05/12/2016 -

Linh Đạo

1305
Đời sống chung Đa Minh - thuộc về Chúa và thuộc về nhau

ĐỜI SỐNG CHUNG

THUỘC VỀ CHÚA VÀ THUỘC VỀ NHAU

 

Cha  Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP chia sẻ chủ đề “Đời sống chung” qua đề tài: “Thuộc về Chúa và thuộc về nhau” với ba ý chính: (1) Thuộc về nhau; (2) Bệnh cây che mất rừng; (3) Chiêm ngắm huyền nhiệm. Sau đây là dàn bài chi tiết cha muốn trình bày với cộng đoàn.

1. Thuộc về nhau

Bản chất con người là yêu thương, nên nhu cầu căn bản của đời sống con người là yêu thương. Tuy nhiên, hình như con người thường không xứng tầm với tình yêu. Do vậy, là con người, ai cũng khát vọng được sống trong tình yêu, nhưng lại không có mấy người biết yêu thực sự, dám yêu thực sự, dám đi trọn con đường yêu thương của đời mình. Mặt khác, vì không xứng tầm với tình yêu, nên con người thường tìm nhiều cách né tránh để từ chối tình yêu chân chính, để biến tình yêu thành một thứ tình cảm nổi trôi theo thời cuộc, để chỉ biết “yêu” như một kẻ đòi hỏi người khác, yêu như một sự chiếm hữu hoặc hưởng thụ ích kỷ cho bản thân mình, hoặc yêu như một hợp đồng sòng phẳng …. Tình yêu bệnh hoạn bộc lộ trong khát vọng thống trị, chiếm hữu, đòi hỏi người khác theo ý mình… Trong khi đó, tình yêu chân chính bộc lộ trong nhu cầu “thuộc về”. Con người cô đơn không phải là con người sống đơn độc một mình, nhưng là người không thuộc về ai cả. Người ta có thể sống bên cạnh người khác, sống trong một xã hội hay một tập thể đông đảo nhưng vẫn cô đơn, vì cảm thấy mình không thuộc về ai và không ai thuộc về mình.

Một người độc thân thường có được nhiều “tự do” để làm điều mình muốn, sống theo kiểu mình thích, và có thể người đó cũng sung sướng hơn người sống trong đời sống gia đình… nhưng người độc thân cũng thường không có được niềm hạnh phúc “thuộc về” : tôi thuộc về ai đó để tôi có thể tin tưởng phó thác trọn cuộc đời tôi cho người đó; ai đó thuộc về tôi để tôi có thể cống hiến trọn vẹn bản thân tôi cho người đó. Không “thuộc về” ai cả, người ta phải tự lo lấy cuộc đời mình, phải ưu tiên dự phòng cho tương lai đời mình, phải tính toán hơn thiệt cho bản thân mình trong từng “bài toán” cuộc đời, phải bao bọc cuộc đời mình bằng một lô những biện pháp an toàn… Ngược lại, sống trong tâm tình “thuộc về”, người ta sẵn sàng cống hiến và tin rằng mình cũng sẽ được lãnh nhận; người ta cống hiến trọn vẹn cho người thuộc về mình; và cũng tin rằng đời mình sẽ được lo lắng trọn vẹn khi cần thiết.

Khi người ta làm một căn nhà tạm thời, một căn nhà không có móng, thì điều quan trọng là phải nối kết kèo cột với nhau thật chắc. Nhưng khi người ta muốn dựng một căn nhà vững bền, thì điều quan trọng hơn là phải có nền móng vững chắc. Với căn nhà tạm thời, khi kèo cột bung ra, căn nhà sụp đổ. Nhưng với một căn nhà có móng, khi kèo cột rời ra, lung lay, lắc lư, nó vẫn có thể đứng được. Rồi người ta lại tìm cách nối kết kèo cột lại với nhau. Hình ảnh căn nhà như thế giống với những mối tương quan con người với nhau. Khi người ta “gá nghĩa” tạm thời, tình đồng nghiệp, tình nghĩa làng xóm… thì cần phải biết cư xử với nhau cho đẹp, phải biết điều, biết ngó trước nhìn sau, biết liệu cơm gắp mắm… bởi vì nếu “kèo cột” không ăn khớp với nhau, thì mọi sự sẽ đổ bể hết. Tuy  nhiên, trong đời sống gia đình, khi người ta chấp nhận bản thân của nhau, thì mặc dù những điều ăn khớp trên kèo cột vẫn luôn cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất lại chính là một sự “thuộc về nhau”, thuộc trọn về nhau; đây là một sự liên kết trong móng nền.

