14/03/2023 -

HỌC HỎI

210
Mối tương quan giữa mục vụ bác ái và mục vụ loan báo Tin Mừng trong tinh thần Giáo hội hiệp hành


MỤC VỤ BÁC ÁI


1. Bác Ái trong Cựu Ước


Bác ái (tiếng Latinh: caritas, nghĩa là “tình yêu cao cả, rộng khắp”, đôi khi cũng được gọi là “đức mến”. Thuật ngữ “caritas”cũng là gốc của thuật ngữ “charity”trong tiếng Anh, để chỉ những hoạt động giúp đỡ cộng đồng, người yếu thế.


Ngay trong Cựu Ước, người Do Thái đã biết sống bác ái với người khác. Sách Đệ Nhị Luật 15,7.11: “Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu những người nghèo, nên tôi truyền cho anh em hãy mở rộng tay giúp đỡ”... Ông Tôbia là người đã sống đức ái cách cụ thể, chuyên đi chôn xác kẻ chết và còn dạy con ông phải làm việc từ thiện, bố thí cho kẻ nghèo khó: “Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên  Chúa  cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Tùy con có bao nhiêu hãy cho bấy nhiêu… Thật vậy, việc bố thí cứu cho khỏi chết và không để rơi vào cõi âm ty. Vì trước Nhan Đấng Tối Cao, của bố thí là một lễ vật quý giá cho những ai làm việc bố thí”(Tb 4: 7-11).


Tiên tri Isaia 58,6-7 thì nói: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao? Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc… Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người không nơi trú ngụ…thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”…

 


2. Bác Ái nơi Con Người Đức Giêsu


Chúa Giêsu là một con người đầy lòng xót thương. Đi đến đâu Ngài cũng làm điều tốt cho mọi người và bênh vực người nghèo khó cô nhi quả phụ. Bên cạnh đó, sự tha thứ của Ngài cũng là một hành động bác ái tuyệt hảo:


“Các con hãy cho họ ăn đi”(Lc 9,11b -17): Phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn no.

- “Ai không có tội hãy ném đá người này trước đi”(Ga 7,53-8,11): Tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình.

- “Thật, thầy bảo thật các con: bà góa này đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn hết”(Lc 1, 24): Bênh vực bà góa nghèo.

- “Lạy Cha xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”(Lc 23, 34).


3. Bác Ái thời Giáo Hội Sơ Khai (Sách TĐCV)


TĐCV 2, 4-5: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ cầu nguyện. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày thêm đông số”.


TĐCV 4, 32-35: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn”.


Thời đó, số tín hữu ngày một tăng lên nhiều. Công việc phát sinh nhiều, nhất là việc bác ái. Các tông đồ không thể lo chu đáo hết các công việc. Vì thế, các ông có sáng kiến tìm các trợ tá để giúp việc bác ái, phân phát lương thực hằng ngày. (Cv 6,1)


4. Bác Ái trong Lịch Sử và Hiện Tại


Hiến chế Mục vụ “Giáo Hội trong Thế giới ngày nay”(Gaudium et Spes - Niềm vui & Hy vọng) viết: “Niềm vui và hy vọng, đau buồn và nỗi khổ của con người ở thời đại chúng ta, đặc biệt là những người nghèo hoặc bị ảnh hưởng cách nào đó, cũng là những niềm vui và  hy vọng, đau buồn và nỗi khổ của những người theo Chúa Kitô. Thực vậy, không  gì  là con người thực sự mà không tìm thấy một tiếng vang trong lòng họ”(GS1)


