14/12/2016 -

Học Viện

748
Và như thế tôi đi

VÀ NHƯ THẾ, TÔI ĐI

 
Gabriel Marcel, một trong “tứ trụ” của triết học hiện sinh nói: “Con người là một huyền nhiệm”[1]. Nơi con người có rất nhiều thứ tình cảm nhưng tôi không thể quên tình cảm tích cực đó là lòng thương xót. Tôi thích nghĩ về mình như người biết xót thương, dịu hiền cùng hiểu biết. Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27). Như vậy, chính Thiên Chúa đã yêu thương con người. Dường như đây là một trong những đề tài khá nổi bật của Mặc khải Cựu ước cũng như Tân ước. Thiên Chúa đã dẫn đưa dân của Ngài bằng cánh tay uy quyền, giải phóng họ khi họ chịu cảnh áp bức - bạo tàn. Đồng thời còn bao bọc chở che con người để con người được sống trong tình yêu của Ngài. Thiên Chúa đã không dửng dưng trước nỗi thống khổ của con người và Ngài sẵn sàng ra tay cứu giúp ngay từ lần gặp đầu tiên (Xh 3,7). Vậy “lòng thương xót trong đời sống cộng đoàn” là gì? Thiết nghĩ là một sự cảm thông và muốn chia sẻ nỗi đau của người chị em mà mình gặp gỡ hoặc có liên quan.

Mỗi năm hoa đào nở cũng là dịp gia đình tôi sum họp bên nhau. Như thường lệ để chuẩn bị cho những ngày vui xuân của gia đình được trọn vẹn và đầy đủ ý nghĩa, bố mẹ thường nhắc nhở anh chị em tôi sửa soạn ngôi nhà tâm hồn cho sạch sẽ. Đặc biệt, bố mẹ chưa một lần quên nhắn nhủ chúng tôi chăm lo mộ phần của ông bà và những người thân quen trong gia đình.

Và như thế, tôi đi!
Qua bao ngày đắn đo và suy nghĩ, hôm nay 23 âm lịch tôi quyết định dành một chút thời gian để đến thăm mộ phần của bà ngoại và bác tôi. Nhìn ngôi nhà của ngoại thật phong trần, phủ trên tấm bia là những hạt bụi đua nhua chen lấn. Điểm trên gương mặt chứa đầy nỗi lo lắng, sự nhung nhớ của ngoại. Lòng tôi bỗng quặn thắt. Hơn một lần tôi nghe mẹ kể: cuộc đời ngoại vất vả, tảo tần lo cho các con trong những ngày hậu phương mong ngóng.

Hồi ấy, những tưởng lập gia đình rồi cùng chồng con xây đắp tổ ấm yêu thương, nhưng ngờ đâu hoàn cảnh xã hội đẩy đưa ngoại tôi phải đi ở đợ để kiếm cơm nuôi các con qua những ngày gia đình ly tán. Vì cuộc sống mưu sinh, ngoại tôi tay dắt hai đứa con nhỏ cùng đoàn người di cư từ miền Bắc vào đất Sài Thành. Để lại mẹ tôi một thân bơ vơ nơi quê nhà trong bình an của sự chọn lựa… Tuổi thơ chứng kiến cảnh ly cách của người vợ xa chồng, sự vắng bóng của người cha trong gia đình khiến cuộc đời mẹ tôi đôi lần ngạt thở. Và như thế mỗi khi hồi ức dồn về cơn bệnh trong mẹ tôi lại trở nặng… Thời gian dần trôi và khi đã về già  mẹ tôi luôn có thói quen cầu nguyện cho những người đã qua đời, đặc biệt là ngoại tôi. Mẹ tôi còn trao cho tôi một nhiệm vụ quan trọng là hàng năm vào mỗi kỳ nghỉ - lễ tết thì thắp cho ngoại những nén hương thay phần đạo hiếu của mẹ.

Và như thế, tôi đi!
Vì sức khỏe và hoàn cảnh sống, hơn 30 năm qua chưa quá một lần mẹ tôi mới có cơ hội trở về thắp những nén hương lòng lên mộ phần của ngoại. Những lời nói, hành động cùng những giọt nước mắt từ tận đáy lòng của mẹ đã khiến tôi bừng tỉnh trong không gian tĩnh lặng đầy nắng và gió tại nghĩa trang nơi xứ người.

Và như thế, tôi đi!
Trưa, con đường yên ắng lạ, thỉnh  thoảng có vài chiếc xe ngang qua. Hình như tất cả đang chạy trốn cái nắng thiêu đốt. Những điệu nhạc không lời của quán café kế bên kéo giãn không gian thành vô tận. Im lặng. Không khí đặc quánh. Giọng tôi rớt xuống rất nhẹ, như sợ làm đau làn không khí xung quanh. Trong cộng đoàn có ai biết được hiện tại của tôi? Chị em có ai hiểu cho tôi? Ánh mắt tôi nhìn ra xa, băng qua khung cửa sổ, rớt xuống mảnh vườn đầy những cây thiên tuế.

