29/03/2016 -

Linh Đạo

1309
Cầu nguyện theo gương THÁNH ĐA MINH (1)

CẦU NGUYỆN

THEO GƯƠNG THÁNH ĐA MINH (1)

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP. chuyển ngữ

 

Lời giới thiệu.

Có lẽ anh chị em trong gia đình Đa Minh đã có lần nghe nói tới các lối cầu nguyện của thánh Đa Minh. Nhưng có lẽ ít ai đặt câu hỏi xem chúng ta có thể học hỏi gì từ những đường lối ấy? Chúng ta có thể áp dụng trong đời sống cầu nguyện của mình hay không? Hơn thế nữa, có đáng quảng bá hay không? Một chị nữ tu dòng kín đã giúp chúng ta trả lời những câu hỏi đó.

Chị đã viết một tập sách nhỏ dành cho các bạn trẻ Italia, để tập cho họ cầu nguyện. Sau khi trình bày sơ qua các hình thức cầu nguyện của Đa Minh, chị đã thúc giục các bạn trẻ cũng hãy học hỏi cầu nguyện cũng như Đa Minh.

Chúng tôi xin dịch lại để tặng các bạn trẻ gia đình Đa Minh ở Việt Nam, với vài thích nghi nho nhỏ.

Tập sách được chia làm hai phần. Phần đầu gồm chín cách cầu nguyện của Đa Minh, cộng thêm lời cầu nguyện phụng vụ. Phần thứ hai kéo dài việc cầu nguyện ra hoạt động tông đồ, đúng như linh đạo của Đa Minh, dựa trên các tài liệu lấy từ bản án phong thánh (viết tắt: PT).

MARIA PIA FRAGNI, Come Domenico, Edizioni Dehoniane, Roma 1994.

--------------
 


PHẦN I.

CHÍN CÁCH CẦU NGUYỆN CỦA THÁNH ĐA MINH

 

1. Thờ lạy ngợi khen

Đứng thẳng trước bàn thờ, Đa Minh cúi sâu xuống, tựa hồ như bái chào đức Kitô thực sự đang hiện diện trân bàn thờ. Sau khi đã cúi mình một hồi lâu như vậy, Đa Minh đứng thẳng người lên, và nghiêng đầu nhìn ngắm đức Kitô là đầu của mình, đối chiếu vẻ uy nghi cao cả của Ngài với sự thấp hèn của mình, rồi bộc lộ tâm tình cung kính thờ lạy.

Khi bạn đi ngang qua nhà thờ và thấy cửa mở, bạn cũng hãy bước vào. Bạn hãy để cho tâm tình cung kính được bộc lộ trước mặt Thiên Chúa đang hiện diện, và hãy quỳ gối thờ lạy Người: "Hãy vào đây, ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta" (Tv 94,6). Hãy suy đến Thiên Chúa cao cả, bao la, quyền năng như thế nào, rồi bạn hãy tự hỏi: "Tôi là gì mà được Chúa thương yêu như vậy?" "Con người là chi, mà Chúa nhớ đến; phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?" (Tv 8,5).

Cũng như Đa Minh, bạn hãy trở nên khiêm tốn trước nhan Đấng Thánh Thiện cao trùng nhưng đã từ bỏ vẻ uy nhan của Người vì chúng ta: "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa" (Pl 2,6).

Bạn hãy dâng lên Người mọi danh dự và vinh quang: "Lạy Chúa, thật con là đầy tớ, không đáng được Chúa đối xử với tất cả lòng khoan nhân và trung tín như vậy" (St 32,11). Chúa sẽ nhìn đến bạn khi bạn tỏ ra bé nhỏ. Chúa sẽ nhậm lời bạn khi bạn khiêm nhường.

Hãy vào trong tim của bạn và thưa với Chúa rằng mình bất xứng với Người.

2. Thống hối và tín thác

Đa Minh thường cầu nguyện nằm sấp mình xuống đất. Cha giục lòng thống hối, nhớ tới lời của người thâu thuế và kêu to lên ra như để cho Chúa nghe thấy: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13). Thế rồi cha oà lên khóc lóc thống thiết.

