11/03/2020 -

Kỹ năng sống

518
Vinh quang bền vững hay giả tạo

Nhu cầu căn bản của con người  là nhu cầu được chấp nhận và nhu cầu khẳng định bản thân. Trong tình trạng “vô danh, vô thực”, tức không có gì để khẳng định, người ta thường có khuynh hướng tìm cách điểm trang vào bản thân những sự vật bên ngoài để bù đắp sự thiếu hụt.  Nghĩa là lấy vật chật, danh vọng, thế giá, hoặc một loại văn hóa lập dị nào đó để bồi đắp cho bản thân trở nên có vị thế ưu tuyển trong xã hội.  Đại loại như cách thức của các kinh sư và các người Pha-ri-sêu: “Họ nói mà không làm, hoặc họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Họ đeo những hộp kinh thật lớn; ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ráp-bi” (Mt 23, 5-10).

 Một khoảng cách rất xa giữa lời nói, việc làm, và cách sống. Đây gọi là thái độ “ăn gian”, lấy “cái bên ngoài” che lấp cái không có thật nơi bản thân, nhằm “Makeup” cho mình trở nên ngon lành hơn, vượt trội hơn, để có thể chinh phục người khác dễ dàng hơn. Nhưng rồi cũng đến lúc người ta chán ngán hoặc mất niềm tin, bởi giá trị ảo này được xây dựng trên cái vinh quang không có nền tảng. Đối với người Kitô hữu, Đức Giêsu đã đưa ra những giáo huấn rất hay về đời sống nhân bản, tức là dẹp bỏ tất cả những thứ “trang điểm” bên ngoài để sống chân thực với lòng mình trong các hành vi tương quan với Chúa, với tha nhân theo phận vụ mỗi người.

Chúa đã trao cho mỗi người quyền bính hay các chức vụ khác nhau tùy theo khả năng để phục vụ. Vì vậy, ta cần xác định đây là hồng ân của Chúa nhằm để phục vụ công ích chung, cho mình, cho cộng đồng, cho sự thăng tiến con người. Cho nên người “người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11) trong tinh thần khiêm tốn và hy sinh, dưới quyền vị lãnh đạo là Đức Kitô chứ không phải dùng chức vụ để thể hiện đẳng cấp này nọ, để tìm vinh quang riêng, để ra lệnh hay mong được người ta hầu hạ.

Chúa cũng không đòi hỏi ta khi đến với Người bằng một lô công trạng hay sự trang điểm lấp lánh bên ngoài, ngoài trừ “lòng nhân, tình yêu và thành tín” (Mt 23,23). Vì thế, chúng ta hãy khẳng định mình, làm cho bản thân mình tròn đầy trước những khiếm khuyết bằng nỗ lực dệt xây cuộc đời để vươn lên cách chân chính, dựa trên nền tảng Lời Chúa và các giá trị đạo đức chuẩn mực, chứ không điểm tô đời mình trên những thứ chóng qua, mau tàn, thiếu nền tảng.

Một mãnh đất trên triền núi màu mỡ, nhìn ai cũng thích. Sau một cơn giông lớn, nước cuốn phăng đi lớp đất màu mỡ trên bề mặt, để lộ ra lớp sỏi đá lởm chởm nằm sâu bên dưới vốn làm nền cho đất vững. Cũng vậy, người ta, dù trang điểm lấp lánh cho bản thân thế nào, sau một chấn động lớn, có thể sẽ làm lộ ra những tính cách thực vốn ẩn chìm bấy lâu nay.

Dù gì đi nữa, mỗi người đều lựa chọn cho mình một quan điểm, một cách sống và một cuộc đời riêng.  Lựa chọn trở thành người thế nào là quết định của mỗi người. Suy cho cùng, dù ta đang sống trong bậc sống nào, giầu hay nghèo, bình dân hay trí thức, bề trên hay bề dưới, tất cả đều đang thi hành bổn phận của một công dân với những trách nhiệm khác nhau trong cuộc sống, nên hãy chọn cho mình cách sống thật với lương tâm ngay thẳng và với trái tim chân thành, như thế sẽ mang lại cho ta một cuộc sống hạnh phúc hơn, an nhiên hơn và nhân bản hơn.

 
Jos Sỹ Thảo,OP

 
114.864864865135.135135135250