28/10/2016 -

HỘI DÒNG

742
Sự thờ ơ

SỰ “THỜ Ơ” 

 
Trong ngày Giờ Chầu Thánh Thể: 24 giờ cho Chúa Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta dành ​​"24 giờ cho Chúa" để cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, đón nhận ý Chúa, và quyết tâm thực hành ước muốn của Đức Thánh Cha là xóa bỏ sự thờ ơ, Ngài viết: “Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm … đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc.” (Số 15)
 
Đại văn hào Nga Marsim Gorky đã từng quan niệm: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Tình yêu thương chính là điều quý giá nhất của con người; “nó làm cho người gần người hơn” và sưởi ấm những cuộc đời bất hạnh và làm cho cuộc đời thêm phần ý nghĩa. Thế nhưng, có một mặt trái đáng buồn trong xã hội chúng ta hiện nay là con người đang dần mất đi tình thương ấy để sống với lòng ích kỉ, bằng trái tim lạnh giá, chỉ nghĩ cho bản thân, mà  thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Đó chính là thái độ sống vô cảm thờ ơ với mọi người, mọi vật xung quanh.
 
Đúng vậy, sự thờ ơ đã và đang trở thành một vấn đề xã hội mà mọi người cần phải quan tâm và suy nghĩ. Nó dường như trở nên phổ biến và càng ngày càng phát triển. "Sự thờ ơ" là căn bệnh tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ và lạnh lùng. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình. Đi đường gặp những người bị tai nạn, nằm bất tỉnh, những kẻ thờ ơ chẳng có phản ứng nào mà chỉ biết dửng dưng chứng kiến với thái độ "thờ ơ con mắt lạnh, nhìn chúng có hề chi!" (Tố Hữu). Lên xe ô tô, thấy kẻ gian móc túi hoặc bọn côn đồ hành hung hành khách, hay cô gái bị hiếp dâm mà báo chí đăng tin vừa qua, biết bao người chỉ lờ đi xem như không phải chuyện của mình. Sống trong cơ quan, trường học, chứng kiến bao chuyện ngang trái như cấp trên ăn hối lộ, thầy giáo ngang nhiên bạo hành học sinh, còn học sinh thì quay cóp gian lận trong thi cử. “Kẻ thờ ơ” cũng không mở miệng mà ngoảnh mặt làm ngơ. Hoặc trông thấy bạn bè đồng trang lứa bị bạo hành lột quần áo ngay trước cổng trường, “kẻ thờ ơ” đứng xem rồi quay clip tung lên mạng coi như không phải chuyện của mình. Tệ hơn nữa là con người hôm nay họ lại thờ ơ với chính cuộc sống, tương lai của mình, “nước chảy bèo trôi” đến đâu hay đến đó mà không cần quan tâm sống như thế nào cho đẹp cho phải.
 
Thờ ơ” là một căn bệnh đang có chiều hướng không chỉ lan rộng trong xã hội mà nó đang len lỏi khắp mọi nơi, xâm nhập vào trong các gia đình, những người thân ruột thịt. Có lần đi thăm bệnh nhân, tôi đã chứng kiến cảnh có gia đình  cha mẹ già bị ốm nặng nằm liệt giường mà con cái không đoái hoài gì đến. Tôi thấy thật đau lòng và xót xa.
 
Nhìn đi nhìn lại nhìn vào chính mình. Nhìn vào đời tu chúng ta cùng nhìn nhận xem “sự thờ ơ” nó có tồn tại không? Thật là đau lòng phải không, khi sống trong một môi trường được đào tạo về đời sống nhân bản và đời sống tâm linh mà cũng không tránh khỏi được “sự thờ ơ”. Mà ở trong đời tu có những sự thờ ơ quá vô duyên, chị em sống với nhau để xây dựng sự yêu thương, sự quan tâm, thế mà có những lúc chúng ta đã ngoảnh mặt với người chị em của mình, không thèm nói chuyện và luôn né tránh trước những lúc chị em cần mình giúp. Và tệ hơn nữa, đã cùng sống với nhau như là chị em, vậy mà khi ba mẹ của người chị em đau bệnh, thử hỏi mình có dành thời gian đến nhà thăm hỏi hay có những lời động viên không? Hay là chị được về, mình ở lại thì tức tối, cho rằng chị được Bề trên thương hơn. Rồi nữa, khi chị em đang gặp khủng hoảng, mình có đến bên chia sẽ nỗi đau cùng chị, hay mình thêm dầu vào lửa? Và khi ra xứ công việc cộng đoàn, công việc giáo xứ cứ ngổn ngang, mình có sẵn lòng giúp nhau hết lòng không? Liệu mình có đủ Tình yêu để nhạy cảm với người Chị em, để có được những quan tâm nhỏ trong đời sống không? Là con người yếu đuối, nên tôi cũng không tránh khỏi được sự thờ ơ này. Vì thế, qua lời mời gọi của ĐTC Phanxico, tôi cũng cần ý thức lại lối sống, cách ứng xử của mình, để luôn biết thay đổi, thay vì “thờ ơ” với mọi thứ, tôi phải biết lấy yêu thương che đi phần xấu xí của mình, để cho danh Lòng Thương Xót của Chúa được lan tỏa nơi mỗi người chúng ta gặp gỡ.
 
Để kết thúc tôi xin mượn câu chuyện “bài học về sự quan tâm” để nói lên được sự cần thiết cho cuộc sống của chúng ta là hãy luôn biết quan tâm đến người khác và hãy loại trự khỏi tư tưởng nơi chúng ta về một lối sống “thờ ơ”.
 
 Trong một đêm mưa bão bất thường trên đường phố Alabama vắng vẻ, lúc đó đã 11g30 khuya, có một bà lão da đen vẫn cứ mặc cho những ngọn roi mưa quất liên hồi vào mặt, cố hết sức vẫy vẫy cánh tay để xin đi nhờ xe. 
 
 Một chiếc xe chạy vút qua, rồi thêm một chiếc xe nữa, không ai để ý đến cánh tay dường như đã tê cứng vì lạnh cóng. Mặc dù vậy, bà lão vẫn hy vọng và vẫy chiếc xe kế tiếp. Một chàng trai da trắng đã cho bà lên xe (mặc cho cuộc xung đột sắc tộc 1960). Bà lão trông có vẻ rất vội vã, nhưng cũng không quên cám ơn và ghi lại địa chỉ của chàng trai.
 
 Bảy ngày trôi qua, cánh cửa nhà chàng trai tốt bụng vang lên tiếng gõ cửa. Chàng trai ngạc nhiên hết sức khi thấy một cái ti vi khổng lồ ngay trước cửa nhà mình. Một lá thư được đính kèm, trong đó viết: “Cám ơn cháu vì đã cho bà đi nhờ xe vào cái đêm mưa hôm ấy. Cơn mưa không những đã làm ướt sũng quần áo mà nó còn làm lạnh buốt trái tim và tinh thần của bà nữa. Rồi thì lúc đó cháu đã xuất hiện như một thiên thần. Nhờ có cháu, bà đã được gặp người chồng tội nghiệp của mình trước khi ông ấy trút hơi thở cuối cùng. Một lần nữa bà muốn cám ơn cháu đã không nề hà khi giúp đỡ bà.” 
 
Nt.  Têrêsa Hồ Mỹ

 
 
114.864864865135.135135135250