28/11/2016 -

Học Viện

765
Cưu mang kế hoạch của chính Chúa

Chúng ta cưu mang kế hoạch của Chúa khi mọi người qui tụ lại với nhau trong một cộng đoàn là qui tụ trong cùng một Hội Thánh. Cộng đoàn gồm những người không chọn lựa nhau nhưng chính Chúa đã chọn gọi để trở nên chị em của nhau. Trong cộng đoàn, mỗi người đến từ những vùng miền khác nhau với những khác biệt về phong tục tập quán nhưng tất cả trở nên hòa hợp để chung một tinh thần, chung một ý hướng. Nhưng những khác biệt của nhau dễ dẫn đến xung đột nếu ở đó mỗi người không mở lòng ra đón nhận và cảm thông cho nhau. Chính khi cảm thông cho nhau là khi ta đang sống chiều kích cộng đoàn, sống lòng thương xót như Cha trên trời.

Ngày đầu tiên gia nhập cộng đoàn, tôi thấy vui và hạnh phúc bởi sự tiếp đón của quí chị em. Tôi được những người đi trước dẫn đi tham quan phòng ốc cũng như sự chỉ bảo tận tình. Mọi sự đều tốt đẹp, ai cũng dễ thương, thánh thiện. Tôi không thể biết sẽ có những lúc phải buồn chán. “Một cộng đoàn được qui tụ không phải vì chúng ta thích nhau hoặc có cùng nhiệm vụ hay dự phóng, nhưng bởi chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi” (Henry Nouwen). Tôi thích những ngày lễ hội, mọi người cùng tập trung làm các món ăn. Từ bề trên cho đến em đệ tử nhỏ nhất nhà. Nơi đó thể hiện những thiếu sót của nhau và những cảm thông dành cho nhau. Chị có thể là tiến sĩ thần học dạy rất giỏi lại khiêm tốn xuống bếp nghe em nhỏ chỉ cách nấu món lạ, hay chỉ là đứng cho củi vào bếp. Một mái ấm hay một gia đình là nơi mọi người tìm cách đón nhận nhau, và phải biết lắng nghe nhau. Lắng nghe thì quan trọng hơn[1]

Một cộng đoàn không chỉ ăn chung, nguyện chung, làm việc chung, sống chung nhưng còn là chung ý hướng, chung tinh thần. Không thể có một cộng đoàn yêu thương nếu như ở đó không có cảm thông chia sẻ, không có bao dung và tha thứ trước những sai phạm. Nói là tha thứ nhưng đôi khi thật khó biết bao, gương vỡ khó lành, các vết thương luôn để lại sẹo, khi nhìn thấy sẹo ta lại nhớ về quá khứ, ta gặm nhấm nỗi buồn. Ta không quên quá khứ phải chăng là ta không biết cách tha thứ? Để tha thứ được ta phải biết buông bỏ quá khứ. Tôi tự hỏi: lòng thương xót trong cộng đoàn sẽ được thể hiện như thế nào nếu như mỗi người không chấp nhận những thiếu sót của nhau? Thánh Gioan nói: ai nói yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em mình thì đó là kẻ nói dối (x.1 Ga 4,10). Yêu nhau không phải là gặp nhau rồi nói: tôi yêu chị lắm! Nhưng là sẵn sàng cộng tác nâng đỡ nhau trong những khó khăn, những công việc nhỏ hay trong lời cầu nguyện hiệp thông. Yêu là sẵn sàng tha thứ khi người chị em làm ta tổn thương mà không chờ họ đến xin lòng tha thứ. Hay ta lại mang tâm tình “quân tử mười năm trả thù chưa muộn!”. Buông bỏ quá khứ để cùng nhau được tăng triển và lớn lên trong nhân vị.

