03/09/2021 -

HỘI DÒNG

1310
Nữ tu Đa Minh Rosa Lima với sứ mạng giáo dục

Khi những cánh hoa phượng thôi rơi, tiếng ve ngừng rả rích cũng là lúc ngành giáo dục trong cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới. Nằm trong dòng chảy của xã hội, các trường Mầm non, các Lưu xá trong toàn Dòng cũng bước vào mùa tựu trường mới. Nhân dịp thuận lợi này, chúng ta cũng nên dừng lại đôi chút để nhìn về sứ mạng giáo dục của Dòng, vì qua sứ mạng này, chúng ta thực sự trở thành muối cho đời, men trong bột, là ánh sáng cho trần gian (Mt 5, 13-14), và trở nên những cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc hoàn thiện và thăng tiến con người.

Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII khẳng định: “Giáo dục là cách thức loan báo Tin Mừng cách mới mẻ để thông truyền đức tin.” Đối với Dòng Đa Minh Rosa Lima, khi thành lập, chị em cũng đã xác định: “giáo dục là một trong những mục đích chính yếu và là sứ mạng ưu tiên của dòng”
[1]Thế nên, từ ngày Dòng được thành lập cho đến nay, mặc dù hòan cảnh xã hội có nhiều đổi thay, sứ mạng cao quý này vẫn luôn được chị em đón nhận và tận dụng mọi cơ hội, vượt qua mọi khó khăn của thời cuộc để thi hành với tất cả tình yêu và lòng nhiệt huyết của mình.

Mục đích của việc giáo dục

Giáo dục là một sứ mạng rất quan trọng, nó quyết định đến sự “thành toàn, thành nhân, thành tài và thành thánh” nơi con người, đồng thời góp phần đổi mới và phát triển xã hội. John Dewey, nhà cải cách giáo dục người Mỹ đã từng nhấn mạnh: “Giáo dục là một hoạt động có ý thức của con người nhằm vào mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của con người đạt đến sự hoàn thiện nhân cách.”

Công đồng Vatican II trong Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo cũng khẳng định: “Giáo dục là đào tạo con người như một nhân vị đạt tới sự hoàn thiện và sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý, nghĩa là giáo dục con người trở nên con Thiên Chúa." Theo đường hướng của Giáo hội, Dòng Đa Minh Rosa Lima cũng xác định mục đích của sứ mạng giáo dục là: giúp các thanh thiếu niên trở thành những Kitô hữu trưởng thành, nhận thức được mình ở trong Giáo hội, yêu mến và có tinh thần trách nhiệm với Giáo hội, ý thức rèn luyện bản thân, phát triển khả năng hiểu biết, thiết lập mối tương quan với Chúa và than nhân…
[2]

Như vậy, tất cả chúng ta đều nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục. Hơn nữa, giáo dục đối với người nữ tu không đơn thuần chỉ là một công việc, một nghề nghiệp thuần túy, mà giáo dục là một sứ mạng “cổ vũ cho việc hoàn thiện hóa con người toàn diện, phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới mang tính nhân bản hơn.[3] Nghề nghiệp thì có sự trả vay, còn sứ mạng là lẽ sống, là ý nghĩa của đời tu. Do đó giáo dục, dù trong mội trường nào cũng luôn là công việc của trái tim, của cõi lòng, và mục đích của giáo dục không chỉ hướng con người đến những cái biết thông thường như biết biết đọc, biết viết…mà hướng con người phát triển toàn diện theo chương trình của Thiên Chúa, để mưu ích cho tha nhân và đạt tới hạnh phúc chân thật, nghĩa là trở nên “người thật” và nên con cái Thiên Chúa.

Người nữ tu Đa Minh Rosa Lima cần phải làm gì để sứ mạng giáo dục đem lại giá trị đích thực như mục tiêu đã đề ra? Công vụ Tổng hội XI, số 75 đã hướng dẫn chị em thi hành sứ vụ giáo dục qua các gợi ý sau:


1. Ý thức nhiệm vụ cao quý của việc giáo dục

Giáo dục chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, giáo dục văn hóa đã khó, giáo dục con người còn là thách đố lớn lao hơn. Qua các phương tiện truyền thông, trong những năm gần đây ta thấy những “hạt sạn” trong giáo dục đã để lại những vết thương khó gột rửa, đặc biệt là vấn đề luân lý, đạo đức bị suy thoái trầm trọng.

