ĐỜI SỐNG PHỤNG VỤ VÀ CẦU NGUYỆN
I. CHIA SẺ
Đề tài: “Nói với Chúa và nói về Chúa” với ba ý chính: (1) Biểu tượng và thực tại; (2) Nói với Chúa như biểu tượng chân chính; (3) Nói về Chúa như công bố thực tại sống động.
NÓI VỚI CHÚA VÀ NÓI VỀ CHÚA
Tính cách “nối kết” đặc biệt của tinh thần Đa Minh được diễn tả một cách đơn sơ nơi hình ảnh của cha thánh “Thánh Đa Minh nói với Chúa và nói về Chúa”. Nói với Chúa trong chiêm niệm và nói về Chúa trong hoạt động. Hai yếu tố ấy tương tác với nhau mật thiết và chúng ta có thể duyệt xét lại đời sống Đa Minh từ hai yếu tố này.
1. Biểu tượng và thực tại
Một cách nào đó, có thể nói được là sự sống của con người vượt trên sự sống của sinh vật ở chỗ con người hình thành nên được một thế giới biểu tượng. Miếng ăn và chỗ ở của con vật không là gì khác hơn tác dụng thực dụng của nó. Nhưng với con người, ăn uống, nhà ở, quần áo…đều mặc thêm những ý nghĩa biểu tượng. Nhiều cử chỉ, nhiều hành vi, nhiều công trình của con người có thể không có một tác dụng thực tế nào, nhưng lại là những giá trị cao quý đối với con người. Những điều đó không là gì khác hơn văn hoá của con người. Con người là sinh vật có văn hoá và văn hoá thể hiện trong thế giới của những biểu tượng. Điều đó hình như cũng đúng với nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người.
Tại vùng đất Galilê, Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ công khai (x. Mt 4, 12-17). Cũng tại vùng Galilê này, Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng và làm nhiều phép lạ. Thế nhưng, dù có “ba đầu sáu tay”, một ông Giêsu lịch sử cũng không thể làm cho xuể những công việc, ngay chỉ với những công việc của một hoàn cảnh, hoàn cảnh Galilê lúc ấy. Công trình cứu độ của Chúa Giêsu không thể bị đóng khung trong hoàn cảnh lịch sử. Chính vì vậy, Ngài muốn lên Giêrusalem, trung tâm của tôn giáo, Ngài muốn chọn lễ vượt qua, một biến cố trọng đại nhất trong lịch sử của dân tộc, để “gởi gắm” công cuộc giải phóng dân nghèo vào trong một chiều kích siêu thời gian và vượt mọi hoàn cảnh. Chính khung cảnh phượng tự của Giêrusalem trong dịp lễ Vượt Qua, một cách nào đó, đã giúp cho công trình cứu độ, giải phóng của Ngài trở thành một “biểu tượng vĩnh cửu”.
“Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo. Điều đó cả Thánh Thần cũng làm nên hoàn hảo. Điều đó cả Thánh Thần cũng làm chứng cho chúng ta thấy. Quả thật, sau khi phán: ‘đây là giao ước Ta lập với chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào lòng trí chúng lề luật của Ta. Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa’. Mà nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa” (Dt 10 14-18)
Như thế, công cuộc loan báo Tin Mừng cho người nghèo tại Galilê được nối kết với cuộc “tế tự” tại Giêrusalem và tìm thấy sức mạnh, ý nghĩa phổ quát trong nghi lễ hiến tế ấy. Cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu trở thành một biểu tượng vĩnh cửu của sức mạnh giải phóng, của tình yêu thắng hận thù, và là lời cam kết yêu thương của Thượng Đế đối với con người.
Ta có thể thấy, một cách nào đó, Galilê là vùng đất của cuộc sống trần gian, Giuđê (Giêrusalem) là vùng đất của trung tâm tôn giáo, của phượng tự. Chúa Giêsu rao giảng tại Galilê, nhưng về Giêrusalem để chịu chết. Cái chết của Chúa Giêsu ở Giêrusalem là chiều kích “biểu tượng” của những gì diễn ra ở Galilê; cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu tỏ hiện sự chiến thắng của những gì Chúa đã và đang làm ở Galilê trong chiều kích vĩnh cửu, chiều kích phượng tự.
