15/12/2021 -

Khác

1342
Thường huấn về Thông Điệp Fratelli Tutti Của Đức Thánh Cha Phanxicô

THƯỜNG HUẤN VỀ THÔNG ĐIỆP
FRATELLI TUTTI CỦA ĐGH. PHANXICÔ

 
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.


1. Dẫn nhập

Hôm 3.10.2020, cách đây hơn sáu tháng, Đức thánh cha Phanxicô đi hành hương Mộ Thánh Phanxicô Assisi và tại đó ngài đã ký ban hành Thông điệp Fratelli Tutti, thông điệp mới nhất của ngài. Fratelli Tutti còn rất nóng hổi, nhưng rất tiếc thời gian vừa qua Thông điệp này dường như bị che lấp phần nào bởi những chuyện thời sự như: cơn dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành khắp nơi, những thiên tai ở miền Trung Việt Nam chúng ta, và cả sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ nữa… Gần đây, chuyến tông du Iraq của Đức Phanxicô đã gợi lên sự quan tâm đáng kể của mọi người dành cho thông điệp này. Người ta thấy khắp nơi ở Baghdad trong những ngày đầu tháng 3.2021 đồng loạt treo các panô mang biểu ngữ: “Tất cả là anh em!”…

Còn trong Giáo hội, thông điệp này từ khi công bố cho đến nay vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Không cần nói đến những phản ứng xôn xao hơi vô duyên ban đầu liên quan đến tựa đề ‘Fratelli Tutti’ của thông điệp, người ta cũng có thể ghi nhận rằng việc thực hiện và phổ biến các bản dịch (sách in, sách nói) cũng như việc chuẩn bị và tổ chức các khóa học hỏi thông điệp đã diễn ra sôi nổi bởi các Hội đồng Giám mục, các giáo phận, các cơ quan truyền thông Công giáo. Cách riêng, những người sống đời thánh hiến được mời gọi “đặt Thông điệp Fratelli Tutti vào trung tâm đời sống của mình” (x. Thư của Bộ Dòng Tu dịp mừng ngày ĐSTH năm 2021).

Thiết tưởng sự quan tâm ấy là điều rất chính đáng, vì quả thực Thông điệp Fratelli Tuttimột công trình rất đặc biệt!

2. Những phản hồi ban đầu về Thông điệp Fratelli Tutti như thế nào?

- Ban thường vụ HĐGM Pháp họp 2 ngày thảo luận về tình hình đất nước, đã dẫn Thông điệp Fratelli Tutti trong Thông cáo (6.10.2020) của mình, nhấn mạnh những điểm có thể áp dụng ngay vào hoàn cảnh của Pháp, như sự kiện chính quyền đang lo âu vì một số khu phố có nguy cơ ‘ly khai’. Các giám mục Pháp khẳng định rằng “Các biện pháp bảo vệ trật tự trị an là cần thiết nhưng vẫn bất cập nếu chúng ta không làm việc để kiến tạo các tương quan huynh đệ. Thiếu tương quan huynh đệ thì tự do và bình đẳng sẽ mất ý nghĩa”. Đề cập đến những áp lực đòi Quốc hội Pháp nới rộng thời hạn phá thai từ 12 lên 14 tuần lễ, các giám mục Pháp chất vấn: “Một xã hội có thể trở nên huynh đệ hơn không, khi nó không có gì tốt hơn để đề nghị với các bà mẹ trong hoàn cảnh khó khăn ngoài biện pháp loại trừ đứa con mà họ đang cưu mang?

- Cũng trong tuần đầu tháng 10.2020, các giám mục Ailen đã họp trực tuyến thảo luận về Thông điệp Fratelli Tutti, nhận định rằng thật là ý nghĩa việc Đức Thánh Cha đã soạn và công bố thông điệp này giữa thời kỳ đại dịch thế giới. Các giám mục khuyến khích tất cả các tín hữu học hỏi thông điệp này để nhận được sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha trong thời điểm lịch sử hiện nay.

