13/10/2021 -

Các cộng đoàn

349
Hội thảo trực tuyến của DSI dành cho Liên Hiệp nữ Đa Minh Việt Nam

Chiều ngày 09/10/2021 diễn ra buổi hội thảo trực tuyến của DSI dành cho Liên Hiệp các chị em Đa Minh Việt Nam với chủ đề: “Dominican Women in Today’s World.” Sơ Magaret – DSI Coordinator International (Chủ tịch Liên Hiệp Đa Minh quốc tế) đã khởi đi từ bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bạo phát tại Việt Nam trong những tháng qua để nói về chủ đề. Sơ đã chưng dẫn một số hình ảnh thật sống động về sự dấn thân của chị em Đa Minh Việt Nam lo cho những người nghèo khổ bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch gây nên. Dựa trên hình ảnh đó, Sơ mời gọi chị em chiêm ngắm mẫu gương sống động qua cuộc đời của Cha Thánh Đa Minh và chị Thánh Catarina. Cha Thánh Đa Minh là người khao khát tự do: tự do quan sát những dấu chỉ của thời đại; tự do đặt câu hỏi để tìm kiếm Thánh ý Chúa; tự do đến với những người chưa biết Chúa, những người nghèo khổ để đáp ứng nhu cầu và khát vọng của họ; tự do đối thoại; tự do học hỏi truy tìm chân lý… tất cả đã hình thành nên một Đa Minh luôn thao thức, hướng tầm nhìn và phong thái tự do luôn tiến về phía trước để chủ động thích nghi dấn thân và đáp ứng nhu cầu của thời đại. Qua gương mẫu này, Sơ Magaret mời gọi chị em – nữ tu Đa Minh Việt Nam suy nghĩ và cùng nhìn lại ơn gọi sứ mạng của mình trong bối cảnh của đất nước trước cơn đại dịch Covit-19 qua một số câu hỏi gợi ý:
- Chúng ta có tự do để gặp gỡ, đối thoại với anh chị em mình không?
- Chúng ta có tự do trong việc uyển chuyển, thích nghi với sự thay đổi của xã hội không?
- Chúng ta có để cho mình bị anh chị em quấy rầy, làm phiền bởi những nhu cầu thể lý, tâm lý, tinh thần của họ không?
- Dấu chỉ thời đại của chúng ta đang truyền tải sứ điệp nào cho người nữ tu?
- Nhu cầu tại Việt Nam trong thời điểm này là gì?
- Chúng ta đã cố gắng thế nào để đáp ứng những nhu cầu đó?
Tiếp đến Sơ mời chị em thảo luận và chia sẻ về 4 mục đích của DSI:
 
1. Phối hợp, đồng hành và trợ giúp các Hội dòng trong Liên hiệp sống Đặc sủng Đa Minh, đồng thời cổ võ và thúc đẩy họ sống căn tính người nữ Giảng thuyết.
 
2. Tạo mối tương quan, sự nối kết và tình liên đới giữa các thành viên của Gia đình Đa Minh, đặc biệt giữa những Chị Em thuộc các Hội dòng hoạt động tông độ, ở cấp quốc gia, châu lục và quốc tế.
 
3. Cổ võ một thế giới yêu thương và nhân ái hơn qua việc đẩy mạnh các lãnh vực về công lý và hòa bình, sự toàn vẹn của con người và của mọi loài thọ tạo, nhân quyền, đặc biệt là nữ quyền.
 
4. Kiến tạo và thúc đẩy những sáng kiến hợp tác giữa Chị Em Đa Minh thuộc các Dòng hoạt động tông đồ và với các thành viên trong Gia đình Đa Minh vào những dịp thuận tiện.
 
Sau phần thảo luận, chị em thuộc các Hội dòng (có khoảng 100 nhóm kết nối qua zoom trong buổi gặp trực tuyến) chia sẻ và đặt câu hỏi. Sơ Margaret và Sơ Bernadette (Coordinator for Asia Pacific) đã lần lượt chia sẻ và trả lời thắc mắc của chị em về nhiều câu hỏi, trong đó có câu: Người nữ tu Đa Minh sống căn tính giảng thuyết như thế nào? Sau đó Sơ có gợi ý rằng: Những việc bác ái chị em Đa Minh làm trong mùa dịch này là một trong những cách giảng thuyết, giảng bằng chứng tá đời sống phục vụ. Và Sơ nói lên thao thức của mình, chắc chắn đó cũng là thao thức của nhiều người khác. Làm sao để lời giảng của người nữ tu có chỗ đứng trong xã hội, trên các giảng đường Đại học, nhất là tại các nước gặp khó khăn về chính trị?
Qua những chia sẻ của quý Sơ và quý tham dự viên, trong tôi có những suy tư và cảm nhận của mình về việc sống căn tính giảng thuyết chị em Đa minh Rosa Lima: (1) Mục đích chính của Hội dòng Đa Minh Rosa Lima là làm sánh danh Chúa và thánh hóa chị em bằng việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, tu luật Augustino và luật dòng. (2) Mục đích riêng là truyền giáo cho lương dân, giáo dục thanh thiếu niên và thi hành bác ái bằng những việc từ thiện.

