18/12/2016 -

Học Viện

2472
Tha thứ để được thứ tha

Có thật dễ dàng khi ta nói hai chữ tha thứ cho người khác là ta bỏ qua, quên đi lỗi của người khác và  làm hòa với người làm tổn thương mình? Chính Thánh  Phêrô đã hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu trả lời: Thầy không bảo đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21-22). Điều chính yếu mà Chúa muốn nói với nguời môn đệ là sự tha thứ không giới hạn, không điều kiện, không vụ lợi; tha thứ bằng chính tình yêu thương đối với người ấy, để có thể bắt đầu lại những mối tương quan tốt đẹp với tha nhân và với Thiên Chúa.

Trong cuộc sống của mỗi người, không thiếu những lúc người khác làm cho chúng ta khó chịu, bực mình. Hoặc chúng ta khó hòa hợp với người anh chị em của mình. Nhưng Chúa dạy chúng ta phải đi bước trước đến với người làm tổn thương ta, với những người nói xấu, làm ta đau khổ. Trong tình mến, là môn đệ của Chúa, được Ngài mời gọi đi theo Ngài vì chính Chúa đã dạy hãy noi gương Chúa: Yêu thương và tha thứ vô điều kiện. Quả thế, khi ta chiêm ngưỡng hy lễ tuyệt hảo của Chúa Giêsu trên Đồi Sọ, dưới chân thập giá đông vô kể những kẻ bất bình, những kẻ sỉ nhục Chúa, cả những kẻ đóng đinh và coi thường Chúa: "Ông có phải là Con Thiên Chúa thì hãy tự xuống khỏi thập giá đi" (Mt 27, 40b). Họ đang vui vẻ hả hê cười nói, vì đã giết được Chúa, thì chính lúc đó Chúa ngước mắt lên trời và thưa cùng Chúa Cha: "Lạy Cha xin tha cho họ" (Lc 23, 34).

Trong cộng đoàn, chúng ta thấy có vẻ dễ tha thứ khi ta nói xin lỗi là xong. Đôi lúc, chúng ta chỉ có thể nói tha thứ nhưng lại không thật lòng, vì chúng ta chỉ quên đi những xích mích bên ngoài mà thôi còn trong lòng thì vẫn còn đó. Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã ghi lại kinh nghiệm tu đức của mình như sau: "Ðừng tức tối vì người ta chỉ trích con. Hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tội lỗi khác nơi con mà họ chưa nói đến". Chúa nói: Nếu ai trong các con làm mất lòng người khác, con hãy để của lễ về làm hòa với người ấy trước (Mt 5, 23-24). Còn con, con làm ngược lại, là phóng thanh cho mọi người biết những khuyết điểm của họ. Phần con, con không thiếu khuyết điểm, sao con tức tối và tấn công khuyết điểm của anh em? Tại sao ngày nào con cũng lập tòa án và bắt anh em diễu hành lần lượt qua đó? Tại sao lúc nào cha cũng thấy con ngồi ghế "quan tòa", không bao giờ ngồi băng ghế "bị can". Tha thứ để được Thiên Chúa và người khác tha thứ cho mình thì tại sao ta lại không làm nhỉ? Tuy nhiên, yếu đuối vẫn là yếu đuối, con người vẫn còn nhiều giới hạn như chính Thánh Phaolô nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Điều làm tôi xa cách anh chị em tôi chính là tôi không thể đến với họ, tôi không dám đi bước trước để nói tha thứ vì bản thân sĩ diện, không nhận lỗi về mình, cái chính là vì tôi chưa yêu như Chúa đã yêu tôi. Để đạt được điều đó, tôi phải luôn biết gắn kết với cầu nguyện, vì cầu nguyện, tôi mới có thể mở lòng ra đến với anh chị em, nhìn nhận khuyết điểm của bản thân, tha nhân là những người thân của tôi và tôi yêu bằng chính tình yêu như Đức Kitô, một tình yêu vô vị lợi và không bao giờ giới hạn.

Trong mắt của Chúa, mỗi một con người, bất kể yếu đuối và tội lỗi đến đâu, đều là một ngôi vị độc đáo và không thể thay thế được. Điều cần thiết mà Chúa cần là sự sám hối ăn năn của ta. Xin Chúa cho chúng ta biết tha thứ để được thứ tha, biết thăng tiến bản thân và thể hiện một cộng đoàn luôn sẵn sàng tha thứ và đón nhận bằng chính sự thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách sống của mình mỗi ngày.
Maria Thanh Thu
114.864864865135.135135135250