13/04/2023 -

HỌC GIÁO LÝ VỚI ĐỨC THÁNH CHA

192
Giáo lý về loan báo Tin Mừng - bài 11: CÁC CHỨNG NHÂN,THÁNH PHAOLÔ 2

 

Anh chị em thân mến,


Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về lòng nhiệt thành tông đồ, chúng ta đã suy tư về mẫu gương của thánh Phaolô Tông đồ. Từ kinh nghiệm ban đầu của ngài như là một kẻ bách hại Giáo hội, thánh Phaolô đã ý thức rõ về mối nguy hiểm của lòng nhiệt thành sai lệch, hay một lòng nhiệt thành không được thúc đẩy bởi tình yêu Chúa Kitô nhưng bằng hư danh hay tự khẳng định bản thân. Thay vào đó, thánh Phaolô dạy, lòng nhiệt thành đích thực đối với Tin Mừng là hoàn toàn tập trung vào Chúa Kitô và quyền năng phục sinh của Ngài. Trong các thư của mình, thánh Phaolô sử dụng hình ảnh mặc “áo giáp của Thiên Chúa” và kêu gọi thính giả hãy “đi giày” trong sự sẵn sàng loan báo Tin Mừng bình an (x. Êp 6, 13). Hình ảnh này thật hùng hồn, vì đôi chân của một người loan báo Tin Mừng phải vững vàng nhưng không ngừng chuyển động, luôn sẵn sàng đương đầu với những hoàn cảnh mới trong nỗ lực loan báo Tin Mừng một cách sáng tạo và xác tín. Chớ gì mỗi người chúng ta, trong những hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày của mình, tỏ ra nhiệt thành trong việc phân định khi nào và cách nào tốt nhất để loan báo Chúa Giêsu phục sinh và lời hứa của Ngài về sự sống viên mãn và bình an.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha ngày 12/4/2023:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em !


Hai tuần trước, sau khi thấy lòng nhiệt thành cá nhân của thánh Phaolô đối với Tin Mừng, giờ đây chúng ta có thể suy tư sâu xa hơn về lòng nhiệt thành Tin Mừng như chính ngài nói về và mô tả nó trong một số bức thư của mình.


Qua kinh nghiệm bản thân, thánh Phaolô không ý thức được mối nguy hiểm của một lòng nhiệt thành méo mó, đi sai hướng. Chính ngài đã rơi vào mối nguy này trước khi Chúa cho ngã xuống trên đường đi Đa-mát. Đôi khi chúng ta phải đối phó với lòng nhiệt thành sai hướng, ngoan cố tuân thủ các quy tắc thuần túy nhân loại và lỗi thời đối với cộng đồng Kitô hữu. Thánh Tông đồ viết : « Họ nhiệt thành với anh em không phải vì mục đích tốt » (Gl 4, 17). Chúng ta không thể phớt lờ mối quan tâm mà một số người cống hiến mình cho những mục tiêu sai trái ngay cả trong chính cộng đồng Kitô giáo ; người ta có thể kiêu hãnh về một lòng nhiệt thành Tin Mừng giả tạo trong khi thực sự đang theo đuổi hư danh hoặc xác tín của mình hoặc một chút tình yêu bản thân.


Vì lý do này, chúng ta tự hỏi, theo thánh Phaolô, đâu là những đặc điểm của lòng nhiệt thành Tin Mừng đích thực ? Đoạn văn chúng ta nghe lúc đầu dường như hữu ích cho việc này, một danh sách « các vũ khí » mà thánh Tông đồ chỉ ra cho cuộc chiến đấu thiêng liêng. Trong số đó có sự sẵn sàng loan truyền Tin Mừng, được một số người dịch là « lòng nhiệt thành » – người này nhiệt thành thực hiện những ý  tưởng này, những  điều này – và được họ coi là « chiếc giày ». Tại sao ? Lòng nhiệt thành đối với Tin Mừng liên quan thế nào đến những gì bạn mang trên đôi chân ? Ẩn dụ này được lấy từ một đoạn văn của ngôn sứ Isaia nói như sau: « Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xi-on rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”» (52, 7).

Ở đây cũng vậy, chúng ta thấy nói đến đôi chân của người loan báo tin mừng. Tại sao? Bởi vì người đi loan báo phải di chuyển, phải bước đi! Nhưng chúng ta cũng ghi nhận rằng thánh Phaolô, trong đoạn văn này, nói về giày dép như một phần của bộ áo giáp, theo sự tương tự như trang bị của một người lính khi ra trận: trong chiến đấu, điều cần thiết là phải giữ bước chân an toàn để tránh những cạm bẫy của địa hình – bởi vì kẻ địch thường đặt những cạm bẫy trên chiến trường – và để có sức mạnh để chạy và di chuyển đúng hướng. Vì thế, giày là để chạy và tránh tất cả những thứ này của kẻ địch.
 