Khi bạn ở trong phòng hay ở nhà nguyện, và chợt cảm thấy nổi lên tâm tình thống hối ăn năn : "Tại sao tôi đã làm như vậy nhỉ? tôi đã có thể chống trả được, tôi có thể thắng được; thế mà tôi đã phạm tội!". Bạn đừng hoảng. Bạn đang có một đồ quý để hiến cho Chúa Giêsu đấy; nhưng mà bạn hãy làm ngay đi, đừng khất lần tới bữa khác. Hãy hiến cho Chúa tội lỗi của bạn! Bạn hãy để thân thể mình chạm tới đất (hay ít là trong tâm trí). Bạn thấy không: mình chỉ là một nhúm đất thôi. Thế nhưng nếu bạn ở trong tư thế khiêm nhường thống hối như vậy, thì lòng nhân từ của Chúa sẽ che phủ bạn. Bạn hãy lặp lại với lòng đau đớn: "Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13). Kìa Chúa đang giang tay ra. Người muốn cho bạn chỗi dậy.

Cũng như Đa Minh, bạn hãy tưới mặt đất với nước mắt. Bạn không cảm thấy trào ra trong tim niềm hy vọng sẽ được tha thứ đó sao? Một giọng nói thỏ thẻ với bạn: "Con hãy đi bình an". Nhưng bạn đừng ra đi vội; hãy dừng lại chút nữa, không phải để khóc mà là để cảm tạ tình thương lân tuất.

Chính nhờ được tắm trong bể nước mắt thống hối như vậy mà bạn sẽ tìm lại được tuổi trẻ thiêng liêng, lãnh được sự sáng suốt và sức mạnh để chiến đấu với sự Dữ luôn rình chực ám hại những người tôi trung của Chúa.

3. Hãm mình đền tội

Đa Minh chỗi dậy và dùng một roi sắt để đánh mình, đang khi nguyện: "Lạy Chúa, Ngài ban ơn cứu độ làm khiên mộc chở che con, Ngài đưa tay uy quyền nâng đỡ, săn sóc ân cần giúp con lớn mạnh".

Bạn nên biết là ma quỷ thường hay lừa gạt bạn rằng lương tâm của bạn yên  ổn lắm, thậm chí hắn còn xúi giục bạn hãy cảm thấy thoải mái khi tuân hành điều hắn xúi giục. Hơn thế nữa, thỉnh thoảng có người quả quyết rằng làm gì có tội lỗi! Duy chỉ khi nào bạn đối diện với Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta, thì bạn mới thấy thế nào là tội lỗi, và bạn cần phải sửa đổi lối sống của mình. "Tôi nhớ lại, và tôi đau đớn trong lòng" (Giob 42,6). Bạn sẽ khám phá rằng mình yếu ớt, tiền hậu bất nhất, cũng như bạn sẽ mở mắt để nhìn thấy bao nhiêu cảnh yếu đuối, giả dối, tội lỗi của nhân loại.

Cũng như Đa Minh, bạn hãy nhìn nhận rằng mình cần có ơn Chúa để làm lại cuộc đời. Bạn cũng cần được lãnh ơn tha thứ của Chúa :"Nếu ta nói rằng mình không có tội thì ta đã lừa dối chính mình, và chân lý không ở với ta" (1Ga 1,8). Dĩ nhiên bạn không cần phải dùng roi sắt để trừng phạt các tật xấu của mình; nhưng bạn cần phải thâm tín về sự cần phải cắt bỏ - cho dù rất đau xót - những thói hư làm căn cớ cho những bất trung. Đã đến lúc cần phải học tập hy sinh đau khổ và hiến dâng. Đó là những cử chỉ nho nhỏ nhờ đó bạn van nài xin Chúa xót thương, đồng thời cũng biểu lộ lòng dốc quyết bảo vệ đời sống ân nghĩa với Chúa. "Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới nơi anh em ... anh em hãy mặc lấy con người mới, như những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương, có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại" (Cl 3,5.12).

