06/11/2020 -

Kỹ năng sống

391
F1, F2,…, Fn – Suy tư về những chữ “F” thời Covid-19

Năm 2020 vẫn đang trôi qua một cách âm thầm hơn bao giờ hết bởi đại dịch Covid 19. Thế giới vẫn đang đau đầu đối diện kẻ thù tuy bé nhỏ mà chết người này. Cụ thể, thống kê từ WHO cho thấy đến ngày 01/10/2020 đã có hơn 32 triệu người nhiễm bệnh và hơn 1 triệu người tử vong. Cùng lúc, giới khoa học vẫn đang miệt mài tìm vaccine, các y bác sĩ vẫn kiên cường chiến đấu để cứu sống từng mạng người. Một điều hiển nhiên, dù đang là năm thứ 20 của thiên niên kỉ thứ 3 nhưng con số 19 lại được nhắc nhiều hơn. Chúng ta nghe thấy bao tiếng kêu khóc, bao nỗi rên xiết quằn quại như sắp sinh nở của loài người. Ai cũng tự hỏi: Bao giờ hết dịch?

Thế giới đang sống và đối diện nỗi đau này, dù khó có thể tìm ra nguồn gốc virus từ đâu mà ra. Việc cố gắng tìm và chữa những bệnh nhân F0, F1, F2, thì may ra có thể cách ly, hạn chế số người nhiễm bệnh. Người viết muốn mượn một dãy số toán học làm nhan đề bài viết, với mong muốn chúng ta cùng suy tư về những “chữ F”, một chữ cái như bao chữ cái khác nhưng đã và đang được cả thế giới lùng tìm. Trong đại dịch này, “chữ F” đã trở nên nổi bật hơn mọi chữ cái khác vì nó được gán vào mỗi chúng ta và nhiều chủ đề khác.

Covid 19 đã trở nên vấn đề chung của nhân loại. Do đó, không chỉ riêng một quốc gia nào mà là tất cả đang cùng đi tìm phải pháp để ít ra làm giảm sự lây lan và xa hơn dập hẳn dịch bệnh này. Thực tế, nhiều nước đã tìm ra được vaccine nhưng vẫn đang trong quá trình thử nghiệm vì còn nhiều nghi ngờ về tính hiệu quả khi áp dụng rộng rãi. Có thể nói rằng, con thuyền nhân loại đang đối diện với một cơn bão lớn. Điều tốt đẹp nhất vẫn có thể xảy ra khi mọi quốc gia, mọi người bắt đầu “xây cầu” cho những rào cản về ngôn ngữ, địa lí, văn hóa, giàu nghèo, địa vị và xung đột quá khứ để cùng nhau vượt qua thời khắc này.

Virus SARS-CoV-2 được cho là bắt nguồn từ một chợ hải sản của thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối tháng 12/2019. Nhưng giới khoa học vẫn chưa biết chính xác loại virus này phát xuất từ đâu trong tự nhiên.


Nếu liên hệ vào Kinh Thánh, Adam là người đàn ông đầu tiên được Thiên Chúa dựng nên. Tuy nhiên, ông đã không giữ trọn lời dặn dò của Thiên Chúa mà đem lòng kiêu ngạo muốn ngang hàng với Đấng Tạo hóa. Từ đó, tội nguyên tổ phát sinh cho đến hàng thế hệ con cái chúng ta sau này.


Đức Giêsu Kitô, Người là “Adam mới” đã tự hiến trên cây Thánh giá để cứu chuộc loài người. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người (Rm 5, 12-19). Đức Giêsu Kitô đã trở nên nguồn phát sinh ơn cứu độ, Người chính là niềm hi vọng cho chúng ta (1Tm 1,1). Máu và nước cực châu báu của Con Thiên Chúa đã đổ ra tượng trưng cho Bí tích Thánh thể và Bí tích Rửa tội sau này, mà nhờ đó loài người được lãnh nhận ơn cứu độ. Hai Bí tích này chính là vaccine duy nhất đảm bảo sự sống đời đời cho chúng ta.


Dù là ai đi nữa cũng đều có sinh – có tử, đại dịch nhắc lại cho chúng ta rằng Thiên Chúa mới là khởi nguyên và tận cùng của vũ trụ. Mỗi chúng ta là một FX nào đó thuộc dãy số F0, F1, F2,… Fn, mà Thiên Chúa là khởi đầu của dãy số đó. Bởi vì, Thiên Chúa chính là Cha của muôn loài. Vì lẽ đó, mọi dân tộc, đặc biệt là những quốc gia chối từ tôn giáo cần sống lại khát khao hướng thượng có sẵn trong họ. Đó là khát khao tìm kiếm sự sống đời sau, sự sống mà Thiên Chúa nắm giữ.

