với tính hung hăng hay tính tự khẳng định mình, và do đó, chúng ta đừng bao giờ quên rằng hành động đầu tiên và cũng là cuối cùng của người Kitô hữu mà chúng ta đã thấy được qua những gì Đức Mẹ đã thực hiện trong cuộc truyền tin, lại chính là điều mà chúng ta có thể gọi là một hành động thụ động. Đức Maria luôn ở trong tư thế sẵn sàng. Đức Maria đón nhận sứ điệp từ thiên thần Gabrien. Đức Maria vốn ở trong tình trạng thụ động trước khi trở nên chủ động. Đức Maria đã lấy lại sự chủ động khi Mẹ biểu lộ đức tin lớn lao của mình qua việc nói lên những lời đã làm khai mở toàn bộ đời sống Kitô hữu, bởi vì những lời đó đã chào đón việc Đức Kitô bước vào thế giới này: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”


Thánh Gioan Phaolô II đã gọi sự thụ lãnh này là một yếu tố chuyên biệt thuộc về “đặc tính của phái nữ”. Nó hoàn toàn ngược lại với tính hung hăng hay thậm chí là tính tự khẳng định mình. Nó cũng hoàn toàn trái ngược với một hành vi tội lỗi. Đó là việc luôn sẵn sàng nhận biết và làm theo ý muốn của Thiên Chúa, để mang Đức Kitô đến với một thế giới đang cần đến Người. Đó là cách bạn xử sự khi ở trong tình trạng “tràn đầy ân sủng”. Đó là một kiểu mẫu cho mỗi người chúng ta trong tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu.


Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Chỉ có một tâm hồn tràn đầy ân sủng như Đức Maria mới có thể nói những lời đó. Mẹ vốn thánh thiện theo một cách hoàn toàn chưa từng có, và vì vậy Mẹ mới có thể nói lên lời “xin vâng” trước một ngỏ ý cũng hoàn toàn chưa từng có đến từ Thiên Chúa.


Ngoài ra, từng thành viên trong Giáo Hội đều có lời “xin vâng” của riêng mình để thưa với Thiên Chúa. Và cũng thật tự nhiên khi lo lắng rằng: vì tâm hồn của tội nhân thì vốn không tràn đầy ân sủng, nên việc thưa “xin vâng” là điều không thể. Hay có thể nói việc thưa “xin vâng” là điều có thể nhưng sống lời “xin vâng” đó với lòng thủy chung bền chặt thì lại là điều không thể. Đôi khi, sau một vài năm sống đời hôn nhân, sau một vài năm sống đời dâng hiến, hay sau một vài năm sống đời linh mục, người Kitô hữu có thể bị cám dỗ để nghi ngờ lời thưa “xin vâng” của mình - cho dù họ có thực sự muốn nói ra điều đó hay không, cho dù họ có khả năng nói ra điều đó hay không, hay cho dù họ có khả năng trung thành với điều đó hay không.


Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI có một số lời an ủi dành cho những ai đang bị cám dỗ để nghi ngờ hay nản lòng. Trong cuốn Tín điều và Giảng thuyết (Dogma and Preaching) của mình, ngài viết: Mầu nhiệm ân sủng diễn ra nơi Mẹ Maria không tạo ra khoảng cách giữa chúng ta và Mẹ, và cũng không làm cho Mẹ trở thành người không thể tiếp cận được, không biến Mẹ trở thành đối tượng của một kỳ quan đơn thuần (và do đó trống rỗng, vô nghĩa). Trái lại, Mẹ trở thành một dấu chỉ an ủi của ân sủng, vì Mẹ rao truyền Thiên Chúa, là Đấng có ánh sáng chiếu soi trên những người chăn chiên ít học và cũng là Đấng có lòng thương xót đã nâng đỡ những kẻ hèn mọn trong dân Israel và thế giới. Mẹ tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng “cao cả hơn lòng chúng ta” (1Ga 3,20) và là Đấng có ân sủng mạnh mẽ hơn tất cả sự yếu đuối của chúng ta. Nếu Gioan Tẩy Giả đại diện cho sự nghiêm nghị qua lời kêu gọi thánh thiêng, thì Đức Maria lại đại diện cho niềm vui ẩn giấu nhưng sâu sắc mà lời kêu gọi đó mang lại.


