06/01/2023 -

Kỹ năng sống

159
Sở hữu


Có một truyện ngụ ngôn kể về cuộc đàm thoại của ba ngôi Thiên Chúa. Trên Thiên đàng, khi cùng ngồi hàn huyên và ngắm nhìn tuyệt tác công trình vũ trụ của mình, cả ba vị đều sững sờ khi chứng kiến cảnh ba anh em nhà kia cãi nhau chỉ vì tranh giành hơn thua phần đất mà cha mẹ để lại. Sau một thoáng suy nghĩ, Chúa Giêsu mới ghé tai nói nhỏ với Chúa Cha: “Thưa cha, trái đất này là của chúng ta, tại sao con người lại tranh nhau để có được thứ vốn không thuộc về họ nhỉ?”
 

Câu truyện kết thúc gợi mở cho tôi suy tư về câu hỏi: Đâu mới thực sự là thứ con người có thể sở hữu, để được an cư suốt đời?
 

Xã hội ngày càng phát triển, sự tôn trọng đối với quyền sở hữu ngày càng cao. Đâu đâu người ta cũng đòi khẳng định chủ quyền, thương hiệu trên tài sản vật chất hay tinh thần của họ. Chúng ta dễ dàng bắt gặp các thuật ngữ quen thuộc như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả… Quả thật, không thể phủ nhận vai trò của việc khẳng định quyền sở hữu trong việc thể hiện sự tôn trọng tài năng, công sức của những ai đã khó nhọc và gắng sức để có được thành tựu tinh thần hay vật chất. Tuy nhiên, nếu phải tranh cãi hay dùng các thủ đoạn, thậm chí làm hại đến danh dự, mạng sống của anh em chỉ để có được thứ sở hữu rẻ tiền thì thật là thảm hại!
 

Mang trong mình bản tính dễ nghiêng chiều về sự tội, như hệ lụy tất yếu của tội tổ tông, chúng ta lại luôn muốn và khát khao được sở hữu, được có cái gì đó là của riêng mình. Đó đơn giản chỉ là sự ích kỉ khi tôi muốn giữ những gì đẹp nhất cho bản thân, là sự tự kiêu khi tôi không thích san sẻ cho người xung quanh những gì tôi đã lãnh hội, là óc phe nhóm khi tôi tranh đấu ủng hộ quan điểm, tư tưởng của nhóm mình, mặc dù đó không phải là ý kiến tối ưu…Xa hơn, đó là khao khát chiếm hữu tài sản, đất đai, quyền lực, tầm ảnh hưởng…Và rồi, khi những khó khăn, thất bại, sự phản bội hay bệnh tật, cái chết ập đến khiến tôi tả tơi trong ý nghĩ và niềm tin, tôi mới thấy mình thực sự chẳng sở hữu gì cả! Một phần đất mặt đường rộng rãi. Một chung cư, biệt thự. Một gia tài kếch xù. Một ngoại hình chuẩn. Một khả năng vượt trội. Tất cả chỉ là hư vô! Dường như điều tôi có thể thật sự sở hữu là tôi thật sự chẳng sở hữu gì cả!
 

Hơn 2000 năm trước, Người Sở Hữu thực thụ đã đến ngôi nhà của mình, nhưng đáng buồn là người nhà chẳng chịu đón nhận, vì họ đâu nghĩ Người là chủ sở hữu đích thật (x. Ga 1, 11). Có lẽ do cách thức sống và hành xử của Người. Người sở hữu tất cả, nhưng dường như lại chẳng sở hữu gì! Là Vua vũ hoàn, Đức Giêsu chấp nhận nhập thế trong hình hài một hài nhi yếu ớt nơi máng cỏ tanh hôi và xuất thân từ một gia tộc huy hoàng đã thất thời. Là Đấng cao sang, Đức Giêsu lại tuyển làm “đồng chí và cộng sự” của mình một nhóm người gồm những bác thuyền chài ngồi lẫn với kẻ thu thuế, những đảng viên của nhóm nhiệt huyết cùng với những kẻ dốt nát về luật, và cả nữ giới nữa. Là Đấng sáng tạo, Đức Giêsu chịu bị lên án tử, bị bỏ rơi, bị hạ nhục và được chôn cất vội vã trong một huyệt cho. Đức Giêsu đã sống thong dong và thanh thoát giữa đất trời như vậy đó. Người không bị ràng buộc bởi bất kì mối tương quan, lời nhận định, sự khen chê hay cả sự phản bội của con người. Người đã sống là người sở hữu đích thực trên cuộc đời mình.
 

Như vậy, dường như sự sở hữu thật sự đến từ thái độ thong dong và để cho quyền năng Thánh Thần tác động trên từng biến cố cuộc đời. Điều đáng lưu tâm là chúng ta có chân nhận ra tác động ấy trong tâm hồn? “Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8), đó là cách thế ta buông bỏ cũng là cách ta nắm giữ tất cả, để có được sự sở hữu trọn vẹn. Bởi khi bám víu vào những mối liên hệ hay vật chất, ta đang tự buộc mình vào sự phụ thuộc và khiến ta bị chiếm hữu bởi một đối tượng nào đó. Quyết định sẽ sở hữu cái gì và có nên để mình bị sở hữu, đó là lựa chọn của mỗi cá nhân chúng ta.
 


HHQ
Nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org/

114.864864865135.135135135250