24/06/2020 -

HỌC HỎI

1884
Trinh khiết thời @

Maria Nguyễn Thụy Kim Ngân

Viết tắt
- Thông điệp Sacerdotalis Caelibatus : SC
- Sắc lệnh Perfectae Cantatis: PC
- Tông huấn đời sống thánh hiến: VC
- Bộ Giáo Luật: GL
 
I. Dẫn nhập
 
Khước từ đời sống là một trong những yếu tố căn bản, ràng buộc của đời sống thánh hiến. Giáo Hội đã gìn giữ vẻ đẹp tinh túy của sự thánh thiện này qua hàng ngàn thế kỷ khi đối diện với vô vàn phong ba bão táp của xã hội, văn hóa và con người đương thời. Đức Giáo Hoàng Phalo VI đã nói về luật độc thân linh mục khi có một xác quyết: “Việc giữ độc thân đã trở nên khó khăn và dường như không thể thực hiện được trong thế giới của thời đại chúng ta” (SC 1).

Độc thân khiết tịnh trong thời hiện đại đòi hỏi người tu sĩ cần có góc nhìn mới, thực tế trên nền tảng ý nghĩa, cao quý mà đời sống khiết tịnh mang lại. Những cảm nghiệm suy tư của đời sống khiết tịnh phải đực trở về trong cội nguồn của Kinh Thánh, Giáo huấn của Giáo hội trong một số các thách đố đối với các tu sĩ trẻ.

 
II. Lời khấn khiết tịnh dưới nhiều khía cạnh
 
1. Kinh Thánh
 
Vai trò của đời sống độc thân không được đề cao trong Cựu ước, việc sinh sản con đàn cháu đống được coi là sự chúc phúc của Thiên Chúa trên dân gia đình và dòng tộc. Tuy vậy, tinh thần khiết tịnh được phác họa như nét trung thành, chung thủy với Thiên Chúa để dân riêng được tuyển chọn không chạy theo các tà thần. (x. Dnl 6,17).
Tuy vậy, vào cuối thời Cựu ước sách khôn khoan đã ca ngợi về đời sống khiết tịnh (x.Kn 3,13) hay trong tiên tri Giêrêmia (Gr 16,2) đã tự nguyện sống độc thân theo lệnh Chúa truyền. Tiếp nối sự thánh thiện ấy, sau này Thánh Gioan Tẩy Giả, Tông đồ Gioan không kết hôn. Điều này làm sáng lên cuộc hôn nhân giữa Chúa Giê-su và Hội thánh.

 
a. Khiết tịnh một Hồng ân
 
Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu (x.Mt 19,11). Thiên Chúa yêu thương tuyển trọn và thánh hiến những ai Ngài muốn. Ơn Chúa là bước khởi đầu cho tâm hồn tận hiến và sau đó là tự do và tự nguyện sống khiết tịnh thánh hiến. Cuộc hôn nhân giữa người thánh hiến với Đức Ki-tô là một cuộc hôn nhân nhiệm mầu. Trong đó, Thiên Chúa đã hạ mình cúi gần xuống để đến với con người.

Hồng ân khiết tịnh vì Chúa trải dài suốt đời thánh hiến như minh chứng cho lời tuyên khấn trong ngày tận hiến. Lời hứa về Nước trời (x.Mt 13,44-46) dành cho những ai sau khi đã khám phá ra hồng ân cao quý này thì đã từ bỏ mọi sự mong chiếm được phần thưởng Chúa hứa ban. “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (x. Mt 5,8). Mọi con cái Chúa đều được khao khát chiêm ngưỡng dung nhan Chúa ở đời này và đời sau. Vì thế người tu sĩ hằng thao thức và mong mỏi hơn nữa khi mỗi ngày được đụng chạm và có cơ hội gần Chúa hơn mọi người.

