04/12/2019 -

HỘI DÒNG

201
Vâng - Một Lễ Dâng

Đời sống nhân loại với biết bao điều tạo ra muôn vàn vì sao cho nhu cầu của con người muốn biết, muốn khám phá về những sự vật, sự việc liên quan đến mình. Để có được sự phong phú đó, con người đi đến những cuộc trao đổi với nhau. Trong mỗi cuộc gặp gỡ như thế, ta thân quen với sự hiện diện của tiếng vâng: khi thì giữa người con cháu đối với ông bà cha mẹ, khi lại giữa học sinh, sinh viên với thầy cô, có khi giữa nhân viên đối với người chủ,… Tiếng vâng trở nên lời giao thoa cho sự thuận nhận những gì đã trình bày, trao đổi giữa đôi bên hay tập thể hoặc cộng đoàn nào. Mối tương giao mang bầu khí chan hòa trong tâm thế con người dường như hiểu nhau trong điều được đề cập tới. Dần dần tiếng vâng trở nên yếu tố cấu thành nét nhân bản, trở thành lễ nghi trong đời sống xã hội con người. Không dừng chân lại đây, trong đời sống tôn giáo thì vâng cũng trở nên một lễ dâng đẩy mạnh hơn, vươn cao hơn với những giá trị, ý nghĩa mà tiếng vâng mang lại.

Trước hết, vâng là một lễ dâng của một niềm tin. Khởi điểm cho lối ngỏ để ta đón nhận những gì khác với suy tưởng có khi vụt qua, có lúc lại được khắc sâu trong tâm trí, trong đời sống ta. Ta cảm mến, tin tưởng Đấng tác tạo những gì tốt đẹp, lành thánh thì nay trong tiếng vâng, ta bộc bạch, diễn tả ngôn ngữ của niềm tin trao dâng cho Thiên Chúa.

Tuy thế, con người vốn có khuynh hướng cần những được xác định trong những khoảng sao cho phù hợp với tuổi tác, hoàn cảnh, trình độ học vấn, nghề nghiệp,… Song tiếng vâng đi vào tâm hồn con người thì dường như không có một khoảng giới hạn nào. Đơn cử về tuổi tác là một điều dễ được xem là giới hạn trong nhãn quan tự nhiên của loài người. Một vé cho chuyến đi ngược dòng thời gian trở về những trang Kinh Thánh, ta bắt gặp một bậc lão thành như Abraham, tuổi đã cao nhưng vẫn là người để tiếng vâng được đụng vào con người ông. Hay như một cụ già Simeon được tiếp nối trong Tân Ước, tiếng vâng vẫn ghé đến trong cuộc đời của cụ. Thêm nữa, một cậu bé đầy những niềm vui tuổi thơ như Đavít, tiếng vâng nghiêng mình chào hỏi cậu. Không chỉ thế trong Tân Ước, có một thiếu nữ Maria thì tiếng vâng vẫn chào thăm trong đời sống của nàng, và còn nhiều những con người trong nhiều độ tuổi khác nữa cũng đều là những đối tượng của tiếng vâng quan tâm.

Thiết tưởng, vâng ra như không có tuổi tác và cũng chẳng quản ngại hành trình chu du thăm hỏi bất cứ ai trong tuổi tác dặm chừng: khi thì tuổi xuân tràn ánh dương, khi lại tuổi đà xế bóng. Chẳng phải là tuổi xuân chưa có nhiều trải nghiệm để chia sẻ hay tuổi già với lớp dày trải nghiệm cuộc sống, nhưng là lễ dâng cho tiếng vâng được cất lên trong mỗi người khi Thiên Chúa ngỏ lời với họ, cũng như với mỗi người
chúng ta.

Thứ đến, vâng cũng là một lễ dâng cho một lòng mến. Có thể ngẫm thiết rằng không còn dừng ở tiếng vâng vang vọng nhưng được chuyển hóa dần thành lời vâng trong cuộc đời của con người. Lời vâng ấy trào dâng một lòng mến thiết tha, sâu thẳm. Lòng mến này lại được tỏ bày từ những tâm hồn khiêm nhu, xin được dùng trong một danh xưng là “người tôi tớ.”

Từ những trang Kinh Thánh, ta thấy những người tôi tớ đã quyết sống cho lời vâng từ sâu thẳm trong tâm hồn của họ vang lên mỗi khi lắng nghe thánh ý Chúa. Lời vâng đong đầy tâm tình thảo hiếu, chan chứa tâm thế trung thành trong đó. Ta không xa lạ gì với tôi tớ Abraham, sau khi lắng nghe lời của Thiên Chúa, người tôi tớ ấy dùng lời vâng như một lễ dâng đã cất bước với đôi chân của mình mà lên đường đến nơi đất khách quê người theo như lời chỉ dẫn của Người (St 17). Ta cũng thân quen với tôi tớ Simeon, lời vâng thốt lên với sự bộc bạch thẳm sâu: “Xin để tôi tớ Ngài được an bình ra đi” (Lc 2, 29). Hẳn bởi lòng mến thánh ý Chúa trên quyền sự sống của cụ già nơi lữ hành này, người tôi tớ ấy cảm nhận trong mình một niềm thơ thới, hân hoan. Ta còn thấy thân thuộc với người tôi tớ Maria, với lời vâng thân thưa cùng Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), Mẹ đón nhận Đấng Cứu Độ toàn thể nhân loại cư ngụ trong cung lòng mình ở tuổi xuân xanh. Lời vâng đó là lễ dâng lòng mến để cho điều Chúa truyền được thực hiện, tình yêu của Chúa được tỏ bày cho con người. Và ta càng không thể không thân quen một người tôi tớ của mọi tôi tớ là chính Đức Giê-su. Người tôi tớ có một lễ dâng vẹn toàn dâng lên Chúa Cha là cuộc hiến tế chính Mình Ngài để muôn người trong phận yếu hèn của chúng ta được giải thoát, được cứu chữa. Tất cả để thánh ý Cha được thành toàn viên mãn, để tình yêu Thiên Chúa được hiện diện tròn đầy trong nhân loại.

