25/01/2016 -

Giáo lý

703
NHỊP CẦU TÌNH YÊU

NHỊP CẦU TÌNH YÊU

Cụm từ “Các Thánh cùng thông công”  đã gợi lên hình ảnh một sợi dây liên kết ba đoàn người cùng diễu  hành trên một quảng trường.

Đoàn người đi đầu mang sắc áo trắng, hớn hở cầm cờ chiến thắng trong dáng điệu oai hùng. Mắt họ rạng lên màu tình yêu. Tốp thứ hai là những người lặng lẽ trong màu áo xám. Mắt họ như đang khắc khoải đợi chờ. Tiếp theo là đông đảo những người với nhiều sắc áo, mắt họ căng lên,  đăm đăm nhìn về phia trước. Ba đoàn người nối đuôi nhau trải dài tạo nên hình thánh  giá. Tất cả đều linh hoạt, sống động  tựa những sợi dây đàn rung lên khi có một ai đó chạm vào, gửi đến không gian những giai điệu xanh.

Bức tranh toàn cảnh trên,  khắc hoạ một thực thể sống động vô hình cũng  như hữu hình của đoàn  dân Thiên Chúa, gồm 3 thành phần: Giáo hội khải hoàn, Giáo hội hữu hình và Giáo hội thanh luyện. Tất cả cùng hiệp thông trong một niềm tin, trong niềm hy vọng phục sinh. Chẳng thế mà trong thánh lễ, các giờ kinh phụng vụ và lời cầu nguyện của Giáo hội luôn nhớ đến các vị Thánh những người đang hiệp hoan trên Thiên quốc,  những người đã khuất, đang ở nơi thanh luyện như nối một nhịp cầu giữa địa cầu và thiên cung, giữa người sống và người chết. Giáo hội xin Chúa ban đức tin, sức chiến đấu cho người trần gian và đưa những người đang đau thương  nơi chốn luyện hình về với Chúa.

Có lẽ tháng  mười một là tháng mà sự hiệp thông cùng các Thánh thể hiện rõ nhất. Hai ngày liên tiếp của đầu tháng làm  sống lại cho chúng ta một sự tưởng nhớ linh thiêng. Sự sống tiếp  nối sự sống, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ca ngợi sự sống bất tận qua lời “ Người chết nối linh thiêng vào đời”. Cái vĩnh cửu và hữu hạn của vũ trụ luôn xoáy trộn vào nhau và quả thật : “ Sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi  ( Kinh tiền tụng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời). Thế giới này thật là huyền nhiệm, có thể nói như Van Kaam  “ điệu nhẩy vũ trụ” đó sự hài hoà của tâm linh.

Do vậy, đứng trước biên giới của cuộc đời, giữa cõi linh thiêng và cõi nhân sinh, người môn đệ Chúa Ki tô phải trở nên chứng nhân sự hoà điệu của đất trời. Thập giá của Đức Ki tô là mạc khải tuyệt đỉnh của tình yêu lên trên sự dữ và chiến  thắng sự dữ. Một chiến thắng  không bằng sức mạnh vật chất, khoa học kỹ thuật  nhưng bằng tình yêu khi Ngài chấp nhận cái chết để chứng minh tình yêu.

Các Thánh đều đã chạm đến tình yêu, nhưng chỉ chạm đến thì chưa đủ mà phải biến tình yêu thành nguồn mạnh sự sống. Giáo hội khải hoàn đã phải trả rất đắt cho tình yêu để được sống trong tình yêu. Giáo hội đau khổ đã chạm đến tình yêu nhưng để vuột mất tình yêu. Giáo hội lữ hành đang chiến đấu để đoạt lấy tình yêu và để chuyển tình yêu đến Giáo hội đau khổ. Sống hay chết, tất cả là hạnh phúc nếu chúng ta sống niềm tin vào sự sống trường tồn của tình yêu vì Thiên Chúa là tình yêu.

Học viện – NTĐ

 

 

114.864864865135.135135135250