Tất cả chúng ta đều quan tâm đến thiện ích của những người mà chúng ta yêu mến, đặc biệt là các trẻ em, thiếu niên và người trẻ… chúng ta không thể không quan tâm tới việc giáo dục cho các thế hệ trẻ, chú ý đến khả năng định hướng của các em trong cuộc đời …” Lời nhận định của Đức Thánh Cha Benedicto, như một lối mở để chúng ta ý thức về sứ mạng của mình. Sứ mạng làm chứng cho Chúa bằng đời sống chứng tá trong môi trường sống là trách nhiệm của mỗi chị em, như Công vụ Tổng hội XI số 79, 80 của Dòng chỉ dạy: “Chị em thực thi sứ mạng giáo dục bằng đời sống chứng tá cách vui tươi và chan hòa, yêu thương và tận tụỵ, bằng gương sáng và sự nhiệt tâm gieo hạt giống đức tin, bằng sự liên đới và trách nhiệm…” 

Người ta thường nói “lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn”, thiết nghĩ không có lời giảng nào thuyết phục và có sức lôi cuốn mọi người bằng gương sáng và sự thánh thiện. Nếu chúng ta sống chuẩn mực của một nữ tu nhà giáo trong lời nói, việc làm, trong thái độ, cử chỉ… thì gương sáng đó ta chắc chắn có ảnh hưởng tích cực trên người khác, và khi đó giáo dục mới trở thành con đường hoàn thiện giúp thăng tiến con người và đổi mới xã hội, vì đó “chính là một hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết cho thời đại chúng ta, đồng thời là sự phục vụ chính đáng cho xã hội”
[4]


2. Tự trau dồi và rèn luyện bản thân


“Không ai cho cái mà mình không có” do đó muốn trao ban cho ai điều gì, trước hết chúng ta cần được trang bị và rèn luyện cho mình những giá trị và vốn liếng cần thiết trong những lãnh vực mà sứ vụ chúng ta cần đến. Không chỉ về chuyên môn, về bằng cấp mà ngay cả tinh thần và phong cách làm việc. Điều này đòi hỏi nơi chúng ta sự khiêm tốn học hỏi, can đảm dấn thân, dám đầu tư những nén bạc Chúa ban để sinh lợi ích cho mình và tha nhân, cùng làm phong phú và phát triển sứ vụ được Chúa trao qua ơn gọi.

Đối với người nữ tu Đa Minh Rosa Lima khi thi hành sứ vụ giáo dục cần hơn và cần lắm: một con tim bén nhạy - một tâm hồn tận tụy vui tươi

Là nữ tu nhưng chúng ta vẫn luôn là người phụ nữ. Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã nhận định về người phụ nữ như sau: “Lòng nhân hậu của người phụ nữ luôn luôn nhạy cảm trước những nỗi đau khổ bất hạnh của người khác, là hiện thân của lòng thương xót Chúa Kitô…” (10 tiêu chuẩn về một người phụ nữ đạo hạnh và tốt lành). Đó là những phẩm chất thiên phú mà Chúa đã đặt để cách nhưng không nơi tâm hồn người phụ nữ. Sứ vụ của chúng ta sẽ phong phú và tốt đẹp hơn biết bao khi chúng ta sống và làm việc hết mình với thiên chức phụ nữ của mình.

Một trái tim rộng mở, bao dung, bén nhạy sẽ cho chúng ta có sự khắc khoải, thổn thức về con người, về sứ mạng để rồi thúc đẩy chúng ta dấn thân trong mọi môi trường, gặp gỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh. Vì nói như ĐTC Phanxicô trong một bài giảng năm 2013: “Một tình yêu khắc khoải đem đến cho chúng ta món quà là hoa trái mục vụ. Một tình yêu khắc khoải bao giờ cũng khiến chúng ta đi ra và gặp gỡ những người khác, mà không cần chờ họ xin giúp đỡ.”

Giáo dục trong các trường Mần non, hay các Lưu xá, hoặc môi trường sư phạm nào khác, không phải là công việc kết thúc khi hết ngày, nhưng nó là một tiến trình, niềm vui có nhưng cũng không thiếu những áp lực, căng thẳng làm cho chúng ta rất dễ nản lòng và thoái lui. Thế nên, một tâm hồn tận tụy vui tươi sẽ giúp chúng ta lạc quan, giữ vững bầu nhiệt huyết, không nao núng nhưng nhẫn nại trước mọi khó khăn, vì không có gì là không làm được với một con tim đầy nhiệt tâm. Chính tâm hồn vui tươi và tận tụy sẽ tạo nên niềm vui trong sứ vụ và là động lực để chúng ta “làm việc gì cũng có thể làm tận tâm như thể làm cho Chúa” (Cl 3, 23)

Sau cùng cũng nên khẳng định lại rằng: giáo dục là sứ vụ cao cả của Dòng. Qua sứ vụ này chúng ta được mời gọi Loan Báo Tin Mừng ngay tại môi trường làm việc là góp phần mình vào việc phát triển một nền giáo dục chân chính mà xã hội đang rất cần. Xác tín như thế để mỗi ngày, mỗi chị em không ngừng hoàn thiện bản thân, tận tụy với sứ vụ, tận tâm với mọi người, tận tình với trách nhiệmCó như thế hạt giống của chúng ta gieo trồng mới trổ sinh hoa trái, sứ vụ chúng ta thi hành mới làm đẹp cho đời, cho tha nhân và cho cả chính bản thân ta, bởi “Thiên Chúa làm mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28). 

 
Tham Nguyen
 
[1] NQ số 2
[2] NQ số 68
[4] Công đồng Vaticanô II, Tuyên ngôn Giáo dục Kitô giáo, số 8. 
 
114.864864865135.135135135250