19/12/2019 -

HỘI DÒNG

458
Ngôi Lời Nhập Thể Trong Đời Thánh Hiến

Sơ thân mến!

Có lẽ đã lâu lắm rồi sơ không còn được nghe tiếng chuông ngân nga của xứ đạo quê nhà trong những mùa trở gió, những ánh đèn muôn sắc trong cái lạnh mùa đông, và hơi ấm tình thân cùng mẹ cha nguyện cầu bên hang đá nhỏ. Tiếng nhạc hôm nay thoang thoảng theo từng cơn gió, hẳn cũng làm sơ không ít xuyến xao, vì nó mở ngỏ cho sơ bước đến một không gian sâu lắng của tâm hồn. Sơ đã chọn bỏ lại một vùng trời để dấn bước cho một ơn gọi thật lớn lao là cuộc đời thánh hiến. Dẫu sơ chỉ mới chập chững bước vào Thỉnh viện thôi, hay đã trải qua những năm tháng dài lâu của cuộc đời tu sĩ, thì vẫn xin được gọi là “Sơ” như một danh xưng thật đẹp, nhắc nhớ về một ơn gọi mà sơ đang dấn bước.

Sơ à, có ai đã nói với sơ rằng sơ là một tặng ân của Thiên Chúa cho hôm nay?...
Sơ mến, cám ơn sơ thật nhiều, sự hiện diện của sơ quả là một quà tặng cho Dòng và cho Giáo hội. Vì sơ đã hiến dâng cả giấc mơ của tuổi thanh xuân, đã bỏ lại những gì gắn bó sâu xa nhất, bước vào đây cùng làm nên một nhịp sống mới. Hẳn sơ biết tiếng gọi nào đã làm nên quyết định lớn lao nhường ấy. Ơn gọi quả là huyền nhiệm phải không sơ?

Giáo hội cùng nhau suy chiêm về lịch sử cứu độ, mà cuộc hạ sinh của Ngôi Hai như là đỉnh cao của những mong chờ và hy vọng. Thật diệu huyền khi thấy cuộc đời thánh hiến của sơ cũng đi lại hành trình của dân thánh chờ mong vị cứu tinh.

1. Sáng tạo và sa ngã - kỷ luật

Sơ thân mến, cuộc đời sơ là một sự sáng tạo độc nhất của Thiên Chúa, mà không có gì có thể đánh đổi và thay thế trước mặt Ngài. Ngài đã cho sơ một ơn gọi thật lớn lao và sự tự do như một món quà để sơ sáng tạo đời mình theo ý Chúa. Người cũng đặt sơ trong khu vườn diệu quang của ơn thánh là Hội dòng. Như Adam xưa, cứ mỗi chiều chiều người cùng sơ chuyện trò trong tiếng nguyện lời kinh, dạy sơ biết tương giao với chị em trong lý tưởng đức ái trọn hảo và tình yêu thanh khiết, giúp sơ biết sống hài hòa với thụ tạo vật chất qua lời khấn thanh bần. Người cũng chỉ cho sơ biết luật dòng hệt như cây biết lành biết dữ năm xưa, là giới hạn để sơ luôn ở mãi trong sự hạnh phúc và sung mãn của cuộc đời dâng hiến. Hẳn là sơ cũng đã kinh nghiệm được thế nào là yếu đuối bất trung? Nhưng, như những trang đầu của sách thánh, Thiên Chúa lại bước vào “khu vườn” và tìm kiếm con người trong “buổi chiều” thanh vắng, gọi chính tên sơ để bắt đầu một cuộc đối thoại chữa lành, và mặc khải một khuôn mặt tình yêu cao cả, một Thiên Chúa Chạnh Thương. Người không muốn một tâm hồn sợ hãi và trốn chạy nhưng biết khiêm tốn đối diện và thú nhận với Người. Và cũng chỉ trong khu vườn ấy, trong cái gió nhẹ ban chiều ấy, trong sự đối diện ấy là khởi điểm để Đấng cứu tinh sẽ đến với cuộc đời sơ. Lời đề nghị ấy vẫn còn rất mới, sơ à!

2.  Apraham - khiết tịnh

Chắc có lẽ, cũng không ít lần sơ cũng như Ápraham lặng lẽ nhìn bầu trời đầy sao mà lòng cũng khắc khoải bùi ngùi. Đấng đã chỉ vào muôn nghìn ánh sao lấp lánh trên bầu trời để nói cho ông biết ông sẽ là cha của một dân tộc đông đảo. Thế nhưng khi tuổi đã cao, ông vẫn chưa thấy một người con!?

Như những ánh sao kia, Thiên Chúa cũng chỉ cho sơ thấy một tình yêu siêu vượt, phổ quát. Nhưng Thiên Chúa đâu có định cho Apraham chỉ là cha của những ánh sao, mà sẽ là cha của Isaac. Cũng thế, Đức Kitô sẽ không nhập thể trong cuộc đời sơ trong một tình yêu chung chung trừu tượng. Người đòi sơ phải học biết yêu thương qua những con người cụ thể, như Isaac là đối tượng cụ thể của lời hứa cho Apraham. Và rồi, để làm cha của một đoàn dân đông đảo như cát biển sao trời, Apraham cũng được đề nghị hiến tế người con độc nhất. Sẽ đến một lúc nào đó trong đời, cùng với lời đề nghị hiến tế Isaac, sơ cũng sẽ thấm thía biết bao lời Thiên Chúa đề nghị sơ dâng hiến tình yêu quý giá ấy cho Người, Người muốn xin sơ một tình yêu thanh khiết, mà nơi ấy, Ngài vẫn luôn chiếm một vị trí ưu tiên, độc nhất chứ không phải đồng hàng với bất cứ một ai. Và đó là một bước nữa để Con Thiên Chúa nhập thể trong nhân gian, và nhất là được nhập thể trong cuộc đời sơ đó.