Lòng nhiệt thành Tin Mừng là chỗ dựa cho việc loan báo, và những người loan báo phần nào giống như đôi chân của thân thể Chúa Kitô là Giáo hội. Không có loan báo mà không có chuyển động, không có « đi ra», không có sáng kiến. Điều này có nghĩa là không có Kitô hữu nếu không di chuyển; không có Kitô hữu nếu Kitô hữu không ra khỏi chính mình để lên đường và mang lời loan báo. Không có lời loan báo mà không có chuyển động, không có bước đi. Người ta không loan báo Tin Mừng bằng cách đứng yên, nhốt mình trong văn phòng, tại bàn làm việc hay trước máy vi tính, tranh luận như « những anh hùng bàn phím »  và thay thế tính sáng tạo của việc loan báo bằng những ý tưởng sao chép và dán, lấy từ chỗ này chỗ kia. Tin Mừng được loan báo bằng cách di chuyển, bằng cách bước đi, bằng cách đi.


Thuật ngữ được thánh Phaolô sử dụng để chỉ giày của người mang Tin Mừng là một từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là sẵn sàng, chuẩn bị, hoạt bát. Nó trái ngược với sự trễ nãi, vốn không tương thích với tình yêu. Trên thực tế, ở nơi khác thánh Phaolô nói: « nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa »  (Rm 12, 11). Thái độ này là thái độ được đòi hỏi trong Sách Xuất Hành để cử hành hy lễ giải thoát trong lễ Vượt Qua: « Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Aicập » (12, 11-12a).

Một người loan báo thì sẵn sàng ra đi, và biết rằng Chúa đi ngang qua cách lạ lùng. Vì thế, họ phải tự do với những kế hoạch và chuẩn bị cho một hành động mới và bất ngờ: chuẩn bị cho những điều bất ngờ. Người loan báo Tin Mừng không thể bị hóa thạch trong những cái lồng của sự hợp lý hay ý tưởng rằng « mọi việc luôn được thực hiện theo cách này », nhưng sẵn sàng đi theo một sự khôn ngoan vốn không thuộc về thế gian này, như thánh Phaolô nói khi nói về chính mình: «Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa » (1Cr 2, 4-5).


Thưa anh chị em, đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải có sự sẵn sàng cho sự mới mẻ của Tin Mừng, thái độ bao gồm sự năng động, có sáng kiến, đi trước. Nó có nghĩa là không bỏ qua những cơ hội loan báo Tin Mừng bình an, sự bình an mà Chúa Kitô biết cách trao ban nhiều hơn và tốt hơn thế gian ban tặng.

Và vì lý do này, tôi mời gọi anh chị em hãy trở thành những người loan báo Tin Mừng, chuyển động, không sợ hãi, tiến bước, để mang vẻ đẹp của Chúa Giêsu, mang lại sự mới mẻ của Chúa Giêsu, Đấng thay đổi mọi sự. « Vâng, thưa Cha, Ngài thay đổi lịch, bởi vì bây giờ chúng ta tính các năm bắt đầu từ Chúa Giêsu…» Nhưng Ngài cũng thay đổi tâm hồn chứ? Và anh chị em có sẵn sàng để cho Chúa Giêsu thay đổi tâm hồn mình không? Hay anh chị em là một Kitô hữu nguội lạnh, không di chuyển? Hãy suy nghĩ về điều đó: Anh chị em là một người nhiệt thành của Chúa Giêsu, anh chi em đang tiến tới không? Hãy suy nghĩ về điều đó một chút.

————————————–

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:


Hôm qua đánh dấu kỷ niệm 60 năm thông điệp Pacem in terris (Hòa bình dưới thế), mà Thánh Gioan XXIII đã ngỏ với Giáo hội và thế giới lúc ở cao điểm của sự căng thẳng giữa hai khối đối lập trong cái gọi là Chiến tranh Lạnh. Đức Thánh Cha đã mở ra trước mắt mọi người một chân trời rộng lớn để nói về hòa bình và xây dựng hòa bình: kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế giới và gia đình nhân loại. Thông điệp đó là một phúc lành thực sự, giống như một thoáng thanh thản giữa những đám mây đen. Sứ điệp của nó rất đúng lúc. Chỉ cần trích dẫn đoạn văn này: “Mối quan hệ giữa các quốc gia, cũng như giữa các cá nhân, không được điều chỉnh bằng vũ lực, mà phải tuân theo các nguyên tắc của lý trí đúng đắn: các nguyên tắc, đó là, sự thật, công lý và sự hợp tác mạnh mẽ và chân thành.” Tôi mời gọi các tín hữu và những người nam nữ thiện chí hãy đọc Pacem in terris, và tôi cầu nguyện để các Nguyên thủ Quốc gia có thể được truyền cảm hứng từ đó trong các kế hoạch và quyết định của họ.

————————————-

Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)

114.864864865135.135135135250