Vậy hồng ân khiết tịnh thánh hiến không phải là nỗ lực cá nhân loài người, nhưng là một hồng ân nhưng không dành cho những ai can đảm tự do đáp trả lời mời gọi của Chúa.

 
b. Khiết tịnh để theo Chúa
 
Ai trong anh em không từ bỏ hết (x. Lc 14,33). Để tự do đáp trả lại lời mời gọi của Chúa thì sự từ bỏ không còn hệ tại ở những điều kiện bên ngoài như gia đình, tài sản… Nhưng sâu xa hơn là chính con người tận hiến với những nhu cầu yêu và được yêu từ bỏ trong tự do để theo Chúa. Tuy điều kiện cơ bản của người thánh hiến là đời sống độc thân, nhưng tinh thần độc thân khiết tịnh trổi vượt hơn cả trong tinh thần và thể xác.

Dẫu biết rằng theo Chúa mọi người cần có lòng khiết tịnh không chạy theo các phù phiếm tà thần cho dù bình an hay sóng gió của cuộc sống. Nhưng độc thân khiết tịnh của đời sống thánh hiến là đòi hỏi bắt buộc giúp tu sĩ bước theo Chúa cách mạnh dạn và trung thành hơn. Đây là điểm khác biệt của người tu sĩ Công giáo với một số tôn giáo khác.

 
c. Thánh Phaolô khuyên
 
Thánh Phaolô đã chọn con đường giống Chúa Giê-su, Ngài không lên án, bài trừ đời sống hôn nhân (1Cr 7,25-46). Nhưng để phục vụ Chúa và tha nhân cách tốt nhất, không bị giằng co lôi kéo, gửi trọn con tim cho một tha nhân nào, thì độc thân khiết tịnh luôn trổi vượt. Ơn thiêng liêng cao quí này chỉ được vững bền trong ơn “Thần Khí của Thiên Chúa soi sáng” (1Cr 7,40c).

Của lễ toàn thiêu mà Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha là của lễ tinh tuyền như con chiên vẹn toàn. Vì thế, Thánh Phao-lô cũng khát khao của lễ vẹn tuyền này được nối dài qua muôn ngàn thế hệ. “Bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Ki-tô, để hiến dâng anh em cho người như một trinh nữ trinh khiết” (x.2Cr11,2). Vai trò của lòng thanh khiết được đòi hỏi cho việc phụng sự Chúa và là món quà tuyệt hảo dâng về Chúa. Kho tàng ân sủng mà Chúa trao ban “lại chứa đựng những bình sành” (x.2Cr4,7). Vì thế người thánh hiến không ngừng chết đi cho chính mình trong những ham muốn của bản thân, trong bản tính xác thịt yếu đuối, hầu tham vọng làm đẹp lòng Chúa (x. 2Cr5,9) luôn được thực hiến hàng ngày, hàng giờ.

 
2. Công đồng Vat II nói về khiết tịnh
 
a. Sắc lệnh Perfectae Caritalis

Sắc lệnh đức ái trọn hảo đề cao lời khấn khiết tịnh trong đời sống thánh hiến như “dấu chỉ hạnh phúc thiên đàng” (x. PC 12) thiên đàng ngay trong tâm hồn tu sĩ giữa lòng thế gian. Tình yêu đại đồng với con tim rộng mở để yêu tha nhân cách quảng đại, vui tươi và nồng nàn hơn.

Một con tim biết chia sẻ làm sáng chói đức ái (x. 1Cr 13) giữa một thế gian đề cao chủ nghĩa cá nhân và đời sống hưởng thụ. Mang một trái tim rộng lớn nên người tu sĩ dễ dàng hoạt động tông đồ cách đắc lực và công bằng hơn. Nơi đây không còn sự ngăn cách của giàu sang hèn hạ, nô lệ - tự do hay tôn giáo (x. Gl 3,28). Một đôi tay rộng mở để đón mời và vực dậy những trái tim đã héo mòn trong thế gian.

