02/11/2021 -

Giáo lý

327
Nơi chốn của niềm hy vọng

Bước đi trên con đường có các ngôi mộ chúng ta như lạc vào vùng đất của quá khứ. Đây là những lời mô tả con đường khoa học của Johann Jakob Bachofen, nhà nghiên cứu vĩ đại của thế kỷ XIX về các nền văn hóa suy tàn. Ngay từ ban đầu, con người đã quan tâm đến những người đã khuất, cố gắng giúp đỡ để mang lại cho họ một cuộc sống thứ hai. Vì vậy, thế giới quá khứ của những người đã từng sống ở trần gian vẫn còn trong thế giới của người đã khuất. Cái chết đã bảo tồn những gì mà sự sống không thể bảo tồn. Những ngôi mộ, vốn phản chiếu thế giới của người đã chết, là nơi tốt nhất dạy cho chúng ta biết cách con người đã từng sống, những gì họ đã từng yêu thương, lo sợ, hy vọng và chán ghét. Và hiện nay, không nơi nào khác cho chúng ta cảm nghiệm nhiều về Kitô giáo tiên khởi cho bằng nơi các hang toại đạo. Khi rảo qua những lối đi tối tăm, chúng ta như vượt qua dòng thời gian và đang được dõi theo bởi những người đã gìn giữ ở đây nỗi đau và niềm hy vọng.

Tại sao lại như vậy? Có thể vì nhiều lý do. Nhưng chắc chắn lý do thực sự là cái chết trong hiện tại cũng như quá khứ, luôn làm chúng ta quan tâm. Và nếu những lý do ấy có trở nên xa lạ với chúng ta theo thời gian, thì cái chết vẫn cứ như vậy. Nơi những dòng chữ thường vụng về mà cha mẹ khắc cho con cái, vợ hay chồng khắc cho nhau khi lập bia mộ, nơi diễn tả nỗi đau thương và tín thác của họ, chúng ta lại nhận ra chính mình. Hơn nữa, đối diện với câu hỏi tăm tối về cái chết, tất cả chúng ta đều tìm kiếm manh mối nào đó cho phép mình hy vọng, tìm một hướng đi, một sự an ủi nào đó. Bất cứ ai đi trên những con đường trong các hang toại đạo thì không chỉ cảm thấy liên đới với tất cả đau thương của con người được thể hiện ở đó. Họ hoàn toàn không thể đón nhận nỗi u sầu của quá khứ, nỗi u sầu đó hoàn toàn thấm đẫm sự chắc chắn của ơn cứu độ. Con đường chết chóc này trên thực tế lại là con đường hy vọng. Bất cứ ai đi trên con đường này đều chia sẻ một đôi điều về niềm hy vọng mà tất cả các hình ảnh và chữ viết trong hang toại đạo muốn diễn tả.

Chắc chắn chúng ta vẫn chưa thể nói gì nhiều về thái độ của mình đối với cái chết. Trên thực tế, tại sao chúng ta lại sợ chết? Tại sao con người chưa bao giờ có thể đơn giản tin rằng chẳng có gì xảy ra sau khi chết? Có rất nhiều lý do. Đầu tiên, chúng ta sợ chết đơn giản vì sợ sự trống không, sợ bước ra cái hoàn toàn chưa biết. Chúng ta phản kháng chống lại cái chết vì đơn giản không thể tin rằng nhiều điều tuyệt vời và có ý nghĩa trong cuộc đời lại đột nhiên bị rơi vào quên lãng. Chúng ta chống lại cái chết vì tình yêu đòi hỏi sự vĩnh cửu và vì chúng ta không thể chấp nhận cái chết phá hủy tình yêu. Chúng ta sợ chết vì không ai trong chúng ta có thể hoàn toàn rũ bỏ cảm giác sẽ có một cuộc phán xét, lúc đó tất cả ký ức về những thất bại nổi lên cách trần trụi khiến chúng ta quan tâm tìm cách đè nén. Vấn đề phán xét đã để lại dấu ấn trong văn hóa tang lễ của mọi thời đại. Tình yêu bao bọc người đã khuất cần bảo vệ người ấy. Lòng biết ơn lớn lao đi theo họ có tác động đến cuộc phán xét này - vì vậy con người đã và đang suy tư.