4. Tạ ơn tha thứ

Đa Minh nhìn cắm mắt vào Thánh giá, chăm chú chiêm ngắm, bái gối nhiều lần. Đa Minh muốn bắt chước người phong phủ phục dưới chân Chúa Giêsu và van nài: "Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa con lành" (Lc 5,12). Đa Minh lại quỳ gối xuống bắt chước Têphanô kêu lên: "Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ" (Cv 5,12). Đa Minh đứng lên, cảm thấy  đầy tin tưởng nơi lòng lân tuất của Chúa đối với mình và với hết mọi tội nhân cũng như ơn che chở những tu sĩ trẻ được sai đi giảng.

Dù bạn là ai, ở bậc nào, tội lỗi tới đâu đi nữa, bạn đừng bao giờ ngã lòng. Bạn hãy sửa mình. Đừng mất giờ dậm chân bức tóc trách móc tức tối, nhưng hãy chạy tới gần Thánh Giá, và nhìn lên đức Kitô chịu đóng đinh. Người là Chiên Thiên Chúa đã hiến tế để xóa tội trần gian. Bạn hãy mạnh dạn thưa với Người: "Lạy Chúa, con là kẻ tật nguyền, và con sợ lắm!". Rồi bạn hãy để cho Chúa nói. Bạn sẽ nghe câu trả lời như thế này: "Hãy nhìn lên Cha!".

Bạn sẽ thấy ra như cánh tay của Người tách ra khỏi thập giá để ôm chầm lấy bạn. Hãy ngắm nhìn Thập giá đi. Những đau khổ của Chúa thật vô biên. Tuy không có tội tình gì nhưng Người đã lãnh lấy số phận tội nhân, vì bạn, và những ai giống như bạn. Người đã làm như vậy vì muốn nói với bạn rằng lòng lân tuất của Chúa thì lớn hơn tội lỗi của bạn.

Cũng như Đa Minh, bạn hãy chăm chú nhìn ngắm Thánh giá. Hãy để cho cặp mắt Chúa thu hút bạn. Những vết thương của Người nói lên tình thương: "Nhờ những thương tích của Người mà anh em được chữa lành" (1Pr 2,25). Người cũng đã đổ ra một giọt máu cho bạn: "Đây là máu đổ ra cho muôn người" (Mc 14,24). Hãy để cho Người rịt thuốc băng bó và bạn sẽ thấy mình được biến đổi. Từ con tim, bạn sẽ ước ao được thốt lên: "Lạy Chúa, xin tha thứ cho hết mọi người, và xin gìn giữ tất cả trong tình yêu của Ngài".

5. Lắng nghe suy niệm

Trước bàn thờ, Đa Minh đứng thẳng người, xoè bàn tay ra trước ngực tựa hồ như đang đọc sách, và đứng trong tư thế ấy cách sốt sắng. Đôi khi, Đa Minh chắp hai tay lại nắm mắt cầm trí, rồi giang tay ra ngang tầm của đôi vai ra như đang muốn nghe điều gì đó.

Có lúc bạn cảm thấy sự hiện diện của Chúa chiếm đoạt toàn thân bạn, lôi cuốn bạn, khiến bạn tự hỏi: "cái gì thế này?". Bạn đang chứng kiến một mầu nhiệm đấy! "Tôi phải làm gì đây?". Bạn hãy đón nhận thôi! Hãy để cho mầu nhiệm thấm nhập vào thâm tâm của bạn, trong thinh lặng, và trong khiêm tốn. Bạn hãy hòa điệu với Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng: suy niệm có nghĩa là hiệp thông với tình yêu của Chúa (Rm 5,5).

Cũng như Đa Minh, bạn hãy đứng, tựa như một người sắp lãnh nhận cái gì đó và sẵn sàng lên đường. Hãy mở lòng bàn tay ra để cho Thánh Thần viết Lời của Người dành cho bạn. Hãy đọc, và để cho nó nhập trong con tim. Hãy cầu xin thế này: "Tôi muốn sống lời ấy! Lạy Chúa Giêsu, với Chúa cùng con con có thể làm được" (Pl 4,13). Rồi bạn chắp tay lại, và sau đó giơ cao lên: "Lạy Chúa, suốt cả ngày con kêu lên Chúa và giơ tay hướng thẳng về Ngài" (Tv 88,10). Đứng yên một lát. Hãy để cho mình được biến chuyển ngay từ thâm tâm. Bạn càng biết đón nhận bao nhiêu thì bạn càng có khả năng trao ban bấy nhiêu.