Chính vì đó, Sau khi một hoàn cảnh cụ thể đã tìm được sức mạnh và ý nghĩa nơi “chiều kích phổ quát”, sau khi đã gắn liền với nguồn mạch của vĩnh cửu, thì cuộc chiến thắng ấy liền được đưa trở về với hòan cảnh cụ thể của không gian và thời gian lịch sử. Chính vì thế niềm vui mừng của các môn đệ phải là niềm vui ở Galilê; và việc gặp lại Chúa Phục Sinh, trong chiều kích hiện sinh sẽ chỉ được tỏ hiện trong những vấn đề, trong công cuộc giải phóng “còn bỏ dở” tại Galilê. Do đó, Chúa Giêsu hẹn gặp các ông ở Galilê.
“Chị em đừng sợ! Về loan báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được gặp Thầy ở đó” [Mt 28,10]
Vùng đất Galilê, vùng đất của dân ngoại, vùng đất của sứ vụ, và là vùng đất của ơn cứu độ, đặc biệt với những “bệnh nhân cần tới thầy thuốc”, với những “người bé mọn”, với những người đau khổ, với những người tội lỗi, thu thuế và đĩ điếm …; và chính ở Galilê ấy, Chúa Giêsu đã hiện ra long trọng với các ông để chính thức sai các ông đi rao giảng Tin Mừng đến tận cùng thế giới (Mt 28, 16-20).
Ta có thể ướm những thực tại của cuộc đời đức Giêsu vào đời sống Đa Minh để nhận ra mối tương tác giữa cầu nguyện –phụng vụ và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nếu không ướm những sự kiện của sứ vụ giảng thuyết vào phượng tự, cả hai sẽ là những sinh hoạt dị vật trong đời sống Đa Minh. Dị vật là những thứ bị ghép vào nhưng vẫn không gắn kết được trong gân cốt. Do đó, khi có một tình huống thúc bách nào đó, những sinh hoạt dị vật sẽ bị thải loại một cách dễ dàng, hoặc là sinh hoạt này loại trừ sinh hoạt kia. Đó là khi những yếu tố của đời sống Đa Minh chưa có được phẩm chất đích thực của một “đời sống” Đa Minh.
2. Nói với Chúa như biểu tượng chân chính
Ngày Xuân, đứa con khoanh tay chúc tuổi cha mẹ. Đó là một nghi lễ đẹp, nhưng nét chân chính của hành vi khoanh tay chúc tuổi không phải chỉ là một nghi lễ riêng biệt và tách rời khỏi cuộc sống, mà là một cách diễn tả bằng biểu tượng ý nghĩa của một cuộc sống, chiều hướng của cả một năm sống. Những sinh hoạt hằng ngày của một năm sống có nguy cơ tản mát và mất định hướng trong những chuyện lẩm cẩm, những hoàn cảnh bất ngờ, thì nay được “mặc” cho bộ áo biểu tượng như một ý nghĩa khái quát, như một ý hướng căn bản…đó là ý hướng sống làm sao để cho cha mẹ được an vui thêm một năm. Khi biểu tượng đúng thực là sự biểu lộ ý nghĩa chân thực, thì đó là một biểu tượng chân chính. Ngược lại khi biểu tượng chỉ còn là một thứ lễ nghĩa sáo rỗng, thì cuộc sống con người với nhau chỉ còn là xã giao, mối tương quan của con người với nhau chỉ còn sống là thứ tương quan hời hợt, hoặc nặng nề hơn. Đó là sự giả hình. Trong tình trạng này, điều quan trọng nhất của phụng vụ chỉ còn là làm sao cho đúng chữ đỏ chứ không phải làm sao để nuôi dưỡng đức Tin.
