29/08/2022 -

Lịch Sử

627
Về với Cộng đoàn Tiên Khởi


Dẫn nhập

Theo Luca, sau khi phục sinh, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ ở Giêrusalem và cũng từ đó Ngài lên trời. Trước khi lên trời, Ngài sai môn đệ “Anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem” (Cv 1,8). Các Tông Đồ trước hết chấn chỉnh nội bộ và bổ sung chỗ của Giuđa bằng cách chọn Matthia, và con số 12 lại tròn đầy vào ngày lễ Ngũ Tuần ! Biến cố này giới thiệu nhóm nhỏ môn đệ của Đức Giêsu với những người khác như cách thế nói về ơn cứu độ phổ quát. Với Luca, Giêrusalem là nơi Chúa lên trời, ban Thánh Thần và sai các môn đệ đi rao giảng. Các tín hữu tiên khởi hoàn toàn sống theo Tin Mừng. Chúa lên trời rồi, còn lại Đức Mẹ, các Tông Đồ, các môn đệ và cùng mấy phụ nữ, làm thành một cộng đoàn ở lại cầu  nguyện và cùng chia sẻ đời sống thường nhật. Điều gì làm cho các môn đệ có thể sống chung và thi hành sứ vụ rao giảng? Trước hết việc cầu nguyện, từ đó đưa đến kết quả là cộng đoàn sống chung hiệp nhất và thi hành sứ vụ.

1
Cộng đoàn cầu nguyện

Trước kia các Tông Đồ đã bàn cãi xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, thì giờ các vị ngồi lại và cùng nhau cầu nguyện, có Mẹ Maria cùng hiện diện; Mẹ như chiếc cầu nối kết các môn đệ và giúp cộng đoàn vững tâm hơn. Trước trình thuật hiện xuống, Luca nói các tông đồ, cùng với các phụ nữ, các anh em của Chúa và Maria mẹ Ngài cùng nhau chuyên cần cầu nguyện. Khi Thánh Thần hiện xuống thì các vị này cũng đang tụ họp ở một nơi, điều đó cho giả thiết họ đang cầu nguyện thì Thánh Thần hiện xuống trên từng người. Điều quan trọng để đón nhận Thánh Thần đó là cầu nguyện. Giống với trình thuật Đức Giêsu chịu phép rửa « đang khi Người cầu nguyện thì trởi mở ra, Thánh Thần xuống trên Người » (Lc 3, 21-22). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu như sức mạnh xé tầng trời để Thánh Thần ngự xuống. Tương tự khi Giáo Hội đang cầu nguyện « bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho » (Cv 2, 2-4).

Thánh Thần đến luôn được đặt tương quan với việc cầu nguyện. Saolo đang cầu nguyện, Chúa sai Hanania đến cho ông được sáng mắt và ban Thánh Thần (Cv  9). Sau khi Phêrô và Gioan bị bắt, cộng đoàn đang cầu nguyện « thì chỗ họ nhóm họp rung chuyển và hết thảy họ được đầy Thánh Thần » (Cv 4, 31). Thánh Thần là khí giới duy nhất của con người khi muốn làm điều gì, vì chính Đức Giêsu đảo đảm điều đó.

Thánh Thần là ân huệ Chúa ban. Nhưng nếu là ân ban, nếu là quà tặng thì cứ việc cho, sao lại phải xin, nghĩa là tại sao việc cầu nguyện là cần thiết để Ngài đến ? Thánh Thần là ân ban nhưng chỉ được ban cho những ai xin Người. Chúa không áp đặt mà là tặng các ân huệ, tuy là món quà nhưng Chúa không ép ai phải nhận, nhưng người nhận phải muốn và giơ tay đón lấy, vậy để biểu lộ ước muốn, đó chính là cầu nguyện. Cầu nguyện là cách biểu lộ của tự do mở ra cho ân sủng. Nhưng không có Thánh Thần làm sao cầu nguyện ? « Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiêng rên siết khôn tả » (Rm 8, 26). Nhưng chỗ khác « Chúa ban Thánh Thần cho những ai xin Người », vậy điều gì trước, cầu nguyện trước hay phải có Thánh Thần trước ? Thánh Thần không xuống theo trật tự của con người, không xếp theo thứ tự thời gian làm việc này đến việc kia, nhưng cả hai : cầu nguyện và ơn Chúa Thánh Thần có mối liên hệ hỗ tương như ân sủng và tự do. Ta cần Thánh Thần để cầu nguyện nhưng cũng cần cầu nguyện để lãnh nhận Thánh Thần. Bắt đầu là việc ban ân sủng, sau đó phải cầu nguyện để gìn giữ và phát triển ân huệ đó.