Nhiều khi, trong gia đình, anh chị em không hợp tính nhau, thường xuyên cãi vã… nhưng dù sao vẫn là anh chị em của nhau, vẫn thuộc về nhau từ trong dòng máu của mẹ cha, nên, nói gì thì nói, tức nhau làm sao đó, người ta vẫn phải dành ưu tiên những gì quí nhất cho những người thuộc về mình chứ không phải cho một người ngoài, dù họ rất hợp tính với mình.

Như thế, chúng ta hiểu ra rằng bí quyết của tình yêu không phải là sự ăn khớp tính tình, không phải chỉ là yêu thích những nét đẹp của nhau, nhưng căn bản hơn, đó là sống trong một nền tảng “thuộc về nhau”. Bí quyết đó là một thực tế hết sức quen thuộc của đời thường, ta có thể dễ dàng kiểm chứng và mọi người có thể sống được. Chẳng hạn : chúng ta có thể vào nhà thương ung bứu để thấy bao nhiêu cảnh khổ của cuộc sống con người, nhưng chiều về chúng ta vẫn cảm thấy thư thái, ăn ngon và ngủ ngon; vì những người đau khổ ấy, một cách nào đó, chưa dính dáng đến ta bao nhiêu. Cũng thế, chúng ta có thể chia vui với một người bạn xây xong một ngôi nhà khang trang, hoặc có con mới thi đậu đại học, những niềm vui đó chẳng sống động và sâu xa bao nhiêu so với bao nhiêu chuyện đang quay quắt trong quỹ đạo sinh hoạt thường ngày của cuộc đời mình. Ngược lại, nếu người nằm trong nhà thương Việt Pháp bị mổ ruột dư là em của tôi, người thi đậu tiểu học là cháu của tôi,… thì chắc chắn nỗi lo lắng và niềm vui của tôi sẽ sâu xa và mạnh mẽ hơn nhiều. Cái ruột dư bị đau chẳng quan trọng bằng cái bứu ác tính đang đe dọa tính mạng, văn bằng tiểu học chẳng là gì so với tờ giấy báo trúng tuyển đại học; nhưng những điều ấy lại dính dáng đến tôi, chúng được sống động do nguyên lý “thuộc về nhau”. Cũng thế, người thân của chúng ta chắc chắn chẳng hay hơn, chẳng tốt hơn, chẳng dễ thương hơn tất cả mọi người, nhưng điều quan trọng hơn là : đó là những người thuộc về tôi. Một khi đã xây dựng được một sự thuộc về nhau, tức là một sự đón nhận bản thân của nhau, người ta có thể vượt qua được những mâu thuẫn, những xung đột, hoặc những chướng ngại của một tật xấu nào đó, để có thể đón nhận người thuộc về mình một cách quảng đại và vô điều kiện.

Chính tâm tình thuộc về giúp con người có thể tìm thấy một sự bình an sâu xa, sự bình an của chính bản thân, bình an tự chính “móng nền” chứ không phải thứ an ổn do hoàn cảnh ổn định. Chính sự bình an bản thân như thế lại có thể giúp người ta thực sự trao tặng bản thân mình cho người mình yêu quí. Cuộc sống không phải chỉ là một bài toán sòng phẳng, thuận mua vừa bán, nhưng là một hành trình hiệp thông, gắn liền với phẩm chất của tình yêu, đó là hành trình gắn kết để người ta thuộc về nhau nhiều hơn.

Thực tại “thuộc về nhau” thường được hình thành nhờ hai yếu tố :

- một qui chế giao ước trọn vẹn, trong đó người ta không chỉ đóng góp những thứ “sự vật” bên ngoài bản thân, nhưng là đóng góp chính bản thân mình, làm nên một thứ “cộng đồng ngôi vị” (như đức Gioan Phaolô nói về gia đình), đây là thứ “giao ước” bản thân.