Chúng ta có thể nghiệm ra rằng, khi biểu tượng có nội dung chân chính thì ta cũng có thể cảm nhận được ngay một sức sống sung mãn dâng trào: linh mục đoàn đặt tay trên tân linh mục, cộng đoàn hôn chúc bình an trong các nghi thức, hoặc cử chỉ chúc bình an đúng thực trong thánh lễ…. Ngược lại, khi biểu tượng chỉ thuần tuý là những biểu tượng rỗng, ta cử hành từ năm này qua năm khác… mà tâm hồn mình chẳng được nuôi dưỡng cho tươi tắn hơn.
Nếu chúng ta trở về với ý nghĩa sống đức Tin theo công đồng Vatican II, sống đức Tin thiết yếu là sống lịch sử đời mình như một lịch sử ơn cứu độ, thì những lời kinh, lời cầu nguyện trong phụng vụ, một cách nào đó, chính là những biểu tượng của đời sống thật hằng ngày, của lịch sử thật. Sức sống đích thực của phụng vụ nằm trong mối liên kết giữa biểu tượng và thực tại. Phụng vụ là nói với Chúa, và ở đây là nói với Chúa bằng những biểu tượng chân chính.
Dĩ nhiên, kỷ luật phụng vụ chung của Giáo hội không cho phép người ta thay đổi một cách ngẫu hứng, và tuân giữ kỷ luật phụng vụ cũng là một “biểu tượng” của sự hiệp thông cùng Giáo hội. Làm sao để sống được cả hai giá trị thường dễ trái ngược nhau trong phụng vụ, đó là điều, có lẽ, nên để cho lương tâm cũng như thao thức của mỗi người đưa ra lời giải đáp. Cũng vậy, ngoài những đòi buộc không thể châm chước của quy luật phụng vụ, còn rất nhiều điều khác rộng mở cho cuộc sống thật được lên tiếng, nhưng thói quen thích đồng nhất, thói quen dễ dãi, thói xấu xầm xì.. đã bịt hết mọi ngõ ngách khiến cho nguồn mạch sự sống thật bị bóp nghẹt.
3. Nói về Chúa như công bố thực tại sống động
Đức Giêsu luôn khởi đầu ơn cứu độ của Ngài từ nhu cầu thật của cuộc sống con người, từ bánh mì trần thế đến Bánh Trường Sinh, từ nước uống cho đến Nước Hằng Sống… Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ lo lắng cho nhu cầu thật của con người, “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16), và cùng với các ông, Chúa ban bánh cho con người được bánh dư dật. Khởi từ kinh nghiệm cụ thể ấy, Chúa mới tỏ bầy Bánh đích thực trong bí tích Thánh Thể để dưỡng nuôi, không phải chỉ cơn đói dạ dày, mà chính là cơn khát được sống với Chúa.
Tuy nhiên, cách thức trình bầy trong Giáo Hội hiện nay hình như lại biến hồng ân lớn lao đó trở thành điều không dính dáng gì bao nhiêu đến nhu cầu thật của cuộc sống hằng ngày, thay thế những dữ kiện căn bản của cuộc sống bằng những giá trị của một thời đại đã qua, giá trị luật pháp, giá trị danh giá, giá trị thiêng liêng… Thực sự, các bí tích không phải chỉ là một hồng ân lớn lao xét theo giá trị tự tại, theo kiểu Thiên Chúa, Đấng cao cả vô cùng, đã hóa thân để ở với loài người, nhưng các bí tích hòa nhịp vào từng cảnh huống của tất cả cuộc đời con người… Tính cách “giá trị tự tại” như thế cũng giống như ban tặng cho người sắp chết đói một mỏ vàng. Mỏ vàng thật quí nhưng không ăn được trong lúc đói lòng.
Hình như là các bí tích, xét như là những biểu tượng, dù là biểu tượng tái hiện, phải luôn luôn là những biểu tượng có khả năng gợi lại chính thực tại. Người tham dự bí tích là người sống thực tại qua những biểu tượng. Thế mà bí tích hiện nay, được cử hành và dược tham dự, hình như lại đưa người ta vào một thế giới khác, thế giới thuần biểu tượng, thế giới của những ý niệm xa lạ, hơn là bắt nhịp cầu cho con người nối kết thực tại với biến cố cứu độ vĩnh cữu.