Mỗi người tự vấn : tôi có phải tạ ơn Chúa về những ân huệ Ngài ban không ? Tôi có đi đúng đường lối Chúa hay đã lạc lối và cần trở về? Tôi có sống đúng ơn gọi của mình không hay cần sửa lại điều sai trái? Tôi có yêu thương và xây dựng cộng đoàn thực sự không hay phải điều chỉnh lối sống của mình? Để trả lời những câu hỏi này, cần phải cầu nguyện, trình bày trước mặt Chúa, mới thấy rõ mình cần gì và làm như thế nào như mẫu gương mà sách Cv 1-2 cho thấy.

Cầu nguyện như cộng đoàn tiên khởi đó là kiên trì, nghĩa là bền bỉ trong hành động, làm cách chuyên cần và bền đỗ, là bền bỉ bám chắc vào cầu nguyện. Thánh Phaolo khuyên « hãy kiên trì cầu nguyện » (Rm 12, 12), nơi khác Ngài nói cần van nài mãi và chuyên cần : « Anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi cho toàn thể dân thánh » (Ep 6, 18).

Đức Giêsu đã nhiều lần đưa ra lời khuyên kiên trì cầu nguyện như ví dụ bà góa đến cửa quan kêu nài cho đến khi được phân xử công minh, và Ngài kết luận « phải cầu nguyện luôn, không chút nản lòng » (Lc 18, 1). Quả thật vì nài xin không chút nản lòng mà người đàn bà ngoại giáo Canaan cuối cùng đã được thỏa nguyện và được Chúa đưa ra như mẫu gương kiên nhẫn, tin tưởng « Lòng tin của bà thật mạnh ! Bà muốn sao thì được như thế » (Mt 15, 21t). không những con của bà được chữa lành mà chính bà cũng được biến đổi vì đã tin.

Tuy nhiên chỗ khác Chúa lại nói « khi cầu nguyện đừng lải nhảm như dân ngoại » (Mt 6, 70). Vậy kiên trì, cầu nguyện mãi, nhưng lại không được « lải nhảm » nghĩa là sao ? Thiết tưởng hai việc này khác nhau. Việc nói nhiều lảm nhảm nhưng có khi không kiên trì, còn việc kiên trì không hàm chứa nói nhiều, lảm nhảm, điều vô ích.

Kiên trì nghĩa là cầu nguyện thường xuyên, luôn hy vọng không bao giờ ngừng vì « Thiên Chúa lại không công bằng mà xét xử cho kẻ Người chọn hằng kêu cứu đêm ngày sao ? »  và nhờ kiên trì mà họ được xét xử công minh tức khắc (Lc 18,7). Tuy nhiên, Chúa đã luôn nghe lời ngay cả khi lời cầu nguyện chưa dứt : « trước khi chúng kêu Ta, chính Ta đã đáp lời, chúng hãy còn đang nói thì Ta đã nghe rồi » (Is 65, 24). Lời cầu nguyện luôn được đáp lời, nếu không được thì có thể lời cầu đó không có lợi ích cho ơn cứu độ (con người cho là tốt, nhưng điều đó không nằm trong kế hoạch của Chúa). Hoặc không cầu với lòng thành như thánh Tôma Aquino nói vì ta xin điều không đúng, hoặc đúng nhưng xin sai cách. Hoặc như thánh Giacôbê « anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc » (Gc 4, 3). Ta tưởng lời cầu không được nhận lời, nhưng ngay khi ta còn tiếp tục, thì Chúa đã ban rồi đó là ban sức mạnh, sự kiên trì. Và Chúa có cách trả lời riêng của Ngài mà phải học ta mới nhận biết được.
Chúa luôn ban các sự lành và Thánh Thần cho những ai kêu xin và thực hiện ý Ngài (1 Ga 5, 14).  

