10/12/2016 -

Học Viện

2343
Tha nhân- người nhà của tôi

THA NHÂN, NGƯỜI NHÀ CỦA TÔI

Cuộc sống con người là một cuộc hành trình đi tìm tình yêu và hạnh phúc. Chính mối tương quan hiệp thông giữa người với người và ngày càng khao khát yêu và được yêu bởi chỉ có tình yêu mới làm cho con người tìm về bản ngã của chính mình và ngày càng sống gần gũi với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình hơn. Nhưng đâu là hạnh phúc mà con người tìm kiếm? Làm thế nào để có thể có hạnh phúc? Làm thế nào để ta được yêu? Làm thế nào để ta sống tình yêu với tha nhân như Thiên Chúa mời gọi: Yêu như chính Thầy yêu anh em.
  1. Sống tương quan hiệp thông với tha nhân
Một tác giả đã viết “tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi”. Mối tương quan hiệp thông với tha nhân làm cho con người ngày một nên hoàn hảo, ngày một trưởng thành trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng để sống  tốt trong các mối tương quan, mỗi chúng ta phải luôn  nỗ lực và hy sinh. Sự hy sinh nào cũng làm ta thấy đau đớn và nhức nhối, vì nó phải bỏ đi chính những sở thích, những ước muốn, những ý riêng của mình, phải coi trọng chị em hơn chính bản thân mình, dám chấp nhận mất mát, thiệt thòi hơn về phần mình. Để tạo nên các mối tương quan tốt đó, chúng ta cần phải có một khoảng thời gian nhất định thực hiện. Vì tự bản tính mỗi người đều thích tự do, thích làm theo ý muốn của mình hơn là của tha nhân. Tuy nhiên, với tình yêu Thiên Chúa, ta có thể chiến thắng và làm được mọi sự vượt quá sức tự nhiên, và theo Thánh Phaolô: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Chúa là Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Tình yêu Thiên Chúa ban như là chất xúc tác giúp ta dễ dàng đón nhận nhau với tất cả con người của chính mình. Bởi ta không chỉ phải sống, phải đương đầu một mình, nhưng là với ơn Chúa, với sức mạnh của Chúa. Ước gì mỗi chúng ta đều cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Nhờ đó,  ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân và làm cho mối tương quan của ta với tha nhân ngày một thêm triển nở và tươi đẹp trong tình yêu của Thiên Chúa.

2. 
Tương quan tình yêu bị phá vỡ bởi sự ích kỷ và thù hận
Nhìn vào thế giới ngày nay người ta không khỏi bàng hoàng trước những tội ác đang diễn ra liên tục với cấp độ ngày một gia tăng. Trước thực trạng hiện nay, tôi tự hỏi: Phải chăng con người ngày nay đang dần đánh mất đi nhân tính của chính mình? Phải chăng tình yêu không còn hiện hữu mà thay vào đó là những đau khổ của chiến tranh, bạo lực, khủng bố, thiên tai, bệnh tật… và phải chăng con người ngày càng dửng dưng và trở nên vô cảm trước những tội ác cũng như trước những đau khổ của người khác? Có lẽ cũng vì thế mà con người ngày nay sẵn sàng chém giết lẫn nhau chỉ vì một ánh mắt thiếu thiện cảm, hay chỉ vì một câu nói bâng quơ mà ta tự nhận  vào cho chính mình để rồi từ đó ta dễ dàng gây mối thù với tha nhân. Sự thù hằn đã ăn sâu vào trong trái tim của con người, khiến họ không còn nhìn tha nhân như là những quà tặng của Thiên Chúa nữa. Sự xa cách Thiên Chúa khiến con người ngày càng xa cách và sống đối nghịch với nhau. Hậu quả là con người sống trong sự ích kỷ của thù hận, làm cho cuộc sống của chính mình thiếu vắng tình yêu, thiếu vắng sự bao dung và tha thứ cho chính mình và cho tha nhân. Sự bành trướng của lối sống hưởng thụ, của chủ nghĩa cá nhân đã và đang dần làm cho con người ngày càng rơi vào hố sâu của sự ngăn cách, của sự tuyệt vọng và chết chóc.