6. Chuyển cầu

Đa Minh đứng thẳng người, giang thẳng tay ra như hình thánh giá. Chính trong tư thế cầu nguyện như vậy mà tại Rôma, Chúa đã cho một chàng thanh niên tên là Napoléon sống lại, hoặc khi cứu một đoàn hành hương người Anh bị đắm ở một dòng sông. Cũng trong tư thế ấy mà có lần người ta thấy thân cha được nhấc cao khỏi mặt đất đang lúc cử hành Thánh lễ. Tuy nhiên cha chỉ sử dụng cách thế này khi được Chúa linh ứng. Ra như Đa Minh muốn để cho lời cầu nguyện nhấc bổng mình lên tới Chúa, hay là vì được Chúa soi sáng phải xin một ơn gì khác thường cho mình hay cho người khác cho nên cha phải dùng lời lẽ của vịnh gia Đavit, lửa nồng của Elia, lòng sốt mến của đức Giêsu hay với chính tình yêu của Chúa.

Khi cầu nguyện, bạn có điều quan trọng phải xin Chúa. Bạn cũng có lúc nghe thấy lời này: "Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, lắng nghe con nài van bởi Ngài thành tín" (Tv 143,1). Hãy tỏ cho Chúa điều bạn ước nguyện.

Bạn là một người nghèo trước mặt Người, và bạn biết rằng duy có Người mới nhậm lời bạn được.

Cũng như Đa Minh, bạn hãy giang tay giống như Chúa Cứu thế. Từ Thánh giá, bất cứ điều gì cũng có thể thành hiện thực. Bạn hãy thưa to tiếng với Chúa: "Khi con hướng về nơi cực thánh, giơ đôi tay cầu cứu van nài, xin Ngài nghe tiếng con khẩn nài" (Tv 28,2). Bạn hãy buông thả theo tâm tình phó thác: "Lạy Chúa, con biết Ngài là ai và Ngài thương con. Chừng đó đủ rồi. Xin giúp con hiểu đường lối Chúa". Ngọn lửa yêu mến và tin tưởng sẽ thiêu đốt bạn. "Tôi sẽ đạt được... chừng nào Chúa muốn, lúc ấy Ngài sẽ cho lòng mong đợi của tôi được toại nguyện".

7. Khẩn nài

Khi Đa Minh cầu nguyện, lắm lần cha giơ hai tay thẳng lên trời, ra như phóng mũi tên lên không trung; có lúc cha chắp hai tay lại ở trên đầu có khi cha tách ra như là phải đón nhận cái gì đó.

Nhiều lần bạn cần phải lựa chọn hay quyết định điều gì, nên bạn cần có ý kiến chắc chắn. Bạn đi bàn hỏi với người thân tín, nhưng không phải lúc nào bạn cũng thấy các do dự áy náy tiêu tan. Có một kẻ cần được thỉnh ý hơn cả, nhưng thường lại hay bị lãng quên hơn hết. Lý do là tại vì đức tin của bạn chưa mạnh đủ đến nỗi có thể tin rằng từ trời cao bạn có thể nhận được những lời giải đáp chắc chắn. "Ai tin tưởng vào Chúa sẽ được an toàn" (Hc 29,25). "Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước Thánh nhan, được chấp nhận như hy lễ ban chiều" (Tv 140,1-2). Hãy khát khao hết lòng tìm kiếm Chúa, bằng cách lắng nghe Lời Người, cầu xin Thánh Thần của Người: "Suốt đêm trường hồn con khao khát Chúa, sáng sớm mai tinh thần con tìm kiếm Ngài" (Is 26,9). Bạn không nhận ra rằng đây là giây phút hồng ân dành cho bạn, khi mà bạn cảm thấy được nhấc bổng lên trời và Thánh Thần được trút xuống cho bạn giống như xưa kia với Đa Minh, để thực hiện cuộc canh tân bằng các linh ân hay sao? Bạn hãy để cho Thánh Thần dìu dắt bạn: "Thánh Thần Chúa tới giúp đỡ sự yếu hèn của ta, bởi vì ta không biết phải cầu xin điều gì cho thích hợp nữa" (Rm 8,26). Một tí chút êm ái ngọt ngào từ những chân phúc ấy đủ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc giống như Đa Minh, tuy phải đối chọi với bao trắc trở cuộc sống. Bạn sẽ đương đầu với các vấn đề với lòng can đảm và lạc quan khi biết rằng mình không cô đơn một mình. "Chúng ta có thể tin tưởng khẳng định rằng: Thiên Chúa là kẻ phù trợ của ta" (Dt 13,6).

