Vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam là một người Công giáo và hai người vợ của ông là những tác nhân lớn nhất cho cuộc trở lại của ông.
Một năm trước khi qua đời, khi đang sống lưu vong ở Pháp từ năm 1955, Bảo Đại đã xuất bản cuốn sách rất hay về hoàng cung với tên gọi “Huế, la cité interdite” (“Huế, Tử Cấm Thành”), nơi ông đã trị vì trong 20 năm.
Thật khó để tưởng tượng ông đã từng bị giam hãm bên trong những bức tường của cung điện cổ kính này vì những bộ quần áo thời trang đã mang lại cho ông vẻ bề ngoài hoàn toàn thuộc về một doanh nhân Tây phương. Sở thích săn bắn, chơi gôn và xe thể thao dường như đã khiến ông vĩnh viễn xa rời truyền thống và tôn giáo của cha ông mình. Nhưng số phận của vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam này còn đáng kinh ngạc hơn, bởi cả tính cách trái ngược lẫn câu chuyện trở lại đạo Công giáo của ông, những điều được đan xen với lịch sử thuộc địa của Pháp.
Vị hậu duệ thứ 13 của triều Nguyễn này quả thực là một nhân vật phức tạp. Như Frédéric de Natal, một chuyên gia về hoàng tộc, giải thích với Aleteia rằng: “Trong suốt cuộc đời của mình, Bảo Đại vừa là một người có học thức (bon vivant) vừa là một người có lòng đạo.”
Hoàng đế Bảo Đại, hoàng cung Huế, những năm 1930
Public Domain |
Hoàng tử Vĩnh Thụy, vốn là con trai của vua Khải Định, sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 và lớn lên trong hoàng cung ở Huế. Trong khi Đông Dương sống dưới chế độ bảo hộ của Pháp, thì ông lên ngôi năm 1926 ở tuổi 12. Ông đã lấy niên hiệu là Bảo Đại (“người bảo vệ sự vĩ đại”). Nhưng sau khi bị quản thúc cho đến năm tuổi 19, cậu thiếu niên trẻ tuổi ngay lập tức rời đến Paris để du học: cậu theo học tại Cours Hattemer, Lycée Condorcet, Lycée Lakanal, và sau đó là École libre des sciences politiques (Học viện nghiên cứu chính trị).
Vị hoàng đế trẻ tuổi thích nghi khá tốt với cuộc sống ở Pháp. Sau khi làm hướng đạo sinh, cậu đã chơi gôn và quần vợt. Cậu còn yêu thích những chiếc xe hơi thể thao. Là một công tử thực thụ, cậu đã phân chia thời gian của mình giữa dinh thự riêng ở quận 16 thuộc Paris (một khu phố đầy công viên, bảo tàng, tượng đài và tư gia của những người giàu có) và ở Deauville, một khu nghỉ mát bên bờ biển danh tiếng ở Tây Bắc nước Pháp.
Bảo Đại rất thích lối sống Tây phương nên không vội vàng trở về Việt Nam. Frédéric de Natal nói thêm: “Cậu ấy không muốn từ bỏ lối sống của mình, và cậu ấy biết rằng khi trở về, cậu sẽ phải sống giam mình trong cung điện. Tuy nhiên, vào năm 1932, các nhà chức trách Pháp đã thành công trong việc thuyết phục cậu rằng cậu có thể sống cuộc đời tương tự như thế ở đất nước của mình. Hơn nữa, ngay khi trở về, cậu ấy đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiều cải cách. Đặc biệt, cậu ấy muốn thiết lập một chế độ quân chủ lập hiến.”
Yêu từ cái nhìn đầu tiên ở Đà Lạt
Năm 1933, khi đang đi nghỉ mát tại một khu nghỉ dưỡng sang trọng ở miền Trung Việt Nam, Bảo Đại đã gặp Jeanne-Marie-Thérèse. Hai con người trẻ tuổi ngay lập tức rất hợp ý nhau: Họ đã cùng tiếp thu một nền giáo dục của Châu Âu. Thật vậy, cô gái trẻ này, vốn xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có, một trong những gia đình Công giáo lâu đời nhất nước, vừa học xong ở Pháp, nơi cô đã được gửi đi du học vào năm 12 tuổi, giống như Bảo Đại. Đầu tiên, cô đã theo học tại trường nội trú Notre-Dame, và sau đó tại nhà kín Les Oiseaux ở Neuilly.