- Các giám mục Mỹ cũng nhiệt liệt chào mừng Thông điệp Fratelli Tutti và gọi đây là một giáo huấn sâu xa và rất hay về phẩm giá con người. Tổng giám mục Jose Gomez của Los Angeles, Chủ tịch HĐGM Mỹ, nhận định rằng Fratelli Tutti là một đóng góp quan trọng cho giáo huấn xã hội của Công giáo. Trong không khí bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều người nhắc đến thông điệp và giả đoán những ám chỉ của nó đối với các đường lối đặc trưng của các ứng cử viên… Chẳng hạn, ông John Gehring, lãnh tụ nhóm Công giáo Faith in Public Action, cho rằng Đức Thánh Cha lên án chủ trương ‘America First’ của Tổng thống Trump (xu hướng dân tộc chủ nghĩa và chống người nhập cư). Ký giả Công giáo Dionne Junior của tờ Washington Post thì nhận xét rằng Fratelli Tutti củng cố đạo lý của Hội Thánh về bảo vệ sự sống, lên án việc phá thai (dù không dùng đích thị từ ngữ này) bên cạnh việc lên án án tử hình. Phá thai là vấn đề gắn với ứng cử viên Joe Biden! Nữ tu Simone Campbell, giám đốc tổ chức Công giáo ‘Network’, coi Thông điệp Fratelli Tutti là một lời cáo buộc chống chủ nghĩa cá nhân và lối khai thác kinh tế vô độ: “Đây là một sự thất bại về luân lý của giới lãnh đạo ở Mỹ hiện nay mà người Công giáo không thể chấp nhận được”.

Một số phản hồi khác đáng ghi nhận:
           
- Luciano Floridi (giáo sư Triết và Đạo đức Truyền thông tại Đại học Oxford): “Thông điệp Fratelli Tutti rất phong phú về nhận thức, phân tích, luân lý và những gợi ý. Tôi không nói điều này như một tín hữu mà như một người bất khả tri, luôn có niềm hy vọng được nằm trong số những người ‘có thể thi hành thánh ý Thiên Chúa tốt hơn các tín hữu’ (FT 74)
  
- Emmanuel Lafont (giám mục giáo phận Cayenne, Guyana): “Thông điệp này là một công trình! Tôi nhận thấy Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo quốc tế duy nhất có khả năng nắm hiểu tình trạng thế giới và đề xuất các giải pháp. Ngài phân tích chi tiết tình hình, không tuyệt vọng cũng không nhượng bộ. Điều này chỉ có một mình Đức Phanxicô có thể làm được. Chúng ta có thể mong Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc hoặc giới hữu trách Liên minh Châu Âu làm công việc này, nhưng thực tế họ không làm được…
           
- Mercel Rémon (linh mục Dòng Tên, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hành động Xã hội ‘Ceras’): “Thông điệp này rất ‘chính trị’. Đức Phanxicô đặt mình trên cương vị đứng đầu Nhà nước, vạch ra một ‘đường hướng chung’ cho nhân loại. Chân trời này càng cần thiết bởi ngài nhiều lần lấy làm tiếc rằng thế giới không còn được gắn kết nữa bởi bất kỳ ‘giấc mơ tập thể’ nào để định hướng cho mình”.      

3. Chủ đề của Thông điệp Fratelli Tutti là gì?

Như tiêu đề phụ của Thông điệp cho thấy, Fratelli Tutti nói về tình huynh đệ phổ quáttình thân hữu xã hội.

- Tình huynh đệ phổ quát: ‘Tứ hải giai huynh đệ’, mọi người là anh chị em của nhau (x. Mt 23,8). ‘Phổ quát’ nghĩa là không một ai bị loại trừ, bất cứ ai cũng được bao gồm trong tình huynh đệ này (x. chương 3 và 4).

- Tình thân hữu xã hội: để đạt được mục đích là tình huynh đệ phổ quát ấy, cần phải sống tình thân hữu xã hội với con đường đối thoại và các tinh thần, thái độ phù hợp ở trong đời sống thực tế (x. chương 6 và 7).

Fratelli Tutti đặt tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội ấy trên nền tảng là phẩm giá bất khả nhượng của mọi con người (x. số 8).      
 
4. Thông điệp Fratelli Tutti nói với ai? Và giáo huấn của thông điệp này thuộc lãnh vực nào?

Đức Thánh Cha nêu rõ rằng với thông điệp này, ngài muốn “mời gọi đối thoại giữa mọi người thiện chí” (số 6). Nói với mọi người, vì đây là một thông điệp xã hội (ibid.). Rõ ràng, ta có thể nhận diện đối tượng đặc biệt mà thông điệp muốn nhắm tới là những người, những tổ chức có trách nhiệm quản lý xã hội (các chính phủ thuộc các thể chế)…

Nhưng hiển nhiên, đối tượng đầu tiên của thông điệp này là mọi thành phần trong Giáo hội, bắt đầu từ các mục tử và các vị hữu trách các cộng đoàn. Luôn luôn phải giả thiết rằng điều mà Giáo hội muốn xây dựng trong thế giới (ở đây là tình huynh đệ phổ quát) phải được hiện thực trong chính Giáo hội.

