THIÊN CHÚA TẠO DỰNG VŨ TRỤ TRONG VỤ NỔ BIG BANG?
Hỏi: Con nghe mọi người có học nói về vụ nổ Big Bang. Các Cha nhà mình cũng hay nói đến. Trong trường học cũng vậy. Con biết đây được xem là vụ nổ lớn nhất để có vũ trụ ngày hôm nay, mà vụ nổ này là do một cha tìm hiểu ra, vậy con cảm thấy băn khoăn thấy thuyết Big Bang này có đi ngược lại sách Sáng thế không? Chúa tạo dựng trong 6 ngày, ngày thứ 7 nghỉ ngơi đâu có nói đến vụ nổ gì đâu mà sao Cha này lại nói đến? Con không biết thuyết này có đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội không? Các Đấng bậc trong Hội Thánh có cái nhìn như thế nào về thuyết nào? Người Công giáo nhà mình có nên chấp nhận thuyết này như là một giải thích cho nguồn gốc của vũ trụ và con người không? Có nhiều người hỏi con nhưng con cũng không biết phải trả lời làm sao! Xin giúp con với ạ, con xin chân thành cảm ơn ạ.
Trả lời:
Bạn thân mến,
Câu hỏi của bạn “rất hay” và cũng “rất phức tạp”. Nên thầy sẽ cố gắng diễn tả một cách ngắn ngọn và đơn giản nhất có thể, để làm vấn đề sáng tỏ ra, chứ không bị tối tăm thêm. Có lẽ cách thích hợp, là thầy sẽ đi theo những lời nói của bạn, để như là cuộc đối thoại ngắn.
Con nghe mọi người có học nói về vụ nổ Big Bang
Đúng thế, trong giới khoa học, giới những người có học, thì thuyết vụ nổ lớn Big Bang đang là lý thuyết có giá trị nhất và thuyết phục nhất để giải thích về nguồn gốc vũ trụ, về sự khởi đầu của vũ trụ. Để hiểu cụ thể hơn, chi tiết hơn, bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài viết, video từ kiểu tóm tắt đến trình bày chi tiết, bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, trên Website hoặc Youtube. Tuy nhiên, có thể tóm tắt ở vài điểm sau. Dựa trên các công trình toán học và các quan sát vật lý thiên văn, người ta khám phá ra rằng, vũ trụ đang giãn nở. Nếu hiểu như thế, thì lùi lại quá khứ, có nghĩa là vũ trụ co lại. Có nghĩa là vũ trụ phải có điểm khởi đầu của không gian và thời gian. Nếu chỉ nói xuông như thế, thì đâu có gì đặc biệt. Điều đặc biệt, là hàng loạt công trình khoa học lớn bậc nhất, lại quy tụ gặp gỡ nhau trong thuyết này, củng cố cho thuyết này. Đương nhiên, có những thuyết khác nữa, nhưng cho đến hiện tại, thuyết Big Bang vẫn chiếm ưu thế hơn tất cả các thuyết còn lại (ví dụ, đa vũ trụ, vũ trụ song song, hoặc thuyết nhiều vụ nổ lớn).
Các Cha nhà mình cũng hay nói đến
Các Cha nói đến, vì thuyết này vừa rất khoa học vừa phù hợp sâu xa với Đức Tin. Rất khoa học, vì thuyết này do các nhà khoa học hàng đầu thế giới đề xuất, và cũng có tính thuyết phục vô cùng lớn. Phần lớn các nhà khoa học (vừa lý thuyết vừa thực hành) này đều là những người có đức tin sâu sắc. Rất phù hợp với Đức Tin, vì Kinh Thánh nói rằng: vũ trụ được Thiên Chúa tạo thành từ hư không.
Trong trường học cũng có nói đến
Trường học nói đến, vì trường học là nơi các học sinh, sinh viên, học viên được học những thành quả chính thức và tốt nhất của toàn thể nhân loại, kho tàng chung của nhân loại. Cho nên, khi học về thiên văn, về vật lý, hoặc khoa học nói chung, không thể không nhắc đến thuyết vụ nổ lớn Big Bang.
Con biết đây được xem là vụ nổ lớn nhất để có vũ trụ ngày hôm nay, mà vụ nổ này là do một cha[1] tìm hiểu ra, vậy con cảm thấy băn khoăn thấy Big Bang này có đi ngược lại sách Sáng thế không? Chúa tạo dựng trong 6 ngày, ngày thứ 7 nghỉ ngơi đâu có nói đến vụ nổ gì đâu mà sao Cha này lại nói đến?