Như thế, tôi thiết nghĩ chị em Đa Minh Rosa Lima sống căn tính giảng thuyết dưới khía cạnh là sống tương giao, vì với người Việt Nam thì điều quan trọng không phải là làm được những gì, làm ở đâu mà là Tôi sống với ai? Do đó sống tương giao cũng chính là trở nên người bạn đồng hành với mọi người, một tình bạn vô điều kiện.

Dưới ánh sáng Lời Chúa và qua gương mẫu của Cha Thánh Đa Minh, một người bạn đồng hành thì cần:

1. Lắng nghe


Nghệ thuật của lắng nghe là tình yêu, một con đường từ trái tim đến trái tim. Nghe với thái độ chân thành, trân trọng, chăm chú, trắc ẩn đến nỗi chúng ta không còn là kẻ bên ngoài cuộc đời của anh chị em ta nữa mà là “người đi vào thế giới của họ” khởi đi từ những câu hỏi, những băn khoăn thao thức, ước mơ của họ. Lắng nghe tất cả cuộc đời của anh chị em với những phức tạp của lịch sử, gia đình, văn hóa... để đi vào nội tâm sâu xa nhất của họ. Điều này đòi hỏi người nữ tu phải trả lời cho những thắc mắc, nhận định, tư vấn cho họ. Chính khởi đi từ việc lắng nghe Lời, đụng chạm đến Lời cách nhẹ nhàng, ấm áp mà người nữ tu lắng nghe và đụng chạm đến nỗi niềm thâm sâu nhất của Thiên Chúa nơi anh chị em mình.

2. 
Đồng cảm (thấu cảm) và chữa lành

Thiên Chúa ban cho người nữ điều đặc biệt là tình mẫu tử: một cái “dạ mẹ” luôn cưu mang, luôn quặn đau và một con tim tinh tế, nhạy bén, chan chứa sự âu yếm, nhờ đó người nữ tu dễ dàng đặt mình vào vị trí của người khác, quan tâm và thấu hiểu cảm xúc cũng như những gì đang diễn ra trong đời sống của họ. Đây là con đường “vui với người vui khóc với người khóc” (Rm 12, 15), là trở nên một với anh chị em và ta cũng trở nên một “người khác” không còn sống cho chính mình nữa vì khi thương ai thì chúng ta phải hiểu họ. Nếu thương mà không hiểu thì chúng ta đang làm tổn thương những người mà mình thương. Khi đã nhận diện được hiện trạng tâm lý, tâm linh của anh chị em mình rồi thì người nữ tu cũng lấy hết tình thương để băng bó, chữa lành những vết thương đang hằn sâu trong thực tại nội tâm của họ, bắc cho họ một nhịp cầu đến những giá trị đức tin để họ được khỏe hơn, khôn ngoan hơn, tự do hơn, đôc lập hơn và họ sẽ trở thành những người yêu thương phục vụ người khác. Họ có thể tự “chú giải” công trình Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời mình

3. 
Truyền cảm hứng

Một người mẹ tốt, thông thái thì không bao giờ làm hết cho con cái, nhưng truyền cho chúng một động lực, một cảm hứng để viết tiếp trang sử cuộc đời chúng. Cũng vậy tình mẫu tử nơi người nữ tu khiến chị em luôn luôn thao thức tìm kiếm những “phương pháp giáo dục tốt nhất” và động viên, khích lệ, đánh thức những khao khát, ước mơ cho anh chị em mình; giúp họ khám phá ra những động cơ sâu xa bên trong, nguyên nhân tại sao có những lo lắng, băn khoăn, những phương thế để vượt qua. Người nữ tu trở thành những bác sĩ tinh thần, giảng thuyết bằng cách gây ảnh hưởng ở những chiều kích sâu, rộng nhất trong con người. Chị em nữ tu muốn giúp anh chị em mình thấy được năng lực tiềm ẩn của họ, giúp họ biết mình, biết người để sống yêu thương nhau hơn.

Nhìn từ những điểm trên tôi thấy dường như việc làm sao tìm một chỗ đứng cho lời giảng thuyết của các nữ tu trong các giảng đường đại học còn là quá ít so với tình yêu vĩ đại mà họ có, so với tham vọng muốn trao ban chính mình của họ. Người nữ tu đang khẳng định vị thế lời giảng thuyết nơi trường đời mà mỗi chị em đang sống. Bài tập của trường học là những con số, con chữ còn bài tập của trường đời là những con người với những yêu cầu khó, với rất nhiều cấp độ.