2
Cộng đoàn hiệp nhất

Đức Mẹ và các tín hữu tiên khởi không những "cao rao những việc lớn lao của Thiên Chúa" (Cv 2, 11), mà ngay cả trong các bữa ăn, "họ đầy lòng hân hoan và ngợi khen Thiên Chúa" (Cv 2, 46tt). Một cộng đoàn cầu nguyện chan hòa đến mọi sinh hoạt thường nhật; kinh nguyện của các ngài trở nên kinh nguyện ngợi khen chứ không chỉ là kinh nguyện cầu xin mà thôi.

Đức Mẹ và các tín hữu đã « đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện ». Các ngài đã đồng tâm nhất trí, nghĩa là đồng một lòng, một ý, không mâu thuẫn, không hiềm khích. Bởi nếu còn bất bình với ai thì việc cầu nguyện không thành : « khi đến dâng của lễ mà thấy có ai bất bình, hãy đi làm hòa trước » (Mt 5, 23). Chúa không nhận của lễ nhưng nhận tấm lòng. Thánh Phaolo khuyên hãy tâm đầu ý hợp với nhau « hầu tôn vinh Thiên Chúa cùng một lòng và cùng một miệng lưỡi » (Kn 15, 5-6). Và chỉ do tác động của Thánh Thần, các tín hữu mới có thể đồng tâm nhất trí khi cầu nguyện. Vậy chính Thánh Thần cầu nguyện nơi các tín hữu.

Thánh Thần là mối hiệp thông, ai ở ngoài sự hiệp nhất thì không thể lãnh nhận Thánh Thần « phải duy trì sự hiệp nhất của Thánh Thần nhờ mỗi dây liên kết hòa thuận » (Ep 4, 3). Nếu trước kia các tông đồ tranh nhau xem ai là người lớn nhất (x. Lc 22, 24) thì giờ họ đồng tâm nhất trí, một tấm lòng. Bầu khí hiệp nhất và hòa thuận chỉ được khi mỗi người không chỉ cầu cho riêng mình mà còn cho mọi người và đó là lời cầu nguyện của cộng đoàn được Chúa chấp nhận « ở đâu có hai hay ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở đó giữa họ ». Sức mạnh của lời cầu nguyện được nhân lên nhờ đức ái, hiệp thông.

Khi đời sống cầu nguyện tròn đầy thì phát ra bằng hành động, ai nấy để mọi của riêng làm của chung, hiệp thông trong chia sẻ của cải vật chất là kết quả hiệp thông trong đức tin. Các tín hữu không muốn bất cứ ai trong cộng đoàn phải sống thiếu thốn khốn khổ, đây là đức ái huynh đệ giữa họ. Việc hợp nhất là kết quả của đức tin của việc cầu nguyện. Từ hiệp nhất trong cầu nguyện đến việc đồng tâm để chung của cải và phân phát cho mọi người trong cộng đoàn. Việc để chung này vừa là sự quảng đại, sẵn sàng của mỗi người vừa để giúp thăng tiến cộng đoàn “để không ai phải thiếu thốn”. Điểm nổi bật của cộng đoàn tiên khởi là sự hiệp nhất, đức tin không chỉ là câu hỏi cá nhân mà còn trong tương quan với cộng đoàn, từ đó phát xuất một cộng đoàn đúng nghĩa cả về đời sống thiêng liêng lẫn vật chất.