- một quá trình lịch sử lâu dài, trong đó người này chia sẻ vui buồn với người kia; liên luỵ với nhau trong khó khăn và hiệp thông với nhau trong những phúc lộc.

Cần lưu ý rằng, nếu “thuộc về” là một phẩm chất hoàn hảo căn bản thì “lệ thuộc” lại là một sự tệ hại của nhân cách. Khi người ta không thuộc về nhau bằng chính bản thân, mà lại phải nương nhờ vào nhau thì đó là tình trạng lệ thuộc. Trong tình trạng lệ thuộc, con người vẫn đặt bản thân mình bên ngoài mối liên kết, và nhờ tới những mối giây liên kết nào đó, như kinh tế, an toàn, kiến thức,…, để tìm kiếm lợi lộc cho bản thân mình. Ngược lại, khi đạt đến tình trạng thuộc về nhau, người ta có thể thiết tha về nhau, coi thành công hay thất bại của người kia cũng là thành công hay thất bại của chính bản thân mình.

Chúng ta có thể thấy rõ giao ước của bí tích Rửa Tội không phải là một thứ giao ước thuận mua vừa bán. Trong loại giao ước này, mỗi bên chỉ góp vào một phần sự vật nào đó của mình chứ không đóng góp chính bản thân mình. Ngược lại, trong giao ước “móng nền”, giao ước “ngôi vị” để làm nên một “cộng đồng ngôi vị”, người ta đem chính bản thân mình ra để “ký kết”. Trong giao ước ngôi vị như thế, mỗi bên không trao phó trọn vẹn bản thân mình cho nhau và cũng đón nhận trọn vẹn bản thân của người kia. Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta; và mỗi người Kitô hữu, khi lãnh bí tích Rửa Tội, chấp nhận chết đi cho con người cũ để sống một con người mới hoàn toàn, con người mới hoàn toàn thuộc về Chúa, từ lối sống cho tới cả những ý nghĩ thầm kín nhất….

Sống trong giao ước “móng nền” của bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa là Đấng “cùng phe” với mình, Thiên Chúa giúp mình “trả nợ đời” chứ Ngài không phải là ông chủ nợ. Đời sống đức tin của người Kitô hữu không phải là một  thứ “gông đeo cổ” làm cho con ngươi đã qua mệt mỏi vì cuộc sống phải sống trong tình trạng “một cổ hai tròng”.

Người ta cũng có thể thấy những yếu tố của giao ước móng nền trong đời sống Giáo hội. Trong giao ước của bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu không phải “đối phó” với anh chị em của mình sao cho đúng luân lý, nhưng được kêu gọi để “cưu mang” anh chị em của mình, để cùng đấu tranh với sự dữ của “thế gian”. Cũng thế, với một giao ước “móng nền” của lời tuyên khấn, điều cần phải thể hiện một cách rõ nét nhất là một sự quan tâm đến bản thân của nhau trong sự thông hiệp của một cộng đồng ngôi vị, chứ không phải chỉ quan tâm đến kỷ luật chung như một cộng đồng sự vật, chỉ dính dáng đến cách ứng xử tài khéo hoặc đức độ cá nhân.

