29/03/2020 -

HỘI DÒNG

475
Mùa khát

Tiếng tích tắc của dòng thời gian vẫn đều đặn trôi nhưng lại dàn trải không đều nhau trong tâm trạng con người. Khi vui thời gian như ngắn lại, khi buồn lại lê thê vô tận. Những ngày này có lẽ là những ngày dài vô tận của những người dân đất Việt, khi gam màu buồn của đại dịch Covid -19 phủ kín không gian, thời gian và trong tâm trí con người.
   
Trên các mặt báo sáng nay, trên các kênh truyền hình trưa nay và trên các trang MXH chiều nay toàn là những câu chuyện đắng và chát. Người ta cập nhật số ca bệnh mới, số người tử vong do Covid -19 ở khắp nơi trên thế giới, rồi số người đang cách ly, người liên quan F1, F2,  tôi thấy đắng. Nghe những thông tin và hình ảnh Đồng Bằng Sông Cửu Long nứt nẻ mặn chát như đồng muối, người dân oằn mình gánh vác bao nỗi khốn khó trên vai, tôi cũng thấy đắng. Nhận nhiều thông báo từ phía chính quyền và các Giám mục của các Giáo phận là sẽ ngưng cử hành Thánh lễ và các việc phụng vụ có giáo dân tham dự, tôi thấy rất buồn.

Thật vậy, đọc những thông tin trên thật dễ dàng, chỉ vài giây là xong. Nhưng chúng ta hãy dừng lại một chút để hình dung ra bóng tối của sự sợ hãi đang kiềm tỏa và phủ lên nhân loại với những nỗi sợ về sinh-tử, ly-biệt, sự bấn loạn lo âu về sự tồn vong của mọi lãnh vực.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm, cũng hiểu và cũng thấu, vì có lẽ đã hơn một lần chúng ta đã từng trải qua cảm xúc đó từ khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, những nỗi sợ ấy chưa thấm vào đâu so với những nỗi sợ đầy day dứt, khắc khoải trong tâm hồn. Đó là sự lo lắng chúng ta không giữ vững niềm tin và niềm hy vọng khi chịu thử thách, đó là sự sợ hãi khi cơn khát tâm linh, khát tình yêu, khát một chốn tựa nương, khát sự bình an, khát niềm cậy trông không được lấp đầy. Những nỗi hoang mang sợ hãi đó tự sức con người chẳng thể xoa dịu và khỏa lấp được cho nhau. Chỉ nơi Thiên Chúa ta mới có bình an, về bên Chúa ta mới thực sự về chốn tưạ nương an toàn, đến với Chúa ta mới sống trong tình yêu đích thực, và trong Chúa ta mới có niềm hy vọng.

Thánh lễ là nguồn trợ lực để ta kín múc những sức mạnh tinh thần ấy. Nhưng nay Thánh lễ đã tạm ngưng, nỗi niềm xao xuyến và thổn thức ấy lại bóp nghẹt chúng ta trong cơn sợ hãi. Không biết bám víu vào ai giữa biển người bao la, lại càng không biết tin vào ai giữa những lọc lừa như ngày hôm nay. Một thời đại thực sự bi thương và thử thách lòng tin của con người.

“Bình tĩnh, phó thác, cậy trông” là những từ ngữ người ta dùng để an ủi nhau trong những ngày “u ám bao phủ toàn dân", những cụm từ đó viết thì ngắn gọn lắm, nghe cũng nhẹ nhàng lắm, và hiểu thì càng đơn giản hơn, nhưng không phải cứ cất lên là có thể lãnh nhận được kết quả như lòng mong muốn. Người ta vẫn phải quay quắt với câu hỏi sự gì đang diễn ra trong xã hội này.


Dẫu biết rằng, việc ngưng cử hành Thánh lễ ở các nhà thờ, việc đình hoãn mọi cử hành phụng vụ mang tính tập thể lúc này là một quyết định đúng đắn và đầy trách nhiệm của cộng đoàn tín hữu Công Giáo Việt Nam, nhưng thực sự vẫn thấy cay cay nơi khóe mắt, đắng chát nơi đầu môi và thổn thức nơi cõi lòng. Thế mới biết, khi không còn có thể gặp được Thiên Chúa một cách dễ dàng, thì người ta mới cảm thấy đói khát Ngài. Khi sống trong sự chênh vênh bên bờ vực thẳm thì người ta mới cảm được cơn khát về hy vọng và nguồn nâng đỡ ủi an đích thực. Khi sống trong bơ vơ giữa cơn khốn khó mới thấu được cơn khát về niềm tin. Trước bệnh tật và cách ly người ta mới khao khát ngày mai thức giấc được khỏe mạnh trở lại để được sống những ngày bình thường. Trước những nhận diện nông sâu ta mới cảm được cơn khát của tình người và chân lý . 

Thế nhưng trong bóng đêm của sự sợ hãi, trong những khắc khoải của những cơn khát chưa được lấp đầy đó ta vẫn nghe có tiếng nói tha thiết vọng lại đầy sự trấn an và che chở: “cứ yên tâm,Thầy đây, đừng sợ" (Mc 6,50)

Cứ yên tâm, đừng sợ”. Thiên Chúa vẫn ở đó chung vai gánh vác những đớn đau khổ lụy với nhân loại. Ngài vẫn ở trên thuyền để cùng nhân loại chèo chống con thuyền dịch bệnh đang chao đảo đến bến bờ bình an. Ngài vẫn ở đó cùng nhân loại bước qua những bế tắc khốn cùng của cơn đại dịch đang ngày đêm vây bủa con người. Thế nên,“cứ yên tâm, đừng sợ”. Đừng để niềm cậy trông của chúng ta trôi vào túng quẫn, đừng để niềm hy vọng của chúng ta bị phai màu, đừng để sự sợ hãi làm chúng ta đánh mất đi cốt lõi của niềm tin.

Bóng tối không bao giờ là đích cuối cùng, đau khổ bệnh tật chưa thể là ngõ cụt. “Với con mắt đức tin, chúng ta có thể thấy ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn chiếu dọi giữa bóng tối” (EG 84). Trong đêm tối chúng ta được soi dọi để nhìn rõ hơn và thật hơn về các giá trị của sự sống và thân phận con người. Chính lúc chúng ta tưởng chừng đời sống đức tin bị mai một khi không thể đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, thì cũng là lúc đức tin của chúng ta mạnh mẽ nhất, bởi đức tin trong lúc ngặt nghèo nhất là đức tin kiên vững nhất. Sống tương quan cá vị với Chúa ta sẽ thấy tâm hồn lắng đọng hơn, lời cầu nguyện sẽ tha thiết và tín thác hơn, lòng mến sẽ chân thành và thật hơn. Khi ấy ta sẽ cảm nhận được rằng; dịch bệnh không còn là nỗi ám ảnh cho toàn nhân loại nhưng là lối về đầy sự sáng tạo tích cực cho một cuộc sống mới. Và chắc chắn bình an sẽ lại đến ngay trong thử thách, hạnh phúc sẽ lại tìm về khi những mất mát qua đi.
M Nguyễn Thắm
114.864864865135.135135135250