15/11/2016 -

Học Viện

616
Cộng đoàn thương xót

Năm thánh ngoại thường về lòng thương xót đã được ĐTC Phanxicô mở ra. Đây thực sự là một năm hồng ân của Chúa, là cơ hội để mỗi người Kitô hữu tái khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa đã dành cho mình. Là một người Kitô hữu và hơn nữa là một người được Thiên Chúa thánh hiến, tôi đã nhận được biết bao nhiêu tình thương của Chúa. Tình thương ấy Chúa đã ban cho tôi qua gia đình và Hội Dòng cùng tất cả các vị ân nhân đã giúp đỡ tôi trong đời sống dâng hiến. Đặc biệt, khi sống ơn gọi Đa Minh, tôi được sống trong bầu khí cộng đoàn. Đó là nơi tôi được mời gọi khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa mỗi ngày một sâu hơn, đồng thời cũng là nơi tôi thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa cho những người mà tôi chung sống.
  1. Khám phá Lòng Thương xót của Chúa nơi cộng đoàn
Ơn gọi của mỗi người thánh hiến xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Chính Đức Kitô đã quy tụ chúng ta để “như Người và nhờ Người, trong Chúa Thánh Thần, theo dòng thời gian, chúng ta có thể đáp lại tình yêu của Chúa Cha, bằng cách yêu  mến Người “hết lòng, hết dạ, hết sức” và yêu anh chị em “như chính mình”[1]. 13). Được Chúa kêu gọi là một hồng ân cao quý mà không phải ai cũng được. Hồng ân đó hoàn toàn do lòng thương xót của Chúa chứ không do công trạng của người được chọn. Thực tế,  chúng ta không phải là những người đạo đức, thánh thiện hoặc khôn ngoan, tài giỏi hơn những người khác, nhưng chúng ta được chọn chỉ vì tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Khi xét lại bản thân mình, tôi thấy mình thật bất toàn, yếu kém. Tôi chẳng phải là người đạo đức hay tài giỏi hơn người khác, nhưng tôi đã được Chúa thương chọn gọi để tôi được “ở với Người và để Người sai tôi đi rao giảng” (Mc 3, 14).

Khi đã kêu gọi, Thiên Chúa cũng thánh hiến tôi bằng ân sủng của Người. Người tiếp tục hướng dẫn, dạy bảo tôi theo con đường hoàn thiện. Cộng đoàn chính là môi trường mà tôi gặp gỡ Thiên Chúa, được Người giáo dục, đồng hành, huấn luyện tôi nên khí cụ của Người. Trước hết, cộng đoàn là nơi tôi gặp gỡ Chúa trong đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống của những ai bước theo Chúa. Nơi đó, tôi kín múc được sức mạnh để vượt qua khó khăn, tìm được sự bình an trong tâm hồn. Đặc biệt, không chỉ những lúc cầu nguyện riêng tư, nhưng cả trong phụng vụ chung của cộng đoàn, tương quan của tôi với Chúa, cũng như của tôi với các chị em được nuôi dưỡng. Nhất là những lúc tâm hồn tôi khô khan, nguội lạnh, nhờ sự sốt sắng của chị em trong kinh nguyện, mà tôi cũng được thông hiệp nâng tâm hồn lên với Chúa.

Tôi nhận biết con người của mình có nhiều yếu đuối. Tôi cần lòng thương xót của Chúa và của mọi người. Cộng đoàn là nơi tôi nhận được sự hướng dẫn giáo dục của Thiên Chúa, thông qua quý Bề trên và quý dì Giáo cũng như các chị em trong cộng đoàn. Quý Bề trên và quý dì Giáo đã đón nhận con người yếu đuối của tôi và từng bước hướng dẫn tôi trong đời sống nhân bản cũng như trên bước đường tâm linh. Mỗi ngày, tôi sửa đổi những gì mình còn thiếu sót, những nặng nề của tính xác thịt để nên giống Đức Kitô hơn. Việc sửa lỗi huynh đệ là một sự bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa. Tuy rằng, những lúc được sửa dạy thì rất đau đớn và chẳng ai lấy làm vui thích gì. Thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy” (Dt 12,7). Chính việc tôi được sửa dạy chứng tỏ rằng tôi được Chúa yêu thương. Đồng thời cũng chứng minh tôi được Hội Dòng yêu thương. Chỉ khi kiên nhẫn chịu cắt tỉa thì ta mới nên người và nên giống như Chúa.

