06/11/2021 -

Lịch Sử

349
Ngay cả Thiên Chúa cũng thấy phiền lòng với hệ nhị phân

Các thuyết nhị nguyên – hoặc đen và trắng, nam và nữ, tốt và xấu – đều mang lại sự hấp dẫn, nhưng chúng thường thất bại trong việc kể lại câu chuyện theo tổng thể.

Có thể nói về rất nhiều điều để tán dương hệ nhị phân. Nó là một hệ thống cấu tạo cổ xưa, phân chia thực tại thành hai nửa bổ sung hoặc mâu thuẫn. Hãy nghĩ về các bài kiểm tra đúng/sai và các câu trả lời có/không. Việc sắp đặt thực tại bằng tương quan trắng-và-đen có thể giúp chúng liên kết với nhau như vòng xoáy âm dương hoặc xung đột với nhau như hai đội quân đối đầu trên chiến trường.

Các hệ thống nhị phân đã được sử dụng tại Trung Quốc, Ai Cập và Ấn Độ hàng ngàn năm trước trong các lĩnh vực toán học, triết học và văn chương. Tư duy nhị phân giúp cho việc phát minh ra máy tính. Mã nhị phân là ngôn ngữ thuật toán đơn giản nhất: một lĩnh vực nhỏ bé hoàn toàn dựa trên các số 1 và 0.

Việc giữ cho thế giới đạo đức rập theo hệ nhị phân giúp nhiều người tìm thấy sự hiệu quả. Một cái nhìn như thế chia tách đúng đắn ra khỏi sai lầm, chân thật ra khỏi dối trá, tội nhân ra khỏi thánh nhân. Nó cũng phân biệt chính thống và lạc giáo, người được cứu độ và kẻ bị đọa đày. Thiên đàng và địa ngục: Trên bản đồ đạo đức, điều gì có thể rõ ràng hơn một ngã ba đường tách bạch như thế?

Ai đó có thể lập luận rằng Thiên Chúa là Đấng phát minh và đề xướng chính yếu của thực tại nhị phân. Chẳng phải sách Sáng thế dành hẳn một trang để tuyên bố điều này hay sao? Thiên Chúa tổ chức sự hỗn loạn nguyên thủy thành những sự phân chia rõ ràng giữa ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm, đất và nước, chim trời và cá biển, người nam và người nữ. Hãy có trật tự, và hãy có một sự nhị phân kỳ diệu!

Tầm nhìn nhị nguyên hoạt động phù hợp vào một số thời điểm nhất định đối với những người nhất định. Nếu bạn là dân Do Thái, đây là một thực tại tuyệt vời để tin tưởng. Cũng chẳng khác là bao nếu bạn sinh ra ở Assyria, Edom hay Ai Cập. Sự mến mộ hệ nhị phân của dân Israel được thể hiện trong các luật lệ liên quan đến chế độ ăn uống – người giữ luật Kashrut hoặc kẻ ăn thịt lợn? – cũng như sự thanh sạch hoặc ô uế, thánh thiêng và trần tục. Các lằn ranh phân chia được vạch ra giữa những người phối ngẫu, giữa các tư tế và người tham gia tế tự, địa chủ và người làm công, thẩm phán và người bị xét xử. Luôn luôn rõ ràng ai chính yếu và ai phụ tùy.

Như quan sát nhạy bén của các tác giả Tin mừng, chỉ có đàn ông được tính vào số lượng của đám đông theo Kinh thánh. Phụ nữ và trẻ em chỉ được ước chừng. Trong các hệ thống bao hàm số 1 và số 0, luôn quan trọng nếu bạn là số 1 và vô giá trị nếu bạn là số 0.