Bạn đang đề cập đến hai điều rất khác nhau. Một bên là sách Sáng Thế được viết cách đây ít là nhiều ngàn năm, với một bên là những khám phá khoa học mới trăm năm nay. Và nếu đẩy mạnh hơn nữa, đó là cuộc đối thoại giữa đức tin “muôn thuở, vĩnh cửu, đời đời, vượt thời gian” với khoa học “với những khám phá mới nhất, trong thời gian”. Để đi vào câu hỏi của bạn, sẽ rất phức tạp, vì câu hỏi ấy có một lịch sử rất dài với vô vàn câu chuyện.
Một cách đơn giản, có thể tóm tắt như thế này. Một người có đức tin sâu xa vào Thiên Chúa của Kinh Thánh (đương nhiên bao gồm sách Sáng Thế) hoàn toàn đồng thời có thể là một nhà khoa học chuyên sâu bậc nhất của nhân loại trong thời điểm hiện tại. Nếu muốn, bạn có thể tìm hiểu về cuộc đời các nhà khoa học lớn nhất trong lịch sử thế giới. Không muốn nói là tất cả, nhưng hầu chắc, phần đông trong số các vị đều là những người Kitô hữu nghiêm túc và đầy lòng đạo sốt sắng.
Kinh Thánh, sách Sáng Thế, là Lời của Thiên Chúa, nhưng được bàn tay con người viết, trong ngôn ngữ con người (tiếng Do Thái), với một vùng đất, dân tộc, nền văn hóa cụ thể, ở một thời điểm lịch sử cụ thể. Cách đây mấy nghìn năm, làm gì có điện, làm gì có radio, tivi, máy chụp ảnh, internet, smartphone, kính thiên văn, tàu vũ trụ… Nên chắc chắn bạn sẽ không thể tìm thấy những điều này trong các trang sách Sáng Thế.
Con không biết thuyết này có đi ngược lại giáo huấn của Giáo hội không? Các Đấng bậc trong Hội Thánh có cái nhìn như thế nào về thuyết này?
Thuyết này không chỉ không đi ngược, mà còn rất gần với niềm tin trong Kinh Thánh. Và càng tìm hiểu vũ trụ, con người càng khám phá để hiểu thêm về công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Cái nhìn này là rất tích cực. Tuy nhiên, luôn có khoảng cách cần thiết. Vì là lý thuyết khoa học, nên sẽ thuộc địa hạt khoa học. Cho nên, có thể trong tương lai, có thể sẽ có những lý thuyết mới thuyết phục hơn, tốt hơn.
Không nên có cái nhìn khép kín và sợ hãi. Không sợ tìm hiểu sâu xa đức tin, cũng không sợ nghiên cứu sâu xa về khoa học. Bạn có thể đọc một chút về thông điệp Đức Tin và Lý Trí[2] của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, để thấy được vai trò và thế đứng của đức tin và lý trí trong con người và trong dòng lịch sử. Giáo hội là Giáo hội của Chúa để phục vụ Dân Chúa, phục vụ con người. Đương nhiên, giáo huấn của Giáo hội không gì khác ngoài việc diễn giải giáo huấn của Chúa. Và như thế, cùng một Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo vũ trụ, sáng tạo con người, để con người nghiên cứu.
Thiên Chúa cũng là Đấng sai Con của Ngài đến thế gian, và nhờ Con của Ngài mà mọi người được cứu độ, và trong công cuộc cứu độ ấy, các môn đệ của Chúa hợp thành Hội Thánh. Chúng ta gọi đó là công trình sáng tạo và công trình cứu độ. Đấng là Chủ của cả hai công trình ấy, sẽ không thể tự mâu thuẫn. Do đó, càng nghiên cứu sâu xa, đức tin càng thêm sâu sắc. Càng có niềm tin lớn, sẽ càng có các công trình nghiên cứu vĩ đại.