Khi tham dự nghi thức bẻ bánh chẳng hạn, các tông đồ sống lại việc mình đã từng được đồng bàn với với Đức Giêsu; khi cử hành bí tích Thánh Tẩy, các tông đồ sống lại sống tử nạn của chúa Giêsu… Người Kitô hữu hiện nay cũng vậy, họ cần sống lại thật với ơn cứu độ, với những biến cố cứu độ trong cuộc đời mình, với những việc Thiên Chúa làm trong cuộc đời của mình một cách sống động và có thực. Nếu không, người ta cứ mãi phải ép mình vào thế giới biểu tượng xa lạ với cuộc sống thực, mà cứ phải nỗ lực đưa tâm trí đến một kỷ niệm mà mình không được sống, không được kinh nghiệm…
Như thế nghĩa là, trong bí tích cử hành mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa trong “bầu khí” của những ý nghĩa siêu việt thời gian và không gian cụ thể, thì “nhiệm cục cứu độ” của Thiên Chúa cũng phải vượt qua mọi giới hạn của không gian và thời gian của thời đức Giêsu và tiếp tục diễn tiến, tiếp tục sống trong thời đại hôm nay và trong lúc này (hic et nunc).
Một cách nào đó, ta có thể hiểu rằng trong khi ngày thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và chức linh mục (để cử hành bí tích) là ngày của biểu tượng, thì ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày của thực tại. Nếu không có ngày Thứ Sáu, thì ngày Thứ Năm vô nghĩa. Cũng thế, nếu không có thực tại của nhiệm cục cứu độ trong cuộc sống thực thì những biểu tượng chỉ là lớp vỏ. Nếu không có thực tại của nhiệm cục Cứu Độ trong cuộc sống thực hằng ngày, thì bí tích, dù là tái hiện thực tại cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu lịch sử, vẫn chỉ là chuyện bên lề cuộc sống của con người hôm nay và chẳng có tác dụng gì bao nhiêu với tình tự cuộc đời.
Chúng ta dễ rơi vào tình trạng cử hành phụng vụ như thể tưởng nhớ một biến cố của quá khứ. Đúng ra, phụng vụ là một sự “cử hành”. Cử hành không phải chỉ là nhắc nhớ mà là tái hiện dưới hình thức biểu tượng; và việc cử hành như thế luôn luôn phải là “cử hành cho”, nghĩa là nối kết “thực tại căn bản” với “thực tại cụ thể” hôm nay. Cử hành phụng vụ nghĩa là “ướm” thực tại hôm nay vào biến cố căn bản của Kitô giáo, biến cố Đức Giêsu chịu chết và Phục Sinh. Cử hành nghĩa là nối liền cuộc sống hôm nay vào thực tại huyền nhiệm, để sức sống có thực tại huyền nhiệm ấy được thông truyền, được tái hiện trong cuộc sống hôm nay. Đây phải là việc cử hành một biến cố mang tầm vóc “sử tính”, một “Lịch Sử” đã, đang và sẽ còn lưu chuyển, một “Lịch Sử” nằm sâu và hiện diện trong mọi diễn biến của dòng thời gian. Nói cách khác, đó là “sử tính” của ơn cứu độ. Như thế, thực sự chúng ta đang cử hành một biến cố của “hiện tại”, một hiện tại của mọi thời điểm trên chặng đường lịch sử.
Biến cố Đức Giêsu chịu chết và Phục Sinh sẽ không còn ý nghĩa khi nó chỉ còn là những biến cố quá khứ, hoặc ngầm chứa thái độ đầu hàng, trốn chạy trước cuộc sống và chỉ còn là một ước mơ tương lai. Ngược lại, biến cố Đức Giêsu Chết và Sống lại phải là sức sống chống lại sự chết, là tình yêu chống lại ghen ghét trong mọi thời đại. Nói cách khác, chúng ta không để lòng mình cắt đứt với hiện tại rồi trôi vào dĩ vãng, nhưng phải công bố Tin Mừng cho ngày hôm nay, mang lại sức sống phục sinh cho những cái chết, những thứ chết của ngày hôm nay.