Tuy nhiên, nếu nhu cầu thuộc về là một nhu cầu thật thì có lẽ cũng phải thú nhận rằng, nhu cầu thuộc về trong đời sống đức tin của người tín hữu Công giáo chưa được đáp ứng, cả trong giáo lý được tiếp nhận cũng như trong thực thế của sinh hoạt Giáo Hội. Lời giảng của các linh mục thường quá thiên về đòi hỏi luân lý chứ không công bố được thực tại Cứu Độ mà Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời người tín hữu. Không ít bản trẻ Công giáo cảm thấy thích thú khi được sinh hoạt trong một giáo hội khác hay một đoàn thể khác vì bầu không khí thân thiện mà họ được tham dự; điều mà họ không tìm thấy được trong bầu không khí của sinh hoạt đức tin Công giáo. Sinh hoạt phượng tự Công giáo quá nghiêm trang, trong đó, thường chiều kích cộng đồng không diễn tả được. Đi tham dự thánh lễ, người tín hữu Công giáo trở thành một người “vô danh” trong một đám đông vô danh. Ngồi, đứng, đọc kinh bên cạnh người khác, người tín hữu không có đuợc một cơ hội nào để làm quen với ai, nếu như không tự tìm kiếm cơ hội một cách lỗi luật (chia trí, nói chuyện trong nhà thờ). Ý nghĩa cộng đồng trong đời sống đức Tin Công giáo quá rõ trong quan điểm thần học nói chung cũng như trong thần học phụng vụ; thế nhưng những ý nghĩa ấy phải “lấy đức tin bù lại”, phải ráng suy nghĩ cho hiểu chứ không cảm nhận được trong bầu không khí phụng vụ Công giáo. Người trẻ Công Giáo, nhất là những bạn trẻ ở thành phố, không còn gắn bó với cộng đồng giáo xứ của mình. Họ không tìm thấy tình cảm thuộc về trong Giáo Hội và tìm cách bù đắp bằng cách đi tìm điều mới lạ ở những nhà thờ nào đó…

Những điều tương tự cũng có thể xẩy ra trong đời sống cộng đoàn. Văn kiện Đời sống Huynh Đệ trong Cộng Đoàn và tông huấn Đời Sống Thánh Hiến đã bắt đầu nhận ra một sự phân biệt cần thiểt trong đời sống cộng đoàn : sống chung và sống huynh đệ. Sống chung chỉ bắt buộc đối với một số dòng tu, đan tu và những Dòng xuất phát từ truyền thồng đan tu. Nhưng sống huynh đệ là một đòi buộc cho tất cả mọi tu hội trong Hội Thánh. Như thế, đời sống chung không phải là mục tiêu, nhưng là phương pháp để thể hiện tình huynh đệ. Một cách nào đó, ta có thể nói khi đời sống huynh đệ được thể hiện trong đời sống chung một cách chân thật, thì đó cũng là thể hiện thực tại thuộc về nhau một cách trọn vẹn hơn. Ngược lại, một khi đời sống cộng đoàn vẫn còn dừng lại ở mức độ “sống chung” mà không có phẩm chất sống huynh đệ, thì quả thật những tu sĩ trong những cộng đoàn ấy vẫn là những người hết sức cô đơn.

2. Bệnh cây che mất rừng

Tình trạng “cây che mất rừng” là một căn bệnh cố hữu trong thân phận con người giới hạn. Con người mở mắt ra nhìn cuộc đời, và tính cách xô bồ của cuộc sống lấn lướt, tràn ngập vào lòng mình. Những cái trước mắt, cụ thể, hoặc ngay cả những thứ chân lý nào đó gần như hiển nhiên với tâm trí vùi dập tất cả, trở thành điều duy nhất có thể đúng… rồi những điều đó, không dừng lại ở mức độ nhận định, chúng còn xô đẩy hành vi, lập trường sống, thái độ bày tỏ của mình để gạt bỏ những huyền nhiệm của cuộc đời, cùng với cả những huyền nhiệm cứu độ lạ lùng của tình thương Thiên Chúa. Suy tư triết học, nói chung, cũng thường có một sự dè dặt với tính cách xô bồ của cuộc sống bên ngoài (thế giới cúa những sự kiện, những điều thuộc lãnh vực của khoa học) và thiết tha tìm bản chất đích thực của cuộc sống nơi “tầng ý nghĩa”. Tính cách xô bồ ấy càng tỏ ra nguy hại khi ta nhìn tới con người. Ngoại trừ giai đoạn mà khoa học thực nghiệm muốn giản lược con người thành những dữ kiện thực nghiệm, chẳng hạn thế kỷ XIX, triết học luôn là một thái độ đi tìm bản chất con người ở một cái nhìn có tính toàn diện.

Dù vậy, khi khẳng định con người là một huyền nhiệm, G. Marcel đã làm một việc khá chỏi trong dòng tư tưởng duy lý của Tây Phương; và khẳng định của Marcel, ngày nay, được hầu hết mọi người chấp nhận. Quả thật, ở thế kỷ XX, người ta đã thấy những quan điểm thực nghiệm đơn giản hoá con người của thế kỷ XIX là quá ngây thơ và lỗi thời. Người ta càng có nhiều phương tiện để khảo sát con người bao nhiêu thì bóng dáng đích thực của con người lại càng vuột xa tầm tay của chính con người bấy nhiêu, không khác gì vận hành của một thứ tri thức đích thực, “càng học càng thấy mình dốt”, bởi vì chu vi của cái mình học biết càng dài rộng hơn để tiếp xúc với cái mình không biết.