Con người được sinh ra từ tình yêu, đến với thế giới này từ tình yêu và biết đập những nhịp yêu thương trước khi não bộ được hình thành. Trần gian chính là ngôi trường mà mỗi người được gởi đến để học bài học yêu thương, hàng ngày chúng ta phải đối diện với biết bao bài tập của cảnh đời. Nếu chúng ta giải được các cảnh đó thì nó được gọi là cảnh ngộ vì chúng ta ngộ ra những chân lý, những sứ điệp của Chúa, ngược lại chúng ta không giải được thì đó gọi là hoàn cảnh (cảnh cứ được lập đi lập lại). Bởi đó mọi cử chỉ, hoạt động của người nữ tu đều dựa trên cái TÌNH hơn cái LÝ, điều đó sẽ dễ đi vào lòng người, dễ cảm hóa, thuyết phục con người. Sức mạnh của lời giảng thuyết lúc này có sức lôi cuốn, biến đổi vì nó có căn rễ trong một đời sống vốn có khả năng tự mình trở thành một sứ điệp. Chúng ta hãy cư xử với nhau bằng tình yêu trước, hãy thuận theo lẽ tự nhiên để cuộc đời, xã hội, thế giới cũng thuận hòa.

Hoạt động giảng thuyết của người nữ tu Đa Minh Rosa Lima đôi khi xem ra rất âm thầm, không thấy kết quả gì nhưng chị em ý thức được rằng tiến trình thành người phải đi từ cái ĐỨC đến cái TÀI, học làm người trước khi học làm việc, vì thế chị em Đa Minh Rosa Lima kiên trì, nhẫn nại, tận tụy vun xới cho cái gốc ĐỨC nơi mỗi anh chị em mình được triển nở. Chính cái không thấy này sẽ quyết định cái thấy là hoa trái nơi anh chị em mình như việc chúng ta không thấy dòng điện chạy mà chỉ thấy đèn sáng. Hơn nữa việc sinh hoa trái là của Thiên Chúa, Ngài có thể làm cho nước hóa thành rượu và lúa mì mọc giữa cỏ dại (EG, 84). Người nữ tu Đa Minh Rosa Lima cũng ý thức được rằng tất cả những hồng ân Chúa ban cho mỗi chị em như là dấu chỉ để xây dựng Vương Quốc tình yêu của Người nơi trần gian này, nếu như sự hiện diện của Đức Giêsu là dấu chỉ Ơn Cứu Độ cho con người, thì chị em Đa Minh Rosa Lima xem sự hiện diện của mình nơi mỗi môi trường dấn thân là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, dấu chỉ của sự thật và công bằng huynh đệ cho mọi người qua nụ cười thân thiện và nhân ái, lời nói an ủi, khích lệ, những cư xử tử tế... vì “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui.” Cha Frederick-William Faber cũng nói: “Nụ cười tạo ra niềm vui, nâng đỡ khi lao tác, và là dấu hiệu hữu hình của tình bạn. Nụ cười làm vơi nhẹ nỗi nhọc nhằn, đổi mới lòng can đảm trong những thử thách, là linh dược lúc buồn phiền. Nếu bạn gặp người nào không biết tặng nụ cười, thì bạn hãy quảng đại biếu họ một cái: không ai cần nụ cười cho bằng kẻ không biết trao tặng nó.” 

Tôi thấy mục đích đầu tiên mà DSI nhắm tới thật ý nghĩa và quan trọng, nó quyết định cho 3 mục đích sau. Chỉ khi nào người nữ tu ý thức được căn tính là người nữ tuyệt vời của mình và sống triệt để những phẩm tính người nữ nghĩa thì lúc đó họ đang quặn đau, những cơn đau thấu tim gan để sinh ra những con người có đức yêu thương thì bấy giờ những mục tiêu về công lý hòa bình, về môi sinh, về nhân quyền... sẽ được giải quyết.

Theo gương Mẹ Maria, một mẫu gương giảng thuyết cho người nữ tu bằng chứng từ mẫu tử, chị em Đa Minh Rosa Lima nỗ lực trở thành người bạn chân thành, thật gần gũi quan tâm để cuộc đời anh chị em mình không thiếu rượu, trở thành dấu hiệu hy vọng, khích lệ các phấn đấu cho mọi người, cho sự công bằng huynh đệ nơi môi trường sống của mình, thành dấu chỉ Ơn Cứu Độ cho nhân loại giúp họ thấy ý nghĩa sự hiện hữu của mỗi người trong trần gian.

Hv Sứ vụ


















 
114.864864865135.135135135250