Buông bỏ quá khứ
Đó không phải là một điều dễ dàng. Quá khứ kỷ niệm, thù hận ăn sâu trong lòng dễ gì tha thứ được ngay!  Đến với cộng đoàn mỗi người mang theo một quá khứ. Tha thứ cho chính mình để rồi tha thứ cho người khác. Ta có đủ can đảm để buông bỏ quá khứ hay sống để bụng chết mang theo? Lỗi phạm là điều không thể tránh khỏi, mỗi người thay đổi từng ngày vậy làm sao có thể nói: biết nó quá mà ta vô tình đóng khung người khác và không để họ có cơ hội lớn lên. Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông (Heraclit), dòng sông luôn chảy, cuộc sống không ngừng thay đổi, con người cũng đổi thay. Tôi của ngày hôm nay khác tôi của ngày hôm qua, tất cả đều hướng về tương lai. Tất nhiên quá khứ của một người làm nên lịch sử tính của người đó, và mỗi người cũng không quên tri ân khi nhìn về quá khứ. Điều muốn nói ở đây là ta đừng giữ mãi những lỗi phạm của người khác và đóng khung nó để rồi không cho người khác cơ hội thay đổi. Có những vị thánh đôi khi cũng là những người có quá khứ tội lỗi nhưng các ngài đã buông bỏ quá khứ và quyết tâm trở thành một con người mới trong Chúa Kitô.

Tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi chọn một lối sống yên ổn bằng cách giữ cho mình một tự do riêng và một khoảng cách với người khác? Đóng kín mình trong những mối bận tâm và yên ổn nhỏ nhoi riêng là cách mà ta dùng để tránh những xung đột? Hòa giải lúc này được hiểu như một sự thỏa hiệp giữa đôi bên để ngăn không cho tình trạng hiện tại trở nên tồi tệ hơn. Như vậy, trong trường hợp này ta phải hy sinh một cái gì đó không phải bởi một lý do nào khác ngoài việc đạt tới một thỏa thuận nhằm giải quyết tình trạng hiện tại. Giải quyết tình trạng không phải là một sự hòa giải đích thực, nhưng chỉ là một sự thỏa hiệp. Nhưng chỉ ở bề sâu mình mới hiểu, còn ở bề mặt, nó cũng được xem như là một sự hòa giải. Một sự hòa giải đích thực cần phải có một điểm quy chiếu đặt để trên những giá trị thường hằng bất biến, một sự quy chiếu về Thiên Chúa. Chính ta phải đi bước trước sẵn sàng hòa giải với người chị em “hãy để của lễ lại đi làm hòa trước đã” (Mt 5,24). Vì Chúa chỉ chấp nhận lễ vật khi tâm hồn ta thực sự bình an. Ta được Thiên Chúa tha thứ thì tại sao ta lại không tha thứ cho chị em mình? Khi sẵn sàng đối thoại ta sẽ hiểu nhau từ đó chấp nhận khác biệt của người chị em. Chính tình yêu trao ban của Chúa làm cho ta nhận ra chính ta đã nhận lãnh hết ơn này đến ơn khác, thế nên ta cũng phải trao ban những gì ta đã được nhận lãnh.

Ta không thể tự mình kiến tạo một cộng đoàn huynh đệ bác ái. Chỉ có Chúa mới làm được. Cộng đoàn là sân khấu nơi đó diễn ra những giá trị mà ta theo đuổi; Cộng đoàn là nước mà nơi đó con cá vàng nhân bản được tự do bơi lội; Cộng đoàn là không gian để ta thở và làm cho cuộc sống trở nên sống động hơn. Ở khía cạnh này ta có thể hiểu vì sao Thiên Chúa thấy con người ở một mình thì không tốt. Không thể có cộng đoàn khi ở một mình. Cộng đoàn là tập thể những con người cụ thể nhưng lại đang cưu mang chính kế hoạch của Chúa là qui tụ con người trong một Hội Thánh.