Như thế, khi ta cử hành phụng vụ, ta không được “chia trí” về biểu tượng, nhưng phải “cầm trí” về thực tại cuộc sống; không được quên những con người trong cuộc sống hôm nay để đi vào một thế giới thuần túy biểu tượng. Khi ta dâng của lễ, ta không được “chia trí” vì bánh rượu, nhưng phải cầm trí về những mảnh đời được biểu tượng trong bánh rượu; khi linh mục truyền phép, ta không được “chia trí” vì chuyện “biến đổi bản thể”, nhưng phải cầm trí về ơn cứu độ Chúa cho những mảnh đời ấy, cho những con người hôm nay; khi ta rước lễ, ta không được “chia trí” về một Đức Giêsu xa xưa của lịch sử, nhưng phải cầm trí về một Đức Giêsu đang đón nhận con người hôm nay và đã thánh hóa cuộc đời hôm nay trong tình yêu hy hiến của Người.
Đức Giêsu trong thập giá hôm nay, Đức Giêsu trong Thánh Thể hôm nay, Đức Giêsu trong Lời Chúa hôm nay … không phải là một Đức Giêsu của lịch sử, một thứ lịch sử đã trôi vào dĩ vãng, nhưng chính là một đức Giêsu trong diễn tiến lịch sử, một Đức Giêsu đang sống, trong Thánh Thần, và trong cuộc đời của tôi, của anh; một Đức Giêsu đang hẹn gặp chúng ta ở vùng đất Galilê của dân ngoại.
Quả thật, nói với Chúa và nói về Chúa, điều đó không đơn giản. Không phải chỉ cần để cho hai vế của sự sống Đa Minh được nối kết với nhau bằng chữ “và” là chúng ta có thể sống được tinh thần của cha Đa Minh.
Chia sẻ với cộng đoàn đề tài “vâng theo thánh ý Chúa” dựa theo đoạn Lc 1,26-38.
Sau khi Đức Giêsu nhận định về người thanh niên giàu có bằng một câu nói: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19,23), các môn đệ cảm thấy lo sợ. Xem ra người thanh niên này xứng đáng hơn các môn đệ. Trong tâm trạng lo sợ, các môn đệ hỏi Đức Giêsu: “Thế thì ai có thể được cứu? Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói : "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,25-26). Tâm trạng của các môn đệ cũng giống như tâm trạng của Đức Maria.
Điều sứ thần nói với Đức Maria như trái với lẽ tự nhiên, vì Đức Maria không biết đến người đàn ông, cũng giống như lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ: tất cả mọi việc đều do quyền năng Thiên Chúa. Lời thưa xin vâng của Đức Maria là lời chứng sống động. Mẹ đã bỏ ý riêng để phó thác vào Chúa. Thái độ tuân phục của Mẹ cho thấy Mẹ dám để chương trình của Mẹ cho Thiên Chúa quyết định. Trong Kinh Thánh, có rất nhiều câu chuyện không thể nhưng lại có thể với Thiên Chúa. Tại sao một Rabbi lại có thể đồng bàn với người tội lỗi? Tại sao một người sinh ra trong tội lại có thể sáng mắt?... Nghịch lý nhất là làm sao một người chết trên thập giá lại có thể cứu độ cả thế giới?
Nếp sống tu trì trong đó có cả đời sống phụng vụ và cầu nguyện làm nên đời sống Đa Minh, có truyền thống 800 năm và sản sinh cho Dòng rất nhiều vị thánh. Các anh em Đa Minh cố đưa cuộc đời mình vào nếp sống ấy. Theo Đức Kitô, họ ướm cuộc đời mình vào trong căn tính Dòng.
Bài Tin mừng hôm nay dạy chúng ta chấp nhận những nghịch lý trong đời tu. Sự tuân phục của Đức Maria là mẫu gương cho chúng ta về nếp sống tu trì, Mẹ biết bỏ ý riêng mà theo thánh ý Thiên Chúa. Tu sĩ chỉ theo sát Chúa Kitô được là nhờ vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa mà thôi. Amen.