8. Chiêm niệm: lectio et contemplatio

Sau khi lòng được hun nóng nhờ Lời Chúa nghe ở cung nguyện hay nhà cơm, Đa Minh rút lui vào chỗ cô tịch để đọc sách thánh và cầu nguyện. Cha ngồi xuống yên tĩnh, làm dấu thánh giá, mở sách ra và đọc. Linh hồn cha cảm thấy sự xúc động ngọt ngào như thể chính Chúa nói chuyện vậy,  như có lời chép: "Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán" (Tv 84,9).

Thiên Chúa muốn ngỏ lời với bạn, và thậm chí cảm thấy cần phải nói chuyện Ngài. Thế thì bạn đừng phí thời giờ vào những chuyện  phù phiếm. Hãy dẹp các chuyện khác qua một bên. Tìm một quyển Sách thánh, mở ra và đọc. Hãy dừng lại trên Lời của Chúa. Chúa Cha kể lại lịch sử của công cuộc cứu độ bạn. Chúa Con thuật lại tình yêu dành cho bạn. Bạn thấy chưa? "Lạy Chúa, không phải là con đi tìm Chúa nhưng là Chúa tìm con". Bạn hãy từ từ lật từng trang sách, và để cho Lời Chúa chinh phục và cảm kích mình.

Cũng như Đa Minh, trong thinh lặng và hồi tâm, bạn hãy tiếp đón Chúa, đi từ đọc sách sang cầu nguyện; bạn hãy cảm nghiệm sự xúc động ngọt ngào của một kẻ may mắn được hầu chuyện với Chúa. Tuy nhiên, tiếp đón Lời Chúa có nghĩa là "nghe lời" Chúa; như vậy bạn sẽ trở thành lời mà bạn đã nghe: "Hình ảnh của Đấng nói với bạn".

9. Cầu nguyện liên lỉ

Đa Minh tiếp tục cầu nguyện cả khi đi đường, nhất là khi đi ngang một chỗ thanh vắng. Đa Minh tiến lên trước hay lùi lại đàng, vừa đi vừa suy gẫm, để cho lòng sốt sắng được hun nóng.

Rất nhiều người than rằng họ không có giờ để cầu nguyện. Thậm chí nhiều người thuộc giới nhà tu cũng không kiếm ra giờ cầu nguyện bởi vì quá bận rộn với hoạt động tông đồ. Và có lẽ bạn cũng rơi vào tình trạng đó: "tôi muốn cầu nguyện lắm, nhưng không có giờ!". Này bạn ơi, mỗi giây phút bạn sống là do Chúa ban đấy, và cặp mắt Người không ngừng theo dõi bạn. Chính Chúa ban cho bạn ngày tháng, giờ giấc đấy, bởi vì Người là chủ tể thời gian. "Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi" (Tv 90,4).

Đây không phải là chuyện giờ giấc cho bằng ước muốn. Khi cầu nguyện bạn khám phá ra rằng Chúa ở bên cạnh mình. Bạn cảm thấy Ngài sống động, và điều đó thúc đẩy bạn tìm kiếm Người liên lỉ không ngơi. Nếu bạn thực tình ước muốn thì bạn sẽ biết tổ chức giờ giấc.

