13/11/2016 -

Học Viện

1462
Tại sao phải tha thứ ?

Có thể nói hai chữ “thương xót” trong thế giới ngày nay dường như nghe có vẻ xa vời. Chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đã nói về thế giới hiện tại: Nền văn minh của con người ngày nay là “nền văn minh của sự chết. Một nền văn minh đang xuống cấp trầm trọng khi mà con người đối xử với nhau không còn bằng tình yêu thương, nhưng dựa trên giá trị của cải, vật chất, điều này cũng len lỏi vào trong đời sống tu trì khi mà chúng ta sống dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau của những người xung quanh. Chúng ta dễ dàng kết án người khác, hoặc dùng lời nói để đả thương nhau.

Đứng trước hiện trạng xã hội hiện nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi mọi Kitô hữu bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót là  để chúng ta cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa từ đó có cái nhìn khác về tha nhân. Ngài cũng đề ra những hành vi cụ thể để giúp chúng ta có thể thực hiện lòng thương xót như: không nói xấu người khác, không lên án, tha thứ và trao hiến chính thân mình hầu có thể trở nên khí cụ của sự tha thứ. Trong bài huấn dụ,  Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Năm thánh này được cống hiến cho chúng ta để chúng ta kinh nghiệm được trong cuộc sống sự đụng chạm và êm dịu ngọt ngào của ơn tha thứ của Thiên Chúa[1]. Một khi đụng chạm vào được tình yêu tha thứ của Ngài, chúng ta cũng sẽ dễ dàng tha thứ cho tất cả những ai xúc phạm đến chúng ta, cách riêng bản thân tôi trong đời sống cộng đoàn. Tôi tự hỏi tôi sẽ sống lòng thương xót đó như thế nào?

Cộng đoàn là nơi quy tụ tất cả những con người còn đầy những yếu đuối và bất toàn, những khác biệt cả về thể lý lẫn tâm lý. Chính vì vậy, cộng đoàn dễ xảy ra những mâu thuẫn và bất đồng vì chúng ta không ai giống ai, mỗi người một quan điểm. Vì vậy, thái độ cảm thông trong đời sống cộng đoàn là điều cần thiết và trên hết là sự tha thứ.

Tha thứ theo tiếng Hy lạp có nghĩa là phóng thích, giải thoát khỏi cảnh nô lệ, xoá đi sự trừng phạt[2]. Khi chúng ta tha thứ thì những điều trên sẽ tiêu tan. Ngược lại nếu không tha thứ thì con tim của ta sẽ bị bóp nghẹt, chúng ta dễ dàng rơi vào tình trạng sống dửng dưng, vô cảm. Bản thân tôi cũng đã kinh nghiệm về điều này, khi tôi phát hiện ra được sự thật về chính mình, cũng như người đã làm tổn thương tôi. Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ tha thứ cho người đó, nhưng từ lúc tôi nuôi sự hận thù thì tôi không còn là chính mình. Tôi đánh mất sự bình an trong tâm hồn.Tôi nhìn mọi người với ánh mắt đầy nghi ngờ vì nghĩ họ cũng sẽ giống như người đã làm tổn thương tôi. Tôi đã rơi vào tình trạng này trong một thời gian khá dài, nhưng rồi chính Lời Chúa đã đánh động tôi “Nếu anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình thì Cha anh em trên trời cũng sẽ không tha thứ cho anh em”.

 Tôi nghe đến đây mà thấy sợ, vì tôi vẫn chưa sống được sự tha thứ như Chúa Giêsu đã dạy, nếu có tha thứ thì tôi lại hỏi Chúa như thánh Phêrô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần?”.Cứ vậy,  mỗi lần tha thứ cho ai thì tôi lại hỏi Chúa mà không để ý đến câu trả lời của Chúa: “Thầy không bảo là đến bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy”. Qua đó, Chúa muốn nhắc tôi phải tha thứ liên lỉ, một sự tha thứ không mệt mỏi. Trong cuộc sống chúng ta rất cần đến sự tha thứ này. Tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta, những người lừa dối, phản bội làm chúng ta đau khổ, tha như Chúa Giêsu đã tha thứ: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Đức Giêsu đã sẵn sàng tha thứ cho những người đã lên án tử và giết Chúa.

Có những lúc, tôi lại thấy mình như người đầy tớ trong dụ ngôn “tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót”. Tại sao Chúa tha thứ cho tôi, còn tôi thì không dám sẵn sàng mở ra để tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Tôi tự hỏi, tại sao phải tha thứ? Qua tất cả những biến cố trong cuộc sống, Chúa cũng cho tôi câu trả lời, tại sao tôi phải tha thứ và khi tha thứ tôi sẽ được gì? Chúng ta phải tha thứ không chỉ bằng những lần đếm số nhưng phải bằng cả trái tim.

Nếu trong đời sống cộng đoàn chúng ta không đủ cảm thông thì chúng ta rất khó mà tha thứ cho những ai đã vô tình hay hữu ý xúc phạm đến chúng ta. Chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận những giới hạn của tha nhân, vì chúng ta biết rằng cộng đoàn là nơi quy tụ những con người bất toàn và chúng ta hiện diện nơi đây là để chia sẻ và bổ sung cho nhau những gì con thiếu sót.

