08/06/2023 -

Kỹ năng sống

149
Chân phước Vladimir Ghika: “Tôi sẽ cố gắng đảm bảo rằng Thiên Chúa là Đấng tôi phụng sự trước hết và trên hết”


Năm nay là kỷ niệm 150 năm ngày sinh và kỷ niệm 10 năm ngày tuyên phong chân phước cho Vladimir Ghika. Dưới đây là câu chuyện của vị Chân phước này.


Tại Constantinople vào ngày 25 tháng 12 năm 1873, trong cái giá lạnh của mùa đông, công chúa Alexandrine Moret xứ Blaramberg hạ sinh một cậu con trai. Chồng bà là Jean Ghika, một nhà ngoại giao xuất thân từ dòng dõi các hoàng tử trị vì vùng Moldavia lừng lẫy. Cậu bé tên là Vladimir, đã sớm nhận được từ cha mẹ mình khuynh hướng tôn giáo khi lớn lên trong Giáo hội Chính thống giáo nơi cậu đã được rửa tội. Cậu không bao giờ ngừng cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, từ thời thơ ấu ở Romania đến Toulouse, nơi cậu lớn lên trong một gia đình yêu thương và đoàn kết, cho đến khi người cha thân yêu của cậu qua đời.


Paris và Rome


Sau khi tốt nghiệp trung học, Cha Vladimir Ghika đến Paris cùng với anh trai Démètre, nơi họ học cùng nhau tại trường mà sau này trở thành Science Po Paris (Viện nghiên cứu chính trị Paris). Sức khỏe mong manh buộc Cha phải trở lại Romania một thời gian. Cha đã học luật trước khi đến Rome, nơi Cha sẽ lấy bằng tiến sĩ thần học.


Vị linh mục này viết: “Tôi sẽ đi bất cứ nơi nào mà tình yêu Thiên Chúa dẫn dắt tôi đến, và tôi sẽ cố gắng đảm bảo rằng Người là Đấng tôi phụng sự trước hết, trên hết và trọn vẹn hơn hết.”


Chính tại trung tâm của Thành phố Vĩnh cửu, trong nhà thờ Santa Sabina, Cha đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo vào ngày 13 tháng 4 năm 1902 khi tuyên xưng một đức tin không đi ngược lại với đức tin ngày Cha được rửa tội.


“Tôi không phải là người mà bạn sẽ gọi là trở lại đạo. Tôi đã là một người Công giáo từ trong tâm hồn và tôi phải đợi cho đến khi tôi có cơ hội để chính thức bước vào qua cửa chính, thế thôi.”


Người con của Giáo hội Chính thống trở thành linh mục Công giáo


Mãi 20 năm sau, Cha Vladimir Ghika mới đón nhận ơn gọi của mình khi được thụ phong linh mục cho Giáo phận Paris vào ngày 7 tháng 10 năm 1923. Buổi lễ được cử hành tại nhà nguyện Lazarist trên đường Rue de Sèvres, trước thánh tích của Thánh Vinhsơn Phaolô, mẫu gương mà Cha đã đem lòng mộ mến. Cùng năm đó, Cha Vladimir Ghika thường xuyên đến thăm nhóm của triết gia Công giáo Maritain, những người đang tập hợp tại ngôi nhà của họ ở Meudon, một nơi tập trung đích thực của những nhà trí thức Công giáo. Ở đó, Paul Claudel, Francis Jammes, Louis Massignon và François Mauriac đã trở thành bạn của Cha.

btginka
 © Vladimir Ghika CC


Sứ vụ của Cha Vladimir Ghika


Được bổ nhiệm để phụ trách giáo xứ dành cho người ngoại quốc, nay là giáo xứ Thánh Inhaxiô, Cha Vladimir đã đến Villejuif, nơi những người lao động nghèo, những người lang thang, người nhặt rác và ăn xin bị nhồi nhét vào những khu ổ chuột. Theo gương của Thánh Charles de Foucauld, Cha cuối cùng đã có thể chu toàn thiên chức của mình với tư cách là một nhà truyền giáo cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Khi sức khỏe không còn cho phép cha tiếp tục công việc tông đồ mệt mỏi này, Cha lại lên đường. Vị linh mục này đã đi khắp thế giới và đem chứng từ của mình trước những người vĩ đại trên thế giới. Cha mang theo bên mình một thánh tích từ cuộc Khổ Nạn, và việc cầu bầu cho người bệnh của Cha đã mang lại nhiều phép lạ chữa lành ngay cả khi Cha còn sống.


Khi chiến tranh nổ ra, Cha Vladimir cuối cùng đã cùng em trai mình, người đã trở thành một nhà ngoại giao giống như cha của họ, đến Romania. Tại Bucharest, Cha đã giải tội, viếng thăm những người phong cùi, rao giảng, đồng hành với những người lạc lối và hoán cải những tâm hồn không biết ngừng nghỉ. Vào năm 1945, khi những người Cộng sản thâm nhập thành công vào cơ quan mật vụ Rumani, một phần trong số đó được giao nhiệm vụ giám sát Giáo Hội, Cha Vladimir Ghika trở thành mục tiêu. Trong khi có cơ hội trốn khỏi đất nước của mình để tìm nơi ẩn náu với anh trai của mình ở Geneva, vị linh mục này đã không ngần ngại ở lại với đàn chiên đã được giao phó cho mình. Vòng vây siết chặt xung quanh những người theo Kitô giáo và các vụ bắt giữ tăng lên gấp bội, cũng như các phiên tòa xét xử những người bị buộc tội gián điệp.


Vị tử đạo của đức tin


Khi mối đe dọa chống lại mình sắp xảy đến, Cha Vladimir đã đi xưng tội, để rồi chỉ vài giờ sau đó bị bắt và phải chịu một phiên tòa giả. Cuối cùng, Cha đã bị kết án “ba năm tù giam với chế độ nghiêm khắc vì tội đồng lõa và phản quốc cấp độ cao”. Cha đã bị trục xuất và sau đó bị tra tấn, đánh đập, không cho ăn và ngủ. Tuy nhiên, Cha đã không đưa ra bất kỳ thông tin nào có thể làm hại bạn bè của mình.


Trong chốn tù ngục của trại lao động, Cha đã giảng dạy, giải tội, cử hành Thánh lễ một cách bí mật, và kể cho các tù nhân về nhiều chuyến đi của Cha để làm cho họ quên đi sự khốn khổ của cuộc sống này. Năm 1954, cuối cùng Cha Vladimircũng đã từ giã cõi đời này trước sự đối xử tàn ác mà Cha phải chịu; Cha còn không ngừng cầu xin sự tha thứ cho những kẻ hành hạ mình.


Cha Vladimirgiải thích: “Đau khổ mà một người phải chịu đựng tỷ lệ thuận với tình yêu của người đó. Sức mạnh chịu đựng trong chúng ta cũng giống như sức mạnh để yêu thương.”


Được tuyên phong chân phước và tử đạo vì đức tin vào ngày 31 tháng 8 năm 2013, Cha Vladimirhiện được mừng kính vào ngày 16 tháng 5. Vị chân phước này để lại cho chúng ta lời khuyên sáng suốt mang tính Phúc Âm về sự công bằng và bác ái: “Ai cởi bỏ chính mình vì người khác thì được mặc lấy Đức Kitô.”

chanphuocghika


Tác giả: Morgane Afif
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: Aleteia (25/5/2023)

114.864864865135.135135135250