17/12/2019 -

HỘI DÒNG

353
Tự Do Hay Nghịch Lý

Cuộc sống nhân loại vẫn đang bước đi với một chặng hành trình dài của nỗ lực tìm kiếm và chinh phục chân lý. Nhưng hình như càng tìm kiếm con người càng thấy mình ra nhỏ bé trước vũ trụ vốn rộng lớn bao la và luôn ẩn chứa muôn điều tuyệt diệu. Để rồi đây, những triết lý sâu xa, những giá trị nhân bản, nhân văn, những khám phá… của con người cũng chỉ là một câu trả lời chưa trọn vẹn, hay chỉ giải đáp được một hoặc một vài dấu hỏi trong muôn ngàn những dấu hỏi khác từ cuộc đời. Và rồi, dù cho có mải miết loay hoay với bất kỳ một cuộc tìm kiếm nào, con người cũng không quên tìm kiếm tự do như một điều tất yếu. Bầu trời vẫn mãi trong xanh, quang đãng, không gian vẫn mãi mênh mông vô tận và không khí chắc chắn là dễ thở bởi giấc mơ tự do luôn luôn là món quà quý giá khôn cùng. Tuy nhiên, món quà “tự do” vốn quý giá ấy lại được “khui mở” dưới nhiều góc cạnh, qua nhiều phương thức, phương cách nên nghịch lý liên quan đến tự do đồng loạt xuất hiện kèm theo.

Về điều này, mỗi lần trở lại những trang đầu của sách Sáng Thế, khi Ađam và Eva quyết định nghe lời con rắn, dùng tự do theo ý riêng, bất tuân luật Chúa truyền, đưa tay hái trái cấm, là mỗi lần bài học “bóc món quà tự do” được nhắc lại, được đề cao. Thử bênh vực tổ tông ta năm xưa và đổ lỗi cho Thiên Chúa, rằng nếu Chúa thật sự trao ban tự do cho con người, thì tại sao Ngài cho làm chủ muôn loài trong vườn địa đàng nhưng lại không cho đụng đến cây sự sống và cây biết lành biết lành biết dữ ở giữa vườn? Đến đây, có lẽ không lạ gì nếu như ai đó kết luận, ngay từ buổi ban sơ, tự do đã bị khóa lại và bị hạn chế trước lệnh truyền của Chúa.

Lý lẽ biện minh là thế, để rồi với thái độ tương đối khách quan mà nhìn nhận, thì ta đừng bao giờ quên đi điểm cốt lõi của hai tiếng tự do. Thật vậy, tự do của con người là tự do thật sự. Nhưng điều đáng lưu tâm ở đây chính là vì con người đã dựa vào tự do ấy, đã dùng tự do ấy mà làm một cuộc chọn lựa để bước vào cánh cửa tội lỗi hay thánh thiện. Không ai có thể kết tội cho Thiên Chúa nữa. Hẳn là Thiên Chúa không biện minh cho Ngài, bởi đơn giản Ngài là sự thật, là tình yêu, là chân lý.

Truy tìm tự do với tham vọng được như Thiên Chúa, chẳng kể gì luật Chúa, con người đã nhận về một sự thật trần trụi, phải đau khổ, phải chết và không được gần gũi Thiên Chúa như trước nữa. Điều luật, lệnh truyền đầu tiên này đã bị chính tự do của con người phá vỡ. Theo đó, nghịch lý đầu tiên cũng xuất hiện. Tự do đích thực đã bị xem là ràng buộc, cấm cản để rồi có lẽ làm nên nguyên cớ cho những nghịch lý tiếp theo. Nghịch lý tỏ lộ, phải chăng vì tâm tưởng cùng lối suy nghĩ tự do là muốn làm gì thì làm? Tự do là không còn, không có bất kỳ một rào cản, luật lệ hay lệnh cấm nào? Cách hiểu về tự do như thế đã từ rất lâu không còn nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Cùng chung với tư tưởng trên, Machiavel đã khẳng định một cách chắc chắn lập trường: “Ở đâu mà mỗi người gọi là được tự do hành động theo ý mình và buông thả theo phóng túng thì hỗn độn mất trật tự nhanh chóng hiện ra lan tràn!”

