09/10/2021 -

HỌC HỎI

269
Thượng hội đồng trong Giáo Hội Công Giáo là gì?


Thượng hội đồng thường là một hội nghị của các Giám mục, những người tập hợp lại để hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong việc giải quyết những thách thức mà Giáo Hội đang phải đối mặt.


Từ "Thượng hội đồng" (synod) bắt nguồn từ chữ synodos theo tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "một cuộc họp" (an assembly). Nhìn chung, các Thượng hội đồng trong Giáo Hội Công Giáo mang nét đặc trưng là một cuộc họp của các Giám mục, những người quy tụ cùng nhau để hỗ trợ Đức Giáo Hoàng trong việc giải quyết những khó khăn của Giáo Hội.


Vào lúc ban đầu, nhiều Thượng hội đồng như thế được tổ chức mang tính cục bộ, trong các khu vực khác nhau trên thế giới, để giải quyết các vấn đề mang tính kỷ luật ở cấp độ địa phương. Các Thượng hội đồng dạng này đã có từ thế kỷ thứ 4.


Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã khơi lại ý tưởng về Thượng hội đồng và đã thiết lập Thượng hội đồng Giám mục vào năm 1965 qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo.


Bộ Giáo Luật hiện hành nêu lên chi tiết về mục đích của hội nghị các Giám mục với quy mô nhỏ hơn này, những người cùng họp mặt để thảo luận về các chủ đề khác nhau.


Thượng hội đồng Giám mục là hội nghị các Giám mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, nhóm họp định kỳ để cổ vũ sự hiệp nhất mật thiết giữa Đức Giáo Hoàng Rôma và các Giám mục, để góp ý kiến giúp Đức Giáo Hoàng trong việc bảo toàn và thăng tiến đức tin và phong hoá, cũng như trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo Hội, và cũng để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo Hội trong thế giới. (Điều 342)


Hơn nữa, “Thượng hội đồng Giám mục bàn thảo những vấn đề được đề ra và bày tỏ những nguyện vọng, nhưng không được giải quyết những vấn đề đó và cũng không được ban hành các sắc lệnh về các vấn đề đó; trừ khi được Đức Giáo Hoàng cho quyền biểu quyết trong những trường hợp nhất định, trong trường hợp này, ngài phê chuẩn các quyết định của Thượng hội đồng.” (Điều 343)


Các Giám mục có thể cùng họp mặt để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Giáo Hội phổ quát, hay để “thảo luận về những vấn đề liên quan trực tiếp đến một hay nhiều miền nhất định” (Điều 345).


Đã có nhiều đại hội của Thượng hội đồng được tổ chức dưới triều đại của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chẳng hạn như đại hội được tổ chức vào năm 1994 về “Đời sống Thánh hiến và Vai trò của Đời sống Thánh hiến trong Giáo Hội và trên Thế giới”. Tương tự như vậy, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng đã tổ chức các Thượng hội đồng, bao gồm một Thượng hội đồng về “Lời Chúa trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo Hội”.


Kể từ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cũng đã có nhiều Thượng hội đồng khác nhau tập trung vào các khu vực địa phương trên thế giới, chẳng hạn như Châu Mỹ (1997), Châu Âu (1999) và Châu Phi (2009).


Theo từng hoàn cảnh, cuộc họp của các Giám mục đã thảo luận về các vấn đề cụ thể và đưa ra các đề xuất về cách thức để Giáo Hội có thể tiếp cận các vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các giải pháp chủ yếu tập trung vào các cách tiếp cận mới hơn là luật lệ mang tính ràng buộc.


Thượng hội đồng nhóm họp theo nhiều dạng Đại hội khác nhau: trong một Đại hội Chung Thường lệ, Thượng hội đồng sẽ bàn về các vấn đề liên quan đến lợi ích của Giáo Hội phổ quát; trong một Đại hội Chung Ngoại lệ, Thượng hội đồng sẽ bàn về các vấn đề cần được xem xét khẩn cấp; trong một Đại hội Đặc biệt, Thượng hội đồng sẽ bàn về các vấn đề chủ yếu liên quan đến một hay nhiều khu vực địa lý cụ thể (Điều 346).


Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã triệu tập nhiều Thượng hội đồng trong triều đại giáo hoàng của mình, và vào năm 2021, ngài đã khởi xướng một Thượng hội đồng về chủ đề “Vì một Giáo hội Hiệp hành”. Thượng hội đồng này sẽ bao gồm cả Đại hội Chung Thường lệ và Công nghị Giáo phận cấp địa phương được liên kết với Đại hội Chung Thường lệ. Thượng hội đồng này sẽ kết thúc vào năm 2023, bế mạc một tiến trình Thượng hội đồng kéo dài hai năm.
 

Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: aleteia.org (08/10/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

114.864864865135.135135135250