15/12/2016 -

HỘI DÒNG

590
“vui” mà “buồn” – “buồn” mà “vui’ trong sứ vụ truyền giáo

“vui” mà “buồn” – “buồn” mà “vui’
trong sứ vụ truyền giáo

 Dẫn nhập

Mở đầu Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hân hoan mời gọi các Kitô hữu nói chung, cách riêng các tu sĩ: “Hãy canh tân đời sống dâng hiến của mình với Đức Kitô, hãy trở nên người bạn đồng hành với Đức Kitô, nhất là hãy để chính Ngài bước vào cuộc đời của bạn. Chính Chúa Kitô sẽ khởi nên niềm vui, niềm hạnh phúc nơi mỗi người tu sĩ lòng khát khao ra đi loan báo Tin Mừng trên cánh đồng truyền giáo khắp mọi nơi”. Thế nhưng thực tế cho thấy rằng có rất ít tu sĩ sống được như lời mời gọi đó cách trọn vẹn: hoặc có cái này mà chưa đạt được điều kia... Lý do cũng thật đơn giản vì chất lượng cuộc sống dâng hiến và sứ mạng truyền giáo có liên quan trực tiếp đến cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Đâu đó trong cuộc sống chúng ta vẫn gặp những người chúng ta làm việc với hay chính nơi bản thân vẫn có những buồn vui đan xen lẫn lỗn, nên khi chúng ta thấy “vui” thì thực tế lại đáng “buồn”; trái lại lúc chúng ta cảm thấy “buồn” thì cũng là những tín hiệu đáng để chúng ta "vui". Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, người sứ giả đôi khi cảm thấy bất an, buồn chán hay thất bại... ngay trong lúc tưởng chừng là hạnh phúc. Trái lại nhiều lúc lại cảm thấy mình tràn đầy niềm vui, sự an ủi và thành công trong lúc gặp khó khăn đau khổ, cũng như thấy còn đủ sức để tiếp tục sứ mạng trong niềm vui và hy vọng.

Đáp lại lời mời gọi của anh chị em trong đại gia đình Đa Minh “Lên đường truyền giáo” nhân dịp mừng kỷ niệm 800 năm thành lập dòng, và đỉnh cao của năm thánh này mỗi con cái của thánh Tổ Đa Minh cũng được mời gọi để “Được sai đi loan báo Tin Mừng”, noi theo gương các tu sĩ đầu tiên trong sứ mạng truyền giáo. Có lẽ lúc đó các tu sĩ cũng mang trong mình tâm trạng “vui” mà “buồn”, “buồn” mà “vui”: vui vì được sai đi mang Chúa đến cho người khác nhưng lại buồn và lo lắng vì không biết mình sẽ làm được gì cho họ. Là người nữ tu Đa Minh, khi được đón nhận bài sai, tôi cũng mang nơi mình tâm trạng như vậy. Vì thế trong bài viết này xin được ghi lại chút cảm nghiệm "buồn - vui" cũng như vài hàng suy tư, với khao khát thực hiện nghĩa vụ truyền giáo của người nữ tu sống theo linh đạo thánh tổ Đa Minh. 

1. “Vui” mà “buồn” khi đón nhận "bài sai"

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới ngày nào chín chị em chúng tôi hân hoan trong ngày hồng phúc, ngày mà ghi dấu ấn của một người tu sĩ, đó là được kết ước với Đấng Lang Quân. Có lẽ tâm trạng của tất cả chị em tôi lúc đó giống như các tông đồ khi xưa: từ bỏ tất cả và hăng hái để đi theo tiếng gọi của Chúa. Và sau một thời gian học hành, rèn luyện, cầu nguyện và suy xét, Chúa đã cho chị em chúng tôi hoàn tất giai đoạn khởi đầu để bước sang giai đoạn mới qua nghi thức khấn trọn đời và cũng từ giây phút này Chúa và Hội dòng sẽ sai chúng tôi ra đi thực thi sứ vụ của người nữ tu Đa Minh giữa lòng Giáo Hội và xã hội.

