18/12/2019 -

HỌC HỎI

498
Lời Khấn- Chiều Kích Năng Động


1. Lời khấn được hiểu thế nào?

“Lời Khấn” được hiểu theo nghĩa lời thề hứa có ý thức và có tính cách tự nguyện trước mặt Thiên Chúa về một điều thiện hảo. Một điều mà làm thì tốt hơn là không làm.  Khấn là một hành vi của nhân đức thờ phượng, nhân đức này buộc người tuyên khấn phải chu toàn bổn phận của mình. Hiến chế Tín Lý về Giáo hội (Lumen Gentium) của Công Đồng Vaticanô II chỉ rằng: “Qua việc tuyên khấn các Kitô hữu tự buộc mình thực thi ba lời khuyên Phúc Âm, hiến thân hoàn toàn cho Chúa, phụng sự và làm vinh danh Chúa với một danh nghĩa mới” (số 44) và “Với quyền hành Chúa ban, Giáo hội nhận lời tuyên khấn” (số 45).

Công Đồng Vaticanô II từ số 12 đến số 14 trong Sắc lệnh về việc Canh tân thích nghi đời sống tu trì (Perfectae Caritatis) cũng nói đến đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục của người tu sĩ đang sống giữa thế gian. Đó là những hồng ân cao cả dành cho người hiến thân phụng sự. Đó cũng là lễ vật dâng lên Thiên Chúa của người sống đời thánh hiến.

Theo nghĩa này, chúng ta hiểu “lời khấn" như một sự “hiến dâng” và khấn hứa là dâng mình cho Thiên Chúa. Lời khấn dòng là xin Thiên Chúa ban chính Người cho chúng ta và chúng ta tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Như thế, người tu sĩ qua lời khấn được hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa trong Giáo hội của Người, nhờ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

2. Lời khấn - chiều kích năng động

Khai triển “Lời Khấn’ dưới chiều kích năng động, nhằm nêu bật nét phong phú của đời sống thánh hiến, dưới sự thúc đẩy của Thiên Chúa trong một đoàn sủng của Giáo hội. Một giao ước tình yêu, được năng động dưới chiều kích của sự tự do và ân ban, mang lại hoa trái cho đoàn sủng trong Giáo hội, đồng thời diễn tả khuôn mặt rạng ngời vinh quang Thiên Chúa. Đấng đã không ngừng tỏ hiện quyền năng của Ngài để yêu thương và cứu rỗi nhân loại.

a. Hình thái năng động

Từ ngữ “năng động” thực ra bao hàm rất rộng, nhưng ở đây chỉ muốn diễn tả hình thái sinh động của việc sống ba lời khấn, đối với những người theo sát Đức Kitô, dưới tác động của Thiên Chúa trong đoàn sủng một Hội dòng. Vì thực tại đời sống thánh hiến của một Hội dòng không chỉ thuần túy trên một lối mòn của truyền thống sẵn có, nhưng luôn mở ra cách mới mẻ trên những gì căn bản của truyền thống đoàn sủng một Hội dòng thể hiện.

Một lý giải khác để hiểu về chiều kích năng động và mới mẻ của đời sống thánh hiến trong một đoàn sủng của Hội dòng dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8). Quả thế Chúa Thánh Thần đã làm dấy lên những cách diễn tả mới của đời thánh hiến nơi các khuôn mặt khác nhau trong cùng một đoàn sủng (Hội dòng) để nói lên nét phong phú của đoàn sủng ấy với kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, hầu đáp ứng những nhu cầu mới của thời đại.

Một năng lực mới từ Đức Kitô được đưa vào đoàn sủng như bằng chứng về ân sủng của Chúa Thánh Thần, diễn tả những cách thức mới mẻ của việc hiến dâng. Sống ba lời khấn trong chiều kích tình yêu, bằng sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố nhân loại với sự thánh hóa đỡ nâng của ân sủng. Trong chiều hướng này, khi một hình thái tìm cách làm mới mẻ những lối mòn của đoàn sủng (Hội dòng) từ bên trong, bằng sức mạnh của các mối phúc, theo cách thức của lòng yêu mến và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, thì họ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, để đi trong đoàn sủng ấy và hiến mình trọn vẹn để phục vụ Người.