Hầu như ai cũng có thể nói về ý nghĩa từ lời “xin vâng” hay “fiat” của riêng mình dành cho Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu bằng cách khẳng định rằng mỗi Kitô hữu đều có khả năng nói lên lời “xin vâng” và sống lời “xin vâng” đó cách trung thành, nhờ việc dõi theo mẫu gương của Đức Maria và tin tưởng vào sự giúp sức của Mẹ.


Những năm gần đây, Đức Trinh Nữ Maria thường được mô tả trong các bản văn có uy tín như là “Ngôi sao của Tân Phúc Âm hóa”. Và mặc dù Mẹ Maria hiền lành và khiêm nhường, nhưng chúng ta lại biết rằng Thiên Chúa đã tôn Mẹ lên, nâng Mẹ lên làm Nữ Vương của Trời và Đất. Điều này có làm Mẹ trở nên ngoài tầm với của chúng ta hay không? Đức ông Ronald Knox (1888-1957), nhà giảng thuyết và hộ giáo vĩ đại trong một bài giảng về Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 1954 đã đưa ra một suy ngẫm tuyệt đẹp về sự hòa hợp kỳ diệu trong mối tương quan của Đức Maria với Thiên Chúa và với chúng ta, những đứa con của Mẹ:


Khi Con Thiên Chúa đến thế gian, Người đã đến để xoay chuyển tâm hồn chúng ta ra khỏi thế gian mà hướng về Thiên Chúa. Và trong thân phận lữ hành, chúng ta phải che mắt lại trong khi chiêm ngưỡng quang cảnh ở phía xa, trong khi tìm kiếm một nhân vật mang hình dáng con người có thể mang lại cho mình sự hài hoà giữa những ngoại cảnh xa lạ đó, thì chúng ta, với đôi mắt chói lóa nhìn về phía Thiên Chúa, lại được nhận biết và chào đón một nhân vật mang hình dáng con người hoàn toàn thuần khiết, ở gần với ngai của Người. Một con tàu đã đi qua mũi đất, một số phận đã được định đoạt, một con người đã nên hoàn thiện. Và khi chúng ta dõi theo hình bóng đó, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa rõ ràng hơn, thấy Thiên Chúa vĩ đại hơn, qua kiệt tác từ sự giao thoa của Người với nhân loại.


Đức Maria là một kiểu mẫu của việc loan báo Tin Mừng theo nhiều cách thức. Mẹ hoàn toàn thánh thiện, “tràn đầy ân sủng”. Mẹ Maria còn có một tâm hồn chiêm niệm sâu sắc. Chúng ta đọc được trong Tin Mừng rằng Mẹ “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đức Maria vốn nhận biết về sự khác biệt giữa hai loại sức mạnh mà tâm hồn có thể có: loại sức mạnh giả tạo đến từ một tâm hồn chay cứng và loại sức mạnh thực sự của một tâm hồn chiêm niệm. Một tâm hồn chay cứng có thể chặn đứng những thử thách và đau khổ, những điều luôn cần đến một tình yêu sâu sắc, trong khi tâm hồn chiêm niệm yêu mến Thiên Chúa và tha nhân cách sâu đậm và có thể đón nhận những niềm vui cũng như chịu đựng những thử thách cùng với tình yêu đích thực.


Những tâm hồn chiêm niệm như Đức Trinh Nữ Maria cũng tự mở lòng đón nhận những thực tại lớn lao hơn đến từ Thiên Chúa cũng như sự hiện diện và hành động của Người trong đời sống của chúng ta. Trong khi một trái tim chay cứng lại sợ hãi những gì là mầu nhiệm, sợ hãi bất cứ điều gì không gần gũi, không hiển nhiên và không dễ dàng, một tâm hồn chiêm nghiệm đón nhận những mầu nhiệm về Thiên Chúa, về cuộc sống con người và về mối quan hệ yêu thương mà chúng ta cùng có với Người.