Niềm vui và sự lo lắng của bao thế hệ người tông đồ của Đức Kitô cũng là tâm trạng của chúng tôi trong buổi sáng hôm ấy (ngày 2 tháng 8 năm 2016). Khi chị em chúng tôi lãnh nhận bài sai từ tay chị Tổng Quyền, trên khuôn mặt của mỗi người hiện lên niềm vui đan xen những nỗi lo lắng và trong đầu đặt ra câu hỏi: Tôi sẽ đi về đâu? Và rồi sau giây phút suy nghĩ ấy tôi chỉ biết âm thầm thưa cùng Chúa: “Chúa ơi xin cho con đón nhận bài sai này như quà tặng Chúa trao ban cho con”. Ngay lúc đó tôi lại nhìn thấy hàng chữ: “Được sai đi loan báo Tin Mừng” trên khẩu hiệu mừng 800 năm thành lập dòng, tôi đã nghĩ ngay "chắc Chúa muốn tôi đến vùng truyền giáo". Thánh lễ kết thúc cũng là lúc tôi biết được rằng cả ba chị em chúng tôi cùng ở chung với nhau. Chúng tôi đã dắt tay nhau chạy đi tìm chị trưởng lòng tràn đầy niềm vui nhưng cũng ẩn khất đâu đó sự lo lắng, sợ hãi... vì được sai tới nơi mà cả ba chị em đều chưa hề biết: lúc đó ba chị em tôi mang trong mình tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Nhưng chúng tôi xác tín rằng mình được Chúa sai đi thì sẽ có Chúa đồng hành, ý thức mình trở nên người môn đệ của Chúa trong ơn gọi Đa Minh phải là người lên đường chứ không ở lại một nơi chốn nào đó.

"Lên đường" là người được sai đi với một tinh thần nhạy cảm của Tin Mừng thể hiện qua đời sống gắn kết với sứ vụ được trao ban và đón nhận, bằng cả con người của mình. Nhưng trong thực tế, đôi lúc quả thực đời sống tu trì làm cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi, không còn tha thiết nhiều với nó. Thế nhưng, đó chỉ là những lúc chúng ta bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh bên ngoài mà thôi. Còn trong sâu thẳm, chúng ta vẫn cảm nhận được rằng, chúng ta rất hạnh phúc bởi vì chúng ta được vinh dự sống đời thánh hiến, một ơn gọi đặc biệt mà Chúa đã mời chúng ta không ngừng khám phá sự nhiệm mầu trong thánh ý của Ngài. Và chỉ khi nhận ra được điều đó, chúng ta mới cảm thấy mình hạnh phúc hơn nhiều. Tuy nhiên nhìn vào đời sống dâng hiến, có lẽ ai cũng có một suy nghĩ khi biết rằng để trở thành một tu sĩ hay linh mục phải trải qua một chặng đường dài dằng dặc. Và tiếp tục duy trì nhiệt huyết của "thuở ban đầu" trong đời dâng hiến là một nỗ lực không bao giờ đủ, đó cũng là khó khăn và thách đố đôi khi làm cho chúng ta cảm thấy buồn phiền, chán nản và không đủ kiên nhẫn để đi tiếp con đường dấn thân trong những sứ vụ của mình.

2. “Buồn” mà “vui” trong khi thi hành sứ vụ

Có lẽ một câu hỏi được đặt ra: Tại sao bạn lại cho rằng buồn mà vui? Đây là cảm nhận của những ngày đầu tiên khi chúng tôi đến nơi chúng tôi được sai đi truyền giáo. Ý thức rằng trên con đường sứ vụ, người môn đệ Đức Kitô sẽ gặp mọi thay đổi liên tục trong cuộc sống, cho nên niềm hân hoan vui mừng có, nhưng cũng không thiếu những chông gai nặng nề: may mắn cũng nhiều nhưng cũng không thiếu thất bại, lúc được an ủi vỗ về như người mẹ hiền nhưng khi thì cô đơn lạnh lẽo như đứa trẻ mồ côi. Chính vì thế mà nhà văn Michael Quoist đã từng thốt lên: “Chỉ một mình tôi nơi đây lủi thủi cô đơn, lạnh lẽo giữa rừng người xôn xao nhộn nhịp, giữa nơi xứ lạ này, giữa đêm đen giá lạnh của cuộc đời”. Phải chăng chỉ một câu thật ngắn ngủi này nhưng cũng diễn tả được tâm trạng của tôi trong những ngày đầu của hành trình sứ vụ tại vùng đất cao nguyên xa lạ này. 

Tháng đầu tiên tôi ở một mình cùng các cháu. Cộng đoàn tôi đang phục vụ nuôi các trẻ mồ côi. Tôi nhận thấy nơi các cháu sự đơn sơ, mộc mạc, gần gũi. Vì thiếu sự đồng hành và nâng đỡ của chị em khiến tôi cảm thấy buồn chán, cô đơn, nhưng ở nơi các cháu tôi lại thấy được niềm vui và động lực để dấn thân phục vụ. Chính trong cái gọi là thiếu thốn nơi các cháu nhưng chúng lại không cần mà cái chúng cần là tấm lòng nhân hậu, sự cởi mở vui tươi của tôi dành cho chúng. Những khi tôi phải ở bệnh viện để chăm sóc các cháu đau bệnh, tuy có vất vả nhưng lại thấy được sự cần thiết phải có mặt, thấy cuộc đời dâng hiến có ý nghĩa và giá trị của công việc tôi đang làm, nên dù có mệt nhọc và buồn tủi nhưng tôi thấy bình an. 

