26/02/2020 -

HỘI DÒNG

909
Nhịp sống Mùa Chay:

Trong cuộc đời, tôi đã từng nghe rất nhiều câu nói hay, nhiều câu nói lạ, nhiều câu nói ý nghĩa, nhưng những ngày vừa qua tôi thực sự bị lay động bởi câu nói của ai đó mà tôi đọc được trên Internet. "Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn". Câu nói như một thông điệp giá trị gửi đến những người đang bị cuốn hút vào guồng máy của xã hội hiện đại, đồng thời tạo cho tôi ý tưởng để suy tư dưới góc độ thiêng liêng trong Mùa Chay này.

 Một Mùa Chay nữa lại về với mỗi người tín hữu theo chu kỳ của Năm Phụng Vụ, nhưng Mùa Chay năm nay hẳn sẽ khác hơn rất nhiều, không khác ở ý nghĩa, ở màu sắc nhưng khác ở tâm tư và thái độ sống của mỗi người. Giáo Hội bước vào Mùa Chay, một Mùa Chay đặc biệt khi cả thế giới đang chao đảo và rơi rụng niềm tin trước sự bùng phát và lây lan của nạn dịch Covid 19. Ai ai cũng bâng khuâng lo lắng không biết khi nào tai họa mang tên Corona sẽ đến với mình và gia đình mình. Có lẽ vì thế mà lời mời gọi “Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn”sẽ thật sự cần thiết và có giá trị trong Mùa Chay này.


SỐNG CHẬM LẠI để hiệp thông với Thiên Chúa trong cầu nguyện.

Cuộc sống xung quanh chúng ta vẫn hằng ngày, hằng giờ trôi qua trong sự vội vã, xô bồ của nhịp sống hiện đại, làm sao chúng ta có thể sống chậm lại khi dòng đời vẫn tất bật ngược xuôi, con người vẫn rong ruổi xuôi ngược, vội vã, gấp gáp giữa sóng gió ba đào?

Theo dõi trên truyền thông trong những ngày vừa qua ta sẽ thấy, đâu đâu cũng là những thông tin "ngược chiều nước mắt" như: số người dương tính với corona tiếp tục tăng mạnh, số người tử vong nhiễm virus Corana đã lên tới..., bệnh viện quá tải, các trường học và xí nghiệp đóng cửa, kinh tế bị giảm sút trầm trọng… Đứng trước những sóng gió bủa vây như thế, người Kitô hữu cần phải làm gì? Chính Đức Giêsu cũng đã khuyên các môn đệ sau một hành trình dài mệt mỏi “hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút”(Mc 6,33).  Đó cũng là điều Đức Giêsu mời gọi chúng ta trong Mùa Chay thánh này. Tất nhiên, nghỉ ngơi không nhất thiết chúng ta phải “lên xe” đi tới một địa điểm du lịch nào đó, hay một quán café để thưởng thức giai điệu của những bản nhạc không lời da diết, xem một bộ phim hay với bạn bè…nhưng Chúa muốn chúng ta BƯỚC CHẬM LẠI trên con đường “cao tốc” của cuộc sống với những “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai” để vào Sa Mạc nối lại tình thân nghĩa với Ngài, trở về với những góc khuất trong tâm hồn để lắng nghe và ngẫm suy hầu tìm lại những giá trị đích thực của cuộc đời.

Vì chỉ khi sống chậm lại, chúng ta mới có nhiều khoảng lặng để cầu nguyện, để lắng nghe, để đón nhận ơn Chúa Thánh thần. Khi đó ta mới sẵn sàng “mọi âu lo hãy trút cả cho Người” và xác tín “chính Người nâng đỡ anh em”. Sau cùng, sống chậm lại để “biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (Is 50, 4).

Nếu ai đã từng một lần rã rời mệt mỏi với cuộc sống "năm chìm bảy nổi" sẽ cảm được sự quý giá và cần thiết về một chốn tựa nương, và nếu ai đã từng trải qua những bất an, những giằng xé và những mất mát đau đớn trong cuộc đời mới thấu hiểu được cơn khát của niềm bình an. Hãy trở về với Chúa trong cầu nguyện, Chúa sẽ cho ta một điểm tựa vững chắc và niềm bình an không ai lấy mất được: “Hỡi tất cả những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).


NGHĨ KHÁC ĐI để sám hối và canh tân đời sống

Chay tịnh, sám hối phát xuất từ chiều sâu của tâm hồn và được thể hiện trong thái độ sống thường ngày. Vì thế, việc sám hối, canh tân trong Mùa Chay không gì khác hơn là việc chúng ta mở lòng đón nhận cuộc sống mới qua việc NGHĨ KHÁC ĐI từ cung cách ứng xử đến cách suy nghĩ cho tới việc sống chứng tá giữa lòng xã hội hôm nay.

Nghĩ khác đi để chúng ta sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời, với tha nhân và môi trường chung quanh. Nghĩ khác đi giúp ta biết lạc quan hơn trước những bão bùng, giông gió của cuộc đời. Nghĩ khác đi chính là lúc ta giải thoát mình khỏi những lối sống đầy phiến diện, lối nghĩ ích kỷ, hẹp hòi chỉ chăm chăm đến mình mà chưa từng để tâm đến những ý nghĩ, những cảm xúc và lắng lo của người khác. Nghĩ khác đi cũng chính là lúc ta sâu sắc và trưởng thành hơn, biết cảm thông và thấu hiểu nhau hơn.

