04/04/2017 -

Kỹ năng sống

1312
Chú Philatô...!

Chú Philatô...!


Mỗi năm cứ đến Mùa Chay – mùa ăn chay, hãm mình, cầu nguyện, mùa tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa thì hình ảnh những nhân vật xuất hiện liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu luôn được đề cập tới trong các trang Tin Mừng. Thường thường, khi nghĩ đến cái chết của Chúa Giêsu, người ta thường nghĩ ngay đến Giuđa Iscariot. Điều đó đúng vì Giuđa là kẻ nộp Thầy nhưng Giuđa lại không có quyền kết án xử tử Thầy… người có quyền kết án chính là Tổng Trấn Phongxiô Philatô.

   Chào chú Philatô!

Theo con được biết chú là người ngoại, là Tổng Trấn thứ năm của tỉnh La Mã Giuđêa từ năm 26 đến năm 36 sau công nguyên dưới thời Hoàng đế Tibêrius. Chú được nổi tiếng vì chú đã chủ tọa phiên tòa xử án Chúa Giêsu. Chú là nhân vật then chốt trong cuộc xét xử Chúa Giêsu vì chú là nhà cầm quyền Roma và được phép kết án xử tử nếu chú muốn.

Những người lãnh đạo Do Thái đã trao nộp Chúa Giêsu cho chú và đòi buộc chú ban án chết cho Ngài. Họ kể tội của Chúa Giêsu, nào là tội xúi giục nổi loạn chống lại La Mã bằng việc chống đối nộp thuế cho Xêda và tự xưng mình là vua. Ngoài việc kích động không nộp thuế Ngài còn kêu gọi và lấy đi hai trụ cột thu thuế của La Mã đó là Matthêu và Dakêu. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ đưa Chúa Giêsu đến tội chết nhưng trước những cáo buộc của  những lãnh đạo Do Thái chú đã không vội kết án ngay. Chú đã giữ im lặng tìm hiểu và khi biết Chúa Giêsu xuất thân từ Galilê nên chú đã trao Ngài cho Hêrôđê xét xử nhưng sau đó Hêrôđê lại trả Chúa Giêsu lại cho chú để chú tùy nghi xét xử.

Theo trình thuật của các sách Phúc Âm thì chú đã nhiều lần tìm cách để cho Chúa Giêsu được thoát án tử hình và chỉ tới khi đám đông dân chúng từ chối giảm tội thì chú mới buộc lòng ra lệnh giết Chúa Giêsu. Mà nói do đám đông cũng không đúng vì chú có thừa quyền để tha cho Chúa Giêsu vả lại Chúa Giêsu theo như chú xét thì chẳng có tội gì cả “Chỉ là do ghen tị mà họ nộp Người” (Mt 27,18). Lúc chú đang ngồi xử án thì vợ của chú cũng đã nhắc nhở chú, cảnh tỉnh chú rằng: “Đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy” (Mt 27,19). Chú cũng biết Người vô tội vì chú “không tìm thấy lý do nào để kết tội Người” (Ga 19,4). Thế mà, chú vẫn sợ đám đông khi họ cứ một mực đòi giết Người, chú nghe theo họ mà tha cho tên cướp khét tiếng Baraba và trao Người cho họ mang đi đóng đinh vào thập giá.

Chú Philatô mến! Chắc ở trong tình huống ấy chú khó xử lắm phải không, mang chức vụ là quan Tổng Trấn của La Mã, trách nhiệm của chú quả là rất nặng nề, đã vậy còn thêm vụ án xét xử người vô tội, chú có quyền mà xem như không có quyền vì chú xét thấy vô tội mà lại bị buộc kết án thành có tội, kể ra cũng khổ chứ chẳng sướng ích gì chú nhỉ? Mà cũng do chú á… chú sợ bị mất “cái ghế”, mất “nồi cơm”… chú sợ khi nghe dân chúng nói: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda” (Ga 19,12). Không biết tình bạn ấy đem lại lợi ích gì cho chú mà chú can đảm vì câu nói ấy mà cam tâm kết án người vô tội. Thấy chú cũng đáng thương nhưng cũng đáng trách lắm chú à, nếu chú can đảm hơn một chút, nếu chú dám sống vì Sự Thật như lúc chú hỏi Chúa Giêsu “Sự Thật là gì?” (Ga 19,38) thì biết đâu bây giờ chú đã trở thành người rất tuyệt vời trong mắt người tin theo Chúa Giêsu… Mà thôi… không kể tội chú nữa vì chú dường như đã khổ tâm lắm rồi… thôi thì con thông cảm cho chú, nếu lỡ có lần sau… chú đừng dại nữa nghe chú!

Chú ơi, chú! Con khuyên chú vậy thôi, chứ thực ra nếu là con ở vào hoàn cảnh của chú chắc con cũng không thể làm khác đi được, con người ai cũng có lúc yếu đuối và sa ngã phải không chú, không ai là hoàn hảo cả chú à… với lại là do chú bị ép cả thôi…

Đứng trước một sự việc con người ta thường hay lên án, hay xét đoán người khác thế này, thế nọ, nhưng mấy ai chịu đặt mình vào hoàn cảnh của người trong cuộc? Vì thế, khi có ý định lên án ai đó, ta hãy tự mình xem lại bản thân để xem mình hơn người khác ở điểm nào rồi hãy xét đoán. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng mang một ít bản tính Philatô, biết là sai nhưng không biết đường sửa và đôi khi vì một cái nhỏ mà bỏ cả những cái lớn hơn, sợ người khác hơn mình, sợ mất danh dự, mất địa vị… Vì thế, mỗi người chúng ta hãy là một Philatô biết lắng nghe, biết phân định để đấu tranh cho “Sự Thật”.
 

Ngọc Phượng

114.864864865135.135135135250