Dưới tác động của Thiên Chúa, họ trở nên những con người nhuần thấm Phúc Âm theo đặc tính của đoàn sủng mà họ đang sống, và trở thành một phong cách mới, biểu lộ một sứ mạng của đời sống thánh hiến trong đoàn sủng của họ. Các hình thái mới này làm chứng về một sức mạnh thu hút, khiến họ hiến mình hoàn toàn cho Chúa theo đoàn sủng mà họ đang sống, dưới cách thức mới của tình yêu mà họ được mời gọi.  Các hình thái này cũng là dấu chỉ cho thấy ân ban của Thiên Chúa không ngừng hoạt động phong phú dưới nhiều hình thức trong Giáo hội.

b. Kinh nghiệm được thu hút

Sự năng động đa dạng của đời sống thánh hiến với ba lời khấn luôn bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Và kinh nghiệm ban đầu của đương sự là cảm nhận “mình được yêu thương,” và được “mời gọi” để dấn bước, sống lời khấn trong đoàn sủng của Hội dòng. Sự thu hút này tạm gọi là “thu hút chủ động” dẫn họ đến hoàn toàn ưng thuận mà chẳng lý giải được. Sự thu hút vượt xa những ý thức của lý trí để họ không thể làm khác được. Một hành trình, họ cứ thế dấn bước mà không hề lý luận.

Chúng ta nhớ lại trình thuật trong Tin Mừng (Ga 21,1–10) khi tông đồ trưởng Phêrô được khơi lên ý tưởng: “Tôi đi đánh cá đây,” các Tông đồ cùng tán thành “chúng tôi cùng đi với anh.” Và họ đã cùng nhau vất vả suốt đêm mà chẳng được gì. Đến sáng Đức Giêsu đến với các ông và hỏi: “Này các chú, không có gì ăn sao?” và “…Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền” và các ông đã thả lưới bên phải theo lời chỉ dẫn của Chúa Giêsu và đã bắt được rất nhiều cá.

Ở đây chúng ta có thể hiểu hành vi vâng lời của các tông đồ khi thả lưới bên phải mạn thuyền là một kinh nghiệm thu hút đặc biệt, khiến các ông tin chắc chắn mà không cần suy tính hay biện phân. Được thu hút, không thể không thi hành. Chúng ta thử hình dung bối cảnh của các tông đồ vất vả suốt đêm mà không được con cá nào. Đối với một dân chuyên nghiệp đánh cá như các tông đồ, thì việc chọn chỗ để thả lưới đánh cá quả không phải là thiếu kinh nghiệm. Vậy mà các ông vẫn thất bại, vất vả cả đêm không được con cá nào. Đến rạng sáng Đức Giêsu đến một người xa lạ (lúc đó, các ông không biết là Chúa), về phương diện nhân loại Đức Giêsu chẳng có tí kinh nghiệm đánh cá nào. Ấy thế, mà Đức Giêsu chỉ nói vỏn vẹn rằng: “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền mà bắt cá.” Vậy mà các ông đã nghe răm rắp không hề suy tính hay có chút phản ứng nào?

Để hiểu được điều này chúng ta chỉ có thể nhìn trong khía cạnh các tông đồ đang được thu hút bởi lời mời gọi ấy! Sống lời khấn, dưới chiều kích năng động, chúng ta cũng được trải qua kinh nghiệm thu hút trong con đường (đoàn sủng) mà chính chúng ta được gọi mời và vươn tới. Sự thu hút này, để lại trong tâm hồn ta một dấu ấn, khiến ta kiên trung và mãi chiêm nghiệm trong suốt cuộc đời của mình. Cũng như khiến ta phải chất vấn, biện phân để tìm ra và chọn lựa một cách thế diễn tả đoàn sủng mà ta được thu hút trong một phong cách mới mẻ hơn.

c. Kinh nghiệm được thuyết phục

Khác với kinh nghiệm thu hút xảy ra trong khoảnh khắc, mang tính chủ động, và chi phối hiển nhiên khiến ta ưng thuận hoàn toàn, thì kinh nghiệm được thuyết phục lại mang màu sắc thụ động và nhân linh hơn. Một điều gì đó được khơi lên như một trăn trở, giằng co, tranh đấu… và cuối cùng được thuyết phục dần dần theo thời gian trong nội tâm của mình cùng với những hoàn cảnh bên ngoài. Cựu Ước kể về các ngôn sứ Giôna, Êgiêkien, Giêrêmia,.v.v. đều là những trình thuật rất cảm động diễn tả những kinh nghiệm được thuyết phục với sứ mạng ngôn sứ: “Lạy Chúa! Ngài quyến rũ con, ngài hùng mạnh hơn con, và con đã để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7).