Cộng đoàn còn là nơi tôi học được những gương sáng. Gương chịu đau khổ, yếu mệt trong vui tươi của các dì già. Gương hy sinh, dấn thân cách âm thầm của các bề trên. Gương quảng đại, ân cần, chu đáo của quý dì Giáo. Và rất nhiều gương sáng trong đời sống cầu nguyện, trong việc bác ái yêu thương của các chị em. Những tấm gương của các chị em là lời nhắc nhở để mỗi ngày tôi cố gắng hơn trên con đường hoàn thiện. Đời sống cộng đoàn có những lúc hạnh phúc, bình an, nhưng cũng có nhiều phen sóng gió. Vì con người bất toàn. Những khác biệt về văn hóa, về nền giáo dục được hấp thụ khi còn ở gia đình, hoặc sự khác biệt về tính cách, đôi khi làm chúng ta khó chấp nhận nhau. Việc vượt qua chính mình để yêu thương, chấp nhận người khác quả là rất khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, từ bỏ. Ta cần có cái nhìn siêu nhiên và cần ân sủng của Chúa để có thể sống yêu thương như Chúa. Khi ý thức về lòng thương xót mà mình đã được nhận lãnh, tôi cũng cần bày tỏ lòng thương xót cho những chị em đang cùng chung sống với tôi.
  1. Thể hiện lòng thương xót của Chúa trong cộng đoàn
Sống trong hoàn cảnh con người đang dần trở nên vô cảm trước đau khổ của anh chị em mình, người sống đời thánh hiến có sứ vụ làm chứng về một đời sống bác ái, yêu thương. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu vẫn có tính thời sự trong thời đại hôm nay. Nếu áp dụng dụ ngôn này trong xã hội hôm nay thì có lẽ ta sẽ thấy có rất nhiều các tư tế và người Pharisêu. Có thể tôi cũng là một trong số đó. Trong cộng đoàn, những lúc tôi yếu, tôi cần chị em nâng đỡ. Và khi chị em tôi yếu, tôi cũng cần nâng đỡ chị em. Nhưng khi thấy người chị em của mình gặp chuyện gì đó, tôi cũng bị cám dỗ lờ đi, coi như mình không nhìn, không nghe, không biết gì hết. Nhưng là môn đệ của Đức Giêsu tôi phải noi gương, bắt chước Người. Người Samritanô trong dụ ngôn kia chính là Đức Giêsu. Người đã dừng lại chăm sóc những vết thương của tôi mỗi khi tôi vấp ngã, phạm tội. Đến lượt mình, tôi cũng được Chúa mời gọi hoán cải, dám đi ra khỏi sự an toàn của mình, chấp nhận những khó khăn, phiền toái để bày tỏ lòng thương xót của Chúa cho người thân cận của tôi.

Trong cộng đoàn, lòng thương xót có thể được thể hiện bằng những hành vi cụ thể dù rất nhỏ. Đó là cử chỉ quan tâm khi người chị em có chuyện buồn. Đó là một sự giúp đỡ âm thầm khi thấy chị em đang bận quá nhiều việc, hoặc chỉ là một nụ cười động viên, khích lệ. Lòng thương xót thể hiện ở việc bỏ qua cho nhau những lầm lẫn, thiếu sót trong công việc. quả thực, tha thứ là biểu hiện rõ nhất của lòng thương xót Chúa. Người là Đấng nhân từ, không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho tội nhân. Hai trình thuật Tin Mừng thể hiện rõ nhất lòng nhân hậu của Chúa là Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15, ) và câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” (Ga 8, 1-11). Thiên Chúa không bao giờ “nhắc lại chuyện xưa” khi hối nhân quay trở về. Người đón nhận họ với một lòng trìu mến, thương yêu và chỉ muốn trao lại cho họ phẩm giá làm người, làm con Chúa. Đấng có quyền kết án đã không kết án thì tôi có quyền gì mà dám lên án người khác. Chúa đã tha thứ cho tôi vô điều kiện, tôi cũng phải tha thứ cho người khác như vậy. Mặt khác, tha thứ cho tha nhân cũng là tha thứ cho chính mình.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa  và đặc biệt trong Mùa Chay thánh này, tôi ước mong cảm nghiệm sâu sắc hơn tình thương của Chúa và có thể đáp lại tình thương ấy bằng đời sống yêu thương hằng ngày. Dẫu biết rằng mình còn nhiều giới hạn, nhưng nhờ tình yêu của Chúa biến đổi, tôi sẽ biết yêu thương như Chúa đã yêu tôi.

Maria Thân Thị Tuyết Nhung

[1] Huấn thị Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 1
114.864864865135.135135135250