Những giáo thuyết sai lạc coi việc trinh khiết của người tu sĩ là điều không thể, tổn hại đến tinh thần và thể lý (x. PC12) của con người. Vì thế lời khấn khiết tịnh của người thánh hiến minh chứng cho thế gian về điều không thể tồn tại. Nhưng tất cả là sự thánh hiến của Giáo hội để đáp trả lại tình yêu mà Ngài đã hiến thân. Một “tự do cho trái tim con người theo một cách thế đặc biệt” (x. PC 12) (x. 1Cr 7,32-35) tự do trong yêu thương phục vụ như chính Đức Ki-tô đã yêu thương cho dân Ngài.

b.Tông huấn Vita Concecrata

Tông huấn đời sống thánh hiến nêu cao sự khiết tịnh của người tu sĩ thể hiện tình yêu của Ba Ngôi mà đỉnh cao là vinh quang của Chúa Giê-su trên Thánh Giá (Vc 21). Thánh giá được trả bằng máu và tình yêu của ân sủng. Con đường của người tu sĩ tận hiến có bàn tay quan phòng của Chúa Cha. Tình yêu và lòng thương xót từ cạnh sườn Chúa Giê-su song song với sự thúc đẩy của ơn Chúa Thánh Thần nuôi sống lời khấn khiết tịnh của tu sĩ.

“Vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo” (x.VC 88). Thân phân con người dù mong manh dễ vỡ nhưng người thánh hiến lại có điểm tựa vững chắc là Chúa Giê-su. Người Cha đã đi trước để nêu gương cho con cái mình. Sáng kiến của Thiên Chúa quả là phong phú cho những tâm hồn thánh thiện khao khát đi theo con đường của Ngài.

Để có sức mạnh tự chủ và kỉ luật cần thiết để khỏi bị nô lệ giác quan và bản năng (x. VC 88) người thánh hiến nhận chìm trong mầu nhiện Ba Ngôi Thiên Chúa. Niềm vui có được trong cầu nguyện, khổ chế bản thân, tình huynh đệ cộng đoàn hầu chiến thắng mọi đam mê ước muốn con người.

Vậy, tóm lại các Giáo huấn của Giáo hội đưa dẫn các tâm hồn tận hiến mỗi ngày đến gần Chúa hơn qua lời khấn khiết tịnh. Dẫu biết rằng lội ngược dòng luôn làm tu sĩ phải vất vả chiến đấu nhưng tất cả là niềm vui và tự do nếu người thánh hiến tin – yêu - phó thác vào trái tim Chúa Giê-su.

 
3. Giáo luật – Chìa khóa của lời khấn khiết tịnh
 
Giáo luật năm 1983 trình bày về ý nghĩa của luật độc thân thánh hiến với đầy đủ tự do, trưởng thành và ý thức trong việc giữ lời khuyên phúc âm. “Các giáo sĩ buộc phải giữ đức khiết tịnh hoàn toàn hay vĩnh viễn vì Nước Trời” (x. Gl 277, 1). Người thánh hiến xem sự ràng buộc thiêng liêng là quà tặng của Thiên Chúa và sự đáp trả của chính bản thân. Trong đó, các hình phạt dành cho người vi phạm (x. Gl 694, 1,20 , 1394, 1395) được quy định rõ để khỏi làm gương xấu cho người khác.

Tuy nhiên Thánh Phao-lô đã quả quyết “Vẫn biết rằng luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi” (x. Rm 7,14). Luật luôn là hàng rào bảo vệ người thánh hiến sống trọn vẹn con tim thanh khiết với Chúa. Nhưng ơn Chúa luôn cần có sự cộng tác nỗ lực của con người. Như trong lời cầu xin của Chúa Giê-su “Xin đừng để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng xin cứu khỏi tay ác thần” (x. Mt 5,13).