Có những lỗ hổng trong bất kỳ cốt truyện nào được trình luật liên quan đến Kinh thánh. Mặc dù đúng là các yếu tố được tách biệt mang tính nhị nguyên vào hầu hết các ngày tạo dựng, nhưng chúng ta cũng phải xét đến ngày thứ sáu không theo khuôn khổ và không có tính đồng đều khi Thiên Chúa tạo ra mọi sinh vật trên đất liền cùng một lúc. Này, chẳng có gì là nhị nguyên liên quan đến sư tử, hổ và gấu! Thật ra mà nói, cũng chẳng có quá nhiều yếu tố nhị nguyên liên quan đến cả ngày thứ năm nữa, khi chim và cá đầy dẫy trên trời dưới nước. Một số loài chim biết bơi, và một số loài cá biết bay. Các sinh vật lưỡng cư ngọ nguậy giữa các khoảng không gian, khi phụ thuộc một cách nhập nhằng vào nước và không khí. Và phải nói gì về những quái vật biển cũng được tạo ra vào ngày thứ năm? Chim, cá – và quái vật biển? Đột nhiên một bộ ba làm xáo trộn nơi mà bộ đôi đáng lẽ phải xuất hiện.

Liệu có phải Thiên Chúa cảm thấy phiền lòng với việc vạch ra một đường thẳng ở giữa mọi sự sau một vài ngày và Người quyết định vui đùa một chút. Mặt khác, có lẽ sự không mạch lạc của hệ nhị phân nằm trong kế hoạch ban đầu. Ngày và đêm có được những khoảnh khắc chuyển tiếp mờ ảo mà chúng ta gọi là bình minh và hoàng hôn. Các đầm lầy không phải là đất khô cũng chẳng phải hồ, nên cần đến một thuật ngữ phức tạp là “đất ướt”. Trong khi vào ngày thứ tư, Thiên Chúa thiết lập vòm trời với ý định phân tách bầu trời và mặt đất, thì loài người đã vượt lên khoảng không đó một thời gian trước đây. Xin lưu ý: Vào chính ngày khác thường đó [ngày thứ sáu], Thiên Chúa quyết định hành động hoàn toàn bên ngoài môi trường cô lập của hệ nhị phân và biến trái đất nên khu vườn kỳ ảo của muôn thú, và rồi Thiên Chúa tạo dựng nên loài người.

Tác giả sách Sáng thế đã hết sức cố gắng để mô tả tính độc nhất của những thụ tạo có một không hai này, họ là những người mang hình ảnh thần linh. Có lẽ họ điển hình cho tính nhị nguyên lớn lao nhất: không phải nam tính và nữ tính, nhưng đúng hơn là sự phân chia giữa một giống loài mang họa ảnh của Thiên Chúa và hết thảy phần còn lại. Mọi thụ tạo của Thiên Chúa đều kỳ diệu, lạ thường, thú vị và gây ngạc nhiên. Tất cả đều cần thiết cho sự trọn vẹn của công trình tạo dựng, từ amíp và nhện cho đến trâu bò và đười ươi. Nhưng duy nhất loài người sở hữu dấu ấn của Đấng Tạo hóa.

Sự ưa thích dành cho hệ nhị phân tiếp tục vào thời Nôê, khi các con vật trình diện từng đôi một để lên tàu. Dẫu sao thì Chương 6 sách Sáng thế truyền đạt như vậy. Trong câu thứ hai của Chương 7, loài vật thanh sạch có tới bảy đôi được chọn, trong khi loài không thanh sạch chỉ được một đôi. Ngay cả trong sự mất cân bằng về số lượng này, tính sóng đôi vẫn được duy trì: loại được ưa chuộng và loại ít được ưa chuộng. Gia đình Nôê có tám thành viên, cũng được chia thành các cặp vợ chồng.

Sách Sáng thế duy trì sự ưu ái của nó đối với mã nhị phân thông qua các câu chuyện về những người anh em: Cain và Abel, Esau và Jacob, Ishmael và Isaac. Khi biết được mật mã, chúng ta có thể đoán đúng người nào được sinh ra để trở thành số không. Trong khi kế hoạch nguyên thủy của công trình tạo dựng có thể hàm chứa một dòng chảy âm-dương, sự bù đắp lẫn nhau này đã tiêu thất khỏi hệ thống vào chính giờ phút tội lỗi xâm nhập.

Mọi sức hấp dẫn trong hệ nhị phân trở nên tăm tối sau biến cố trục xuất khỏi Vườn Địa đàng khi giống đực chiếm lấy quyền thống trị trên giống cái. Chẳng phải cả hai đều mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa như nhau hay sao? Thế nhưng, một bên đạt được uy thế và nhanh chóng thể chế hóa điều đó. Nếu kiêu ngạo là tội đầu tiên, thì sự gia trưởng đến liền sau.