Di sản quan trọng mà Kitô giáo để lại cho nền văn hóa chúng ta chính là lòng trắc ẩn, sự giúp đỡ người kém may mắn và làm vơi bớt đau khổ cho những người bất hạnh dù ở bất cứ đâu, những nơi xa xôi hẻo lánh trên thế giới... Kitô giáo đòi hỏi hành động vì lòng trắc ẩn, yêu thương đồng loại như chính bản thân mình, nó có nghĩa là “cùng đồng hành với người bất hạnh”. Giáo hội Công giáo cứu giúp những người khốn cùng, bệnh tật, đói kém, di dân không nơi nương tựa… không vì để tích lũy phúc đức cho bản thân mình, mà vì tất cả chúng ta đều cùng là con người, là loài thụ tạo cao quý nhất, là hình ảnh của Thiên Chúa: “Nghe đây hỡi Israel, ngươi hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn ngươi và yêu mến người thân cận như chính mình ngươi”(Đnl 6,4-5. Mc 12,30-31)


Tầm quan trọng của Caritas trong Hội Thánh được Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Thông điệp đầu tiên của ngài, tựa đề “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus caritas est) nhấn mạnh: “Yêu thương người lân cận bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, trước hết và trên hết là nhiệm vụ của từng cá nhân tín hữu, nhưng cũng là nhiệm vụ của toàn thể cộng đồng Hội Thánh thuộc mọi cấp”. (số 20) Ngoài ra, Hội Thánh không thể chểnh mảng trong việc thực thi bác ái cũng như không được chểnh mảng với bí tích và lời Chúa”(số 22).


Trong cơn đại dịch Covid toàn cầu vừa qua, nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân trên toàn đất nước Việt Nam đã không ngại gian khổ dấn thân vào tuyến đầu chống dịch, vùng nguy hiểm nhất ngay tâm dịch để phục vụ giúp đỡ những người bệnh... Cùng với biết bao hoạt động bác ái như HĐGM VN ủng hộ quỹ vắc-xin chống dịch, Chương trình “hạt gạo tình thương” tại Hà Nội, “Siêu thị 0 đồng” tại Sài Gòn, thiết lập đường dây nóng Y tế tại Xuân Lộc…


MỤC VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG


1. Loan Báo Tin Mừng (Truyền giáo)


“Truyền giáo” là một danh từ có gốc tiếng Latinh: Missio, động từ là Mittere. Một trong những nghĩa thường được hiểu là gởi đisai phái đi để làm một công tác quan trọng. Chính Đức Giêsu được Đức Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ con người và mọi loài thụ tạo, và các môn đệ cũng được Đức Giêsu sai đi trong sứ mạng cao cả này.


Chúa Giêsu sai tất cả chúng ta đi: sống, rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, để người ta biết và tin vào Ngài để mọi người được cứu độ. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).


2. Chúa Giêsu: Một Con Người luôn Loan Báo Tin Mừng


Chúa Giêsu là bậc thầy trong việc Loan Báo Tin Mừng. Đi đến đâu Ngài cũng nói một điều duy nhất là về Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Một Nước Thiên Chúa mà từ đây con người thờ không còn thờ Thiên Chúa trên núi này hay núi kia mà trong chân lý và sự thật (Ga 4,5-42). Một nước Thiên Chúa mà trong đó: “Anh em gọi Thầy là Thầy là Chúa mà Thầy còn rửa chân cho anh em, vậy anh em hãy rửa chân cho nhau”,“Ai trong anh em có 100 con chiên bị lạc mất một con mà không bỏ 99 con trong đồng cỏ để đi tìm con chiên lạc”, “Một người cha có 2 người con… Con ta đã mất nay tìm thấy, đã chết nay sống lại…”…


Chúa Giêsu rao giảng bằng phương pháp Dân Sinh - Dân Trí - Dân Đạo. Ngài hóa bánh ra nhiều cho họ ăn, phép lạ chữa bệnh cứu người, xua trừ ma quỷ, bênh vực kẻ yếu hèn cô thế cô thân… Từ những việc làm này, Ngài đưa họ đến gặp khuôn mặt yêu thương tha thứ đầy lòng nhân hậu của Thiên Chúa Cha, để họ được sống và sống dồi dào (Ga 10,10) Đó chính là Loan Báo Tin Mừng.