Hơn nữa tu luật thánh Âu-tinh, luật dòng là kim chỉ nam cho người tu sĩ Đa-minh bước theo Chúa. Trong đó, mọi phương thế, cách thực hành … là kim chỉ nam giúp con cái Cha thánh sống lời khấn khiết tịnh một cách trọn hảo hơn.

 
4. Tu đức
 
Nếu thế gian coi lối sống khiết tịnh là mơ mộng, ức chế hay đi ngược lại với bản tính tự nhiên thì người thánh hiến coi đó là phương thế để theo Chúa cách chắc chắn và yêu thương tha nhân nồng nàn hơn. Ngày xưa các vị đạo đức thánh thiện coi việc gìn giữ ngũ quan, ăn chay, đánh tội, hãm mình, cầu nguyện, cộng đoàn … là những phương thế gìn giữ lời khấn khiết tịnh tốt hơn. Hoa trái thánh thiện ấy vẫn còn được nối dài và là bài học cao quý cho tu sĩ trẻ ngày nay nhưng có phần nào canh tân và thêm nhiều phương thế cho phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Chính vì thế, một tiến trình giáo dục tâm lý lâu dài để đảm bảo sự quân bình là điều được chú trọng. Cho nên lời khấn không chỉ được dừng lại ở thái độ không được yêu người nam hay có quan hệ bất chính với người khác phái. Nhưng “là phát triển tình yêu và hướng tình yêu đó vào những đối tượng cao hơn việc xây dựng một tổ ấm” (x. ĐSTL VI, 266). Vậy nếu người thánh hiến không có khả năng yêu thương và làm triển nở tình yêu đại đồng thì độc thân khiết tịnh sẽ không còn ý nghĩa. Tình bạn và đời sống cộng đoàn được nhắc đến như là những phương thế của thời đại giúp người thánh hiến sống vui tươi độc thân khiết tịnh.

 
III. Khiết tịnh thời @
 
1.Thách đố khiết tịnh tận hiến

Nền văn hóa hưởng thụ (x. Vc 88) làm cho nền đạo đức tụt dốc nghiêm trọng. Các sai phạm về luân lý, lương tâm dẫn đến vô vàn đau thương cho gia đình và xã hội. Con người hoài nghi về sự trong sáng giữa người với người và phủ nhận sự trinh khiết tồn tại trong thế giới này. Sự chung thủy như một sợi dây mong manh dễ vỡ bị áp đảo từ trong đời sống gia đình len lỏi vào đời sống thánh hiến. Mặt khác, nếp sống hiện tại với đầy đủ tiện nghi về phương tiện truyền thông đang là vấn đề lớn người tu sĩ cần đối diện với đầy đủ ý thức và trưởng thành

 
a. Với người cùng giới
 
Truyền thống tu đức ngày xưa chỉ nhắc đến việc giữ gìn ngũ quan trong tương giao với người khác phái (Tu luật Âu-tinh, VI). Trào lưu đồng tính được một số quốc gia thừa nhận. Các hình ảnh, tư tưởng con người thuộc giới thứ ba này đang ảnh hưởng một cách tinh vi và lệch lạc của đời sống khiết tịnh (x. Sức mạnh của ơn gọi, 111). Loại tình cảm này không có chỗ đứng trong đời sống thánh hiến (x. Sức mạnh của ơn gọi, 112).

Một loại tình cảm chạy theo thời thượng hay lấp đầy khoảng trống cô đơn trong tâm hồn làm mất đi vẻ thánh thiện của đời sống khiết tịnh, làm xáo trộn cá nhân và cộng đoàn. Sự quân bình tình cảm được huấn luyện và trưởng thành theo thời gian và ân sủng. Dẫu biết rằng tình bạn thực sự trong đời tu luôn được đề cao với sự đồng hành, nâng đỡ trong ơn gọi, đời sống thiêng liêng. Nhưng nếu đôi bạn không cùng tiến về Chúa Giê-su mà lại tiến về nhau gây tổn hại cho đời dâng hiến cũng như sự trong sáng của Giáo hội. Mất phương hướng trong việc đồng hành hay quá khép mình trong đối thoại làm cho vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn.