4
Cộng đoàn sứ vụ

Từ mối liên kết trên đưa đến kết quả là thực thi lệnh truyền quan trọng của Đức Giêsu : “ Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samarie và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Điều kiện để được chọn làm tông đồ thay thế Giuđa phải là người đã cùng sống, chứng kiến các việc Chúa làm và nghe các lời Chúa nói. Vậy người đó phải là chứng nhân trực tiếp mới được làm Tông Đồ, bởi chức vụ được trao không nhằm người lãnh nhận mà  nhắm sứ vụ được trao. Sứ vụ các ông cần thi thành đó là rao giảng Tin Mừng. Hoạt động truyền giáo của các ông theo một tiến trình ưu tiên nhất định : trước hết là Giêrusalem, nơi đó cừa là trung tâm tôn giáo và chính trị, vừa là cái nôi của Dothái giáo, rồi mở ra cho dân ngoại; Tin Mừng mang tính phổ quát. Giêrusalem sẽ làm điểm xuất phát Tin Mừng cho các dân tộc; kế đến là Giuđê, đây là điểm giao lưu văn hóa và trung tâm Samarie, vẫn bị người Israel coi là thù địch với họ. Những người bị coi là “ngoại lai” thì các Tông Đồ và các tín hữu coi họ là bạn hữu vì đáng được đón nhận Tin Mừng và hưởng ơn cứu độ. Sứ vụ không chỉ dừng lại ở đất Palestine mà “đến tận cùng trái đất”, có thể hiểu Tin Mừng này được loan báo đến Roma xét về mặt xã hội, nhưng nếu hiểu về mặt tôn giáo thì đến mọi dân tộc, không giới hạn địa dư, vì Tin Mừng cần được loan báo cách rộng rãi và ơn cứu độ được ban đến cho mọi người.  Tin Mừng xuất phát từ thủ đô Giêrusalem, cái nôi của tôn giáo lan sang đến tới thủ đô ngoại giáo là Roma. Vậy kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được ủy thác cho người Tôi Trung trong Is 49, 6 được Đức Kitô thực hiện và các Tông Đồ nối tiếp, mới hoàn thành. Lễ Hiện Xuống này có tính dứt khoát hơn lễ Hiện Xuống thứ nhất ở Sinai khi Đức Chúa ban lề luật cho dân trên núi Sinai, vậy đây là lễ Ngũ Tuần mới.

Ngày lễ Ngũ Tuần, các tín hữu tiên khởi được đầy Thánh Thần, là điểm phát xuất cho việc loan Tin Mừng; đặc điểm ngày lễ này là ơn ngôn ngữ, Luca mô tả hiện tượng lạ nơi các Tông Đồ : Thánh Thần như hình lưỡi lửa đậu xuống trên từng người; lưỡi lửa là lời nói của các tông đồ sau này như lửa vừa để tẩy sạch tâm trí người nghe khỏi mọi tư tưởng sai lầm để nghe lời Thiên Chúa, vừa để hun đúc trong tâm hồn thính giả lòng tin yêu Thiên Chúa; các ông giảng để khơi dậy đức tin.

Bài giảng đầu tiên của Phêrô cho thính giả là những người Dothái, ông công bố nhiều biến cố về Đức Giêsu, về cuộc khổ nạn, phục sinh và lên trời vinh hiển. Ngài được tôn vinh làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô. Bài giảng này nằm trong bối cảnh lễ Ngũ Tuần, nên có tầm quan trọng đặc biệt nơi người Dothái. Một trang sử mới bắt đầu, Thánh Thần biến đổi lịch sử và khai mạc một trật tự mới cho thế giới.

Cộng đoàn được toàn dân thương mến và Chúa cho ngày càng nhiều người tin theo. Sau bài giảng của các Tông Đồ, đặc biệt là Phêrô, các tín hữu không do cảm tính hay hoàn cảnh nào mà tin theo Chúa, nhưng việc họ quay trở lại và do Đức Giêsu lôi kéo khi họ nghe giáo huấn của các Tông Đồ để trở lại và sống hiệp thông trong hội thánh. Đồng thời, đời sống thanh đạm, hiệp thông, cầu nguyện của các ông là chứng tá cho lời giảng và từ đó có sức hấp dẫn, để rồi “ Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 47).

Tạm kết

Trở về với Cộng Đoàn Tiên Khởi để suy nghĩ về Hội Dòng hiện tại ta đang sống. Với ba chiều kích trên, cần tự chất vấn : tôi đã dành bao nhiêu thời gian cho việc cầu nguyện ? Có câu nệ vào những giờ được quy định hay cầu nguyện liên lỉ, mọi nơi, mọi lúc như nhu cầu hít thở ? Cầu nguyện với tâm tình như thế nào, cho ai và với mục đích gì ? Tôi đã sống hiệp nhất bên trong và bên ngoài chưa? Sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Chúa ủy thác qua Hội Dòng tôi đã thực hiện được bao nhiêu và như thế nào? Tất cả những câu hỏi đó không phải là bài toán cần câu đáp án đúng mà là cần lối sống đúng, đúng với chính mình, với Chúa và tha nhân. 

 

Nt. Catarina Thùy Dung
114.864864865135.135135135250