Theo nghĩa này, Thông điệp Fratelli Tutti cũng là một văn kiện sứ mạng (mission document)!

Đồng thời cần ghi nhận rằng trong tư cách là một thông điệp xã hội, Fratelli Tutti bổ sung vào kho văn liệu Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, nhất là về các chủ điểm chuyên biệt được đề cập như nhân phẩm, nhân quyền, bản sắc địa phương và tính phổ quát, di dân, chính trị, chiến tranh, vũ khí hạt nhân, án tử hình, bạo lực, đối thoại tôn giáo, vân vân… Xét khía cạnh này, Fratelli Tutti được thấy chuyển đạt một loạt những quan điểm luân lý xã hội.  

5. Đâu là bối cảnh của Thông điệp Fratelli Tutti?     

a- Trong toàn bộ bối cảnh giáo huấn của Đức Phanxicô cho tới nay:

Đây là thông điệp thứ ba của Đức Phanxicô - sau Lumen Fidei (2013) và Laudato Si’ (2015).

Tưởng nên lướt qua các văn kiện giáo huấn chính yếu của Đức Phanxicô cho tới nay là: Lumen Fidei (Ánh sáng Đức tin, 2013), Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng, 2013), Laudato Si’ (2015), Amoris Laetitia (Niềm vui Yêu thương, 2016), Gaudete et Exsultate (Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, 2018), Christus Vivit (Đức Kitô Đang Sống, 2019), Querida Amazonia (Amazon Yêu dấu, 2020), Fratelli Tutti (2021)…

Rõ ràng, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng) có thể xem như tầm nhìn và định hướng mục vụ/sứ mạng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Bối cảnh và nội dung của tông huấn này – cũng như tần số trích dẫn nó trong các văn kiện quan trọng về sau – cho thấy rõ điều đó. Amoris LaetitiaChristus Vivit là những giáo huấn mục vụ và linh đạo chuyên biệt cho hôn nhân gia đình và giới trẻ. Gaudete et Exsultate phản ảnh tầm nhìn đặc trưng của Đức Phanxicô về tiếng gọi nên thánh trong thế giới ngày nay…

Đặc biệt, hồi tháng 5.2015, Đức Thánh Cha công bố Thông điệp Laudato Si’ về môi trường sinh thái, như một lời kêu gọi trùng tu lại ngôi nhà chung. [Tông huấn Querida Amazonia vận dụng ‘giấc mơ sinh thái’ – bên cạnh ba giấc mơ nóng bỏng khác – của Đức Thánh Cha và của các nghị phụ Thượng Hội đồng vào khu vực cần bảo vệ một cách khẩn cấp này]. Nay với Thông điệp Fratelli Tutti – về tình huynh đệ phổ quát và tình thân hữu xã hội – Đức Thánh Cha thúc đẩy việc xây dựng lại tổ ấm bên trong ngôi nhà chung đó…

b- Trong hai bối cảnh thực tế cụ thể:

Thứ nhất, Thông điệp Fratelli Tutti là phản hồi của Đức Phanxicô từ kết quả của cuộc gặp gỡ ‘đối thoại tôn giáo’ với Đại giáo trưởng Hồi giáo Ahmad Al-Tayyeb ở Abu Dhabi hồi tháng 2/2019 (x. số 5 và 285). Những cuộc gặp gỡ trong chuyến tông du Iraq vừa qua của Đức Thánh Cha là sự nối tiếp chiều hướng hoạt động này của ngài…

Thứ hai, Thông điệp Fratelli Tutti được soạn thảo trùng hợp với thời điểm bất ngờ bùng phát cơn đại dịch Covid-19 (x. số 7; 32-36). Cơn đại dịch trở thành một chứng cứ hùng hồn cho luận điểm của Đức Thánh Cha trong thông điệp này, đến mức ngài mạnh mẽ tuyên bố: “Bất cứ ai nghĩ rằng bài học duy nhất để học là cần phải làm tốt hơn những gì mình vẫn đang làm, hay cần phải thanh lọc các hệ thống và các qui tắc hiện hành, thì đó là những người đang phủ nhận thực tại” (số 7). Ta nhận ra điều mà Đức Thánh Cha thúc đẩy, đó là cần thay đổi cả những hệ thống, những qui tắc, những não trạng… chứ không chỉ là những điều chỉnh hời hợt phần ngọn.