3. Hoạt Động Loan Báo Tin Mừng trong Giáo Hội


Từ hơn 2000 năm nay, Giáo hội luôn thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng muôn dân, làm phép rửa cho họ…” (Mc 16,5).


Sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes của Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Hội Thánh, tự bản chất, mang tính truyền giáo”, bởi vì Hội Thánh được chia sẻ vào đời sống của Thiên Chúa, mà bản tính là tình yêu trao ban (Ad 2).


Trong Thông điệp Redemptoris Missio năm 1990, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố một cách dứt khoát: “Rao giảng Tin Mừng là ưu tiên thường hằng của sứ mạng. Giáo hội không thể trốn tránh mệnh lệnh rõ ràng này của Đức Kitô, và không thể lấy đi của mọi người “Tin Mừng” về việc họ được Thiên Chúa yêu thương và cứu rỗi” (RM 44).


Con đường Loan Báo Tin Mừng là con đường đi ngang qua con người và phục vụ con người: Con người là con đường của Giáo hội, Giáo hội không thể từ bỏ con người và “con người” là con đường đầu tiên Giáo hội phải đi qua để chu toàn sứ vụ của mình (Thông điệp Bách Chu Niên Centesimus Annus, Gioan Phaolô II, chương VI)


Bằng việc phục vụ con người, Giáo hội loan báo Tin Mừng cứu độ.


BÁC ÁI KITÔ GIÁO VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG


1. Bác Ái trong Hoạt Động Loan Báo Tin Mừng


Thư Giacôbê chương 2 câu 15-16 viết: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”.


Thông điệp Redemptoris Missio của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt các công việc bác ái trong chương 5 như là một hoạt động truyền giáo, cũng hệt như việc giảng dạy vậy. “Vì động lực của truyền giáo là tình yêu, mang tình yêu của Chúa đến cho mọi người. Mà tình yêu là phải hành động, không nói suông. Vậy bất cứ cách nào chuyển thông tình yêu của Chúa, qua thái độ, tâm tình, cử chỉ, hành động... cũng là truyền giáo vậy. Hơn nữa sự cứu rỗi nằm ở toàn diện con người, không phải chỉ cứu rỗi linh hồn hạnh phúc đời sau, mà cả thân thể hạnh phúc đời này nữa. Sự cứu rỗi toàn diện con người đòi hỏi phải giải phóng con người khỏi những gì là hạ thấp nhân phẩm: nghèo đói, dốt nát, bất công...”.


Tuy vậy, biết rằng phần đông các giáo xứ đều quan tâm thực hiện công việc bác ái xã hội, chăm lo cho những người nghèo khổ, tật nguyền, neo đơn, bị bỏ rơi... Nhưng Loan Báo Tin Mừng không chỉ là việc bác ái! Người nghèo không bao giờ thiếu trong đời ta (x. Ga 12,8), nhưng cần tận dụng mọi cơ hội để cho họ chính Đức Kitô (x. 2Tm 5,2). “Chỉ trong Đức Kitô, chúng ta mới được giải thoát khỏi mọi vong thân và hư hoại” (x. RM 11).


Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Redemptoris Missio cũng cho thấy việc bác ái từ thiện không thể thay thế cho việc loan báo Tin Mừng. Sứ mạng đến với muôn dân không chỉ ở việc cho người ta cơm áo gạo tiền, nhưng trên hết phải mang sứ điệp cứu độ của Đức Kitô đến cho họ. Thánh Phêrô đã làm rõ sứ mạng đó: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!”(Cv 3, 6).


2. Tầm quan trọng của Bác Ái  hoạt động của Truyền Giáo (1)


“Loan báo Tin mừng - Cử hành Bí tích - Thực thi bác ái” là ba nhiệm vụ của người Kitô hữu đã được Đức Bênêđictô XVI đề cập trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu. Cả ba nhiệm vụ này không thể tách rời nhau, đặc biệt hai nhiệm vụ: Loan báo Tin Mừng và thực thi bác ái. Đối với Hội Thánh, bác ái xã hội không chỉ là một hoạt động trợ giúp xã hội nhưng cũng là trung tâm hoạt động của truyền giáo, vì bác ái thuộc về bản tính của Hội Thánh (Deus Caritas Est, 25a).