Đại dịch vô tình trở nên một cơ hội tốt làm thăng tiến cho các gia đình trên khắp thế giới. Chính khi mọi thành viên ở trong nhà để cách li với dịch, họ sống lại mối liên hệ mật thiết và gần gũi của nhiều năm về trước. Đó là thời điểm các đôi vợ chồng trẻ loay hoay cùng với những đứa con nhỏ. Nhiều gia đình bỗng lại vang lên những câu chuyện và tiếng cười sau nhiều năm. Thế giới ngày nay càng ồn ào và phức tạp, nhiều mối quan hệ hơn, một mặt mở ra cơ hội gặp gỡ nhưng đôi khi làm mờ đi những giá trị gốc rễ, trong đó có gia đình. Việc quân bình giá trị mới và cũ hay những xu thế của thời đại với giá trị truyền thống, giúp xã hội loài người phát triển hài hòa hơn.

Trong dãy số có hơn 7 tỉ người trên trái đất, ai cũng có mối liên hệ với những người xung quanh. Chính mối liên hệ nối liền này lại nhắc nhớ chúng ta rằng con người phụ thuộc vào nhau. Chúng ta có một mối dây huynh đệ, mối dây gặp gỡ, từ đó hình thành nên muôn vàn hệ thống, cơ cấu xã hội. Đại dịch bỗng làm cho những mối quan hệ phải tạm dừng lại. Dù có thể gặp gỡ qua không gian mạng nhưng cũng không thể bằng việc gặp gỡ trực tiếp, nơi con người không chỉ gặp gỡ để thấy nhưng còn là để bày tỏ tình thương.


Nhưng nếu chúng ta không đi ra ngoài được, chúng ta có thể đi vào trong. Đó là đi vào đời sống nội tâm, nơi chúng ta gặp gỡ lại chính bản thân mình. Chúng ta còn đi vào trong để gặp gỡ Thiên Chúa – Người Bạn hiểu rõ chúng ta hơn cả chính chúng ta. Trong khi cầu nguyện, Thiên Chúa dạy dỗ và an ủi từng người, mở ra cho chúng ta những con đường mới để bước đi.

Người ta nói rằng: “Có nhiều người đã chết trước khi nhiễm bệnh”. Thật vậy, đại dịch ảnh hưởng đến việc sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa, khiến những vùng nghèo đói lại trở nên khó khăn hơn. Những người nghèo và người yếu thế đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất bởi đại dịch Covid 19. Trong khi đó, một số không ít những tổ chức quá giàu có và dư thừa. Đây thực sự là một hình ảnh quen thuộc của xã hội ở mọi thời. Nhưng, liệu có một giải pháp, sáng kiến nào làm cho xã hội công bằng và bác ái hơn hay không? Hay chúng ta tiếp tục lờ đi những tin tức và hình ảnh thiếu thốn của anh chị em mình?

Đại dịch làm cho nhiều nhà thờ đóng cửa, các hoạt động của Giáo hội phải dừng lại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy muôn vàn sáng kiến mới mẻ và cách thức mục vụ linh động từ Giáo hội. Có thể kể đến việc đọc kinh online cùng các Giám mục tại Hoa Kì, toàn thể Giáo hội Công giáo cùng cầu nguyện và đón nhận phép lành Urbi et Orbi, thánh lễ online, hội thảo online,… Với đức tin đã lãnh nhận, mỗi Kitô hữu cũng có thể quả quyết như Thánh Phao:

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (Rm 8,35)

Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới cả về doanh thu và số lượng người dùng. Thống kê cho thấy, tại Việt Nam có hơn 36 triệu người dùng facebook và trung bình mỗi người dùng truy cập 2,5 giờ một ngày. Ở Việt Nam hay nhiều nơi trên thế giới, mạng xã hội này thể hiện vai trò càng lớn trong thời đại dịch. Nhờ mạng xã hội, nhiều mối liên hệ được duy trì, những cuộc họp, cuộc gặp gỡ được diễn ra ngay trên một không gian thực tế ảo. Tuy nhiên, không gian này cũng phơi bày nhiều sự thật đau buồn về thế giới hiện tại như bạo lực, giả dối, lừa đảo.

Đại dịch kêu mời chúng ta hướng tới một tương lai sẵn sàng thay đổi cùng nhau. Bởi gia đình nhân loại đang bị bào mòn bởi nhiều hệ tư tưởng sai lệch mà dư âm từ những sai lầm do chính chúng ta đã xây dựng. Đó là việc chối từ Thiên Chúa, thờ ơ với anh chị em đồng loại và phá hoại mẹ thiên nhiên.


Đại dịch thực sự đã đi vào tất cả mọi ngóc ngách của đời sống chúng ta. Nó vừa nhỏ và cũng vừa đủ to lớn, vừa vô hình nhưng cũng vừa cụ thể, vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa tồn tại nhưng cũng vừa đem lại cái chết, vừa chậm rãi nhưng cũng lây lan nhanh, vừa âm thầm nhưng cũng gây khóc lóc. Sự lây lan sinh học có thể gây đau khổ và chết chóc nhưng nó lại mở ra một sự lây lan khác tốt đẹp hơn: “sự lây lan của tình yêu”.


Bài viết: Nguyễn Khảm
Thiết kế: Minh Luân
Nguồn: 
https://ymagazine.net/vn/bai-viet/f0-f1-f2-fn-or-covid-19-suy-tu-ve-nhung-chu-f
114.864864865135.135135135250