Hệ nhị phân, như một sự bổ túc đơn thuần cho nhau (mặt trời và mặt trăng, giống đực và giống cái), biến chuyển thành một cuộc cạnh tranh độc dữ (Cain chống lại Abel, Ishmael chống lại Isaac). Ở mỗi cặp anh em trong Kinh thánh, chỉ một bên có thể có vị thế đứng đầu. Sự cấp thiết về thứ hạng, hạ phẩm giá, loại trừ, và thậm chí hủy hoại tha nhân không hề có trong kế hoạch nguyên thủy. Đấng Tạo hóa chưa bao giờ đề nghị rằng đất và nước đánh nhau cho đến khi còn sót lại một bên. Tất thảy mọi sự đều đã từng được tuyên bố là tốt lành. Và hẳn là chúng đã từng thiện hảo. Chúng ta chỉ có thể hình dung về một thế giới không có phẩm cấp, sự tranh giành quyền lực và thành kiến, đó là nơi không bên nào phải thua cuộc.

Câu chuyện về sự nguy hại của hệ nhị phân giờ đây như một sợi chỉ xuyên suốt qua các thời kỳ của những vị vua và quân đội, những cuộc hôn nhân và ý thức hệ, những bức tường và vạ tuyệt thông. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, chúng ta cũng phải đồng thuận với thánh Phaolô và sự xóa bỏ đầy kinh ngạc của ngài đối với số 1 và số 0 trong chương 3 thư Galát: Trong Đức Kitô, thánh Phaolô mạnh mẽ tuyên bố, không còn có chuyện phân biệt nam hay nữ, Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do. Ngài thậm chí còn mở rộng thêm sự xóa bỏ ấy trong chương 2 thư Êphêsô, khi phủ nhận sự phân biệt giữa cắt bì và không cắt bì. Việc xóa bỏ đi dấu giao ước giữa Israel và Thiên Chúa là một nước đi táo bạo nơi một giáo hội còn non trẻ và vẫn được xác định như một chi phái của Do Thái giáo. Theo một nghĩa nào đó, thánh Phaolô đang đưa anh chị em trở về với nhau. Cain và Abel đã tranh chấp về kết quả của nghi lễ. Đã kết thúc. Giờ đây hãy lại là một gia đình.

Như lời của một bài thánh ca: trong Đức Kitô không hề có đông hay tây. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã chứng tỏ điều đó khi ngài gặp gỡ thượng phụ Athenagoras thành Constantinopolis tại Giêrusalem vào năm 1964 – lần đầu tiên các Giáo hội Đông và Tây đặt những khác biệt sang một bên kể từ những vạ tuyệt thông dành cho nhau năm 1054. Đôi khi phải mất cả thiên niên kỷ để cân nhắc lại những điều đó cách cẩn trọng.  Phương Đông và phương Tây cuối cùng đã sẵn sàng để đưa ra một tuyên bố chung, rằng “các ngài lấy làm tiếc về những lời lẽ xúc phạm, những chỉ trích thiếu cơ sở và những cử chỉ đáng trách”. Một khởi đầu tốt. Và sau đó: “Các ngài bày tỏ sự hối tiếc và hủy bỏ khỏi ký ức của cả hai… những án vạ tuyệt thông… thứ đã gây trở ngại cho những tương hệ gần gũi hơn trong đức ái; và các ngài cam kết đưa những vạ tuyệt thông này vào quên lãng”.

Đưa vào quên lãng? Giáo hội có thể làm điều này: đưa tư tưởng sai lầm vào quên lãng. Chúng ta không cần phải tiếp tục biện minh và làm tồi tệ thêm những sai lầm của quá khứ chỉ vì chúng được ghi chép trong các cuốn sách. Chúng ta có thể “hủy bỏ khỏi ký ức của cả hai” điều gây trở ngại cho đức ái. Nếu Giáo hội chúng ta nhấn mạnh sự ưu tiên này hơn nữa, chúng ta hãy mơ về những triển vọng.

 

Tác giả: Alice Camille
Grêgôriô Võ Trận Nhựt chuyển ngữ
Nguồn tin: https://www.uscatholic.org

114.864864865135.135135135250