Thật sự, chỉ riêng với một số quan điểm triết học, chúng ta cũng đã có thể thấy có những cách hiểu sâu xa và toàn diện hơn cách hiểu thông thường của đời thường. Nói theo H. Bergson, lối hiểu bằng cách “đi vòng quanh” để nhìn những trắc diện khác nhau, lối hiểu đó chỉ có giá trị cho những sự vật thuộc phạm trù “không gian”, là lối hiểu biết đặc trưng của khoa học. Trong khi đó, với sự sống, đặc biệt là với dòng ý thức của con người, mà phẩm chất căn bản mang tính liên tục của thời gian, thì người ta chỉ có thể am hiểu bằng cách dùng trực giác để đi vào bên trong. Đối với G. Marcel, con người cần được chiêm ngắm như một huyền nhiệm chứ không phải lo giải quyết như một vấn đề. Muốn “hiểu” huyền nhiệm con người, cần một “khoảng cách” đủ để có thể thấy được một chút “rừng”. Trong cuộc sống hằng ngày, những đụng chạm trước mắt, những lời nói và những cử chỉ cụ thể…dễ làm cho con người bị chi phối, hoặc bị ám ảnh… Thường khi sự “vắng mặt” của tha nhân lại là cơ may để người ta nhìn được rõ tính cách toàn diện hơn của một con người, chẳng hạn với người đã qua đời…

Cũng trong một ý nghĩa tương tự, có lần cha Timothy dặt câu hỏi nếu những vị thánh như Thomas, Martino… đang sống trong tu viện chúng ta hiện nay, liệu chừng chúng ta có đón nhận được không ? Tất cả những yếu tố ấy sẽ càng rõ rệt hơn nếu chúng ta đặt mình vào cái nhìn của Chúa. Chắc chắn Chúa nhìn người anh em mình khác hẳn với lối nhìn của mình. Điều không bao giờ dư thừa, đúng hơn là luôn luôn thiếu, điều có khả năng đặt nền cho mọi góp ý, nhận định về anh em của mình, điều diễn tả thái độ của một người có đức Tin, đó là thái độ trân trọng huyền nhiệm cứu độ của Thiên Chúa dành cho người anh em của mình.

Dĩ nhiên, đời sống cộng đoàn luôn phải có những quy định chung; mọi người anh em trong một cộng đoàn ít nhiều cũng phải có những tiêu chuẩn chung của đặc sủng dòng, … nhưng điều đó không bao giờ có thể đưa đến một thái độ “ăn đồng chia đều”, đưa đến lập trường cào bằng. Một khi não trạng “đồng nhi bất hoà” lấn lướt, thì ý nghĩa huyền nhiệm sẽ bị giảm thiểu; một khi căn bệnh xầm xì lan rộng, thì khả năng sáng tạo cuộc đời như một nghệ thuật sẽ khô cằn; khi mỗi thành viên trong cộng đoàn bị dòm ngó, thì bản năng đối phó sẽ trở nên thái độ thường trực và mọi sự thông hiệp bị rã tan… Người ta luôn bị cám dỗ tìm sự hiệp nhất dễ dãi bằng cách bỏ mọi thứ hổ lốn vào một cái bao. Ngược lại, con đường tìm sự hiệp nhất đích thực như là sự thông hiệp trong phẩm chất chung, vốn có bên trong từng cá thể (đường lối của thánh Thomas về các ý niệm phổ quát), luôn là nẻo đường phiêu lưu, có vẻ lỏng lẻo thì ít khi được chấp nhận.