Nam Phương hoàng hậu tương lai, Đà Lạt, những năm 1930
Public Domain |
Vì chân thành yêu nhau, nên sau một vài tháng, vị vua trẻ tuyên bố đính hôn với một phụ nữ Công giáo Việt Nam. Thật đáng mừng, cha mẹ của cô gái trẻ, những người Công giáo nhiệt thành đã dành thời gian xây dựng nhà thờ và các công trình tôn giáo trong nước, đã tận mắt chứng kiến sự thành hình cuộc hôn nhân của con gái mình với vị hoàng đế.
Tin tức gây chấn động này được triều đình đón nhận rất dữ dội. Đối với triều đình, đó là một thảm họa thực sự ở một đất nước chủ yếu theo Phật giáo, nơi những người theo Kitô giáo, vốn là một dân tộc rất nhỏ, đã bị bắt bớ từ rất lâu, thậm chí là từ cả người cha và ông nội của Bảo Đại.
Kết hôn với một phụ nữ Công giáo
Một vụ bê bối đã nổ ra trong bối cảnh có một tin đồn được phát tán trước đó từ một tờ báo cộng hòa khi cho rằng vị hoàng đế này đã được rửa tội.
Frederic de Natal nói rằng: “Không có bằng chứng nào cả; điều này hoàn toàn sai sự thật. Nhưng tin đồn đã lan rộng. Tại sao? Bởi vì Bảo Đại thực sự quan tâm đến đạo Công giáo.”
Vì sự náo động của dư luận do tin đồn gây ra, chính phủ Pháp cuối cùng đã nhận thức được vấn đề này và kiểm duyệt tất cả các bài báo đăng tin sai sự thật về việc rửa tội của Bảo Đại.
Cặp đôi hoàng gia, Huế, những năm 1930 |
Về phía Tòa Thánh, ngay từ đầu Đức Giáo Hoàng Piô XI đã từ chối ban miễn trừ theo giáo luật cần thiết cho hôn nhân khác đạo, mặc dù vị hoàng đế này đã đưa ra thỉnh cầu. Đức Giáo Hoàng yêu cầu con cái trong tương lai phải được nuôi dạy trong đạo Công giáo. Frédéric de Natal giải thích thêm: “Điều này thực tế là không thể; triều đình sẽ phản đối. Nhưng Bảo Đại đã ký một nghị định thư bí mật, theo đó, ông sẽ bí mật nuôi dạy các con của mình theo đức tin Công giáo.”
Chính trong bối cảnh đó, lễ cưới kéo dài bốn ngày, với một phần nghi lễ nghiêm cấm công khai, đã diễn ra tại hoàng cung ở Huế, từ ngày 20 tháng 3 đến ngày 24 tháng 3 năm 1934. Vì được phú bẩm cho một cá tính mạnh mẽ, nên cô dâu đã yêu cầu được phong tước hiệu “Nam Phương” hoàng hậu.
Những lớp giáo lý trong bí mật
Hoàng hậu đã nuôi dạy các con của mình theo đạo Công giáo bên cạnh nền giáo dục Phật giáo. Cô đã bí mật rửa tội cho chúng. Và khi cô cho chúng học các lớp giáo lý, chồng cô cũng không ở đâu xa, và ông đã nghe lời cô.
“Nam Phương đã làm thấm nhuần nền giáo dục về đạo cho ông, đặc biệt là bằng cách đọc Kinh Thánh cho con trai trước mặt ông. Bầu không khí khác xa với các nghi thức hoàng tộc mà người ta có thể tưởng tượng được! Bảo Đại gìn giữ mọi thứ bên trong mình, giống như một kho báu bí mật mà cuối cùng sẽ nở rộ vào ngày ông xin được rửa tội,” vị chuyên gia về hoàng tộc cho biết.
Là một phụ nữ đầy tinh thần trách nhiệm, Nam Phương đã cùng với các nữ tu của Dòng Đức Bà ở Đà Lạt tận tụy mở mang một nhà kín Les Oiseaux, nơi mà cô đã cho các con gái của mình theo học. Nam Phương cũng có một dự án lớn mà cô muốn giao phó cho chồng: đó là đưa Việt Nam trở thành quốc gia Công giáo đầu tiên ở Châu Á. Mặc dù không bao giờ xuất hiện trước công chúng cùng với giới chức Công giáo, nhưng ông đã bí mật nghiên cứu Kinh Thánh.
