09/12/2019 -

HỘI DÒNG

251
Tự Do- Để Niềm Vui Trọn Hảo

Tự do là gì? Theo phạm trù triết học, tự do là trạng thái không bị giam cầm hoặc không bị làm nô lệ, không bị cấm đoán, hạn chế vô lí trong việc làm nào đó. Định nghĩa tự do như thế ta có cảm tưởng như tất cả những hoàn cảnh bên ngoài: sự gò bó, yêu sách của tha nhân… khiến ta trở nên như tù nhân, muốn tự do phải loại trừ tất cả những giới hạn đó.

Khi nói đến tự do, chúng ta thường nghĩ đến việc không bị gò bó bởi những giáo điều luật lệ. Giữ luật thì gò bó, bởi tôi phải làm cái này không được làm cái kia. Và đôi khi ta nhận thấy chúng như những bổn phận phải thi hành. Tuy nhiên trong đời sống, có những luật lệ mà chúng ta phải tuân theo, chúng bó buộc ta, nhưng là để chúng ta được tự do (Hãy xem luật giao thông), cái chính là chúng ta có muốn giữ hay không. Nếu giữ luật chúng ta sẽ tự do, còn không ta sẽ bị vướng vào một mớ những rắc rối của luật. Tuy nhiên càng ngày yêu sách cá nhân càng được đề cao. Nó không còn là nhận biết qui luật phát triển của đạo đức tự nhiên và xã hội cho bằng trở nên những yêu sách “không ai được xen vào việc của tôi.” Văn hóa càng hiện đại yêu sách cá nhân càng cao. Chúng ta tự đặt ra những nguyên tắc luật lệ và áp đặt cho người khác: đồ của tôi, sách của tôi… và tự do lúc này mang nghĩa loại trừ.

Đối với luật Kitô giáo, thánh Giacôbê gọi đó là “luật của tự do” (Gc2,12); còn trong thư gửi tín hữu Galat thánh Phaolô nói: chúng ta được kêu gọi để hưởng tự do (Gl 5,13). Tự do có thể mang ý nghĩa là: có sự tự do bên ngoài, thoát khỏi sự trói buộc. Tự do để có thể chọn lựa. Tự do là giá trị căn bản, được tự do và hành động tự do là quyền cơ bản của con người. Một khi tôi được tự do quyết định, tôi cũng hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Sự tự do đạt tới mức hoàn hảo khi nó được qui hướng về Thiên Chúa (GLHT 1731).

Thánh Đa Minh rất độc đáo khi chọn cho dòng của mình bản tu luật của thánh Augustino. Việc tuân giữ giới luật như một ân ban của Thiên Chúa, và ta không thể cậy dựa vào sức riêng mình. Trong Thiên Chúa chúng ta trở nên con cái trong ân sủng chứ không như nô lệ dưới ách lề luật của Ngài. “Xin Thiên Chúa ban cho anh em tuân thủ các giới luật để anh em nên như những người yêu mến vẻ đẹp thiêng liêng và tỏa ngát hương thơm Chúa Kitô qua cuộc sống tốt lành, không như nô lệ dưới ách lề luật song như con cái trong ân sủng” (Tu luật thánh Augustinô). Là những phần tử của Dòng, liệu chúng ta có tuân giữ luật một cách tự do như con cái trong ân sủng hay chỉ như những kẻ giữ luật bị ép buộc? Nếu không chính ta cũng như những nô lệ dưới ách lề luật. Chính tự do cũng cần được Đức Kitô giải phóng để có thể hoàn thành những gì thật sự tốt đẹp.

Kỷ luật tu trì phải là những chỉ dẫn chứ không phải là những mệnh lệnh mang tính ép buộc. Tuy nhiên, khi tuân giữ kỉ luật như một bổn phận vì “phải là như thế” thì chưa đủ mà phải giữ kỷ luật bằng tất cả sự tự do của con tim. Khi ta tự hỏi: mọi người nghĩ gì về tôi nếu tôi không giữ luật? Sẽ là như thế nào nếu một tu sĩ bị xem là không có kỷ luật? Dĩ nhiên một loạt những câu hỏi như thế sẽ đưa ta đến những tình huống bó buộc. Đôi khi chúng ta lẫn lộn giữa khái niệm đạo đức và thánh thiện. Đạo đức giống như những Pharisiêu chu toàn luật dạy một cách nhiệm nhặt. Lề luật như những mệnh lệnh mang tính ép buộc, nó như thứ gánh nặng chất lên vai kẻ khác, rồi sau đó tỏ ra tự hào khi chu toàn luật dạy “tôi không như bao kẻ khác.” Mỗi người chúng ta có khả năng tự do chọn lựa, thế nên ta không thể nói tôi bị ép buộc, tôi làm như thế vì tôi không còn chọn lựa nào khác.