“Bác ái là tình yêu được đón nhận và trao ban. Nguồn gốc của bác ái là tình yêu của Thiên Chúa tuôn trào đến chúng ta” (Caritas in Veritate, 5)


Bác ái phát xuất từ lòng nhân ái để tôn trọng và yêu thương con người, đặc biệt những người nghèo khổ cả tinh thần lẫn vật chất, một tình yêu vô vị lợi bắt nguồn từ Thiên Chúa. Khi nói đến làm việc bác ái xã hội, chúng ta thường nghĩ ngay đến vấn đề nhà cửa, tiền bạc, thực phẩm, quần áo..., nhưng ít khi chúng ta nghĩ đến vấn đề tinh thần. Đây mới chính là mấu chốt quan trọng mà người Kitô hữu cần phải quan tâm nhiều hơn.


Đức Gioan Phaolô II cũng đã đặt các công việc bác ái như là một trung tâm hoạt động truyền giáo trong chương 5 của Thông điệp Redemptoris Missio. Vì vậy những từ ngữ “người nghèo”, “người khổ” được xếp hàng đầu và ở cuối chương, dưới hai tựa đề là: “Hình thức tiên khởi của việc loan truyền Phúc âm là sự chứng tá”(số 42); “Bác ái là nguồn mạch và tiêu chuẩn của sự truyền giáo” (số 60).


Một cách nào đó, Bác ái là hoạt động truyền giáo, vì chúng ta chính là những người đang họa lại hình ảnh của Thiên Chúa trong xã hội hôm nay, khi chúng ta thi hành bác ái cách chân thành, khi chúng ta đến với những người nghèo khổ, những trẻ em đường phố, những người bất hạnh bị xã hội ruồng bỏ, và những người đang gặp khủng hoảng cả tinh thần lẫn vật chất bằng cả tình yêu của chúng ta, một tình yêu như Đức Kitô mục tử nhân lành: biết chiên, tìm chiên và hiến thân vì chiên.


Công việc bác ái là thể hiện tình yêu một cách cụ thể đối với tha nhân, là một khí cụ loan báo Tin Mừng một cách hết sức phù hợp với xã hội ngày hôm nay. Đây chính là điểm khác nhau của công việc bác ái Kitô và không Kitô. Bác ái không Kitô luôn tìm kiếm cho mình hay là một sự trao đổi. Nhưng bác ái Kitô là cho đi, không giữ cho mình, cho vì một tình yêu nhưng không như Thiên Chúa đã ban nhưng không cho chúng ta.


Bác ái Kitô giáo có định hướng đưa anh chị em đến gặp Chúa Kitô là nguồn hạnh phúc muôn đời và không ai lấy mất được. “Thiên Chúa cần chúng ta để làm cho người khác có thể cảm nghiệm được tình thương của Ngài” (Michel Quoist).[1]


BÁC ÁI VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG GIÁO HỘI HIỆP HÀNH HÔM NAY


1. Giáo Hội Hiệp Hành


Chúng ta đang sống trong một Giáo hội Hiệp Hành: Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ. Một Giáo hội biết lắng nghe từ dưới lên, một Giáo hội rộng mở cho mọi thành phần tham gia sứ vụ và không để ai bị sót lại phía sau.


Mục vụ Bác Ái không chỉ đơn giản là giúp đỡ vật chất, nhưng còn là lắng nghe, cảm thông, chia sẻ về tinh thần, tôn trọng phẩm giá và nâng con người lên xứng đúng với nhân phẩm…


Mục vụ truyền giáo giới thiệu một niềm hy vọng cho mọi người và cam kết một sự chân thành yêu thương nhau trong đó mọi người là anh em và có chung một Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân ái.