d. Năng động theo đoàn sủng Đa Minh

Người tu sĩ Đa Minh, luôn ý thức mình được ký thác để thi hành sứ vụ truyền giảng. Sứ vụ thuyết giảng phải là yếu tố chính yếu cho tất cả họat động Đa Minh. Mọi yếu tố nền tảng khác đều nhằm phục vụ cho yếu tố chính yếu này.  Ngay từ những bước đầu khi tổ chức đời sống của Dòng thánh Đa Minh đã nhắm đến việc giảng thuyết với nhiều sáng kiến mới, ngài đề ra chương trình đào tạo về phẩm cũng như lượng để chuẩn bị cho việc giảng thuyết, ngài lọai bỏ những công việc tay chân và thế vào đó là học hành cũng là để chuẩn bị cho việc giảng thuyết, và nhiều lúc chính thánh Đa Minh đã chuẩn chước những sinh họat chung để thực hiện cho sứ vụ tông đồ.  Ngài cũng cho các Bề trên quyền miễn chuẩn rộng hơn để dành ưu tiên cho sứ vụ. Ngài nối liền việc chiêm niệm với sứ vụ và nhấn mạnh đến nếp sống nghèo chính là để có thể cung cấp cho Giáo hội một tập thể luôn sẵn sàng có những nhà giảng thuyết đầy khả năng.

Thánh Đa Minh đã chỉ dẫn cho những nhà giảng thuyết: “Hãy ra đi như những người tìm kiếm ơn cứu độ cho chính mình và cho người khác.” Cuộc sống của tu sĩ Đa Minh phải như những người sống Tin Mừng đi theo dấu chân Đấng Cứu Thế và “chỉ nói về Chúa và nói với Chúa.” Sự năng động, sống lời khấn trong đoàn sủng Đa Minh, đòi buộc người tu sĩ Đa Minh lên đường không mệt mỏi. Bởi vì, họ không đi một mình, nhưng cùng lên đường với anh chị em, cùng đồng hành trong lời khấn và lữ hành trong nếp sống, trong nội tâm và trong sứ vụ.v.v.

Người tu sĩ Đa Minh luôn thi hành ba lời khuyên Phúc Âm với một tinh thần “hiến mình” tích cực nhất, để đem Tin Mừng đến chỗ hiệu quả là phục vụ Chúa và Giáo hội. Đồng thời chính những lời khuyên Phúc Âm, cũng sẽ giúp chúng ta mở ra một con đường thênh thang, bước vào con đường tình yêu vì Nước Trời, không chỉ bằng lời giảng, nhưng còn bằng chính đời sống chứng tá hằng ngày. Trong Hiến pháp nền tảng của chị em Đa Minh Việt Nam đã nêu rõ tinh thần sống đoàn sủng Đa Minh là “mô phỏng Đức Giêsu thuyết giảng, chị em Đa Minh Việt Nam được mời gọi tham gia đặc biệt vào chức vụ ngôn sứ của Người. Tính ngôn sứ đó được chị em thể hiện qua việc thông truyền Tin Mừng tình thương Chúa bằng chứng tá đời sống và lời giảng.” (Hiến Pháp Nền Tảng III /2)

 Thế nên, dù tinh thần của đoàn sủng Đa Minh luôn chú trọng và ưu tiên đến sứ vụ truyền giảng, nhưng sứ vụ ấy luôn được thể hiện trong một nếp sống tông đồ đặc biệt. Đó là điều then chốt mà trong Hiến pháp Nền Tảng của chị em Đa Minh Việt Nam đã nêu: Sống tinh thần: “chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm,” chị em đón nhận nếp sống tông đồ đã được cha thánh Đa Minh thể hiện là đời sống cộng đoàn, trung thành tuân giữ các lời khấn, sốt sắng cử hành phụng vụ cộng đoàn, chuyên chăm học hành, tuân giữ kỷ luật tu trì và thi hành sứ vụ” (HPNT III/1).

Bởi đó, sự năng động theo đoàn sủng Đa Minh, không dừng lại ở việc thực hiện ba lời khuyên Phúc Âm theo ý hướng “hiến mình” cho Thiên Chúa nhưng việc tuyên khấn còn đưa người tu sĩ Đa Minh đến chỗ huynh đệ hơn, dân chủ hơn trong cách sống, trong các tương quan, và trong việc quản trị. Từ đó phát triển cho Dòng và làm thăng tiến đời tu hơn. Một sự năng động đạt đến đức ái hoàn hảo theo hai trục: “hiến mình” cho Thiên Chúa để hoàn toàn thuộc trọn về Ngài, đồng thời cũng là sự “hiến mình” để thuộc về (anh) chị em mình.  Một năng động của tinh thần tự do thực sự, sẵn sàng để thuộc về Chúa và thuộc về Hội dòng. Sẵn sàng để được sai đi bất cứ nơi nào để có thể phục vụ cho sứ vụ.