Ở một mức độ rộng lớn và sâu xa hơn, ta còn thấy sự biến chất của đời sống cộng đoàn khi bầu không khí chung trong cộng đoàn bị biến thành một thứ “cộng đoàn chức năng” chứ không còn là một cộng đoàn phẩm giá. Trong cuộc sống bình thường, cả trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, người ta vẫn cứ chao đảo giữa phẩm giá và chức năng. Khi “nhìn xuống”, người ta nhận ra phẩm giá nhưng không nhận ra chức năng. Khi “nhìn lên”, người ta nhận ra chức năng mà lại quên mất phẩm giá. Những người tu sĩ “bình thường” thì tìm sự an ủi nơi “phẩm giá thấp kém” để không thấy ra một chút chức năng nào khác hơn là tuân giữ kỷ luật. Nhưng người khác có nhiều điều kiện thăng tiến thì không thể dễ dàng trở về phẩm giá cao quý nhất mà mình đã được lãnh nhận. Ngay trong đời sống Giáo Hội, thái độ ăn gian, lấy những tài năng được ban tặng nhằm thể hiện chức năng để tô vẽ thêm cho phẩm giá của mình, vẫn là điều ta có thể thấy ở mọi cộng đoàn, cộng đoàn giáo xứ cũng như cộng đoàn tu trì.

Một cách cụ thể, ta có thấy có ba loại hội họp trong cuộc sống cộng đoàn : họp thảo luận, họp học hỏi hay huấn đức và họp chia sẻ. Trong buổi họp thảo luận, những người giỏi sẽ là những người đóng góp nhiều nhất và tốt nhất. Đôi khi chúng ta có một chuyên viên giỏi, trình bày thấu lý một vấn đề, người khác có thể im lặng lắng nghe và chấp nhận hoàn toàn. Trong buổi họp học hỏi hoặc huấn đức, người chịu trách nhiệm sẽ đưa ra những bài học khúc chiết, hoặc những mẫu gương sáng để mọi người cùng noi theo. Họp chia sẻ thì mọi người cùng chia sẻ, không phải cái hay cái tốt của mình, nhưng có thể là những tâm tư, những trăn trở, những cảm nhận và mọi người lắng nghe sẽ hiểu, thông cảm để chấp nhận nhau nhiều hơn.

Họp thảo luận là những buổi họp có tính chức năng, để nhằm giải quyết một vụ việc xẩy ra; trong đó một người nào đó giỏi dang hoặc có điều kiện cần thiết thì có thể làm thay cho mọi người khác. Họp học hỏi hay huấn đức thì có liên quan đến mọi người, nhưng tầm quan trọng vẫn là người chịu trách nhiệm, sự thiếu vắng của một thành viên không trực tiếp ảnh hưởng đến cộng đoàn. Họp học hỏi hay huấn đức cũng nặng tính chức năng nhiều hơn. Trong buổi họp chia sẻ, mỗi người đều được mời gọi hiện diện một cách tích cực, điều chia sẻ của một thành viên nào đó là điều bất khả thay thế và phải được tôn trọng. Chủ đích của buổi họp chia sẻ không phải nhằm chức năng giải quyết một tình huống, một tình trạng, một vụ việc gì cả, mà chỉ là để mọi người đón nhận phẩm giá của nhau trong thực trạng bản thân của mỗi người.

Từ các mô hình hội họp cộng đoàn, ta có thể mở rộng ra để hiểu hơn về phẩm chất của chính cộng đoàn. Một bầu khí cộng đoàn nặng tính chức năng thì có những thành viên trở thành dư thừa, có những người có quyền nói nhiều, có quyền phê phán người khác. Hơn nữa, khi những tiêu chuẩn chung được xác lập một cách quá nhiều, hoặc như những tiêu chuẩn tri thức, hoặc như những tiêu chuẩn luân lý, thì những hoàn cảnh, những tâm tình riêng tư sẽ càng dễ bị phê phán. Một bầu khí cộng đoàn nặng tính chức năng sẽ không có chỗ để đón nhận, để đồng hành, để liên lụy những thành viên có vấn đề. Một cộng đoàn nặng tính chức năng, những người ưu tuyển sẽ là những người đắt giá nhất, và những kẻ bé mọn sẽ lại những kẻ dễ bị loại trừ nhất. Từ tiêu chuẩn này, ta có thể thấy một sự lệch lạc nào đó của bầu khí cộng đoàn đối với nhiệm cục cứu độ ưu tiên cho những người bé mọn mà Chúa Giêsu đã công bố như mầu nhiệm Nước Trời. Ta có thể thấy ở đây một thứ thần khí thế gian khác với sự tác động huyền nhiệm của Thần Khí Thiên Chúa.