Khuynh hướng đồng tình thánh hiến trở nên ngày càng lệch lạc khi ý nghĩa chiếm hữu lộ rõ từ việc nhỏ khó chịu khi đối tượng chia sẻ với người khác cho đến việc lớn hơn có các hành vi ứng xử như các cặp khác phái. Vậy mỗi người tu sĩ phải là nhà đào tạo của chính bản thân mình với đầy đủ trách nhiệm về khả năng đối diện với lời khấn khiết tịnh thánh hiến.

 
b. Lạm dụng tình dục
 
“Những người tận hiến được Thiên Chúa chọn để hướng dẫn các linh hồn đến với ơn cứu rỗi, lại để cho bản thân mình bị thống trị bởi sự yếu đuối hay bệnh tật của con người và do đó trở thành công cụ của ‘Satan’” (x. ĐTC Phanxico – Bế mạc hội nghị bảo vệ trẻ em vị thành niên trong Giáo hội, Đồng hành,19). ĐTC Phanxico nói về những nỗi đau của Giáo hội với một hình ảnh ô nhơ làm hoen ố vẻ đẹp trong sáng cua Hội thánh và Chúa Ki-tô.

Tuy vấn đề nhạy cảm này chỉ đang tồn tại một số ít phần tử trong đời sống dâng hiến nhưng lại giúp cho mỗi người tự nhìn lại bản thân. Về lòng trung thành của đời dâng hiến, về lối sống tu đức, rèn luyện bản thân chiến đấu với yếu đuối. Xã hội thời đại gây nên những suy đồi về đạo đức, luân lý, người tu sĩ không né tránh hay bỏ qua thách đố lời khấn khiết tịnh. Nhưng nhìn thẳng vào vấn đề để cầu nguyện, sám hối và nâng đỡ nhau trong đời dâng hiến.

 
c. Con đường đối thoại
 
“Những người độc thân không thể tiến tới” (x. Sức mạnh của ơn gọi, 114) ĐTC Phanxicô đề cao vai trò của người đồng hành thiêng liêng có sức mạnh nâng đỡ, ủi an tiếp thêm sức mạnh cho đời dâng hiến. Đồng thời Công vụ số 16 của chị em Đa-Minh Rosa Lima đề cao vai trò của chi hữu trách trong việc cảm thông chia sẻ khi người chị em gặp thử thách về lời khấn khiết tịnh (x. CV 16)

Vai trò của đồng hành luôn là nhịp cầu cho người tu sĩ mở lòng. Một ơn gọi quá khép kín hay không muốn đối thoại là chưa thực sự yêu mến đời dâng hiến cũng như chưa sẵn sàng trao ban tình yêu. Điểm đến của con đường đối thoại phải giúp người thánh hiến đến gần Chúa để yêu mến và phân định.

Một xã hội đương đại quá đề cao chủ nghĩa cá nhân phần nào ảnh hưởng từ trong tính cách ở môi trường gia đình theo vào đời dâng hiến. Sự quyết định trở nên non dại và bồng bột khi chủ nghĩa cá nhân lên cao không cần ơn Chúa và sự trợ giúp của người đồng hành. Vì thế giáo dục luôn là mối ưu tiên sao cho đời dâng hiến luôn sẵng sàng để đối thoại từ chuyện thiêng liêng đến tâm lý, tình cảm thâm sâu của mỗi người.

 
d. Khiết tịnh thể xác-tâm hồn
 
Thời đại công nghệ số luôn cung cấp cho con người các phương tiện giải trí hiện đại nhất. Người tu sĩ được tiếp cận với thiết bị thông minh, tính năng vượt trội với đầy đủ sự lôi cuốn và mới lạ. Vậy lời khấn khiết tịnh không dừng lại ở việc tuyên khấn sao cho chị em không vướng bận đến người khác phái nhưng mở rộng đến thế giới bên ngoài.