c- Trong bối cảnh những vấn đề nổi cộm của hiện trạng thế giới:

Đây là bối cảnh chính thức và trực tiếp hình thành nội dung thông điệp. Đức Phanxicô gọi tóm tắt bối cảnh này là “những mưu toan ngày nay nhằm loại bỏ hay thờ ơ tha nhân” (số 6) – ngài cũng gọi cách hình tượng là “mây đen phủ trùm một thế giới đóng kín” (tiêu đề Chương 1).  

6. Thông điệp Fratelli Tutti được soạn thảo theo phương pháp và bố cục thế nào?

Có thể nhận diện phương pháp Xem-Xét-Làm – vốn đã trở thành rất thông dụng trong khung cảnh Giáo hội – cũng được áp dụng ở thông điệp này. Sau 8 đoạn mở đầu (số 1-8) giới thiệu nguồn cảm hứng chủ yếu (là Thánh Phanxicô Assisi) và nêu bối cảnh cụ thể của thông điệp, Đức Thánh Cha dành tám chương để khai triển nội dung chính, cuối cùng thông điệp được đúc kết lại với hai lời cầu nguyện (lời cầu nguyện với Đấng Tạo Thành và lời cầu nguyện hiệp nhất Kitô hữu).

Phần chính được bố cục như sau:   

  - XEM: mô tả bối cảnh bằng trọn Chương 1 (Mây đen phủ trùm một thế giới đóng kín, số 9-55).

  - XÉT: dùng Lời Chúa – dụ ngôn về Người Samari Tốt Lành, Lc 10,25-37 – để soi sáng bối cảnh nói trên, phần này bao gồm trọn Chương 2 (Một khách lạ trên đường, số 56-86).

  - LÀM: là phần ứng dụng, có tính xây dựng tầm nhìn và xác lập các nguyên tắc để thực thi, trong liên hệ đến một loạt các vấn đề thực tế. Phần này ‘dài hơi’ nhất, từ Chương 3 đến Chương 8.
           
  - Chương 3 (Hình dung và kiến tạo một thế giới mở, số 87-127): Tầm nhìn và hướng đi mở ra phổ quát, liên đới. Đây là chương bản lề, nối kết XEM-XÉT với LÀM!
          
  - Chương 4 (Một trái tim mở ra cho toàn thế giới, số 128-153): Tầm nhìn và hướng đi mở ra ấy soi chiếu vào vấn đề người nhập cư.
          
  - Chương 5 (Một thứ chính trị tốt hơn, số 154-197): Tầm nhìn và hướng đi mở ra ấy soi chiếu vào lãnh vực chính trị.
          
  - Chương 6 (Đối thoại và tình thân hữu trong xã hội, số 198-224): Tầm nhìn và hướng đi mở ra ấy thúc đẩy đối thoại.
          
  - Chương 7 (Những nẻo đường gặp gỡ mới, số 225-270): Tầm nhìn và hướng đi mở ra ấy soi chiếu cách giải quyết chiến tranh, xung đột, bằng con đường hòa bình và tha thứ.
           
 - Chương 8 (Các tôn giáo phục vụ cho tình huynh đệ trên thế giới, số 271-287): Tầm nhìn và hướng đi mở ra ấy trước hết mời gọi các tôn giáo đảm nhận cái thách đố vượt qua bạo lực và bảo vệ phẩm giá của mọi con người.

7. Đâu là tư tưởng cốt lõi của Thông điệp Fratelli Tutti?

Từ sự nhận diện phương pháp và bố cục như trên, ta có thể nhận ra tư tưởng cốt lõi hay luận điểm chính của Thông điệp Fratelli Tutti là: đi từ đóng kín đến mở ra!
 