Chúng ta phải tha thứ vì chính ta cần phải được tha thứ. Khi chúng ta nói “tôi đã tha thứ cho anh - chị”, câu nói đó được nói ra một cách dễ dàng. Nhưng đôi lúc trong cuộc sống khi chính ta mắc phải một lỗi lầm nào đó thì ta luôn cảm thấy bứt rứt, hối hận. Những lúc như thế, nếu ta không tự tha thứ cho chính mình thì ta sẽ giết chết ta từng ngày. Vì vậy, chính ta phải mở lòng ra với chính mình và xin ơn tha thứ. Chúng ta cần sự tha thứ của người khác vì chúng ta đã nhiều lần xúc phạm đến tha nhân. Chúng ta cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Ý thức được giới hạn và bất toàn của chúng ta thì ta sẽ dễ dàng cảm thông tha thứ cho những người xung quanh[3].

Chúng ta phải tha thứ vì đó là điều kiện để chúng ta được Chúa tha thứ: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Nếu chúng ta muốn được Thiên Chúa tha thứ thì trước tiên chúng ta phải là người tha thứ và khi chúng ta tha thứ, chúng ta sẽ trở nên khuôn mặt của Đức Giêsu. Tha thứ để ta trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh của người cha nhân hậu sẵn sàng tha thứ cho người con hoang đàng. Hình ảnh tuyệt đẹp của Đức Giêsu về sự tha thứ đó chính là trên cây thập giá, Người đã tha thứ cho những kẻ đã xúc phạm đến mình khi nói “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Mặc dù đau khổ nhưng trái tim Người vẫn luôn dang rộng cánh tay và mở rộng trái tim để yêu thương và tha thứ. Cả cuộc đời Đức Giêsu, Ngài đã thực hiện sự tha thứ.

Nhìn lại chính bản thân mình, tôi thấy mình đã chưa sống được những đòi hỏi của Đức Giêsu. Chính vì vậy để có thể tha thứ, tôi phải cảm nghiệm được sự tha thứ từ Thiên Chúa và thật sự tôi đã nghiệm thấy được điều này trong cuộc sống. Từ một con người đầy những tội lỗi, Thiên Chúa đã chọn tôi, và khi tôi vấp ngã Chúa đã nâng tôi lên. Trong cuộc sống không ít lần, tôi như dân Israel xưa phản bội Chúa nhưng Chúa vẫn tha thứ và chờ tôi quay trở về.

Đối với bản thân tôi, càng sống lâu trong đời thánh hiến tôi càng cảm nhận rõ được tình yêu mà Chúa dành cho tôi. Qua từng biến cố trong cuộc sống, tôi cảm tạ Thiên Chúa đã thương xót và tuyển chọn tôi để từ đó tôi cũng biết sống lòng thương xót này trong cộng đoàn bằng cách không có hành vi loại trừ người khác. Vì ý thức được rằng, tôi cũng là một tội nhân nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương và chọn tôi thì đối với những chị em khác cũng vậy, họ cũng là những người đã được Thiên Chúa yêu thương và kêu mời. Tôi cũng phải biết trân quý ơn gọi đó bằng cách chia sẻ cuộc sống với những giới hạn của nhau. Khi chúng ta cảm nghiệm được sự tha thứ của Chúa như Phêrô, Madalena, Mattheu người thu thuế qua ánh mắt đầy yêu thương của Chúa thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng tha thứ cho những người đã xúc phạm đến ta. Tha thứ như Chúa đã tha thứ.

Để có thể tha thứ, chúng ta phải nhận ra được sự yếu đuối của chính mình và cần đến lòng thương xót của Chúa thì chúng ta mới sẵn sàng mở ra để tha thứ cho những giới hạn và bất toàn của tha nhân. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: Để có được lòng thương xót chúng ta phải có một cuộc đổi mới và canh tân “Một cuộc Tân phúc âm hóa”. Một cuộc trở về với chính mình, ý thức mình là tội nhân và cần đến lòng thương xót của Chúa. Thật vậy, tình yêu và lòng nhân hậu của Ngài vẫn sống động từ ngàn xưa cho đến bây giờ và vẫn đang thể hiện nơi từng môi trường, từng hoàn cảnh.

Tha thứ đem lại sự bình an: khi tôi sẵn sàng tha thứ thì tôi lại tìm thấy được sự bình an trong tâm hồn. Một sự bình an như Chúa Giêsu đã nói “Sự bình an không đến từ thế gian nhưng đến từ Thiên Chúa”. Sự bình an này có được do tôi dám can đảm sống những gì mà Chúa đã dạy.
Lạy Chúa, xin thương xót con. Xin cho con cảm nghiệm được lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa và từ đó con cũng biết tha thứ cho những người xúc phạm đến con như chính Chúa đã tha thứ cho con.

Rosa Hoàng Kim Anh

[1]http://vi.radiovaticana.va/news/2015/12/09/năm_thánh_là_thời_gian_học_
sống_tha_thứ_và_thương_xót_là_điều_đẹp_lòng_Thiên_Chúa_nhất/1193050
[2] JANE VIER, Thành nhân,
[3]http://daichungvienvinhthanh.com/tha-thứ-suy-niệm-tin-mừng-chua-nhật-xxiv-thường-nien-a/
114.864864865135.135135135250