Bác Ái giúp ta sống hiệp thông như Tông Đồ Công Vụ: “Không ai trong các tín hữu phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, đem số tiền thư được đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (Cv 4,34-35). 


Loan Báo Tin Mừng giúp ta sống chu toàn sứ vụ: “Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ” (Mc 1,39). Như thế, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa bằng lời nói và bằng đời sống chính là việc làm chính yếu giúp người Kitô hữu chu toàn sứ vụ được ủy thác cho mình khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội.


2. Bác Ái và Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội trong Tầm Nhìn của FABC-50 và Định Hướng Thượng hội Đồng Giám mục 2023


 Trong thư chung của Đại Hội Các Giám Mục Á Châu FABC-50 từ 12-30/10/2022 tại Thái Lan, các Giám mục đã nhìn ra:


Chúng tôi đã bị thách đố bởi những tiếng kêu khác nhau của lục địa đa diện này khi chúng tôi nghe thấy tiếng kêu nài xin sự cứu giúp và công lý:


- Những đau khổ của người nghèo, người bị tước đoạt, và người bị gạt ra bên lề khao khát một cuộc sống xứng với nhân phẩm.


- Nỗi thống khổ của người tị nạn, người di cư, người di tản, và người bản địa mưu cầu nhân phẩm và tìm kiếm những nơi ở an toàn đích thực,


- Ước mơ của giới trẻ theo đuổi những vai trò ý nghĩa hơn trong Giáo hội và xã hội.


- Tiếng kêu của phụ nữ mong muốn một Giáo hội quy tụ hơn, tôn trọng phẩm giá và vị thế chính đáng của họ.


- Sự chênh lệch giàu nghèo, Chủ nghĩa tiêu thụ, Nạn di dân và tình trạng vô gia cư, thất nghiệp, thiên tai, biến đổi khí hậu, bạo lực cộng đồng, nhân quyền, thể chế chính trị, các vấn đề về giá trị gia đình…


- Bằng các con đường của Bác Ái và Loan Báo Tin Mừng, con người được nâng đỡ, được coi trọng phẩm giá, được lắng nghe, được tham giam sứ vụ cùng nhau và có niềm hy vọng. Như thế, ngày nào còn nhiều bất công xã hội, ngày nào còn người chưa biết Chúa, Mục Vụ Bác Ái và Mục Vụ Loan Báo Tin Mừng luôn là cấp thiết.


KẾT LUẬN


Bác ái là con đường ngắn nhất, cụ thể nhất trong công cuộc Loan Báo Tin Mừng.


Bác ái là dấu chỉ của Loan Báo Tin Mừng. Bác ái chia sẻ và giúp đỡ cuộc sống hạnh phúc thế trần. Loan Báo Tin Mừng đưa con người đến hạnh phúc đích thật là nước Thiên Chúa.


Loan Báo Tin Mừng đầy thiết thực và thuyết phục chỉ bằng những hành động của bác ái đích thật.


Bằng việc cùng nhau bước trên con đường Hiệp Thông - Tham Gia - Sứ Vụ, bằng việc quan tâm thực thi bác ái và Loan Báo Tin Mừng, Giáo hội mới thể hiện một khuôn mặt đích thật, một cứu cánh của toàn thể nhân loại. Trong đó mọi người đều được lắng nghe, tham gia và sứ vụ. Nơi đó không còn ai bị bỏ rơi, không còn ai bị lãng quên và Giáo hội trở nên dấu chỉ đẹp và có ý nghĩa hơn, cuốn hút hơn và là hình ảnh đích thực của hạnh phúc Nước Trời.


            Lm Ðaminh Ngô Quang Tuyên
Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn
 

 

_____________________________________

1 (Trích Bài thuyết trình của Đức cha Thomas Vũ Đình Hiệu,  tại Đại hội Caritas Tổng Giáo phận Hà Nội lần thứ III)

 

114.864864865135.135135135250