09/02/2020 -

Kỹ năng sống

470
Luật có thực sự khó?

Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ,” đó là câu nói mang tính bông đùa nhưng cũng vừa "khích lệ" giới tu sĩ. Bởi luôn có một sự nghịch lí trong câu nói và ngay trong cuộc sống của xã hội Việt Nam. Mọi người thường cho rằng "tu là cõi phúc", ấy vậy mà có mấy ai đi tu.  Điều gì tạo nên sự nghịch lí đó? Có lẽ rằng khi bước vào đời tu người ta sợ phải từ bỏ nhiều thứ, sợ phải cắt tỉa, sửa đổi mỗi ngày để nên tốt hơn. Một trong những điều phải bỏ, phải sửa nhưng lại giúp rèn luyện bản thân và giúp cho đời tu nên giá trị đó chính là kỉ luật tu trì. Vậy, kỷ luật tu trì có thực sự khó cho những người sống trong đời tu?

Kỷ luật nói chung là những quy định được đặt ra để có sự thống nhất trong công việc và sinh hoạt của tập thể, vì vậy không có một tập thể nào lại không có những khoản luật. Riêng với đời sống thánh hiến, kỷ luật còn mang ý nghĩa cao cả hơn nữa, đó là phương tiện thánh hóa bản thân người tu sĩ trong việc sống khiêm nhường và vâng phục theo gương Đức Kitô. Vì thế, việc tuân giữ kỷ luật không chỉ là hành động bên ngoài mà phải phát xuất từ một tinh thần tự nguyện, yêu mến. Nếu chỉ có một trong hai thì chưa đủ. Giữ kỷ luật mà chỉ hành động nhưng không có tinh thần hy sinh, yêu mến thì trở nên vô nghĩa và không mang giá trị; hoặc có tinh thần mà lại chẳng thực hành thì chẳng khác nào như các Kinh sư và các người Pha-ri-sêu, họ nói thì hay nhưng lại không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào (Mt 23,4). 

Trong đời tu Đa Minh, kỷ luật là một trong năm cột trụ quan trọng. Vì thế, cha Thánh Đa Minh đã để lại cho con cái mẫu gương sống động về việc giữ kỹ luật, hầu hết các nhân chứng kể lại rằng: Cha Đa Minh tuân giữ mọi điều ghi trong luật, cả lúc cha mạnh khỏe cũng như lúc đau bệnh. Cha yêu mến kỷ luật và sửa lỗi anh em trong mọi sự, trong lời nói cũng như trong việc làm, trong cách ăn nếp mặc và trong những hành vi ứng xử. Cha tuân giữ luật Dòng cách nghiêm túc, hoàn hảo và mong ước các anh em cũng tuân giữ như vậy. Cha sửa phạt nghiêm khắc những anh em phạm lỗi. Tuy nhiên, Cha khiển trách họ bằng sự kiên nhẫn và sự tử tế nên không một ai cảm thấy đau khổ hay chống đối khi bị sửa lỗi. (Chân dung Cha Đa Minh theo các nhân chứng).

Để kỷ luật không trở nên cứng ngắc, khô khan thì cần có tình yêu thương, sự hy sinh và lòng bác ái, cùng giúp nhau nên thánh. Thánh Ða Minh muốn con cái giữ kỷ luật trong tinh thần tự do. Khi phải áp dụng kỷ luật, ngài cũng luôn biết biểu lộ tấm lòng thương yêu của một người cha. Ngài rất cảm thông với anh em, dễ dàng chuẩn chước trong những trường hợp cần thiết. Cha biết chờ đợi anh em, qua kinh nghiệm cá nhân, tự giải quyết cách sống của mình. Khi cần phái anh em đi đâu, kẻ cần tiền thì người trao tiền, người ngần ngại thì ngài khích lệ, ai nhút nhát thì ngài truyền lệnh… ngài làm cho kỷ luật không còn nặng nề, sợ hãi. Ðời sống kỷ luật như thế không hề mang tính áp chế, khó chịu, nhưng như một bản nhạc hòa điệu, mỗi người giữ vững bè của mình, hòa hợp với lời ca của người khác, tạo nên một bản nhạc đầy du dương và nhiều cung bậc cảm xúc.

"Trước đây, một cách nào đó kỷ luật bảo vệ người tu sĩ. Nhưng ngày nay chính bạn phải vào cuộc, chính bạn phải đi tìm thánh ý Thiên Chúa, trong cộng đoàn với các Bề trên của bạn, chung nhau, có khi là một mình nhưng chính bạn phải là người tìm thánh ý Chúa." (Sức mạnh ơn gọi đời sống thánh hiến ngày nay- ĐTC Phanxico).
Việc giữ kỷ luật nếu không hiểu đúng bản chất sẽ dễ dẫn đến tiêu cực. Đừng thần thánh hóa việc giữ kỷ luật, coi đó như những tiêu chuẩn đo lường sự thánh thiện. Một cá nhân hay một cộng đoàn có thể giữ kỷ luật ăn chay đánh tội rất ngặt, nhưng nếu không có bác ái huynh đệ thì nào được ích gì? Đâu phải lúc nào bộ mặt cũng nghiêm nghị thì mới bộc lộ sự thánh thiện, ngược lại nét mặt vui tươi, dễ thương lại càng biểu lộ lòng mến Chúa hơn.

Kỷ luật: Nhìn dễ mà lại khó, khó mà dễ, tự do mà khuôn khổ, trong khuôn khổ mà lại tự do. Để nối gót cha Thánh Đa Minh, bản thân tôi là một thỉnh sinh cần phải mặc lấy tinh thần kỷ luật trong môi trường sống của mình bằng việc chuyên chăm học hành và chiêm niệm; gia tăng tình hiệp nhất, yêu thương trong cộng đoàn qua việc làm, học tập, tương quan; tôn trọng và thực thi đúng những quy định chung, từ giờ giấc, xin phép khi có nhu cầu, sử dụng tiền bạc và phương tiện truyền thông đúng mục đích… và luôn ý thức rằng luật Dòng là luật Chúa để nhắc nhớ và tuân thủ với lòng mến Chúa. Có như vậy, dẫu cho luật khô khan, cứng ngắc nhưng chúng ta vẫn vui vẻ thi hành khi có lòng yêu mến.

 “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hiểu được giá trị của luật, sống luật bằng trái tim yêu thương và làm cho luật toát lên vẻ tinh hoa và trở nên phương thế giúp con nên thánh và hoàn thiện hơn trong ơn gọi dâng hiến.

 
Rosa Maria
 
114.864864865135.135135135250