Ngày nay, con người sống theo lý trí, ít là chúng ta nghĩ như vậy. Chúng ta muốn những gì rõ ràng, chứ không phải những gì gần như rõ ràng. Do đó, chúng ta muốn trả lời câu hỏi về cái chết, không phải bằng đức tin, mà bằng dữ liệu thực nghiệm có thể kiểm chứng được. Cách đây không lâu, các báo cáo về người chết lâm sàng đã trở nên phổ biến, tinh tế, và kỳ lạ, nhưng một lần nữa lại đang dần biến mất. Tác động làm dịu vấn đề mà các báo cáo này đem lại không tiến xa được. Người ta có thể khá thích thú khi lơ lửng một vài giờ ở đâu đó trong phòng và rồi vui vẻ, xúc động, nhìn xuống xác chết của một ai đó cùng với những người đang đau buồn. Nhưng chắc chắn người ta không thể bận rộn như vậy mãi được. Trong khi đó, một số người lại theo đuổi thực nghiệm bằng cách trở lại với những gì hoàn toàn cổ xưa, tìm kiếm thuật chiêu hồn, giả dạng ít nhiều dưới các hình thức khoa học tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên kia cái chết. Nhưng thậm chí viễn cảnh này cũng chẳng sáng sủa gì. Tuy nhiên, ở đây những gì người ta tìm thấy cũng chỉ là bản sao của cuộc sống này mà thôi. Nhưng quả thật còn ý nghĩa gì nữa khi phải hiện hữu lại lần thứ hai mà không có không gian hay thời gian? Trên thực tế, đó là cách mô tả chính xác về hỏa ngục. Phút chốc, cuộc sống của chúng ta không còn tạm bợ, hay là bản sao nữa mà khi ấy sẽ thực sự là đọa đày mãi mãi. Cuộc sống trần thế của chúng ta có khung thời gian, và vì vậy chúng ta có thể vượt qua thời hạn này. Chúng ta không thể chịu đựng cuộc sống đó mãi mãi. Nhưng rồi sao nữa? Chúng ta không muốn chết, và cũng không muốn cuộc sống ấy mãi mãi. Có phải con người mâu thuẫn và sai lầm tự bản chất hay không?

Chúng ta hãy ghi nhớ những vấn nạn này trong lòng khi đi dọc theo các con đường nơi hang toại đạo. Chỉ những ai có thể nhìn thấy hy vọng ngay trong cái chết mới có thể sống một cuộc sống đầy tràn hy vọng. Điều gì đã tạo ra khả năng xác tín phấn khởi như vậy cho những người đã để lại nơi đây biểu tượng đức tin của họ, vốn vẫn ngỏ lời với chúng ta hôm nay trong bóng tối của những lối đi dưới lòng đất? Trước tiên, họ hoàn toàn hiểu rõ rằng con người phải tự lo cho chính mình, hoàn toàn giới hạn nơi hiểu biết thực nghiệm, thì chẳng có ý nghĩa gì. Họ cũng chắc chắn rằng việc kéo dài cuộc sống hiện tại của bản thân đến vô hạn sẽ thật vô lý. Nếu sự cô lập là chết chóc, rất buồn chán ngay cả trong cuộc sống trần thế và nếu chỉ có hiện-hữu-trong-tương-quan hay tình yêu, mới nâng đỡ chúng ta, thì sự sống vĩnh cửu chỉ có ý nghĩa trong một tổng thể khá mới mẻ của tình yêu vốn vượt qua tất cả sự tạm bợ.

Vì các Kitô hữu thời đó đã biết như vậy, nên họ cũng nhận ra rằng chỉ có thể hiểu con người khi có Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa hiện hữu - đối với họ, hạn từ “nếu” này không còn là “nếu” nữa, và trong hạn từ đó có bao hàm câu trả lời. Thiên Chúa đã bước ra khỏi khoảng cách vô định của Ngài và bước vào cuộc sống của họ khi nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Và vẫn còn những lời khác soi sáng cho bóng tối sự chết: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Những lời của Đức Giêsu trên Thập giá với tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Ngài: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43) chiếu sáng nỗi sợ phán xét. Trên hết: Đức Giêsu đã phục sinh và nói rằng: “Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở . . . Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14,2). Sự hiện hữu của Thiên Chúa không còn là một điều kiện “nếu” xa vời nữa. Ngài thực sự là như vậy. Thiên Chúa tự mạc khải chính mình, và là Đấng dễ gần gũi [đối với con người].