Có lẽ hành trang lớn nhất và cũng là động lực sống của tôi khi được sai đến nơi truyền giáo để phục vụ anh chị em dân tộc thiểu số là những bài chia sẻ của Cha giáo Giuse trong dịp hồng ân vĩnh khấn vừa qua, và lời của một Đức Cha khi chia sẻ với các chủng sinh đến vùng truyền giáo: “Tôi không mong anh em đến đó để giảng về những mớ lý thuyết mà anh em học được ở trường lớp, nhưng điều mà tôi mong muốn nơi anh em là hãy đến đó để cùng sống, cùng ăn, cùng làm với họ”.

Mặc dù khó khăn còn đó, thử thách vẫn đang ở phía trước nhưng tôi luôn cảm nhận được sự đồng hành của Chúa bên tôi trong mọi công việc tôi phục vụ. Điều mà tôi vẫn thao thức nhất và mong muốn ở nơi này là được sống cùng, sống với anh chị em đồng bào, thử hỏi nếu được sai đi truyền giáo mà chỉ sống trong bốn bức của cộng đoàn thì tôi vẫn mãi chỉ là người được sai đến để coi ngôi nhà đó cho khỏi bị hư hỏng hay bị mất thôi. Bản chất và tên gọi đúng nghĩa của sứ mạng truyền giáo là đem yêu thương đến với anh chị em mình, giới thiệu Chúa cho những người chưa biết hay chưa nhận ra được tình yêu của Ngài.

Sứ vụ truyền giáo nơi người tu sĩ luôn có sự đồng hành của hai trạng thái buồn - vui: có buồn thì cũng có vui và ngược lại. Tuy nhiên số phận của mỗi người đều đã được Chúa an bài theo ý định yêu thương của Ngài. Chúng ta vẫn thường nghe câu: Chúa đã chọn ai thì ban ơn cho người đó. Chính thánh Phaolô trong lá thư gửi cho tín hữu Côrintô cũng nói: Ơn Ta đủ cho con và sức mạnh của Ta được biểu lộ trong sự yếu đuối của con” (2Cr 12,9). Có lẽ lời nhắn nhủ của thánh Phaolô đã ghi sâu trong tâm hồn của những ai gặp khó khăn trong cuộc đời, nhất là đối với bản thân, tôi thường nhắc đi nhắc lại câu này trong ngày sống để vượt qua mọi khó khăn mà tôi đang gặp mỗi ngày. Chính vì thế, tôi ý thức được rằng: tôi đang mang lời của Chúa vào cuộc sống hàng ngày qua cách cử xử, lời nói và hành động nên tôi phải đem niềm vui đến cho tất cả mọi người vì niềm vui là điều rất cần thiết cho hồn người tông đồ. Nếu không có niềm vui, người loan báo Tin Mừng sẽ không thể cảm thấy một niềm hạnh phúc phát xuất từ sứ mạng, và như vậy, thay vì loan báo Tin Mừng, họ sẽ loan tin buồn! Hoặc quá mâu thuẫn khi chúng ta mang trong mình một não trạng được biểu hiện qua hành động bằng thái độ buồn rầu, thất vọng khi giới thiệu một Đức Giêsu là Chúa Cứu Thế mang lại niềm vui và hy vọng cho nhân loại! Điều đó không chỉ làm giảm đi thành quả truyền giáo trên cương vị cá nhân nhưng ảnh hưởng tới linh đạo truyền giáo của cả Hội dòng, chúng vẫn là thách đố rất lớn đối với mỗi tu sĩ và các cộng đoàn trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

3. Những thách đố làm ảnh hưởng đến cộng đoàn truyền giáo

Cộng đoàn tu trì gồm những cá nhân sống với nhau và cùng hướng về một lý tưởng để dấn thân phục vụ theo ơn gọi của mình. Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn chỉ sung mãn khi mỗi thành viên trong đó sống đúng như mình là, sống đúng căn tính và nhiệm vụ của mình. Kết quả việc truyền giáo là hoa trái tất yếu của đời sống cầu nguyện, tình huynh đệ, niềm vui và tinh thần dấn thân của mỗi cá nhân dưới đường hướng thực thi căn tính của Hội dòng. Châm ngôn của thánh Đa Minh: "Nói với Chúa trước khi nói về Chúa" chẳng bao giờ lỗi thời cả. Những thách đố chủ quan hay khách quan có thể làm ảnh hưởng đến việc loan báo Tin Mừng, chúng vẫn còn đó và sẽ trở nên nặng nề trong tương lai nếu chúng ta không chân thành tìm ra giải pháp hữu hiệu hầu ngăn chặn và làm giảm nhẹ sự chi phối của chúng.

