10/03/2023 -

Khác

271
Đường sách mang tên Đức Cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình có gì hấp dẫn?


Ai đã từng đặt chân đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn và Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh ở quận 1 chắn chắn sẽ thấy một con đường nhỏ, dài khoảng 150m, đây là nơi chứa đựng nguồn tri thức vô cùng phong phú của nhân loại, đây cũng được gọi là một nét son văn hóa của Thành phố, đặc biệt, đây còn là niềm tự hào của những người Công giáo, bởi đó là con đường mang tên Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, thường gọi là đường sách Nguyễn Văn Bình, hay đường sách Thành phố Hồ Chí Minh

https://tphcm.dangcongsan.vn/DATA/72/2020/11/%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng_s%C3%A1ch-09_58_10_491.jpg

Đường sách Nguyễn Văn Bình


Tôi biết đến nơi này trong một lần đi tham dự sự kiện do giáo viên yêu cầu. Điều ấn tượng đầu tiên tôi có được nơi đường sách này, đó là một không gian mở, hội tụ rất nhiều nhà sách của nhiều nhà xuất bản.

Ở đây, mỗi gian hàng sách được thiết kế theo một phong cách riêng. Cách trưng bày sách cũng độc đáo, tạo nên không khí gần gũi, thân thiện. Bạn đọc tha hồ lựa chọn và đọc sách mà không lo ai làm phiền

Đường sách Nguyễn Văn Bình được chia làm 3 khu vực riêng biệt gồm: gian hàng sách, khu vực triển lãm, và khu vực sách cũ. Tại gian hàng sách, bạn sẽ thấy được hơn 20 quầy sách với những nhà xuất bản nổi tiếng. Còn khu vực triển lãm là nơi quy tụ của các loại sách cũ, sách quý hiếm. Đây cũng là nơi thường xuyên mở các sự kiện ra mắt sách, hay các cuộc giao lưu giữa các tác giả với độc giả. 

Một sự kiện giao lưu tại đường sách (Ảnh: MS) 


Ngoài ra, "cafê sách" cũng là nét độc đáo và hấp dẫn tại đây. Bạn có thể vừa đọc sách vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa có thể thả hồn cùng tri thức và tìm lại phút giây thanh bình của cuộc sống..

Điều ấn tượng nhất đối với tôi khi lần đầu tiên đến đây có lẽ chính là ở tên gọi của đường sách. Đường sách Nguyễn Văn Bình, vị Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn (1910 – 1995). Được biết, Ngài từng là thành viên Mặt trận Tổ Quốc Thành phố Hồ Chí Minh và ngài có đóng góp lớn trong trong việc đưa Công giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, ngài có liên hệ rất mật thiết đối với Hội dòng tôi, ngài là người đã ban Sắc lệnh thành lập Hội dòng ngày 01/01/1973.

Như vậy, việc đặt tên đường sách mang tên Ngài mang một thông điệp đẹp về sự trân trọng tri thức và đại đoàn kết giữa các tôn giáo. 
Thiết nghĩ, đó là lý do những người quan tâm đến lịch sử thường xuyên tìm đến con đường này, họ cảm thấy yêu đường sách Nguyễn Văn Bình hơn vì biết rằng đây là con đường cổ xưa bậc nhất tại Sài Gòn, con đường chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa của thành phố phương Nam.

Tôi đến đường sách vào ngày cuối tuần, không khí thật náo nhiệt, sôi nổi bởi các sự kiện giao lưu, nhưng tôi cảm nhận rất rõ, giữa sự ồn ào náo nhiệt, đường sách Nguyễn Văn Bình như một chốn về bình yên hiếm có của người dân sau một tuần bộn bề, tất bật với công việc và cuộc sống. 

Ngày nay, xu hướng tiếp cận tri thức đang dần chuyển đổi từ đọc sang nghe và nhìn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc văn hóa đọc đang dần bị mai một. Hãy đến đây một lần để được thả hồn theo những con chữ, bạn sẽ tìm lại được niềm vui và tình yêu đối với sách, người bạn tri thức tuyệt vời của bạn, và một cách nào đó, bạn sẽ là người vực dậy nền văn hóa đọc đang bị mai một.

 


CatBui
114.864864865135.135135135250