Ngắm nhìn những tôi tớ của Thiên Chúa, ta có thể thấy họ và những lễ dâng ấy thật đáng trân trọng. Họ không dùng tiếng vâng bâng khuâng nhưng dùng lễ dâng là lời vâng chắc chắn, lời vâng khiêm nhu được cụ thể hóa trong đời sống mà dâng lên Thiên Chúa. Đó là những lễ dâng sống động viết trong những trang lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại, và ngoài ra vẫn còn cần ta viết tiếp…

Trong nét nhìn chân thành những lời vâng của những người tôi tớ trong Kinh Thánh, ta nhận ra dường như những lời vâng thường ở trong những nghịch lý: lúc liên quan về tuổi tác, khi liên quan đến khả năng,… điển hình như “Son sẻ thế hay non trẻ quá mà lại mang thai.” Ta trở về với nhịp sống đời thường, nhịp sống đời thánh hiến trong thời đại hiện tại, những nghịch lý đó cũng không vắng bóng và thậm chí xuất hiện trong nhiều phương diện khác nữa. Tuy nhiên, vâng trong những nghịch lý đó không chỉ nơi người vâng có sự phục, nhưng còn cho những người xung quanh cũng lấy làm phục theo. Bởi lẽ, cái thuận mà thực hiện được là tốt và càng tốt hơn nếu cái nghịch xuất hiện mà vẫn thực hiện được khi mang lại những điều thiện hảo cho con người, cho cuộc sống.

Về địa vị thế nào? Như lẽ thường, con người luôn mang ước vọng là thăng tiến vị thế của mình trong xã hội, nhất là thời đại phát triển không ngừng này. Và một khi đã dành được vị thế cao, gọi là thượng đẳng thì sẽ quyết không cho hạ đẳng còn tồn tại. Nhưng ta vẫn bắt gặp có những người sống đời thánh hiến với chức vị cao nhất trong phạm vi Hội dòng, không chỉ thế còn trải nhiều năm và qua nhiều khóa điều hành Hội dòng, mà cũng đã cất lên lời vâng trong phận vụ nhỏ bé hơn, song cũng chẳng thiếu những trách nhiệm cần thực hiện.

Nghịch lý trong địa vị là thế, còn trong vóc dáng sẽ ra sao? Tiêu chuẩn của người đời đưa ra cho tập thể, cho công việc thường chọn những người có ngoại hình chuẩn dáng và hợp nhãn quan. Còn trong đời sống thánh hiến, ta cũng thấy khâm phục những người tuy dáng hình bé nhỏ, thậm chí tuổi đã cao, chức vị cũng không nhưng họ đã âm thầm và vui trong niềm vui tạo những khu vườn xanh ươm màu lá, màu rau, màu trái và mang đầy sức sống để phục vụ cho chị em trong gia đình Hội dòng.

Còn sức khỏe ư? Là mối bận tâm muôn thuở của con người trong cuộc sống. Ta không khỏi chạnh lòng nhưng cũng phục những người với tuổi trẻ sức sống, hứa hẹn cho một tương tai tốt đẹp nhưng cũng đã vâng trong những ngày tháng trên giường bệnh, đối diện với những đớn đau thể lý, pha vào những nỗi đau của tinh thần. Nhưng đó lại là lễ dâng thật gần với hy tế mà Chúa Giêsu đã từng dâng.

Và còn biết bao lời vâng khác trong những nghịch lý khác của đời sống nhân loại. Phần ta, ta đã viết tiếp trong dòng chảy lịch sử cứu độ của Thiên Chúa như thế nào với đời sống, với ơn gọi mà Chúa ban cho ta?  Mỗi người đều có những cơ hội theo cách thế riêng để trải nghiệm điều này.

Như vậy, nếu con người cứ mải cuốn vào niềm mộ mến ý riêng của mỗi người, cái phải thuận hoàn toàn theo lý tình độc nhất của cá vị đó thì chẳng phải trở nên một lời vâng vị kỷ sao? Lời vâng đó có trở nên lễ dâng cho Thiên Chúa? Nếu ta ý thức thật cẩn thận, chân thành về muôn hồng ân, ơn thánh ta nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa thì lễ dâng cho Ngài hẳn cần là lễ dâng của một sự quảng đại, đến vô vị lợi của ta. Để dù tuổi tác, địa vị, sức khỏe, khả năng, vóc dáng,... có thuận lợi hay không, ta vẫn có khả năng lắng nghe rõ hơn và thi hành tốt hơn những thánh ý Chúa đặt để nơi mỗi người. Nhờ đó, ngay cả những tự do hay những quyền định đoạt về cuộc đời, ta vừa để cho hoa trái của thánh ý Chúa trổ sinh trong đời sống nhân loại, vừa là lễ dâng giá trị và sống động dâng lên Thiên Chúa tình yêu.

 
PIZZA
 
114.864864865135.135135135250