Một sứ vụ luôn ưu tiên cho việc truyền giảng, nhưng lại không giảm thiểu nếp sống của cộng đoàn tu sĩ Đa Minh. Nếp sống ấy vừa rất chiêm niệm nhưng lại ưu tiên cho sứ vụ. Sứ vụ có thể là một mình, nhưng lại mang tính cộng đoàn. Đan sĩ, nhưng lại hoạt động. Là tinh túy kết hợp hài hòa giữa những chiều kích tương phản. Đó là nếp sống lữ hành về mọi phương diện của người tu sĩ Đa Minh

Bởi đó, sống lời khấn năng động theo đoàn sủng Đa Minh, vừa thể hiện là nhà thần bí, lại vừa là nhà thuyết giảng. Vừa là một đan sĩ chiêm niệm lại vừa là một nhà hoạt động nhiệt thành. Vừa là ẩn sĩ thinh lặng, lại vừa là một danh hài dí dỏm với anh chị em mình. Năng động theo đoàn sủng Đa Minh, là người vừa có những kinh nghiệm sâu xa với Thiên Chúa, lại vừa có những bề dày của sự trải nghiệm với anh chị em trong đoàn sủng của mình. Dù đó là những trải nghiệm của xung đột, hay đổ vỡ thì vẫn có những giá trị để khám phá, nhận ra khuôn mặt đích thực của chân lý cũng như sự hiện sinh của chính mình, và hiện sinh của cộng đoàn mình trong bước đường triển nở.
Như vậy, người ấy sẽ thể hiện được sự thu hút từ nơi Thiên Chúa trong đoàn sủng của mình, cũng như thể hiện sự bền bỉ và kiên trì, để diễn tả được sự thu hút đó ở trong nếp sống Đa Minh, và nơi những anh chị em của mình.

3. Để kết

Cốt yếu của đời sống thánh hiến không chỉ là tuân giữ những cam kết của lời khấn về mặt pháp lý. Nhưng chính là việc bước theo Chúa Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chia sẻ con đường, thân phận và sứ vụ của Ngài, “ở với ngài và được chính Ngài sai đi.” Năng động trong lời khấn luôn là thái độ mở ra trước những tác động của Thiên Chúa. Đó không phải là việc của những cố gắng về phía con người, nhưng là ân sủng của Chúa Thánh Thần. Để kiện toàn hiến lễ tình yêu mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa qua việc tuyên khấn. Hầu đem lại sự tươi mới cho những lối đi của đoàn sủng và phục vụ Giáo hội trong đoàn sủng ấy với một phong cách mới mẻ thích ứng được những nhu cầu mới của thời đại.

Chúng ta chỉ có thể sống năng động lời khấn khi ta kết hiệp thâm sâu với Đấng đã sáng kiến mời gọi ta. Chính ngài thu hút, khơi lên trong tâm trí chúng ta những hình thái năng động ấy trong hành trình sứ vụ của đoàn sủng mà ta đang sống. Sự năng động này có thể được diễn ra dưới những hình thức cá nhân hoặc tập thể. Và sẽ được kiểm nghiệm bằng thời gian để có thể đánh giá được nguồn gốc cũng như sự tồn tại và triển nở của nó.

Khi trong một đoàn sủng có những biểu hiện của những chiều hướng khác nhau và xung đột. Khi đó sẽ xuất hiện những nhân tố năng lực uyển chuyển, mềm mại để kết hợp được những chiều hướng khác nhau đó một cách hoàn chỉnh. Những nhân tố đó sẽ là yếu tố quyết định cho những hướng đi mới mẻ của đoàn sủng dựa trên những căn bản của truyền thống đoàn sủng. Và đó là một bước tiến của một đoàn sủng. Sự năng động này sẽ thay da đổi thịt làm nên sự màu mỡ tươi tốt cho một đoàn sủng và mang lại hoa trái cho Giáo hội trên những cánh đồng của những mùa gặt hái.

 
 Maria Bernadet
114.864864865135.135135135250