Có thể kể ra những nguyên nhân chính yếu làm ảnh hưởng đến thành quả loan báo Tin Mừng như sau:

- Chưa sống đúng căn tính của mình.

- Thiếu đời sống nội tâm và tinh thần dấn thân.

- Chưa đủ tình huynh đệ trong cộng đoàn.

Đời sống cộng đoàn bao giờ cũng mang tính thời sự. Mặc dù cũng phải lo phát triển đồng bộ mọi lãnh vực nhưng nếu mọi người quá chú tâm đến những chuyện tùy phụ thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng sa sút đời sống thiêng liêng, thiếu quan tâm nếu không muốn nói là quên đi sứ mạng chính yếu của mình. Điều đó không chỉ đúng đối với tập thể mà ngay trong mỗi cá nhân cũng vậy. Trong 1 lần phát biểu ngày 27-9-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Nếu trong tâm hồn chúng ta, không có sự nồng nàn của Chúa, của tình yêu và tình âu yếm của Người, thì làm thế nào chúng ta, những kẻ tội lỗi đáng thương, có thể sưởi ấm cho tâm hồn người khác được”[1]. Đúng vậy, một khi "nhìn" qua một hướng khác, tất nhiên sự dấn thân phục vụ sẽ kém hiệu quả nếu không muốn nói là không làm theo ý Chúa muốn. Mọi rắc rối có thể xảy ra nếu những ông thần khác vô tình có chỗ đứng trong đời sống cá nhân hay của cả cộng đoàn mà không phải Thiên Chúa đích thực. Sự thiếu vắng những cuộc tiếp xúc thân tình với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và huynh đệ với nhau là tiền đề dẫn đến tình trạng sống ích kỷ, nghi ngờ, kỳ thị, ghen tương, dửng dưng, kiêu căng, thành kiến, nói hành nói xấu... Đức thánh Cha Phanxicô gọi đó là những căn bệnh nguy hiểm, không chỉ đối với các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh nhưng cũng là những căn bệnh và cám dỗ đối với mỗi Kitô hữu, mỗi giáo xứ, cộng đoàn, dòng tu, các phong trào Giáo Hội, trên bình diện cá nhân và cộng đoàn (Lời ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-12-2014).

Nhìn vào đời sống cụ thể trong các cộng đoàn tu trì, rất nhiều lần chúng ta cảm động trong niềm hân hoan vui sướng để cùng với vịnh gia hát lên:

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

anh em (chị em) được sống vui vầy bên nhau”

(Tv 132, 1).

Nhưng chúng ta cũng thành thật nhìn nhận rằng lời hát đó đôi khi còn quá xa với nếp sống hiện tại của chúng ta. Ai cũng có kinh nghiệm về những khó khăn còn đó trong đời sống dâng hiến, một trong những khó khăn đó là đời sống cộng đoàn: đôi khi còn vắng tiếng cười hay chỉ cười gượng cho xong. Đó là những nỗi buồn khiến chúng ta khắc khoải lo âu, nếu không muốn nói là có lúc nào đó bị cám dỗ buông xuôi. Nó không những kéo ghì chúng ta đi xuống mà đôi khi cũng là cớ cho nhiều người vấp phạm.

Các tu sĩ, nhất là những người đã khấn trọn đời ý thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết mình đã trở nên thành viên thực thụ và vĩnh viễn của nhà dòng. Vì thế cũng đồng nghĩa với việc có trách nhiệm để xây dựng và phát triển Hội dòng của mình. Khi đã thề hứa sống chết với nhau trong Hội dòng, không những tu sĩ được hưởng quyền lợi từ phía nhà dòng nhưng đồng thời họ cũng có nghĩa vụ bảo vệ và xây dựng Hội dòng theo khả năng và lãnh vực mình đảm nhận. Cũng vậy, trong mọi hành vi của mỗi tu sĩ dù mang tính cá nhân nhưng luôn luôn nghĩ tới danh dự chung của cộng đoàn, nhân danh cộng đoàn, thao thức để thi hành sứ mạng của Hội dòng cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, dù đã khấn trọn đời, dù đang giữ vai trò là người phụ trách... thì vẫn còn đó những khuyết điểm hoặc nết xấu. Tâm lý "hết phải sợ" hay "ai dám chống đối" thường là cám dỗ muôn thuở xuất hiện ở thời điểm sau khi đã khấn trọn trong nhà dòng hay đã có chức có quyền. Rất nhiều người nghĩ mình đã khấn trọn rồi, an phận rồi, cờ đến tay rồi... nên chẳng cần phải phấn đấu hay thay đổi nữa. Đó là mối nguy hiểm không những về phía cá nhân nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của Hội dòng nói chung mà tinh thần dấn thân truyền giáo là một phần trong chương trình đó.