Và như thế, tôi đi!
Sau khóa học, tôi được phân công đi truyền giáo ở một nơi khác, tôi lại trăn trở về việc phải thay mẹ, báo hiếu cho bà ngoại bằng việc dọn mộ phần và thắp nhang cho bà. Lý tưởng của tôi là gì? Khi thi hành sứ vụ trong cuộc đời dâng hiến, tôi có để cho những bận tâm về gia đình cản trở tôi không? làm cách nào? Chọn lựa và cân đo để biết lấy cái gì là giá trị cao nhất cho cốt lõi của cuộc sống. Tôi cần phải chia sẻ chuyện  của Mẹ tôi cho chị em để cùng cầu nguyện cho ngoại tôi và tâm niệm một điều: Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết và cầu nguyện để bà ngoại về hưởng tôn nhan Chúa. Cái giá trị mà tôi chọn là ơn gọi đời sống dâng hiến, là cộng  đoàn, nơi những người chị em hoàn toàn khác biệt về vùng miền, về gia đình, tính tình… và ở nơi này còn rất nhiều giới hạn mà chúng tôi phải nỗ  lực trong ân sủng của  Thiên Chúa để tôi được thánh hóa bản thân, làm sáng Danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Và như thế, tôi ra đi!
Nhưng sự ra đi của  tôi còn nhiều  trăn trở về đời sống cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn là một “huyền nhiệm sống”. Một nơi biểu lộ tình thương, đức ái, sự đón nhận và quan tâm tới nhau của từng thành viên. Nếu mỗi thành viên biết sử dụng sự khác biệt như một mối dây liên kết thì cộng đoàn đang từng bước được xây dựng. Ví như hình ảnh một bức tường được xây lên từ những viên đá tự nhiên mang hình hài khác nhau, nhưng với đôi bàn tay khéo léo bác thợ lại tạo nên một bức tường đẹp và hợp thời.

Thiết tưởng có những người thích cái tổng thể, có người thích cái chi tiết, có người nghiêm nghị, nhưng có người dịu dàng… Tất cả những tính cách đó được liên kết phối hợp với nhau sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp vững chắc. Quan trọng là mỗi người cần gặp gỡ để đối thoại, giúp hiểu về gia đình của nhau và đặc biệt hiểu hơn về người chị em đang sống cùng lý tưởng. Bởi chúng ta khác nhau về trách nhiệm và về vai trò sống nên bản thân người viết nghĩ mỗi người phải hiểu rõ vấn đề mình đang - cần và sẽ thực hiện. Nhưng đôi khi, cái mình đang hiểu có khi còn mù mờ thì nơi cộng đoàn yêu thương, ai cũng dấn thân và hy sinh cho ngôi nhà của Chúa Kitô thì chúng ta sẽ có được những tiếng nói chung để tìm đến sự thật,  rõ ràng. Bởi vậy, tôi quyết tâm noi gương và cố gắng sống theo lời dạy của Thầy Giêsu: tha thứ, mang gánh nặng cho nhau, quan tâm đến chị em trong cộng đoàn, lãnh trách nhiệm của mình và vun đắp cho cộng đoàn được phát triển hơn với một con tim từ bi, tỉnh thức, không khép kín nhưng chứa đầy lòng quảng đại[2].

Tôi sẽ tin tưởng vào tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn cũng như cách sống của tôi, giúp tôi thực hiện tốt sứ mạng của mình là làm chứng về lòng từ bi của Thiên Chúa. Và tôi thực hiện điều này dưới ánh sáng của lời Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Bởi vì: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,8). Ngài cũng đau nỗi đau của con người, như ngôn sứ Hôsê diễn tả: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8). Bên cạnh đó tôi nhận thấy truyền thống văn hóa Việt Nam cũng có điểm tương đồng với lời giáo huấn của Thánh Kinh: “Thương người như thể thương thân” với “yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 31).

 Sống trong một xã hội như hiện nay, tôi cũng bị ảnh hưởng bởi lối sống dửng dưng, tôi đã hơn một lần đem sự vô tâm vào đời sống cộng đoàn. Đã đến lúc mỗi thành viên sống đời dâng hiến cần thổi một làn gió mới của lòng thương xót vào xã hội và đặc biệt là Giáo Hội bằng tình bác ái của con người. Một tình bác ái của nghĩa cử yêu thương, chứ không phải bằng hành động miễn cưỡng đối với Thiên Chúa, với tha nhân và có thể là những nấm mồ cô đơn cùng lạnh lẽo. Như vậy, đã là con người thì mỗi người cần phải có lòng thương xót, nhưng tim tôi luôn thao thức tại sao nhân loại này vẫn còn đó những xung đột, chiến tranh cùng hận thù? Phải chăng mỗi cá nhân cần sống tinh thần “cùng chịu đau khổ với” như cụm từ lòng thương xót trong tiếng Latinh là paticum[3]. Chỉ với tinh thần đó tôi đây mới có thể thốt lên: Và như thế, tôi trở về!

Maria. Nguyễn Thị Thanh Hồng

[1] Phạm Đình Ngọc, Vấn đề huyền nhiệm của con người, http://dongten.net/noidung/51293
[2] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICO, Sứ Điệp Mùa Chay, năm 2015.
[3] HENRI M. NOUWEN, chuyển ngữ Nguyễn Đức Thông, Lòng Thương Xót, Nxb tôn giáo, 2015.
114.864864865135.135135135250