13/06/2022 -

Giáo lý

490
Thiên Chúa có cảm xúc không?


Thiên Chúa, hữu thể hoàn hảo và bất biến, có thể chịu sự chi phối của cảm xúc không ? Vấn đề đã được tranh luận từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Nó được liên kết chặt chẽ với niềm tin vào sự Nhập thể, vốn nhìn thấy nơi Chúa Giêsu-Kitô con người thật cũng như Thiên Chúa thật.

Thiên Chúa có thể bất khả cảm thụ không ?


Chính khái niệm về Thiên Chúa bao gồm sự kiện rằng Ngài là Đấng hoàn hảo, nghĩa là không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, những cảm xúc vốn cho thấy sự thay đổi trạng thái  tâm lý. Trên thực tế, tính bất khả cảm thụ của Thiên Chúa, hữu thể « không được tạo thành, vĩnh cửu, vô hình, bất khả cảm thụ, bất khả nắm bắt, vô hạn » này, theo Arnobe  l’Ancien, là một khái niệm mà tất cả các nhà thần học đều đồng ý. Frédéric Gabriel, giám đốc nghiên cứu ở CNRS (1), xác nhận : « Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đa số các tác giả đều bảo vệ ý tưởng về một vị Thiên Chúa bất biến. Họ trả lời cho những người ngoại giáo và những người theo thuyết ngộ đạo, vốn cho rằng một Thiên Chúa giận dữ là một Thiên Chúa thấp kém, vì bị chi phối bởi một cảm xúc ». Quả thế, vào thời Cổ đại, các cảm xúc được quan niệm một cách tiêu cực, ngụ ý khả năng cảm thụ khi đối diện với một nguyên nhân bên ngoài. Thánh Irênê đã viết trong quyển II của cuốn Khảo luận chống lạc giáo của mình : « Thật nghịch đạo khi gán sự vô tri và đam mê cho Cha của vạn vật. »
 

Vào thế kỷ XIII, thánh Tôma Aquinô trả lời cho vấn nạn này bằng một tam đoạn luận : cảm xúc giả thiết một thân xác, nhưng Thiên Chúa không có thân xác, vì thế Thiên Chúa không bị chi phối bởi cảm xúc. Frédéric Gabriel nhấn mạnh : « Luận đề này đôi khi bị chỉ trích vì quá lệ thuộc vào triết học Hy Lạp ». Tuy nhiên, trong chính Thánh Kinh, có những quy chiếu đến tính bất biến của Thiên Chúa. Chúng ta có thể đọc trong Sách Malakhi : « chính Ta là Đức Chúa, Ta không hề thay đổi; còn các ngươi là con cái Gia-cóp, các ngươi vẫn là thế » (3, 6). Trong thư của mình, thánh Giacôbê nói về « Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng » (1, 17).


Thánh Kinh nói gì với chúng ta về cảm xúc của Thiên Chúa ?


Như chúng ta vừa thấy, nếu Thánh Kinh cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa bất biến, thì nó cũng có thể cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa ghen tương, giận dữ, yêu thương, buồn bã…Từ sách Sáng thế ký (6,6), « Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng ». Giêrêmia nói tiên tri : « Lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật nhiều » (31, 20). Chúng ta còn đọc thấy trong Sách Xuất Hành : « Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương » (20, 5). Nhưng, như Frédéric Gabriel nói rõ, từ vựng phải được giải mã. « Từ tiếng Hy Lạp zelotypia không gợi lên mối tương quan ghen tương như chúng ta hiểu theo cách yêu đương, nhưng là mối tương quan độc quyền giữa Thiên Chúa và dân Ngài, vốn đòi hỏi một sự hỗ tương và sự trung tín. » Ông còn phân tích rằng sự giận dữ của Thiên Chúa là « một dấu hiệu tu từ, một cách diễn tả sự cấp bách sửa chữa giao ước đã bị làm hỏng. »
 

Một trong những chìa khóa để hiểu là khử tâm lý lần đọc hời hợt đầu tiên vốn tỏ ra sai lầm, vì lối giải thích theo nghĩa đen không thể vận dụng được. Về phần mình, Emmanuel Durand, thần học gia dòng Đaminh, giải thích trong cuốn sách bàn về cảm xúc của Thiên Chúa (2) : « Những khác biệt và những đặc tính của các cảm xúc của Thiên Chúa chỉ có thể phân biệt được từ ngôn ngữ chung của các cảm xúc con người .» Trình thuật Thánh Kinh không phải là một tư tưởng thần học. Từ vựng của nó là từ vựng của một bản văn tường thuật. Cho thấy Thiên Chúa bị ảnh hưởng bởi cảm xúc là một phép ẩn dụ, sử dụng thuyết nhân hình cho phương pháp sư phạm, một « phép loại suy không sát », theo thánh Tôma Aquinô. Vì thế, như Frédéric Gabriel phân tích, nói về cảm xúc của Thiên Chúa là « nói đến con người và mối tương quan khó khăn của họ với những gì vượt quá họ, quan tâm đến tính tự say mê bản thân không thể vượt qua của họ. »

Các Giáo phụ nói gì về cảm xúc  của Thiên Chúa ?