“Tâm hồn thế tục” (x. Sức mạnh của ơn gọi 118) ĐTC Phanxicô cảnh giác về “mác tu sĩ” nhưng điều cốt lõi đời thánh hiến đã đánh mất với thời gian. Cung cách ăn mặc, đi đứng, cử chỉ, sử dụng thời gian, vật chất… cho dù là điều nhỏ bé nhưng phần nào đánh giá người tu sĩ còn chăm chút về lời khấn khiết tịnh hay không.

Nền văn hóa hưởng thụ đòi hỏi con người có các quyền ăn ngon mặc đẹp, dùng đồ hiệu … người khấn khiết tịnh từ chối không phải vì họ không có quyền nhưng lối sống này không phù hợp với người tu sĩ. Vì thế lòng say mê về Chúa Giê-su lấp đầy những thiếu thốn bên ngoài để tạo cho người tu sĩ một tâm hồn đầy yêu thương và tự do hiến thân.

2. Phương thế giữ lời khấn khiết tịnh thời @

a.Cầu nguyện, cứu cánh tuyệt vời và duy nhất

Lời cầu nguyện trước nhan Chúa phải thật sự chân thành hầu nhìn nhận giới hạn của con người. “Nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (x. Ga 17,15b). Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su minh chứng về con người không thể sống nếu không có ơn Chúa. Thế gian vời đầy đủ vẻ đẹp lộng lẫy, quyến rũ luôn len lỏi vào khuynh hướng thâm sâu của tình cảm để hạ gục người thánh hiến.

Say mê và để cho Chúa Giê-su quyến rũ để Ngài làm mới lại tâm hồn và để người thánh hiến biết mình cần có Chúa. Người tu sĩ được mời gọi học biết cách cầu nguyện (x. Sức mạnh của ơn gọi, 97). Một tinh thần bình dị, đơn sơ, chia sẻ với Đấng người tu sĩ chọn làm gia nghiệp. Mọi vấn đề của đời dâng hiến nảy sinh và trở nên trầm trọng khi thiếu vắng cầu nguyện. Thay vào đó là các buổi trò chuyện cá nhân, giải trí phung phí thời gian Chúa trao.

Đời sống cầu nguyện theo suốt đời thánh hiến từ các bước đào tạo sơ khởi đến khi về với Chúa. Một cuộc nỗ lực không ngừng để đến với Chúa Giê-su là Đấng người tu sĩ chọn đi theo.

b.Tình huynh đệ cộng đoàn

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, Anh em được sống vui vầy bên nhau.” (Tv 133,1) Nỗi lòng cô độc được thay thế cho tình huynh đệ chung chia trong sứ vụ và cả sự khó khăn thất bại của nhau. “Đừng quá tin vào sức riêng” (x. PC 12). Một cộng đoàn đích thực luôn là nơi để mỗi tu sĩ trải lòng, ai cũng có những giới hạn riêng và kinh nghiệm trong từng bậc tuổi khác nhau tiếp thêm kinh nghiệm trong việc gìn giữ sự trong sáng của tâm hồn. “Thông truyền niềm vui sống trong cộng đoàn” (x. Sức mạnh của ơn gọi, 122). Cộng đoàn vui tươi ngoài việc thể hiện bằng nụ cười nhưng niềm vui còn được thấy từ trong tâm hồn.