Đâu đó trong cuộc đời, có phải con người vẫn hằng thao thức với những cuộc giải thoát chính mình khỏi những ràng buộc bề ngoài? Vùng vẫy trước cuộc đời để rồi lại khắc khoải, rấm rức vì điều này, thứ kia cản trở tự do của tôi. Đôi khi ta nhìn khung trời cao xanh và khoảng không gian rộng mở trước mắt mà trong lòng lăn tăn gợn sóng chỉ vì câu chuyện đời ta bị hạn chế, bị bó buộc, bị giam hãm… bởi những quy tắc, quy luật có phần cứng nhắc, bởi biết bao luật lệ, kỷ luật có phần khắt khe. Giả như cuộc sống hiện đại, giả như thế giới loài người rộng lớn không có kỷ luật thì chẳng phải tất cả chỉ mãi mãi là một mớ hỗn độn vô tổ chức sao?

Nắm bắt được một phần tất yếu của cuộc sống, những khoản luật quy định nguyên tắc ứng xử của con người đã dần hình thành và thiết lập. Không đi ra ngoài yếu tố nền tảng này, đời sống thánh hiến trong Giáo hội nói chung, đời sống tu Đa Minh nói riêng vẫn luôn nhấn mạnh đến kỷ luật và nếp sống tu trì. Tuy nhiên, ngọn lửa cháy bóng ở buổi ban đầu của những tu sĩ có phải đang dần giảm suy nhiệt độ bởi chính sức “nguội” của kỷ luật, của nề nếp? Những quy tắc có vẻ không mấy hợp thời. Những lệnh truyền đôi khi bị cho là ít hợp lý. Những chuỗi ngày cứ lặp đi lặp lại với quy tắc nên hiếm khi xuất hiện điều thú vị, mới lạ có phải đã làm chùn bước và làm tan biến nhiều điều, trong đó có cả lòng nhiệt thành và ước mơ dấn thân phục vụ của bao tâm hồn trẻ? Lúc này, chiếc cân được bày ra với một bên là tự do và một bên là kỷ luật, là nề nếp, là lời khuyên hoặc lệnh truyền. Rất nhiều khi, chiếc cân ở trạng thái cân bằng nhờ sự tự do vâng phục và hết lòng tôn trọng kỷ luật tu trì, bởi đích điểm nhắm đến là một lý tưởng lớn lao, cao quý và lành thánh. Ý thức rõ ràng điều này, những lăn tăn gợn sóng trong lòng sẽ mất đi, để nhường chỗ cho việc củng cố thêm ý nghĩa và giá trị của kỷ luật trong đời sống dâng hiến. Bước vào đời thánh hiến với sự tự do, ước mong sao việc tuân giữ kỷ luật và nề nếp tu trì của từng tu sĩ cũng được thực thi trong tự do và trong yêu mến.

Nghịch lý từ cuộc sống vẫn đang diễn ra hằng ngày, để rồi với những phút ngẫm suy ta không khỏi giật mình, bởi đang khi tự do được ước mong, được khao khát, đang khi tự do được yêu thích thì những chiếc lồng son vẫn đang “tự do” là nơi trú ẩn của những chú chim nhỏ. Giả như xem kỷ luật tựa như những chiếc lồng kia thì nên chăng là ta nhìn nhận rõ chức năng của lồng là bảo vệ và tạo ra sự an toàn. Thật vậy, một khi tội nghiệp chú chim nhỏ bị tước mất tự do, ai đó rung cảm mở bung ô cửa và phá hỏng chiếc lồng để chim tung cánh bay xa. Nhưng liền ngay sau đó, chim bị thú dữ vồ bắt. Với kiểu tự do này, có ai còn dám khát mong tự mình bứt ra khỏi “chiếc áo giáp bảo vệ” là kỷ luật của đời sống tu?

Cho dù xem luật Dòng như chiếc lồng sắt có chức năng bảo vệ cách hữu hiệu, thì ước gì mỗi tu sĩ cũng không để mình ở mãi trong sự yên thân, hoặc ở trong sự nhát đảm, hoặc trong sự đợi chờ được chăm sóc từ bên ngoài như chú chim bé bỏng. Đừng để cho nhịp điệu đều đặn từ cuộc sống bóp nghẹt những sáng tạo, những nét riêng độc đáo của bản thân được đặt nền cách vững chắc dựa vào kỷ luật tu trì. Hơn lúc nào hết, kỷ luật tu trì vẫn mãi là một trong những phương thế giúp mỗi người tự huấn luyện chính mình để ngày càng trưởng thành, để tiến đến gần tha nhân và gần Thiên Chúa. Hãy đón lấy quá khứ, hiện tại, tương lai như một ân ban. Trong sự tự do của con cái Chúa, ước mong sao ta tự do và trung tín vâng giữ từ những điều luật nhỏ nhất. Và ước mong cho luật dòng không bị ta giản lược hoặc bị ta tự ý thực thi phép chuẩn miễn cách này hay cách khác.

 
Mary Comet
114.864864865135.135135135250