17/09/2016 -

Khác

1341
Tình yêu của Thiên Chúa

Therese Phan Thị Ánh Nguyệt

“Vì yêu thương Cha đã sinh dựng nên con giống hình ảnh Ngài. Vì yêu thương Cha đã sai Con Một xuống trần để cứu độ con. Vì yêu thương Cha ban Thánh Thần soi dẫn con từng tháng ngày. Vì yêu thương Cha muốn con được gọi Thiên Chúa là Cha.”[1]

Vâng, chỉ vì yêu mà Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người chứ không phải bởi bất cứ hành vi đạo đức hay thánh thiện nào của con người. Tình yêu của Thiên Chúa vượt lên trên mọi suy tính, đo lường của con người. Ngài thi ân cho chúng ta hơn cả sự mong đợi và cầu xin của chúng ta. Hơn thế nữa, Ngài luôn đi bước trước, luôn kiên nhẫn và chờ đợi sự sám hối của con người.

Tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự mong đợi của chúng ta. Tình yêu của Ngài vượt quá mơ ước của chúng ta: “Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và người biết hết mọi sự.” (1Ga 3,20).

Thiên Chúa là Đấng công minh Người không xét tội chúng ta như ta đáng tội nhưng vẫn luôn giàu lòng xót thương “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12,20-21). Còn chúng ta chỉ là tội nhân cần cậy dựa và đặt niềm hy vọng nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Tác giả thánh vịnh trình bày sự chữa lành cả tinh thần lẫn thể xác: Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi (Tv 103,3). Thiên Chúa yêu thương băng bó những tâm hồn dập nát đau thương: Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành (Tv 147,3)  và Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa còn được thể hiện: Người chăm nom khi liệt giường liệt chiếu, lúc bệnh hoạn, Người chữa cho lành (Tv 41,4). Tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ và tội lỗi, như lời thánh Phaolô nói: “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15); “Khi chúng ta còn là tội nhân, Chúa Giêsu Kitô đã chết vì chúng ta. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Thánh Gioan nhấn mạnh: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).

Chúng ta được yêu thương khi chúng ta còn là tội nhân. Vì khi ở trong tình trạng tội lỗi, chúng ta mới cảm nhận được lòng từ bi và xót thương của Đức Kitô. Bởi lẽ, Thiên Chúa ghét tội nhưng không ghét người có tội, Ngài sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên để tìm cho kỳ được chỉ một con chiên lạc bầy (Mt 18,12-14; Lc 15,4-7). Chúa Giêsu xác định: “Trên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7). Đúng vậy, Thiên Chúa yêu thương tội nhân chúng ta quá đỗi. Kinh Thánh cho biết: “Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa” (Đnl 32,10). Và vô cùng kỳ diệu, “con ngươi mắt Chúa” lại chính là chúng ta: “Kẻ nào động đến các ngươi là động đến con ngươi mắt Ta” (Dcr 2,12).  Nói cách khác, Chúa yêu thương con người vô điều kiện, Ngài yêu dẫu không được yêu lại, đó là ý nghĩa tròn đầy của tiếng ân sủng, một tình yêu nhưng không. Thật vậy, khi nghĩ đến lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa dàng tặng cho loài người tội lỗi, thánh Phaolô không khỏi ngạc nhiên mà thốt lên: “Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác. Nhưng thiên Chúa giàu lòng xót thương và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta có chết vì xa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô…” (Ep 2,3).

Nếu không có tình yêu của Thiên Chúa, nếu không tin mình được Thiên Chúa yêu thương, con người sẽ không tìm được con đường trở về. Phải tin mình luôn được Thiên Chúa yêu thương, phải tin rằng mình luôn có một chỗ rất đặc biệt trong trái tim Chúa, để chúng ta không bao giờ tuyệt vọng mỗi khi gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống. Nhưng chúng ta biết luôn tin tưởng và phó thác mọi sự cho lòng yêu thương và nhân từ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa là Cha nhân lành, Người có đủ quyền năng và lý do để kết án mỗi người chúng ta. Tuy nhiên Người đã không hành động như thế nhưng Người đã tỏ lòng thương xót với chúng ta khi ban cho chúng ta rất nhiều cơ hội: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11). Trong dụ ngôn về hai con nợ, Chúa Giêsu cũng nói một câu đáng chúng ta suy nghĩ :“Sao ngươi không biết thương xót bạn ngươi như Ta đã thương xót ngươi” (Mt 18,33).