Một tình bạn đẹp được cộng đoàn trân trọng và khuyến khích nếu thực sự nâng đỡ và hài hòa giúp đỡ nhau cùng thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. Nhưng đức ái không bao giờ được khép kín mà phải được mở ra cho hết mọi người trong cộng đoàn. Hơn nữa, đời sống cộng đoàn là một trong những yếu tố trột trụ của Dòng Đaminh. Niềm vui, nỗi buồn, thách đố của cộng đoàn luôn là thành quả của mỗi cá nhân tu sĩ góp nhặt vào gia đình thiêng liêng.

c. Khôn ngoan sử dụng phương tiện truyền thông

“Xin giữ mắt này khỏi nhìn theo những điều hư ảo, và cho con được sống nhờ đường lối của Ngài.” (Tv 118,3) Hiến pháp của chị em Đa-minh khuyến cáo “khôn ngoan trong việc sử dụng phương tiện truyền thông và giao tiếp với những người có thể gây trở ngại cho việc giữ lời khấn khiết tịnh (x. HP 12). Đôi mắt cho chúng ta nhìn thấy vạn vật nhưng bộ nhớ lại khắc ghi những gì phương hại đến tâm hồn trong sạch. Chúa ban cho mọi phương tiện để phục vụ Chúa và tha nhân cách tốt nhất nhưng đừng biến mình thành nô lệ (x. Đồng hành 11). Thánh Phao-lô là Tông đồ tỏ lộ rõ rõ ràng những yếu đuối nột tâm của mình. “Vẫn biết rằng luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, điều dữ tôi ghét thì tôi lại cứ thực hiện (x. Rm 14-15). Tính xác thịt luôn thống trị con người cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, một sự thống trị đầy ngọt ngào và tinh vi.

3. Lời khấn khiết tịnh trong trái tim người tu sĩ Đa-Minh Rosa Lima

Con cái Cha Thánh Đa-Minh sống giữa lòng Giáo hội với việc học hỏi, thực thi các Giáo huấn của Giáo hội trong nền văn hóa riêng của địa phương. Đặt trên nền tảng lời dạy của Chúa Giê-su qua Kinh Thánh, tu luật Thánh Âu-tinh và Luật dòng. Chị em tha thiết và yêu mến bước theo Chúa mỗi ngày một sát hơn qua ba lời khấn.
Ý thức sứ mạng độc thân nhưng không cô độc giữa chị em, nên các hoạt động của cộng đoàn đều nhắm đến mục đích xây dựng đời sống chung. Các buổi hồi tâm, sám hối, xin lỗi có lẽ phần nào giúp chị em nhẹ nhàng trong đời sống chung và giữ lời khấn khiết tịnh tốt hơn. Việc tuân giữ lời khấn khiết tịnh đưa vào các giai đoạn huấn luyện nhằm phân định về tâm sinh lý, tình cảm và khả năng sống đời dâng hiến.

Các Hội nghị lượng định, Tổng hội của Hội dòng đều kiểm điểm lại việc khấn giữ của chị em, đồng thời rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng, cầu nguyện sao cho hướng đi của Hội dòng luôn đẹp ý Chúa.

 
IV. Kết luận

Trong mỗi bậc sống, sự khiết tịnh luôn được đề cao nhưng khiết tịnh trong đời sống dâng hiến vượt trội hơn các mục đích được thuộc trọn về Chúa và phục vụ tha nhân. Tu sĩ sống khiết tịnh trong tinh thần Phúc âm dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần trong bàn tay nâng đỡ của chị em, của Hội dòng hầu lướt thắng bản thân và tiến về Chúa.
Đối mặt với những thách đố của thời đại, Giáo hội vẫn dâng lên Chúa “viên ngọc sáng chói và bảo vệ giá trị của nó cách kiên vững” (x. SC,1). Mỗi tu sĩ dấn thân vào xã hội vớ nét tinh tế sáng tạo nhưng không đánh mất căn tính bằng tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tài liệu tham khảo
  1. Sức manh của ơn gọi Học viện Đa-Minh
  2. Đời sống tâm linh VIGiuse Phan Tấn Thành
  3. Giải thích Giáo luậtGiuse Phan Tấn Thành
114.864864865135.135135135250