Nếu các Giáo phụ nhấn mạnh đến sự kiện rằng, vì Thiên Chúa là Đấng bất cảm thụ, những từ ngữ mô tả các cảm xúc của Ngài chỉ là những công cụ thích ứng với ngôn ngữ của con người, nên Lactance, tác giả của cuốn « Bàn về sự tức giận của Thiên Chúa » vào thế kỷ thứ ba, đã phân biệt tính bất cảm thụ với tính bất động. Đối với ông, các cảm xúc của Thiên Chúa là rất đặc thù, hướng đến công lý và nhằm mạc khải sự hiện diện của Thiên Chúa cho thế giới. Chẳng hạn, nói rằng Thiên Chúa tức giận có nghĩa là Ngài quan tâm đến các thụ tạo. Cũng vào thời đó, Tertulianô đã khai triển ý tưởng về sự tức giận như là dấu hiệu quyền năng của Thiên Chúa, tuy nhiên Ngài hoàn toàn bất biến, nên những tình cảm và cảm xúc của Ngài không liên quan đến các đam mê của con người. Trào lưu thần học này, vốn suy nghĩ về một loại khả năng cảm thụ của Thiên Chúa khác với một cách nói đơn giản, được đại diện bởi các nhà thần học đương đại như Paul Gavrilyuk (3) và Thomas Weinandy (4).
 

Các cảm xúc của Chúa Giêsu gắn liền với nhân tính hay thần tính của Ngài ?
 

Trên thực tế, suy tư về tính cảm thụ của Thiên Chúa tập trung nhiều vào Chúa Giêsu hơn là vào Thiên Chúa của Cựu Ước. Sự mới mẻ lớn lao là ở chỗ Thiên Chúa, khi nhập thể, đã chịu sự chi phối của cảm xúc. Giữa ảo thân thuyết, một học thuyết từ chối nhìn nhận bản tính nhân loại nơi Chúa Giêsu vì điều đó khiến cho Ngài nhạy cảm với nỗi đau khổ, và nhất vị thuyết của Noët de Smyrne vốn cho rằng, qua Chúa Kitô, Thiên Chúa đã đau khổ trên thập giá, « nhiều tác giả đã gán những cảm xúc cho phần nhân tính của Chúa Giêsu để cứu lấy tính bất cảm thụ của Thiên Chúa », Frédéric Gabriel giải thích. Tuy nhiên, theo Origène, chính Chúa Cha không phải là Đấng bất cảm thụ : « Chính Chúa Cha, Thiên Chúa của Vũ Trụ, đầy lòng khoan dung và thương xót, chẳng phải là Ngài đau khổ cách nào đó ? » (Bài giảng về Êdêkien, VI, 6). Sự đồng cảm này của Thiên Chúa được biểu lộ cách đặc biệt qua việc Nhập Thể. Đối với thánh Lêô Cả, vị Giáo hoàng tại công đồng Chalcédoine, nơi tuyên bố sự phân biệt giữa hai bản tính của Chúa Kitô, những đau khổ của Ngôi Lời nhập thể đã chảy ngược trở lại đến tận Hữu Thể bất khả cảm thụ. Ngài giải thích trong bài giảng XVII về cuộc Thương khó : « Vì thế, những gì xác thịt của Ngôi Lời đã chịu đau khổ là không phải nỗi đau khổ của Ngôi Lời, nhưng của xác thịt ; tuy nhiên, những lời sỉ nhục và khổ hình của Ngài chảy ngược trở lại đến tận Ngôi Lời bất khả cảm thụ, để chúng ta có thể nói cách chính đáng rằng chính Ngài đã phải chịu những gì Ngài đã cho phép trên thân thể của Ngài. »
 

Sự đau khổ này có một chiều kích cứu độ : nếu Chúa Kitô đã không đau khổ với tư cách là một con người với những con người, thì Ngài đã không cứu chuộc được tội nguyên tổ. Frédéric Gabriel nhấn mạnh : « Những cảm xúc của Chúa Giêsu quả là những cảm xúc đích thực. Tuy nhiên, Chúa Kitô đã chiến thắng ra khỏi đó, điều đó có thể biểu lộ tính bất khả cảm thụ của Thiên Chúa .»

 

(1) Ông đã hướng dẫn cùng với Chrystel Bernat tác phẩm Émotions de Dieu. Attributions et appropriations chrétiennes (XVIe – XVIIIe siècle), Brepols, 2019.
(2) Emmanuel Durand, Les Émotions de Dieu, Cerf, 2019.
(3) Tác giả của The Suffering of the Impassible God, Oxford, 2004.
(4) Đặc biệt là tác giả của Does God Suffer ?, University of Notre Dame, 2000.

—————————————————-

Clémence Houdaille
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: croire.la-croix.com)

Nguồn: https://xuanbichvietnam.net

114.864864865135.135135135250