Cuộc lưu vong của vị hoàng đế sa cơ
Năm 1945, Nhật Bản tuyên bố độc lập cho Việt Nam với Bảo Đại làm hoàng đế. Nhưng ông đã thoái vị ngay sau đó khi nền cộng hòa ra đời. Sau đó, ông bị giáng xuống cấp bậc “cố vấn tối cao” và sống lưu vong ở Hồng Kông. Ông được người Pháp phục chức vào năm 1949, với chức danh nguyên thủ quốc gia nhưng không còn là hoàng đế, và cuối cùng bị lật đổ vào tháng 10 năm 1955 bởi thủ tướng Ngô Đình Diệm. Từ đó, Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam, đã rời bỏ chính trường.
Vị cựu vương này đã lưu vong cùng vợ và năm người con của họ ở Pháp, năm 42 tuổi, để sống một cuộc đời hưu trí rất dài và kín đáo ở Cannes, và sau đó là ở Paris.
Ông vốn có một ít tiền và một nhóm nhỏ các quần thần cũng sống lưu vong xung quanh ông. Bà Nam Phương, đau khổ vì sự không chung thủy của chồng, đã rời bỏ ông bất chấp việc đó là sai trái và đến cư trú tại nơi thuộc quyền sở hữu của bà ở Corrèze, nơi bà qua đời ở tuổi 52. Về phần Bảo Đại, ông đã lại tìm thấy ở Pháp lối sống của thời trai trẻ, tiếp tục săn bắn, chơi gôn và xe hơi thể thao. Ông đã tiếp tục làm nẩy nở nhiều cuộc phiêu lưu tình ái của mình... cho đến khi gặp Monique Baudot, một phụ nữ 23 tuổi đến từ Lorraine, vào năm 1969.
Hoàng phi Monique trong lễ tang của Bảo Đại
AFP |
Hoàng phi Monique và Saint-Louis des Invalides
Chính tại đại sứ quán Zairean, ánh mắt họ đã bắt gặp nhau. Khi đó, Monique Baudot phụ trách văn phòng báo chí của đại sứ quán. Bà kết hôn với vị hoàng đế này vào năm 1972. Được gọi là hoàng phi Monique, bà là một phụ nữ có lòng đạo đức với tính cách kín đáo, thường xuyên đi lễ tại nhà thờ Saint-Louis des Invalides ở Paris. Cuối cùng, bà đã thuyết phục được chồng mình gia nhập vào cộng đoàn Kitô giáo. Năm 1988, ông được rửa tội và lấy tên thánh là Jean-Robert.
Mặc dù buổi lễ diễn ra trong sự bí mật hết sức có thể, nhưng một số người thân cận với cả gia đình và Đức Hồng y Lustiger, Tổng Giám mục Paris vào thời điểm đó, xác nhận về sự chuẩn bị lâu dài của Bảo Đại cho việc rửa tội, đây có thể được coi là một con đường rất đặc biệt hướng tới đức tin Kitô giáo được đánh dấu bởi chứng từ sống động từ hai người vợ: vợ trước là Nam Phương hoàng hậu, và vợ sau là hoàng phi Monique.
Thánh lễ An táng Bảo Đại tại Nhà thờ Saint-Pierre de Chaillot, ngày 6 tháng 8 năm 1997 ở Paris
AFP |
Vị chuyên gia về hoàng tộc đã đưa ra kết luận sau: “Sau khi được rửa tội, Bảo Đại đã toàn tâm toàn lực gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Ông đã trở thành một Kitô hữu sốt sắng. Sau khi trở thành một vị hoàng đế sa cơ thất thế và một người đàn ông cô đơn, ông ấy đã tìm thấy ơn cứu chuộc dưới ánh nhìn của Đức Kitô. Ông ấy đã chết theo cách như thế, mặc dù ông ấy vẫn còn cách xa với việc trở thành một vị thánh.”
Tác giả: Marzena Devoud - Nguồn: Aleteia (28/8/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
https://giaophanvinhlong.net/