Xin nhắc tới hai gương mặt muốn hoà hợp giữa khoa học và đức tin. Thứ nhất, nhà vật lý học thiên thể Robert Jastrow cho rằng, các bằng chứng thiên văn học có liên hệ rất gần với quan điểm về cội nguồn vũ trụ của Kinh Thánh; chi tiết có thể khác, nhưng những yếu tố cốt lõi và lời lý giải là giống nhau.[3] Thứ hai, nhà hoá-sinh Francis S.Collins nhận định, vụ nổ lớn củng cố cho kết luận: tự nhiên (vũ trụ) có một khởi đầu xác định; không thể hình dung được, bằng cách nào mà tự nhiên (vũ trụ) có thể tạo ra chính nó; phải có một lực lượng siêu nhiên ở bên ngoài vũ trụ và ngoài thời gian mới có thể làm nổi điều đó.[4]
Người Công giáo nhà mình có nên chấp nhận thuyết này như là một giải thích cho nguồn gốc của vũ trụ và con người không?
Như ngay từ đầu đã nói với bạn, có rất nhiều người Công giáo chấp nhận thuyết này. Mà không chỉ là Công giáo, mà cho đến hiện nay, thuyết này vẫn đang là một thuyết có sức thuyết phục nhất. Khi bạn nói “người Công giáo”, thì chúng ta nên cẩn thận một chút, để không “tự tách mình” ra khỏi thế giới. Vì khi nói về các công trình khoa học, các lý thuyết khoa học, thì đều là một phần của kho tàng chung của nhân loại, không phân biệt ai. Còn khi nhấn mạnh “người Công giáo”, có lẽ chúng ta muốn nhấn mạnh đến đức tin gắn liền với Kinh Thánh và với những hướng dẫn của Hội Thánh.
Cũng nên lưu ý, khi đã gọi là một thuyết, thì dù có thuyết phục và có giá trị đến mấy, thì đó cũng là một lý thuyết, chứ không phải là tuyệt đối đúng. Bạn sẽ có thể ngạc nhiên cho rằng, đã đúng thì phải đúng, chứ làm gì có chuyện đúng hơn. Có đó bạn. Có hai ví dụ rất cụ thể.
Ví dụ thứ nhất về thiên văn học
Bạn có thể đã biết ví dụ kinh điển về thuyết địa tâm (thời cổ đại: nói rằng trái đất là trung tâm) và thuyết nhật tâm (thời trung cổ: nói rằng mặt trời là trung tâm). Thời cổ đại và ngay cả Kinh Thánh, và trong cả trong các câu chuyện của người Việt xưa, đều mô tả trái đất là trung tâm (mặt trời mọc, mặt trời lặn…) vì dựa vào kinh nghiệm trực giác, kinh nghiệm đời thường, thấy sao nói thế. Thời trung cổ, người ta khám phá ra mặt trời là trung tâm, chứ không phải trái đất, nhờ vào các định luật toán học và các quan sát thiên văn học, các bài toán vật lý…
Thế nhưng sau này, với các kính thiên văn hiện đại, với các phương pháp hiện đại, các công trình nghiên cứu lớn, người ta khám phá ra rằng: mặt trời chỉ là trung tâm của hệ mặt trời mà thôi. Còn thực tế, có rất nhiều mặt trời, với nhiều hệ khác nhau. Và rồi cả dải ngân hà cũng chỉ là một trong vô số dải khác. Và như thế, mặt trời của chúng ta cũng vô cùng nhỏ bé và nằm ở rìa của vũ trụ… Thời cuộc chiến nảy lửa giữa thuyết nhật tâm và địa tâm cách đây mấy trăm năm, thì hồi đó, con người mới nhìn mặt trăng bằng kính thiên văn bé tí của Galile (như đồ chơi ngày nay). Hiện tại, con người đã đặt chân lên mặt trăng từ lâu, và robot đã đặt chân lên Sao Hỏa.
Ví dụ thứ hai về sinh vật học
Từ lâu nay, các lý thuyết nói về việc hình thành mầm sống đầu tiên trên trái đất, là như thế này: Đó là cần hội tụ các yếu tố về ánh sáng, khí hậu, nhiệt độ, nước, không khí, mưa… rồi có mầm sống hữu cơ… Thế nhưng gần đây, bằng các tầu ngầm nghiên cứu ở đáy đại dương, ở các vết nứt gần như là nham thạch, nơi mà ánh sáng không thể tới, nơi mà nóng cực độ, nơi mà chất độc vô cùng mạnh… thì vẫn có vô vàn sinh vật sống ở đó. Các sinh vật ấy không có mắt, có thể tự thích nghi trong môi trường cực độc ấy, và cũng không cần năng lượng từ ánh sáng mặt trời, mà nhận năng lượng trực tiếp từ trái đất. Và rõ ràng, đây là một hệ thống về dạng sống, hoàn toàn khác và nằm ngoài tất cả những gì mà từ trước tới giờ con người biết.