Ai cũng nhận thấy rằng, những tuần vừa rồi chính là những tuần của bão tố, hoảng loạn và rơi rụng niềm tin, khi chúng ta được chứng kiến hàng loạt những tai ương xảy ra trên thế giới: thảm họa cháy rừng ở Úc, nạn châu chấu ở Châu Phi, sự bùng phát và nỗi ám ảnh của dịch viêm phổi cấp do virus corona mang đến cho cả xã hội. Nhưng việc để nó biến cuộc sống trở thành một nỗi sợ hãi hay không lại nằm ở mỗi người, ở cách chúng ta ứng xử với từng khía cạnh trong cuộc sống mùa dịch. Khi ta sống chậm lại một chút, nghĩ suy thêm một chút thì lúc ấy có khi ta sẽ nghĩ khác đi, ta sẽ thấy những chông chênh ấy lại chính là cơ hội để thúc đẩy mình hoán cải, kiên vững hơn trong đức tin, vững vàng hơn trong đức cậy và chân thành hơn trong đức ái. Nói như nhà thơ Lưu Quang Vũ: “niềm tin, thái độ sống, sự bình tĩnh, lạc quan sẽ là những ngọn lửa dẫn ta vượt qua mây đen, bão giông”.

Thay đổi cách nghĩ và lối sống chắc hẳn là điều Chúa mong muốn nơi mỗi tâm hồn, và Mùa Chay là khoảng thời gian rất quan trọng và thích hợp nhất để mỗi người tín hữu sống tinh thần chay tịnh, sám hối và làm việc bác ái để canh tân bản thân, hết lòng cầu nguyện để hướng tâm hồn về với Chúa.

YÊU THƯƠNG NHIỀU HƠN qua việc thực thi đức bác ái.

Nếu như sắc tím của Mùa Vọng gợi nhắc con người trở về sống tâm tình chờ đợi Chúa đến trong niềm vui và hy vọng, thì sắc tím của Mùa Chay nhắc nhớ chúng ta tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu như Thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và rồi màu tím ấy cũng gọi mời chúng ta hãy “yêu thương anh chị em như chính mình” (Ga 15,12). Có lẽ tình yêu là thứ ngôn ngữ được phát biểu nhiều nhất trong Mùa Chay, nhưng nó sẽ chỉ là một thứ ngôn ngữ chết, một băng reo để hô vang trong những cuộc vui chơi hội họp, nếu nó không được thực thi cách cụ thể qua những việc làm.

 Mùa Chay là mùa được gọi mời mỗi tín hữu biến đổi cuộc đời để trở nên con người mới. Biến đổi nào cũng cần có chọn lựa và hy sinh, và tình yêu nào cũng cần có bàn tay và đôi chân dẫn đường đưa lối. Tình yêu thúc đẩy con tim và đôi tay của cậu học sinh 11 tuổi mở ra trao ban những chiếc khẩu trang miễn phí cho người dân trong thời kỳ khốn khó của dịch bệnh, tình yêu khiến cho trái tim của vị Linh mục trẻ thổn thức khôn nguôi trước những nỗi hoang mang, bấn loạn vì dịch bệnh nơi đoàn chiên mình coi sóc, để rồi tình yêu đã thôi thúc vị Mục tử dám sống, dám dấn thân, dám hy sinh “đến và ở giữa họ như một người phục vụ”. Đó là tình yêu đích thực. Và Chúa muốn chúng ta yêu thương nhiều hơn nữa bằng việc sẵn sáng mang vác cuộc đời của nhau, san sẻ cho nhau những những gánh nặng của kiếp người bằng một tình thương như “tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Bình an trong tâm hồn hôm nay, và hạnh phúc Nước Trời ngày mai, đều đến từ thái độ và cách chúng ta hướng về Chúa và với tha nhân.“Sống chậm lại, khĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn” để trở về nhận ra tình thương của Chúa và thực thi đức yêu thương với tha nhân. Đó là tâm tình xứng hợp nhất mỗi người cần có trong mùa hồng phúc này.

Người ta thường ví cuộc sống thời hiện đại như một đường đua, ai cũng cố chạy thật nhanh để mong về đích sớm, thế nên dễ vấp ngã vì những trở ngại trên đường, mỗi lần vấp ngã như thế sẽ dễ làm chúng ta mất niềm tin, mất sự kiên nhẫn để rồi hướng chúng ta thụt lùi lại và đi lạc đường . Nhiều khi mất luôn cả sự phân định, không còn biết mình là ai và sống để làm gì.  Khi ấy lời mời gọi “Sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn” như một linh đạo giúp chúng ta thận trọng, trưởng thành hơn trong mọi quyết định và thần thái hơn trong lối sống, cách hành xử, đồng thời như liều thuốc an thần giúp ta trở về với nội tâm, biết mình biết người và tiến bước trên con đường hoàn thiện.

 
Maria Nguyễn Thắm



 
114.864864865135.135135135250