Như thế, mọi thứ khác sẽ ổn định. Vì nếu đang có một Thiên Chúa hiện hữu và nếu vị Thiên Chúa ấy đã và đang cần con người, thì rõ ràng tình yêu của Ngài có thể thực hiện điều chúng ta mong muốn nhưng không thể thực hiện được, đó là vẫn giữ sự sống của người mình thân yêu sau khi họ chết. Những biểu tượng của sự phó dâng và lòng trung nơi nghĩa trang thực sự là nỗ lực của tình yêu để một cách nào đó, giữ chặt người quá cố, tuy nhiên, lại là để trao cho họ một phần khác của cuộc sống. Và thực sự, họ vẫn tiếp tục sống một chút nào đó nơi chúng ta - không phải chính người quá cố, mà là một điều gì đó của họ. Thiên Chúa có thể giữ nhiều hơn thế — không chỉ là tư tưởng, ký ức, hậu quả của cái chết, mà đúng hơn là chính bản thân mỗi một người. Tương tự như vậy, các lối tiếp cận của triết học cũ cũng có ý nghĩa đối với người Kitô hữu. Triết học này nói rằng, nếu bạn muốn sống bên kia cái chết, bạn phải có nơi bản thân mình càng nhiều càng tốt những điều thuộc về vĩnh cửu: chân lý, công bình và thiện hảo. Bản thân bạn càng có nhiều những điều ấy thì con người và chính bạn càng tồn tại. Hoặc đúng hơn: bạn phải gắn mình vào vĩnh cửu để thuộc về cũng như chia sẻ sự vĩnh cửu. Nắm chặt chân lý, và như thế bạn sẽ thuộc về Đấng không thể hủy diệt — tư thế ấy giờ đây trở nên thật thực tế và gần gũi: Hãy giữ chặt Đức Kitô; Ngài sẽ đưa bạn qua đêm đen của cái chết mà chính Ngài đã vượt qua. Bằng cách này, sự bất tử có ý nghĩa. Nó không còn là sự sao chép vô tận của hiện tại mà đúng hơn là một cái gì đó hoàn toàn mới nhưng vẫn là sự vĩnh cửu của chúng ta: ở trong tay Thiên Chúa và do đó, nên một với tất cả những anh chị em mà Ngài đã dựng nên cho chúng ta, trở nên một với tạo thành — cuối cùng đó là cuộc sống đích thực, mà bây giờ chúng ta chỉ có thể nhìn thấy qua màn sương mờ. Nơi đâu không có câu trả lời cho vấn nạn về Thiên Chúa, thì cái chết vẫn là một vấn đề nan giải, tàn ác và mọi câu trả lời khác đều dẫn đến mâu thuẫn. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa hiện hữu, tức vị Thiên Chúa đã tự mạc khải mình nơi Đức Giêsu Kitô, thì có sự sống đời đời, và như thế sự chết cũng là con đường hy vọng.

Chính kinh nghiệm mới này đã mang lại cho các hang toại đạo nét đặc biệt. Nhiều hình ảnh bị phá nát hoặc phai mờ do sự hủy hoại của thời gian. Nhưng sự rực rỡ của những hình ảnh ấy không mất đi chút nào qua nhiều thế kỷ và trên hết là không đánh mất chân lý về niềm hy vọng đã sinh ra chúng. Có ba thiếu niên trong lò rực lửa; Giona thấy lại ánh sáng khi kình ngư nhả ông ra; Đanien trong hang sư tử và nhiều trường hợp khác nữa. Hình ảnh đẹp nhất là Người mục tử Nhân lành, mà đi theo sự hướng dẫn của Ngài chúng ta có thể tin tưởng không sợ hãi vì Ngài biết đường băng qua thung lũng tối tăm của sự chết. “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì … dầu qua lũng âm u tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng” (Tv 22,1.4).
 
Nguồn sách: Joseph Ratzinger, Images of Hope, Translated by John Rock (San Francisco: Ignatius Press, 2006)
Chuyển ngữ: Phêrô Bùi Đức Trịnh -
Nguồn: Giáo Phận Nha Trang (01/11/2021)
114.864864865135.135135135250