Có nhiều người hỏi con nhưng con cũng không biết phải trả lời làm sao! Xin giúp con với ạ, con xin chân thành cảm ơn ạ.
Với những câu hỏi lớn và vô cùng phức tạp. Tùy bạn tìm hiểu tới mức độ nào, và tùy người hỏi ở mức độ nào, mà bạn giải thích sao cho phù hợp bao nhiêu có thể.
Cùng về câu hỏi “lúc khởi đầu của vũ trụ” từ quan điểm triết học, từ góc nhìn Kinh Thánh, và từ lối tiếp cận khoa học, bạn có thể đọc thêm bài viết: Vũ Trụ có khởi đầu không?
Phần 1: https://dongten.net/vu-tru-co-khoi-dau-khong-phan-1/
Phần 2: https://dongten.net/the-gioi-co-khoi-dau-khong-phan-2/
Và nếu bạn chưa muốn đọc ngay bài viết khá chuyên đó, thì chỉ phần kết luận cũng tạm đủ để phác họa một số đường nét chính:
Tựu trung, chủ đề “lúc khởi đầu” của vũ trụ vẫn còn là câu hỏi mở cho tới ngày nay. Thánh Augustinô cũng như thánh Tôma Aquinô đã vận dụng tất cả khả năng về triết lý của mình để suy tư, để đối thoại với nền triết học đương thời của các ngài. Về phương diện triết học, các ngài chỉ ra rằng, có thể chấp nhận nhiều câu trả lời khác nhau. Hơn nữa, về phương diện thần học, các ngài đón nhận lối nhìn của Kinh Thánh. Nhờ đó, các ngài vừa truy tìm trong triết lý, vừa dấn thân trong đức tin, mà cả hai vẫn hoà hợp nhau.
Chính thánh Augustinô lưu ý: “Nếu cả hai người đều nói sự thật, thì chân lý bất dịch vượt lên trên trí khôn của họ, và họ không được bài bác tư tưởng của nhau”[5]. Thêm vào đó, trong tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau và cũng chân thật cả, thì chính chân lý phải thiết lập sự hoà hợp.[6] Để cẩn thận tránh nhầm lẫn khi dùng đức tin dẫm chân vào lĩnh vực triết học, thánh Thomas cho rằng: điều hữu ích là đừng cả gan chứng minh điều thuộc đức tin bằng những lý lẽ bất tất. Vì nếu làm như thế, sẽ làm cớ cho người ngoại giáo chế diễu, vì họ tưởng rằng, chúng ta dựa vào những lý lẽ đó mà tin nhận những điều thuộc đức tin.[7]
Vâng, những giải pháp khác nhau của chủ đề “lúc khởi đầu” không chỉ xảy ra cho triết học, mà cho cả khoa học hiện đại, như đã đề cập. Bài học lớn mà chúng tôi nhận thấy: dù là triết học, thần học, hay khoa học, thì cái nền căn bản là khiêm tốn kiếm tìm chân lý; vừa tôn trọng lĩnh vực riêng của mình, vừa bổ túc nhau, và đừng “chơi xấu” nhau.
Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết SJ
[1] Độc giả có thể đọc thêm về vị linh mục đầu tiên đặt nền móng cho thuyết Big Bang, Georges Lemaître: https://en.wikipedia.org/wiki/Georges_Lema%C3%AEtre
[2] http://catechesis.net/thong-diep-fides-et-ratio-duc-tin-va-ly-tri-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-14-09-1998-1/
[3] X. Francis S.Collins, Ngôn ngữ của Chúa (The Language of God), Lê Thị Thanh Thuỷ dịch, (Nxb Lao Động, Hà Nội, 2007), tr. 88.
[4] X. Francis S.Collins, Ngôn ngữ của Chúa, tr. 91.
[5] X. Thánh Augustine, Tự Thuật, Quyển XII, Đoạn XXVI, (Nxb Tôn Giáo, 2007), tr. 759-760.
[6] X. Thánh Augustine, Tự Thuật, Quyển XII, Đoạn XXX, tr. 770.
[7] X. Thánh Thomas Aquino, Tổng luận Thần học, (Thiên Chúa Tạo Thành và các thiên thần, Phần I, vấn đề 44-64); phiên dịch và dẫn nhập: Joachim Nguyễn Văn Liêm, O.P. và một số cộng tác viên; (Tu viện thánh Alberto Cả, Tp. HCM, 2001), tr. 111.