Tự do là một điều lớn lao mà con người được ban tặng. Và rồi ta có thể trả lời câu hỏi: có phải tự do là được làm mọi thứ? Không, không phải như vậy! Nhưng tự do là làm những gì luật dạy một cách tự do. Hành vi của ta thường là làm điều này để đạt được một điều gì khác. Đó là một sự quy hướng về chính cá nhân, sống dưới ảnh hưởng của cảm giác và xúc động, muốn được sống thoải mái và hạnh phúc, các nhu cầu phải được đáp ứng, được tự do để làm bất cứ điều gì ưa thích. Nội qui - Hiến pháp, luật lệ thì giới hạn tự do làm ta không hạnh phúc. Như thế ta cũng chỉ là một kẻ ích kỉ, sống vì mình và không bao giờ bình an. Mặc kệ họ, chuyện đó can dự gì đến tôi, hãy để họ khám phá cuộc sống theo cách của họ... không khác gì một kiểu trốn tránh trách nhiệm, ta sống với những thứ an toàn giả tạo. Liệu ta có thể thoát khỏi tình trạng đó không? Có, khi ta biết sống có trách nhiệm hơn.

Là những tu sĩ ta hãy tự cật vấn lương tâm: tôi đã giữ luật với tất cả sự tự do như khi viết lời cam kết khấn hứa? Hẳn là có dù khi ít khi nhiều. Thành thực mà nói không ít lần tôi tuân giữ luật để đạt được điều gì đó. Giữ luật để bề trên không thể trách móc được điều gì, hay để khi lên án chỉ trích người khác họ không thể bắt bẻ… nó tinh vi như kiểu Pharisiêu! Hoán cải để thấy sự yếu đuối bản thân.

Chỉ có thể trở nên tự do đích thực khi chúng ta từ bỏ con người ích kỷ và biết sống có trách nhiệm đối với tha nhân. Khi sống có trách nhiệm ta sẽ ý thức sự yếu đuối của bản thân và biết cậy dựa vào Thiên Chúa. Trong mối tương quan với Thiên Chúa ta có sức mạnh để hoàn thành những đòi buộc vô lý cho dù nó khó khăn đến đâu. Chính tình yêu sẽ thúc bách ta vươn lên. Khi chúng ta dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, đi vào mối tương quan với Ngài, cảm thức thuộc về Ngài, thì khi đó việc tuân giữ kỉ luật tu trì, các lời khấn sẽ không còn trở nên gánh nặng hay cản trở nhưng trở nên một vẻ đẹp thần thiêng có sức biến đổi. Một sự tự do và niềm vui đích thực không lệ thuộc vào trong những sự vật trong thế giới.

Chúng là những tình trạng bên trong, hay đúng hơn những ân ban bên trong, được ban tặng trên những con tim khao khát bởi Thiên Chúa nhân hậu. Điều kiện cần thiết cho niềm vui trọn hảo theo thánh Phanxicô Assisi thì bước đầu tiên để đạt tới sự tự do đó là phải tự do với chính mình, và sau đó tự do khỏi con người mình. Đó là một sự tự do từ bỏ tham vọng riêng, từ bỏ việc lấy mình làm trung tâm, chỉ đặt Thiên Chúa là chủ đời mình, khi ấy tâm hồn chúng ta sẽ được tận hưởng tự do đích thực, khác hẳn với trạng thái lo âu, u buồn, gò bó và tâm hồn nhỏ nhen. Ta được ngụp lặn trong phó thác, được tự do với chính mình để gắn bó với Thiên Chúa.” Tự do để niềm vui trọn hảo.

 
Trần Thị Hòa
 
114.864864865135.135135135250