3. Israel - khó nghèo

Dân tộc của Đấng Thiên Sai xưa kia phải nức nở nơi đất khách quê người, bên bờ sông Babylon mà lòng thổn thức nhớ quê hương. Nhưng trong nỗi đau thương ấy, hơn bao giờ hết, Israel đã cảm nghiệm sâu xa mình là một dân tộc bé nhỏ, nghèo hèn giữa bao dân nước. Dân tộc của Đấng Mêsia phải là một đoàn dân khiêm hạ. Thiên Chúa muốn họ dâng cho Người một tấm lòng sám hối ăn năn, nhận ra tội lỗi của mình và biết cậy dựa nương nhờ vào lòng từ ái của Thiên Chúa. Đó là sự khó nghèo đích thực mà Thiên Chúa đã muốn Đavit phải có để là một thánh vương. Và trong bối cảnh đó, lời loan báo về Đấng Emanuel đã vang vọng khắp núi đồi. Trong sự nghèo khó ấy, Thiên Chúa lại bước vào thế giới, Đấng vốn giàu sang đã trở nên khó nghèo để lấy cái nghèo của mình mà làm cho nhân loại được giàu sang. Bởi thế, hôm nay, Người cũng sẽ hỏi tâm hồn sơ liệu Ngài có được hạ sinh trong cái nghèo như thế!

4. Đức Maria - Vâng Phục

Hẳn cũng có lúc sơ phải bật cười trong nước mắt, bởi lẽ Thiên Chúa của sơ cũng là một Thiên Chúa của những đề nghị bất ngờ và sẵn sàng gấy sốc. Thuở ấy, ở một vùng quê thanh vắng, sứ thần được sai đến với thôn nữ Maria, dạm hỏi ý định của Trinh nữ Maria để làm mẹ Con Thiên Chúa theo một cách thức lạ lùng và mạo hiểm. Lời đề nghị ấy vừa là một tặng ân không thể nào sánh ví, nhưng cũng lại là những trách nhiệm lớn lao và không ít hiểm nguy. Chính trong tâm hồn kết hợp với Thiên Chúa thường xuyên mà Trinh Nữ Maria đã có một lời đáp trả mau lẹ, một sự vâng phục đầy bạo dạn và đơn sơ. Sơ thân mến, nếu nghiệm lại dòng đời, đã bao lần Thiên Chúa cũng hỏi sơ cùng một câu hỏi đó, qua những lệnh truyền hay những lời đề nghị thiết tha. Sự vâng phục ấy nhiều khi cũng đâu có dễ dàng gì, bởi nó phá tan sự bình yên và đẩy người tu sĩ vào một cuộc sống năng động phiêu lưu, một sự vâng phục sáng tạo và chủ động. Kìa, chẳng phải là Đức Maria cũng đã rời ngôi làng thân thiết, băng qua núi qua đồi đến với người chị họ hay sao, nhưng cũng phải ngậm ngùi thinh lặng bên Giuse năm ấy, cũng phải chạy trốn và gặp ngàn nỗi truân chuyên, và mãi về sau cũng phải rơi nước mắt thật là nhiều cho người con mà hôm nay Mẹ đã vâng phục để cho Ngài bước vào cuộc đời. Nhưng sau tất cả, đó vẫn là hồng ân, sơ nhỉ! Hôm nay, lời đề nghị ấy vẫn còn mở ngỏ, chính trong vâng phục phiêu lưu ấy, Thiên Chúa đã nhập thể trong cuộc đời này. Liệu rằng sơ có dám chấp nhận một cuộc phiêu lưu đó hay chăng?

Sơ thân mến! Đời thánh hiến quả là xinh đẹp và cũng là một quà tặng của Thiên Chúa dành cho Giáo hội, đến nỗi người ta tự hỏi Giáo hội sẽ ra sao nếu không có những con người sống đời thánh hiến. Ơn Gọi đẹp đẽ và cao cả là thế, nhưng có một tình trạng mà Đức Thánh Cha đã gọi là tình trạng “lờ đờ hôn mê,” khi những người dấn bước cho tiếng gọi nên hoàn thiện lại chẳng mấy thiết tha với ơn gọi nên thánh. Đó là một tình trạng thật đáng suy nghĩ!

Chỉ một thời khắc ngắn nữa thôi, nhân thế sẽ đón mừng lễ Con Thiên Chúa giáng trần. Nhưng lời đề nghị được nhập thể trong tâm hồn người tu sĩ sẽ là lời bất tận. Có thể Chúa Giêsu đang đứng ngoài gõ cửa xin được bước vào tâm hồn sơ, hoặc có thể Ngài đã ở trong tâm hồn sơ rồi và ước ao được cùng sơ trao ban tình yêu và niềm vui cho thế giới. Tâm hồn người ta cũng ít nhiều chạm vào huyền nhiệm khi thoáng thấy đâu đó bóng dáng một áo Dòng. Chính Giêsu Hài Nhi đã làm nên sức hút ấy. Đó chính là nét duyên thánh mà con người mọi thời đều bắt gặp trên gương mặt của người tu sĩ chính danh. Và bởi đó, sơ được gọi là ánh sao chỉ đường cho thế giới. Ước mong sao, nhờ ơn thánh hôm nay, ánh sao ấy vẫn mãi sáng lấp lánh trên bầu trời! Đó là lời chúc trong một mùa giáng sinh mới, Mùa giáng sinh của năm canh tân đời sống kỷ luật tu trì!

Mến chúc sơ được tràn đầy thánh ân!

 
Matta

 
114.864864865135.135135135250