3. Chiêm ngắm huyền nhiệm

Trang mạng giáo xứ Đa Minh có một clip khá hay, mang tựa đề : Hai Câu Hỏi Đạo Đức, mong các nhà hiền triết và các nhà luân lý giúp trả lời :

Câu hỏi thứ nhất : Giả như bạn biết một người phụ nữ đang mang thai, bà ta đã có 08 đứa con; trong số đó, 03 đứa bị điếc, 02 đứa bị mù, 01 đứa bị bịnh đao. Đã thế, bà ta còn bị bệnh giang mai nữa. Theo bạn, bạn có khuyên bà ấy phá thai không ?

- Câu trả lời là nếu bạn khuyên bà ấy phá thai, bạn đã giết đi một nhạc sĩ thiên tài, đó là nhạc sĩ Beethoven.

Câu hỏi thứ Hai. : Đang mùa bầu cử để tìm chọn một vị thủ lãnh thế giới, và lá phiếu của bạn có tính cách quyết định, bạn sẽ chọn ai trong ba ứng viên sau :

* Tính cách ứng viên thứ nhất : - luôn đàm đúm với các chính trị gia gian xảo và thường tin vào thầy bói; - có hai tình nhân; - hút thuốc như điếu đổ và uống 08 đến 10 ly rượu Martinis mỗi ngày.

* Tính cách ứng viên thứ hai : - hai lần bị đuổi việc; - thường ngủ nướng đến trưa; - hồi học cao đẳng có hút thuốc phiện; - mỗi tối thường nhâm nhi tới khuya ít nhất là một xị Whisky.

* Tính cách ứng viên thứ ba : - một anh hùng ngoài mặt trận và được gắn nhiều huy chương; - ăn uống khem khổ, thỉnh thoảng mới uống một ly bia; - không bao giờ nhăng nhít với đàn bà ngoài người bạn đời của mình.

+ Câu trả lời là : nếu bạn chọn ứng viên thứ nhất, thì đó là tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt; nếu bạn chọn ứng viên thứ hai thì đó là thủ tướng Anh Winston Churchill; và nếu bạn chọn ứng viên thứ ba, thì đó là Adolf Hitler.

Một thực tế lịch sử như thế cho ta thấy con người huyền nhiệm và cuộc sống huyền nhiệm. Thế nhưng, nếu như nhìn vào lịch sử của những nhân vật đặc biệt như Franklin D. Roosevelt, Winston Churchill, Adolf Hitler, hoặc thiên tài như Beethoven, người ta vẫn có thể có lý mà nói rằng đó là những trường hợp “ngàn năm một thuở”, thì tính cách huyền nhiệm ấy lại càng sáng lên biết bao dưới ánh sáng đức tin. Trong mầu nhiệm cứu độ, chúng ta có thể thấy phong phú vô cùng những vị thánh “bất ngờ” : cả 12 vị tông đồ chắc chắn không phải là những con người ưu tuyển; rồi trường hợp ông Giakêu, người con hoang đàng, tên “trộm lành”… đều là những vị thánh bất ngờ như thế. Hơn thế nữa, ánh sáng đức tin còn có thể cho ta thấy tình thương và ơn cứu độ của Chúa tỏ hiện cách đặc biệt cho những con người “bé mọn” không phải chỉ trong những trường hợp “ngàn năm một thuở”, mà là một sự phong phú “ngàn thuở một năm”, ngay trong đời sống Giáo hội và đời sống cộng đoàn hiện nay. Ánh sáng huyền nhiệm ấy thực sự phải là mầu sắc và mùi vị đặc trưng của Kitô giáo.

Có lẽ có một sự lệch lạc trong nguyên lý giáo dục đã diễn ra trong lịch sử Giáo hội, đó là một sự nghiêng lệch về tầm quan trọng của “giáo huấn” và “gương sáng”, đánh mất đi sức mạnh căn bản của “lời chứng”. Giáo huấn thì nhắm tới trí hiểu, gương sáng thì khơi dậy ý chí, nhưng chính lời chứng mới vực dậy niềm tin vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa.