Đứng trước một thế giới đầy sự đổ vỡ bởi thiếu vắng tình yêu và lòng thương xót, con người không ngừng được mời gọi hãy khám phá lại chính mình,  khám phá lại tình yêu vô bờ mà Thiên Chúa dành cho mỗi người và cho toàn thể thế giới thụ tạo mà Ngài đã dựng nên. Đó cũng chính lời nhắn nhủ đầy thiết tha và chân thành mà vị Cha chung nhắn gửi cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn dòng tu, cho Giáo  Hội và cho toàn thể thế giới hôm nay: Hãy có lòng thương xót như Chúa Cha (Ga 20, 21-23). Chỉ khi nào ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, cảm nghiệm được tình yêu và sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời của ta thì ta mới có thể hàn gắn lại những sự đổ vỡ trong tương quan với tha nhân và với chính bản thân mình. Để từ đó ta không nhìn tha nhân với ánh mắt của sự nghi kỵ, lên án, nhưng với ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa tình yêu.
  1. Hãy nhìn tha nhân với cái nhìn của Thiên Chúa
Ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế đã cho ta thấy một viễn cảnh thật đẹp, tràn đầy tình yêu và niềm vui khi con người được sống trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa và với nhau. Niềm vui đó được Thánh Kinh ghi lại với một sự ngạc nhiên đầy thi vị của nguyên tổ Adam khi lần đầu tiên ngài được nhìn thấy Eva, ông đã thốt lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2, 23). Thế nhưng, con người đã sớm đánh mất đi tình yêu mình dành cho nhau, đánh mất sự ngạc nhiên về nhau cũng như lòng bao dung cần có đối với nhau. Chính sự ích kỷ của con người đã dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối tương quan với Thiên Chúa, với anh em đồng loại và với thiên nhiên vạn vật. Để từ đó con người nhìn nhau không còn là người thân của chính mình, không còn ngạc nhiên về nhau cũng như không còn sự bao dung đối với nhau.
Đối diện với một nhân loại lầm than và tội lỗi như thế, nhưng Thiên Chúa vẫn bao dung và nhìn đến con người với cái nhìn của một người Cha đầy lòng thương xót và tha thứ. Lòng thương xót đã được cụ thể hóa nơi con người Đức Giêsu Kitô. Đấng đã đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm lễ tế hy sinh đền tội cho nhân loại đầy tội lỗi và bất xứng (Mt 20,28); Ngài chạnh lòng thương trước sự vất vưởng bơ vơ của đám đông dân chúng (Mt 9,36) cũng như trước nỗi đau của bà góa thành Naim. Ngài xúc động trước cái chết của Lazaro (Ga 11,1-14). Ngài cho thấy tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho con người qua dụ ngôn người cha nhân hậu. Thiên Chúa như một người cha quên hết những thói hư tật xấu cũng như những tội lỗi của đứa con ngỗ nghịch (Lc 15,11-31). Ngài  đã không nhìn con với ánh mắt xét đoán hay lên án, nhưng với ánh mắt của sự cảm thông và tha thứ cho những lỗi lầm, yếu đuối của con, một cái nhìn có sức hoán cải từ nội tâm và phục hồi cho con mọi phẩm giá và danh dự. Chính ánh mắt của lòng thương xót, Thiên Chúa đã phá đổ mọi hố sâu của sự ngăn cách, mọi rào cản của sự thù hận, ích kỷ và xua tan mọi tội lỗi của con người. Đối diện với lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa cho ta khám phá ra con người đầy yếu đuối và bất toàn của bản thân, để ta không quá tự mãn hay thất vọng về chính mình nhưng một lòng tin tưởng và tín thác cuộc sống của ta cho Thiên Chúa tình yêu.