- Một thế giới đóng kín: đó là nội dung của chương đầu tiên trong thông điệp. Đức Thánh Cha mô tả một số xu hướng hiện hành trên thế giới đang làm bế tắc tình huynh đệ đại đồng. Những ‘giấc mơ hội nhập’ sớm vỡ vụn (số 10), sự nổi lên của những hình thức ích kỷ mới và sự đánh mất cảm thức xã hội (số 11), tình trạng cô đơn của ‘những người hàng xóm nhưng không là anh em’ (số 12), sự đánh mất cảm thức lịch sử (số 13), tình trạng đấu đá hạ nhục người khác (số 15), sự tham lam và vô trách nhiệm đối với môi trường và tài nguyên (số 17), thứ văn hóa hoang phí và ‘vứt bỏ’ (số 18), sự bạc đãi người già (số 19), nạn thất nghiệp do lòng tham của giới chủ nhân, sự phân biệt chủng tộc (số 20), một số qui luật kinh tế có vấn đề và dẫn tới sự bất bình đẳng (số 21-23), những hình thức mới của chế độ nô lệ, coi con người như đồ vật (số 24), bạo lực và bách hại, sự sỉ nhục phẩm giá con người được biện minh bởi kẻ nắm quyền lực (số 25), những đe dọa gây ra tâm thức sợ hãi và nghi ngờ (số 26), xu hướng xây dựng ‘nền văn hóa của những bức tường’ (số 27), sự phát triển của các loại ‘mafia’ (số 28), toàn cầu hóa và tiến bộ mà không có một hướng đi chung: mất cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại, thu vén lợi riêng mà bất chấp công ích (số 29-31)…

Những tình trạng đóng kín nói trên được phơi bày bởi những đại dịch và những tai ương khác trong lịch sử (như cơn đại dịch Covid-19). Và ta được nhắc rằng “không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng với nhau” (số 32), phải quan tâm con người, không hy sinh con người cho những lợi nhuận kinh tế (số 33), phải nhận ra mình đã sai trong cách tiếp cận thực tại, và học bài học từ cơn dịch để mở ra và thuộc về nhau (số 34-35), nhận ra rằng quan niệm ‘phần ai nấy lo’ sẽ dẫn tới hỗn loạn tệ hơn bất cứ cơn đại dịch nào (số 36).

Những tình trạng đóng kín cũng phơi bày trong cách xử lý vấn đề di dân và các khía cạnh của nó (số 37-41), trong những ảo tưởng của truyền thông, cách riêng mạng xã hội (số 42-50), trong những hình thức phục tùng và tự coi thường bản sắc riêng của mình (số 51-53)…
Đức Thánh Cha gọi đó là “những đám mây đen” đang phủ trùm thế giới đóng kín của chúng ta.

-Mở ra: Câu chuyện Người Samari Tốt Lành ở Chương 2 cung cấp một mẫu thức cho tinh thần và thái độ mở ra, hầu chữa lành căn bệnh đóng kín đầy hiểm họa của thế giới này. Các chương còn lại (Chương 3-8) xác lập tầm nhìn mở ra và phác họa cách nó vận hành để lam tan biến “những đám mây đen” đang tồn tại.

8. Một số đề cập đáng chú ý của Đức Phanxicô trong Thông điệp Fratelli Tutti 

1) Chúng ta thật ấn tượng khi thấy cách đây ngót tám trăm năm Thánh Phanxicô đã khẩn thiết kêu gọi rằng cần phải tránh mọi hình thức thù địch hay xung đột, và cần phải bày tỏ một thái độ “nhận chịu” trong tinh thần khiêm tốn và huynh đệ đối với những ai không cùng niềm tin với mình (số 3).

2) Việc đối thoại giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau không diễn ra chỉ vì ngoại giao, vì tôn trọng hay vì bao dung… Mục đích của đối thoại là thiết lập tình thân hữu, hòa bình và hòa điệu, và để chia sẻ các giá trị đạo đức và tâm linh, cũng như những kinh nghiệm, trong tinh thần của sự thật và yêu thương (số 271).

3) Thật nghịch lý, những người tự nhận mình là người không tin nhiều khi có thể thi hành thánh ý Thiên Chúa tốt hơn các tín hữu (số 74).

4) Một số qui luật kinh tế đã tỏ ra rất hữu hiệu cho sự phát triển, nhưng không phải cho sự phát triển con người toàn diện. Của cải gia tăng, nhưng sự bất bình đẳng cũng gia tăng, dẫn đến “những hình thức mới của nghèo khổ” (số 21).