Sức mạnh của “làm chứng” có thể tìm thấy ở đâu trong Giáo Hội hiện nay ? Tôi nghĩ rằng ta có thể tìm thấy nơi chính người nghèo, những người nghèo cả về thể chất và tinh thần, cả trong năng lực và đức độ, những người nghèo được cứu độ. Thật sự ra, “giáo huấn” và “gương sáng”, trong nền tảng của Kitô giáo, cũng phải là “lời chứng” một cách nào đó. Giáo huấn thể hiện chức năng “lời chúng” khi chính giáo huấn ấy được trải ra một quá trình được Lời Chúa cật vấn, khi giáo huấn bộc lộ một sự đảo ngược lối nhìn, khi người rao giảng nghiệm ra được một lần “à ra thế !” đối với đường lối của chính Thiên Chúa. Chính trong ý nghĩa đó mà thánh Thomas nói được rằng : tôi học được dưới chân Thánh Giá nhiều hơn trong sách vở. Cũng thế, gương sáng thể hiện chức năng “lời chứng” khi đời sống luân lý ấy thực sự là một sự chiến thắng của quyền năng cứu độ trên bản tính yếu đuối mỏng giòn của con người. Tóm lại, giáo huấn và gương sáng chỉ có thể làm lời chứng trong và qua cái “nghèo”, cái “bé mọn” của chính mình.

Tuy nhiên, trong dòng lịch sử Giáo Hội, ở một tầm mức toàn diện hơn, chính những người “nghèo”, người tội lỗi sám hối… mới thực sự là những người có khả năng làm sống lại một niềm tin vào quyền năng Chúa và tạo nên động lực sống cho Giáo Hội. Ta có thể khẳng định đó là “quy luật” Kitô giáo, hiện nay và mãi mãi, vì đó chính là đường nét căn bản của lịch sử ơn cứu độ.

Trong hiện tình Giáo Hội, người nghèo chưa có “chỗ đứng” trong Giáo Hội. Giáo Hội vẫn bộc lộ trong rất nhiều đường nét, từ tư tưởng cho đến quản trị, từ tu đức cho đến mục vụ…, là giáo hội của những con chiên ngoan, hoặc giáo hội của những người có khả năng hiểu biết một cách nào đó. Sinh hoạt của Giáo Hội, bộc lộ sức sống của Giáo Hội, nói chung, vẫn có tính cách “từ trên xuống” và rất ít những mối tương tác của sự sống đức Tin trong sự hiệp thông “chiều ngang”, hoặc “từ dưới lên “. Trong sinh hoạt Giáo Hội hiện nay, ta ít thấy có những giờ “sinh hoạt”, chia sẻ, hiệp thông một cách nhẹ nhàng, thân thương để có được một bầu không khí thân tình, hiểu biêt nhau, và có thể thông hiệp những ơn phúc của nhau. Người nghèo, người bé mọn trong Giáo Hội vẫn là những người lãnh nhận và lãnh nhận một cách âm thầm chứ không phải là người được “đóng góp” sự hiện diện của mình như một nét đặc trưng của Giáo Hội Chúa Kitô, và đóng góp chứng tá của mình như một căn tính đặc trưng của lịch sử ơn Cứu Độ Kitô giáo.

Dĩ nhiên, sự nghiêng lệch ấy sẽ diễn ra trong một cộng đoàn nghiêng lệch về chức năng. Còn trong một cộng đoàn mà bầu khi chung có thể giúp mỗi thành viên biết chiêm ngắm huyền nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, thì nguồn mạch lời chứng sẽ tuôn tràn và mỗi thành viên có được diễm phúc nếm cảm hạnh phúc chân thật của một cộng đoàn những người tin.

Có lẽ đời sống cộng đoàn cần được tổ chức giống như người thợ bắt ống nước. Khi hệ thống nước được phân phối từ một nguồn “cốt” thấp hơn các vòi chẩy. Chỉ khi đó, mỗi vòi mới có được cơ may đón được  mạch nước, tuỳ thuộc vào nắp mở van của chính mình

 

114.864864865135.135135135250