Trong viễn tượng đó, chúng ta hãy có cái nhìn của sự cảm thông và tha thứ, sự nhường nhịn, hy sinh và phục vụ. Bởi tha nhân chính là tấm gương phản chiếu gương mặt của chúng ta. Qua tha nhân, ta khám phá ra chính diện mạo của mình, một diện mạo của đời sống vui tươi, hòa nhã, yêu thương thì ta cũng dễ dàng nhận ra điều đó nơi anh chị em của ta. Ngược lại, nếu ta mang một bộ mặt ảm đạm, buồn bã và thù hằn, ta cũng sẽ nhìn thấy điều đó nơi gương mặt của anh chị em ta. Vì tha nhân không chỉ phản chiếu diện mạo của ta, nhưng tha nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng đã tác tạo nên con người theo hình ảnh Ngài. Nhưng để nhận ra được diện mạo của Thiên Chúa nơi tha nhân, ta phải nhìn tha nhân với ánh mắt của đức tin, của tình yêu để từ đó ta có thể nói như trong Thánh: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Khi đời ta tràn ngập tình yêu và biết nhìn tha nhân bằng ánh mắt dịu hiền của Đức Kitô: “Cái nhìn có khả năng thấy xa hơn diện mạo bên ngoài, vượt xa hơn tội lỗi, thất bại và bất xứng nơi con người chúng ta, để qua đó thấy được phẩm giá cao quý của con người trong tư cách là con Thiên Chúa, một phẩm giá mà tội lỗi làm cho nhơ uế; nhưng phẩm giá đó vẫn được tồn tại trong nơi sâu thẳm của tâm hồn con người. Vì thế, Đức Giêsu đến để tìm kiếm tất cả những ai cảm thấy bất xứng với Thiên Chúa, và bất xứng với mọi người”[1]. Chính cái nhìn đó sẽ cho ta thấy được Thiên Chúa trong mọi người, thấy được đời ta thật hạnh phúc khi được hiện diện, được sống cùng và sống với tha nhân. Cho dẫu họ là những con người nhiều bất toàn và giới hạn, nhưng họ cũng luôn là những quà tặng mà Thiên Chúa đã mang đến cho cuộc đời ta, để qua họ đời ta mỗi ngày được nên thành toản, triển nở hơn trong tình yêu của Thiên Chúa.
  1. Sống lòng thương xót trong cộng đoàn
Cuộc sống con người được xây dựng trên nền tảng các mối tương quan, gặp gỡ. Bởi vì sống ở trên đời “không ai là một hòn đảo” cho  nên, con người chỉ có thể hoàn thiện chính mình khi sống mối tương quan đích thực với Thiên Chúa và tha nhân, đó cũng chính là quan niệm của nhà thần học lỗi lạc Buber khi ông khẳng định: “Mọi đời sống đích thực là sự gặp gỡ”. Sự gặp gỡ tha nhân đã qui tụ ta đến trong đời sống cộng đoàn. Đó cũng chính là đặc tính của nếp sống tu trì dành cho những người sống đời thánh hiến. Tuy nhiên, để sống tốt mối tương quan liên vị với từng thành viên trong cộng đoàn là cả một hành trình đầy khó khăn và thách đố mà mỗi thành viên phải không ngừng nỗ lực và  cộng tác với nhau. Mỗi người phải biết luôn hy sinh và nhường nhịn nhau vì “bá nhân bá tánh” nên những xích mích, va chạm trong cộng đoàn là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, sự khác biệt này sẽ được lấp đầy bằng tình yêu và sự bao dung của lòng thương xót. Đó chính là đỉnh cao của đời sống cộng đoàn, một cộng đoàn được xây dựng bằng niềm vui và tình yêu huynh đệ. Đó là khi ta dám sống hòa nhập với mọi thành viên trong cộng đoàn, dám hiện diện hết tình và dấn thân vô điều kiện, dám ra khỏi chính mình, biết quên đi những nhu cầu cá nhân và các dự phóng của riêng mình để đến với tha nhân một cách vô điều kiện, dám chấp nhận sự thua thiệt về chính mình vì nhiệt tâm phục vụ theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ (Mc 10,45). Người đã tự hủy mình ra không vì yêu thương con người, để cảm thông với sự yếu hèn của con người (Pl 2,6-7). Đứng trước tội lỗi, đau khổ của con người, Người không lên án, nhưng luôn tỏ lòng thương xót, xoa dịu và chữa lành. Chính sự tương quan trong yêu thương và cảm thông đã hoán cải và chữa lành những tâm hồn sống trong tội lỗi như Maria Madalena, Mattheu, Giakeu… Người là mẫu gương sống động khi thể hiện dung mạo đầy từ bi thương xót của Chúa Cha. Theo gương Người,  tôi cũng được mời gọi họa lại hình ảnh của Người trong cuộc sống của tôi bằng một đời sống sẻ chia và yêu thương như chính Thầy (Ga 13,34), bằng sự nhẫn nại và quảng đại. Biết đón nhận tha nhân như một nhân vị tuyệt hảo và độc nhất vô nhị mà Thiên Chúa đã ban cho tôi trong cuộc sống này. Vì họ chính là anh chị em tôi, là người nhà của tôi, là những người cùng đồng hành với tôi và cùng tôi tiến bước trên con đường về nhà Cha. Để làm được điều đó, tôi phải luôn xóa mình đi và sống hết mình, hết tình với cộng đoàn. Như vậy, tha nhân được phải được tôn trọng như một ấn phẩm và được trân trọng như chủ thể duy nhất, và khi đó, ta mới nhìn nhận sự tự do cá nhân và khả năng của tha nhân, đồng thời chiến thắng cái rập khuân, thao tác và kiểm soát tha nhân cùng một lối ứng xử thiếu nhân bản với người anh chị em đang sống cận kề với ta.

Ước gì trong năm thánh Lòng Thương Xót, tôi, bạn và mỗi chúng ta luôn cảm nghiệm được tình yêu và lòng xót thương mà Thiên Chúa đã dành cho mình, để từ đó ta cũng biết sống và thể hiện lòng thương xót đó đến với mỗi người mà chúng ta gặp gỡ và đến với toàn thể thế giới thụ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên. Đặc biệt là biết thể hiện lòng thương xót đó trong chính cộng đoàn và môi trường ta đang sống. Chính sự cảm thông, yêu thương, sẻ chia làm cho tương quan của ta với tha nhân ngày một thêm bền chặt, làm thăng tiến và triển nở cuộc sống của bản thân và của anh chị em mình. Để từ đó khuôn mặt của Thiên Chúa ngày càng được thể hiện rõ nét trong cuộc sống, giúp mọi người có thể nhận biết sự hiện diện của một Thiên Chúa tình yêu ngay trong thế giới mà tưởng chừng như con người đã và đang dần đánh mất Thiên Chúa.

Hoa Thảo Nguyên
Maria Nguyễn Thị Kiều Duyên

[1] Bài giảng của ĐTC Phanxicô  trong  thánh lễ ngày 21/9/2015 (lễ thánh Mattheu Tông Đồ (ở Holguin, Cuba).
114.864864865135.135135135250