Cũng như Đa Minh, bạn hãy chất đầy đời sống bằng cầu nguyện. Dù ở bất cứ nơi nào, trong nhà thờ hoặc trong phòng riêng, khi đi trên đường phố, lúc ngồi trên xe, hãy để cho con tim ca hát ngợi khen Chúa. Nếu bạn biết mở mắt và tim bạn biết yêu, thì đâu đâu bạn cũng khám phá cái gì đó giục giã bạn cầu nguyện. Một nữ giáo dân dòng Đa Minh đã thuật lại rằng: khi đi xe với chồng tôi, tôi cầu nguyện cho anh đang cầm tay lái và cho những người đã qua mặt; rồi đảo mắt nhìn phong cảnh tôi cảm thấy trào lên lời cảm tạ. "Ôi lạy Chúa, Chúa cao cả biết chừng nào. Xin tạ ơn Chúa". Khi bạn phải đi gặp gỡ một người nào, bạn hãy thưa: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến", và rồi bạn sẽ cảm thấy sức mạnh và ánh sáng giúp bạn. Buổi tối, khi thân xác đã mệt nhoài và đầu óc nặng trĩu, bạn hãy lâm râm: "Muôn lạy Chúa Kitô ánh sáng, bừng lên cho khuất dạng đêm đen, hào quang muôn thuở diệu huyền soi đường tín hữu đi trên cõi đời", và bạn sẽ cảm thấy giấc ngủ yên hàn.

10. Kinh nguyện phụng vụ

Đa Minh thường hay thức đêm cầu nguyện cho tới giờ Kinh Đêm; cha cũng tham dự giờ kinh với anh em; và đi từ phía này sang phía kia để thúc giục các anh em hãy hát kinh lớn tiếng và sốt sắng. (PT 37)

Có lẽ đối với bạn, kinh nguyện phụng vụ tối tăm khó hiểu, không đánh động tâm tình cho lắm. Thực ra, muốn tham dự kinh nguyện phụng vụ cách tích cực, bạn cần phải qua một lớp khai tâm nhất là về Kinh thánh. Một khi đã hiểu được bản chất của nó, bạn sẽ thấy thích thú với kinh nguyện phụng vụ. Ngoài những thánh thi, thánh ca, bạn sẽ thưởng thức các thánh vịnh gồm chứa không những là Lời Chúa nói với bạn nhưng còn là những lời của con người bộc lộ tâm tình với Chúa. Bạn có thể gặp trong thánh vịnh những lời để cầu nguyện với Chúa vào bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, và đó cũng là lời của Chúa nữa. Khi đọc: "lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài con đang ẩn náu" (Tv 15,1), bạn cảm thấy được che chở an toàn. Khi muốn tạ ơn bạn có thể đọc: "Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con" (Tv 29,2). Lời cầu của bạn trở nên bản tình ca khi bạn đọc: "Lòng trào dâng những lời cẩm tú, miệng câm thơ mừng chúc hát thánh quân" (Tv 44,2). Bạn thấy chưa: thú vị biết mấy khi bạn cầu nguyện với Chúa bằng chính lời của Chúa?

Cũng như Đa Minh, bạn hãy trở nên men hăng say cầu nguyện. Hãy để cho lời cầu nguyện của bạn trở thành Phụng vụ liên lỉ; theo gương Đa Minh, bạn hãy tụng niệm, ca hát, suy gẫm, thờ lạy. Bạn hãy trở nên lời ngợi khen sống động. "Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài" (Tv 88,2). Bạn đã đặt một nền tảng chắc chắn cho lòng tin và lời nguyện của mình; nhờ vậy lời nguyện trở nên niềm ngon ngọt tràn lan thấu tận cõi lòng.  Nhất là khi bạn tham dự Thánh Thể thì còn nói gì nữa: "Mình Người là sức bổ dưỡng cho linh hồn; Lời Người là đèn soi cho bước đi" (Sách Gương phúc). Bạn hãy theo gương Đa Minh, kết hợp với bản hòa tấu mà toàn thể Hội thánh hợp với vũ trụ để chúc tụng Thiên Chúa.

114.864864865135.135135135250