Vì thế, trong đời sống cộng đoàn chúng ta cần phải sống tình liên đới với nhau bằng cách cảm thông và tha thứ cho nhau: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15). Như vậy, tha thứ cho anh chị em đồng loại là một đòi hỏi. Chính Đức Giêsu cũng dạy: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6, 37); “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !” (Lc 6, 41-42). Chúa Giêsu kết luận: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Vì vậy, chúng ta hãy chú ý đến lời khuyên nhủ của thánh tông đồ Phaolô: “chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26).  Hẳn nhiên, chúng ta không thể đi vào để cầu nguyện, để dâng của lễ lên Chúa cùng cộng đoàn, cũng như để sống tinh thần hiệp thông yêu thương, trong khi  lòng chúng ta nặng trĩu những nỗi đau, những nỗi hận đang trì kéo chúng ta xuống những hố sâu đen tối. Hơn nữa, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ chẳng sinh ích lợi gì cho bản thân và cho tha nhân nếu chúng ta đang có chuyện bất bình với anh chị em trong cộng đoàn hoặc với những người sống chung quanh. Trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, thánh nhân đã khuyên nhủ mọi người về đời sống mới trong Đức Kitô, đời sống mới trong tình yêu của Chúa: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,31-32).

Tôi thiết nghĩ dường như trong cuộc sống hằng ngày, tôi nghiệm được rằng bản thân tôi có lẽ dễ dàng để cảm thông và bao dung với những người xa kẻ lạ hơn là với những chị em đang cùng chung lý tưởng với tôi. Đây là một điều rất đau  lòng. Thật vậy, Thiên Chúa đang mời gọi tôi hãy loại bỏ con người ích kỷ và cái tôi nhỏ nhen của mình để dễ dàng chấp nhận tha nhân như họ là, chấp nhận mọi khuyết điểm và giới hạn của họ như chính họ cũng đang phải chấp nhận những lầm lỗi của chính tôi vậy. Bởi Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, Ngài cũng đã chấp nhận tôi khi tôi cũng là một tội nhân cần đến lòng nhân từ và khoan dung của Ngài. Ngài muốn tôi hãy học nơi Ngài sự hiền hậu và khiêm nhường. Ngài muốn tôi thực thi lòng thương xót với những người thân cận “yêu họ như chính mình” và hãy gắng “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy chân thành ăn năn và cầu xin ơn tha thứ: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).  Hơn nữa, chúng ta có một vì Thiên Chúa rất nhân hậu và rất mực khoan dung. Ngài có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì suốt đời. Thế nên, Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét anh em” (Lc 6,27) vì như Chúa có nói “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em  hơn nữa” (Mc 4,24). Cũng vậy, Chúa còn  dạy tôi: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31).

Ước gì trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này bạn và tôi hãy học gương Chúa Giêsu luôn “có lòng nhân từ như Cha chúng ta là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Đồng thời, Chúa cũng khuyên chúng ta: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). Ngoài ra, Chúa cũng đề nghị mỗi người chúng ta hãy sống và thực thi điều răn quan trọng nhất  “Mến Chúa yêu người”. Thật vậy, “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa  mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20).

Lạy Chúa, xin ban cho con có một trái tim đủ lớn, để con biết yêu Chúa, yêu người như Chúa đã yêu  chính con người yếu đuối bất toàn nơi bản thân con. Xin Chúa cho con cũng biết mở lòng đón nhận lòng thương xót của Chúa ngang qua việc con biết bao dung, tha thứ và biết lấy lòng nhân hậu mà đối xử với anh chị em. Amen.
 
[1] Lời bài hát “Một Chúa Yêu Thương” – Lm. Nguyễn Duy.
114.864864865135.135135135250