Chúng ta cần ấp ủ tâm hồn chiêm niệm bên trong mình, nếu chúng ta muốn đáp lại sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Chỉ bằng cách nuôi dưỡng tâm hồn chiêm niệm, chúng ta mới sẵn sàng chia sẻ Tin Mừng.


Chúng ta cần phải gắn kết chính mình với ý muốn của Thiên Chúa, với kế hoạch của Người dành cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta cần cầu nguyện cách tha thiết và thường xuyên về các mầu nhiệm cứu độ của chúng ta nơi Đức Kitô. Chúng ta cần có đức khiêm nhường của Mẹ Maria, loại khiêm nhường cần có để chia sẻ Chúa Kitô với thế giới xung quanh chúng ta và để cái tôi của chúng ta dần bị phai nhoà đi. Hãy nghĩ đến tất cả các bức tranh Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng (Madonna and Child) trong các nhà thờ Công giáo trên khắp thế giới. Tất cả đều minh chứng cho quyết tâm của Đức Maria trong việc giới thiệu Con của Mẹ cho thế giới.


Chúng ta cần theo Chúa Kitô đến tận đồi Canvê, giống như Mẹ Maria đã làm. Thánh Phaolô cũng nói với chúng rằng: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh.” (1Cr 1,23) Chúng ta cũng sẽ rao giảng cách có hiệu quả chừng nào chúng ta vẫn còn ở với Đức Kitô trong cuộc khổ nạn và cái chết của Người.


Chúng ta phải đi đến bất cứ nơi nào mà Thiên Chúa sai đến, phải chia sẻ Chúa Kitô cho tất cả những ai mà Người kêu gọi chúng ta đến để loan báo Tin Mừng. Các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Guadalupe, Lộ Đức, Fatima và những nơi khác chứng tỏ sứ mệnh của Đức Mẹ là chia sẻ Tin Mừng về sự chiến thắng của Đức Kitô đối với tội lỗi và sự chết, một chiến thắng mà Mẹ hoàn toàn được chia sẻ trên thiên đàng. Chỉ riêng Đức Mẹ Guadalupe thôi đã dẫn đến hàng triệu cuộc hoán cải để trở về Chúa Kitô và Giáo Hội của Người!


Chúng ta cần phải có lòng nhiệt thành như chính Đức Mẹ Maria. Đây là một chiều kích truyền giáo thường bị bỏ qua. Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse là những người Do Thái nhiệt thành. Các Ngài trung thành thờ phượng Thiên Chúa trong Đền thờ, tại hội đường, và ở quê hương của các ngài là Nazareth.


Các Nghị phụ của Công Đồng Vaticanô II dạy rằng Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu và của việc loan báo Tin Mừng. Lòng nhiệt thành của chúng ta đối với Phụng vụ Thánh và Bí tích Thánh Thể minh chứng cho sự tận hiến của chúng ta trong tư cách là dân Thiên Chúa và điều đó chuẩn bị cho chúng ta hướng đến việc khai phóng Tin Mừng.


Trên hết mọi điều, chúng ta noi theo Đức Trinh Nữ Maria trong việc tôn vinh Thiên Chúa trong mọi sự, ca ngợi Người vì sự tốt lành, quyền năng và lòng thương xót của Người, và bằng cách công bố chiến thắng vĩ đại nhất mà thế giới này từng được biết đến hay sẽ được biết đến, một cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Con yêu dấu của Mẹ, và cũng là Thiên Chúa và Người Anh của chúng ta.
 

Tác giả: Lm. Charles Fox -
Nguồn: Catholic World Report (23/10/2021)

Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

114.864864865135.135135135250