5) Tuyệt vời biết bao, nếu trong khi chúng ta khám phá những hành tinh rất xa xăm, thì chúng ta cũng khám phá lại các nhu cầu của những người anh em chị em đang đi xung quanh mình (số 31). 

6) Chúng ta hãy nhìn nhận rằng dù với tất cả những tiến bộ mà mình đạt được, chúng ta vẫn “dốt đặc” trong việc đồng hành, săn sóc và nâng đỡ những thành viên yếu ớt và mong manh nhất trong các xã hội phát triển của chúng ta. Chúng ta đã trở nên quen với việc tìm con đường khác, bỏ đi qua, phớt lơ những hoàn cảnh cho đến khi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến mình (số 64).

7) Đành rằng các cá nhân có thể giúp đỡ những người khác đang cần, nhưng khi các cá nhân liên kết với nhau khởi động các tiến trình xã hội để mưu cầu tình huynh đệ và công lý cho tất cả, thì đó là họ đi vào “lãnh vực bác ái rộng lớn nhất, gọi là bác ái chính trị” (số 180).

8) Trong khi một người có thể giúp một người khác bằng cách chia sẻ cái gì đó để ăn, thì các chính khách tạo ra việc làm cho người kia, và như vậy đang thực hành một hình thức bác ái cao độ làm cho hoạt động chính trị của mình nên tôn quí (số 186).

9) Thật buồn biết bao khi chúng ta thấy đằng sau những công cuộc được gọi là bác ái, người khác bị giảm trừ đến chỉ còn thụ động. Điều cần là phải có những nẻo đường mới để người ta biểu lộ chính mình và tham gia trong xã hội (số 187).

10) Không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng với nhau (số 32; 54)

11) Tôi muốn nhấn mạnh rằng “việc trợ giúp tài chánh cho người nghèo phải luôn được xem chỉ là một giải pháp tình thế khi đứng trước những nhu cầu cấp thiết. Tầm nhìn rộng hơn phải luôn luôn là cho phép họ có được một đời sống có phẩm giá xuyên qua lao động” (số 162).

12) Sự thiếu quan tâm đến những người yếu ớt có thể ẩn sau một chủ nghĩa dân túy nhằm khai thác người ta bằng cách tuyên truyền lôi kéo để phục vụ các mục đích của mình, hay một chủ nghĩa tự do phục vụ cho các lợi ích kinh tế của kẻ mạnh (số 155).

13) Về phần mình, tôi ghi nhận rằng truyền thống Kitô giáo chưa bao giờ nhìn nhận quyền tư hữu như cái gì tuyệt đối hay không thể bị phá vỡ, đồng thời nhấn mạnh mục đích xã hội của mọi hình thức tư hữu (số 120).

14) [Trong bối cảnh cơn đại dịch Covid-19]: Bất cứ ai nghĩ rằng bài học duy nhất để học là cần phải làm tốt hơn những gì mình vẫn đang làm, hay cần phải thanh lọc các hệ thống và các qui tắc hiện hành, thì đó là những người đang phủ nhận thực tại (số 7).

15) Chúng ta hãy ghi nhớ rằng “ngay cả một kẻ sát nhân cũng không mất phẩm giá con người của y, và chính Thiên Chúa hứa bảo vệ điều này” (số 269).

9. Ngoài Lời Chúa, đâu là những nguồn cảm hứng của Thông điệp Fratelli Tutti?

-Thánh Phanxicô Assisi (x. số 1-4)
-Chân phước Charles de Foucauld (x. số 286-287)
-Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi, và nhiều người khác…

10. Vài câu hỏi gợi ý để suy nghĩ thêm

1) Thông điệp Fratelli Tutti đề cập những chuyện vĩ mô của thế giới nhưng trước hết thách đố chúng ta trong đời sống cộng đoàn của mình. Tại sao?
2) Bạn nhận thấy đâu là những xu hướng phân hóa trong Giáo hội và trong thế giới hôm nay?
3) Đa số các nạn lũ lụt ở miền Trung có liên quan đến việc xả lũ của các đập thủy điện. Việc cứu trợ nạn nhân lũ lụt diễn ra hằng năm là tốt, nhưng có đủ không để làm một giải pháp cho vấn đề?
4) “Tất cả là anh chị em”. Bạn cảm thấy đây có phải là thách đố thực sự cho cách suy nghĩ và hành động của mình không? Tại sao? 

 
114.864864865135.135135135250