Khi mỗi người từ mọi phương trời đến cùng nhau mang theo những cá tính, những khác biệt làm cho cộng đoàn không thiếu những lúc buồn phiền đổ vỡ. Lời khuyên của Thánh Phaolô tông đồ là: “Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2). Chính đức ái sẽ là cầu nối liên kết mỗi người, những thù hận sẽ được xóa tan. Đôi lúc ta không phủ nhận nơi đó là thế, người đó là thế nhưng cái chính là tôi phải tìm niềm vui nơi chính nơi mình đến, một đôi khi ta thấy sự cố gắng của ta là gượng ép, những gì diễn ra trước mắt làm ta cảm thấy mình cũng thật yếu đuối. Dù tôi tội lỗi và mỏng manh, nhưng Chúa vẫn yêu thương chọn gọi, cộng đoàn vẫn chấp nhận con người yếu đuối của tôi. Chính tình yêu làm cho tôi được lớn lên. Khi sống trong tình yêu, thì người ta mới hiểu được tình yêu đúng nghĩa. Tình yêu thật sự là cho đi dù thiệt thòi nhưng vẫn vui. Tình yêu không có sự phân biệt hay so đo tính toán. Sống trong tình yêu, thì không ai là lớn hay nhỏ, không ai là xấu hay đẹp, không ai là giỏi hay dốt, không ai là già hay trẻ. Tình yêu ôm choàng tất cả. Vì vậy, tình yêu hoàn toàn không thể đi chung với cái tôi được.

Là một ngôi vị giống hình ảnh Thiên Chúa cũng đòi hỏi sống tương quan với cái tôi khác. Con người tự bản chất có tính liên hệ hoặc truyền thông và luôn mở ra cho sự quan hệ mật thiết với nhau. Việc sống trong cộng đoàn, việc mở ra cho người khác là cách ta hoàn tất chính mình và tha nhân. Tha nhân chính là con đường giúp chúng ta thành người. Chính Thiên Chúa đến làm cho tha nhân trở thành một cái tôi khác cho tôi. Tôi không được loại trừ, vì Thiên Chúa yêu thương tôi nên tôi cũng phải quyết tâm đáp trả tình yêu. Bonhoefer nói: biết tha nhân thì song hành với biết Thiên Chúa. Đó là một cộng đoàn yêu thương nên ở đó mọi người cùng chung và cùng bổ trợ cho nhau. Nếu trong cộng đoàn mà tôi nói: việc tôi tôi làm, việc không tên tôi không làm thì tôi chỉ là một kẻ ích kỉ một cách hết sức, muốn  hướng tới lợi ích riêng mình mà không quan tâm tới bất kỳ ai khác. Chính Đức Kitô hiện diện trong cộng đoàn và làm cho cộng đoàn hiệp nhất nên tôi cũng phải làm cho cộng đoàn trở thành nơi yêu thương. Lạnh lùng, vô tâm, lãnh cảm hay thiếu từ tâm thì làm cho ta khó mà đi vào mối tương quan sâu sắc, với chị em ta sẽ không nghiệm được, không nắm bắt được những cảm xúc vốn dĩ chỉ thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ trong một khoảnh khắc nào đó.

Vì chúng ta là một cộng đoàn
Chúng ta được mời gọi để yêu thương như Chúa đã yêu và biết xót thương như Cha trên trời là Đấng Xót Thương. Là con cái ít nhất ta phải có nét giống Cha vì “con nhà tông không giống lông thì cũng phải giống cánh”, ngược lại chỉ có thể là satan. Cộng đoàn hạnh phúc không phải lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười nhưng là cộng đoàn có Chúa Kitô ngự trị. Ở đó có những va chạm, có những cảm thông tha thứ chia sẻ và lòng bao dung. Nếu một cộng đoàn quá hoàn hảo, không hề có bất cứ sự va chạm nào chưa chắc đó là một cộng đoàn hạnh phúc đích thực. Ta có nguy cơ ở lại đó, vì đó là một thiên đàng tại thế và ta sẵn sàng loại trừ bất cứ người nào đến gia nhập cộng đoàn nhưng có ý kiến đối ngược ta. Cộng đoàn, nơi bao gồm những con người bất toàn nhưng được đón nhận, chấp nhận và sống cùng nhau như một gia đình.

   Chính Thánh Thần luôn làm việc cật lực để sửa sai cho mỗi người, từ đó cộng đoàn cũng trở nên một Hội Thánh thánh thiện, hiệp nhất và nên một trong Đức Kitô là đầu và mỗi chúng ta là chi thể của Người.

 
Trần Hoa Huyền
(Anna Trần Hòa)

[1] Đức Thánh Cha Phanxico.  Lắng nghe quan trọng hơn nghe, Thông điệp 50 năm ngày truyền thông thế giới 22/1/2016. Công giáo dân tộc số 2045. P 25
114.864864865135.135135135250