18/11/2016 -

Học Viện

2273
Tha thứ trong cộng đoàn

Năm thánh Lòng Thương Xót mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở để mời gọi con người chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu của Chúa. Đây cũng là dịp, giúp mỗi người chúng ta xét lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa và anh chị em, đồng thời mời gọi mọi người cũng biết tỏ bày lòng thương xót với người khác. Một trong những khía cạnh của lòng xót thương đó là sự tha thứ, chính tha thứ là sợi dây nối lại các mối tương quan, xây dựng tình liên đới hiệp nhất trong cộng đoàn.
  1. Tại sao phải tha thứ
Trước tiên cộng đoàn những người sống đời thánh hiến là cộng đoàn quy tụ những con người thuộc nhiều vùng miền khác nhau với  những sự khác biệt về văn hóa, nền giáo dục... nhưng tất cả chung một mục đích là theo sát Đức Kitô.

Là con người ai cũng mang trong mình sự yếu đuối mỏng manh nên không tránh khỏi những sai lầm, thiếu sót. Không ai có thể khẳng định rằng mình sẽ không bao giờ mắc lỗi với người khác. Vì vậy, chúng ta ai cũng sẽ có lúc cần được người khác tha thứ, ngoại trừ những người không quan tâm đến người khác, hay không quan tâm người khác nghĩ gì về mình.

Nhìn vào thực trạng của đời sống tu trì  ta thấy cũng có những “chiến tranh lạnh” đang diễn ra nơi một số người khi họ không sẵn sàng tha thứ, làm hòa với nhau. Nó bắt đầu trở thành gánh nặng trong đời tu “nó như một căn bệnh ung thư ngày ngày ăn mòn tâm hồn ta” chỉ khi nào ta thực sự biết tha thứ cho mình và cho người khác thì bấy giờ ta mới được giải phóng và có được một tâm hồn thanh thản, bình an.

   Ngoài ra,  nhờ biết tha thứ cho nhau mà chúng ta nối lại được mối dây huynh đệ trong cộng đoàn. Nhưng để làm được điều tha thứ thì không dễ chút nào: “Nói đến tha thứ đã khó mà khi hành động thì càng khó hơn” nhiều khi ta nói tha cho ai đó nhưng ta lại không quên được tội của người đó, như vậy nó chưa phải là sự tha thứ chân thành xuất phát từ tấm lòng vị tha. Chúng ta phải học cách tha thứ của Chúa Giêsu. Không ai trong thế gian này đã chịu sự sỉ nhục, bị xúc phạm cho bằng Chúa Giêsu, cũng chẳng ai “yêu thương và tha thứ” cho bằng Chúa, khi Ngài bị treo trên thánh giá, Ngài đã xin Chúa Cha “xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc23,34), một sự tha thứ không điều kiện, không tính toán, không giới hạn. Và Chúa đã dạy cho thánh Phêrô biết phải tha thứ như thế nào “không phải tha đến bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt18,22).

Khi ta tha thứ cho người khác, đó sẽ là điều kiện để ta được Thiên Chúa thứ tha. Như lời Kinh Lạy Cha ta vẫn thường đọc nhiều lần trong ngày “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho người có lỗi với chúng con” (Mt6,12). Thiên Chúa luôn giàu lòng xót thương, Ngài luôn rộng lòng tha thứ cho ta và ta cũng được mời gọi phải tha thứ cho người chị em mình như chính Chúa đã tha cho ta.
  1. Tha thứ có sức chữa lành tâm hồn
Qua câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, ta thấy chỉ có tình yêu, sự tha thứ đã cứu sống một tâm hồn tội lỗi. Thay vì kết án như những người Pharisêu thì Chúa lại bày tỏ lòng thương xót với người phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu, thôi chị cứ về đi từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga8,11). Qua ánh mắt nhân từ và con tim thương xót của Chúa, chị hoán cải từ bỏ con người tội lỗi. Hình ảnh tông đồ Phêrô đầy nhiệt thành đã có lần tuyên bố: “Dầu có phải chết vì Thầy con cũng không chối Thầy” (Mt26,35); nhưng sau đó lại ba lần chối Chúa: “Tôi không biết người này là ai” (Mt26,72). Chúa biết sự yếu đuối của ông và Chúa đã không ngoảnh mặt đi, nhưng ngước mắt nhìn Phêrô với ánh mắt cảm thông tha thứ. Chính ánh mắt đó đã cảm hóa ông, từ đó không còn Phêrô của ngày trước nữa nhưng là một Phêrô đã được biến đổi, cả cuộc đời ông đã dồn toàn tâm lực để chu toàn sứ mệnh Chúa trao “chăm sóc đoàn chiên của Chúa”.

Tha thứ như một “phương thuốc thần kỳ” chữa lành tâm hồn con người, phương dược này như một món quà đòi hỏi mỗi người chúng ta cần phải sẵn sàng trao ban cho người khác. Đặc biệt trong năm Lòng Thương Xót Chúa, mỗi người chị em chúng ta cần phải thực hành sự tha thứ cách cụ thể hơn. Trước tiên, chúng ta cần phải mau tha thứ, làm hòa với người chị em mà ta đang có chuyện bất bình, đừng để cho sự giận dữ gia tăng mà đánh mất đi mối dây giao hảo với người khác. Mỗi khi ta tha thứ cho ai đó là chính ta đang biết đón nhận giới hạn của chính mình và dễ dàng cảm thông và giúp người chị em “đứng dậy” sau những lần vấp ngã một sự nâng đỡ chân thành có sức biến đổi cả con người.

Không ai là một hòn đảo nhưng mỗi người chị em là một viên đá sống động liên kết mật thiết với nhau tạo nên một tòa nhà vững chắc, ở nơi đây, chị em cảm thấy sự bình an hạnh phúc. Để được như vậy mỗi người chúng ta cần phải diễn  tả lòng thương xót của mình qua cử chỉ yêu thương và tha thứ trong các mối tương quan với chị em.
Anna Nguyễn Thị Hằng

 
114.864864865135.135135135250