Ngoài ra ở các cộng đoàn, các tu sĩ được Hội dòng giao những trách nhiệm vừa lớn vừa nặng... vì vậy nếu bề trên và người khác trong cộng đoàn không hiểu, không cảm thông,... thì cũng dễ buông xuôi chán nản trong các mối quan hệ hay các sinh họat chung của cộng đoàn.

Tất cả những gì vừa liệt kê trên đây nhằm chứng minh những tu sĩ vẫn là những con người. Vì thế ngoài ơn Chúa, sự cố gắng của bản thân mỗi tu sĩ, họ cần sự cộng tác của mọi người để có thể hoàn tất ơn gọi cho đến cùng trong niềm vui và hạnh phúc. Một danh ngôn tích cực có thể khuyến cáo và áp dụng vào cuộc sống của mỗi chúng ta: “Khi một cánh cửa hạnh phúc bị đóng lại, một cánh cửa khác sẽ được mở ra. Nhưng nếu bạn tự đóng chặt các cánh cửa của mình thì bạn sẽ chẳng còn nhìn thấy cánh cửa hạnh phúc nào nữa cả!”(Helen Keller).

Kết

Có lẽ “vui” mà “buồn” là những nỗi băn khoăn thao thức trong cuộc đời của người tu sĩ. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều được mời gọi để phục vụ và mở rộng nước Chúa nơi trần thế nên làm cách nào cho bản thân mình vui, cộng đoàn mình vui mới có thể chia sẻ niềm vui ấy cho nhiều người được. Đừng sợ thiếu khả năng, kém tài đức,... điều cần thiết là thái độ chân thành đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa với tất cả thiện chí và thiện ý. Vì khi thực sự dấn thân theo Chúa, chúng ta chỉ còn như cái xác trống không để Ngài thổi đầy sức sống thần linh của Ngài vào. Thánh Phaolô đã cảm nhận được điều này sau khi được Chúa kêu gọi, nên đã thốt lên: "Từ nay tôi không còn sống nữa nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi" (Gl 2, 20). Chính vì Chúa Kitô sống chứ không phải tôi nên người phục vụ tìm thấy kim chỉ nam cho đời mình qua tinh thần của Kinh Hòa Bình và đường tu đức cao siêu nhất chúng ta học nơi Thánh Phanxicô được biểu lộ qua triết lý sống của ngài; đó là: khi dâng hiến chính là lúc được lãnh nhận, lúc quên mình là khi được sở hữu chính mình, và khi chết chính là khi được sống viên mãn. Trước thánh Phanxicô, Đức Giêsu đã xác quyết điều ấy: "Ai hy sinh mạng sống vì Ta và vì phúc âm sẽ cứu được thân mình" (Mc 8,35). Đây cũng là ý nghĩa và cách sống đầy đủ nhất đối với những người đi loan báo Tin Mừng. Cầu xin Thiên Chúa soi sáng, hướng dẫn để chúng ta biết chọn lựa ơn gọi cho mình cách khôn ngoan và thích hợp hầu có thể hân hoan trong sứ vụ truyền giáo của mình bằng niềm vui và hạnh phúc. Đức Giêsu là Tin Mừng của niềm vui nên việc kiến tạo và xây dựng niềm vui là trách nhiệm ưu tiên của mọi tu sĩ, có như vậy thì vui buồn trong cuộc sống sẽ không còn đan xen vào nhau tới độ chúng ta không phân biệt đâu là vui đâu là buồn. Nhất là khi đã có niềm vui của Chúa thì trong mọi môi trường và tình huống khác nhau chúng ta đều nhận ra được giá trị của sứ vụ mà Chúa và Hội dòng đã tin tưởng và trao ban cho mình.

Mai Tigon

 

[1] Đtc Phanxicô, Ơn gọi làm Giáo lý viên, động viên đừng sợ bước ra khỏi chính mình để đi gặp người khác – Rôma, 27/9/2013.

114.864864865135.135135135250