24/03/2016 -

Linh Đạo

1882
Sự dấn thân của tu sĩ Đa Minh

Sự dấn thân của tu SĨ ĐA MINH

Tạ Hoa – Tập Sinh

Trải qua dòng lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều Dòng tu, Tu hội đã dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng và đáp ứng một số nhu cầu của xã hội như lo cho người nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em đường phố... Họ là những người rất nhiệt thành xả thân phục vụ Đức Kitô trong tha nhân. Xét như thế, một câu hỏi lớn đặt ra là sự dấn thân của các tu sĩ Đa Minh có nét gì khác không ? – Thưa, chắc chắn có.

   Ngay từ buổi đầu đã xuất hiện hình thức tu trì đầu tiên đó là hình thức đan tu, sống đời chiêm niệm ở những nơi hẻo lánh. Dần dần phát sinh những nhóm người chuyên lo các hoạt động về bác ái để xoa dịu phần nào nỗi đau của con người. Đến thế kỷ XIII, Thánh Đa Minh đã thiết lập một Dòng với linh đạo chiêm niệm và hoạt động. Đây là hình thức tu trì rất mới vào thời đó. Nhờ ánh sáng của Lời Chúa chiếu soi, Thánh Đa Minh hiểu rằng: Nếu như chỉ chiêm niệm không thì dường như người tu sĩ đang tách mình ra khỏi thế giới, trốn tránh trách nhiệm với thế giới, với Giáo Hội và con người; còn nếu chỉ hoạt động thì các tu sĩ sẽ rơi vào tình trạng tôn vinh và tìm mưu ích cho chính mình, như thế nó sẽ giống như các tổ chức từ thiện ngoài xã hội. Hơn nữa, những nhu cầu của xã hội và của con người không bao giờ hết, không một tổ chức nào có thể đáp ứng một cách thỏa đáng được.

   Người tu sĩ Đa Minh là người phải sống quân bình hai chiều kích này. Vì đời sống tu trì trước hết phải đặt trên nền tảng là việc lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Tin Mừng như một quy luật sống[1],  để Lời Chúa sẽ hướng dẫn mọi hoạt động của từng người. Do đó khẩu hiệu của Đa Minh là “Contemplati et Contemplata aliis tradere”, nghĩa là chiêm ngắm Thiên Chúa và thông truyền cho người khác điều được tỏ lộ cho chúng ta. Như thế, sự dấn thân của tu sĩ Đa Minh là lời đáp trả cho mục đích ban đầu khi Chúa chọn các Tông Đồđể Người sai đi rao giảng (Mc 3,14). Đồng thời, các hoạt động được khởi phát và gắn chặt với đời sống chiêm niệm qua việc thể hiện đức ái Kitô giáo. Nhờ đó, việc dấn thân không bị lệch với linh đạo như Thánh Bernardo đã lên án những người mở miệng ra là giảng thuyết mà không lưu tâm đến người khác, Ngài gọi họ là những người “đổ ra hết trước khi mình được đong đầy[2]. Chúa Giêsu gọi những người này là “men Pharisêu giả hình, còn Thánh Phaolô gọi là những thùng rỗng kêu to, thanh la inh ỏi.

   Quả tht, đời sống tu trì phải đưa người ta đến chỗ sống niềm tin với cả con người của mình, đến với mọi người. Vì vậy, người tu sĩ Đa Minh có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong chính cuộc sống của mình qua những kinh nghiệm của con người: thành công, thất bại, điều tốt đẹp, điều bất ổn... điều này đòi hỏi từng tu sĩ phải bước ra khỏi ngôi nhà của mình để đi vào mọi hang cùng ngõ hẻm và dấn thân vào mọi lĩnh vực hầu đụng chạm được với Đức Kitô – Chân lý vĩnh cửu. Đồng thời cũng đòi hỏi một điều rằng: Sự hiện diện của những tu sĩ Đa Minh phải mang dáng dấp của thời đại, phải thích ứng với những hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn, không tách biệt với thế giới và những nghĩa vụ phải có khi sống trong thế giới; nhờ đó, họ biểu lộ những gì là thánh thiện, những gì là tuyệt hảo và giúp người khác nhận biết Thiên Chúa là Đấng yêu thương[3].

   Nhìn lại những nơi mà dấu chân người tu sĩ Đa Minh đã đi qua, ta nhận thấy sự hăng say, năng động của những con người đã dám can đảm trở nên một tâm hồn sống giữa muôn vàn tâm hồn khác khi lắng nghe tiếng kêu cứu của những người bất hạnh. Những con người hiện diện không phải chỉ để nói về Lời Chúa, để cử hành các Bí tích, nhưng là sự hiện diện cùng với nỗi đau thương của từng con người, cùng khao khát – đồng hành và nâng đỡ người khác sống. Họ gắn bó với tha nhân, nhìn nhận tha nhân là hiện thân của Chúa, ở bên tha nhân trước mặt Chúa, coi sự lo lắng của tha nhân như của chính Đức Kitô vậy. Qua việc cưu mang các vấn đề của thế giới, việc chia sẻ trách nhiệm với mọi người, người tu sĩ Đa Minh khám phá và giúp người khác khám phá ra một cuộc sống có ý nghĩa, giúp họ biết tập trung và đón nhận trước những hoàn cảnh mới. Đặc biệt việc trở nên một tâm hồn giữa muôn vàn tâm hồn khác sẽ giúp tu sĩ Đa Minh biết những gì cần phải nói, phải làm cho tha nhân.

Vậy, khi vâng lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy (Mc 16,15). Người tu sĩ Đa Minh đã thể hiện sự liều lĩnh của người môn đệ Chúa, bước theo sát gót chân Người; họ hiện diện ở khắp mọi nơi vì Chúa Kitô, và vì Chúa ở đâu người môn đệ cũng ở đó theo lời mọi của Người. Gọi là liều lĩnh vì người tu sĩ không biết được tương lai của mình và của những “Đức Kitô mà họ phục vụ. Họ sẵn sàng đi đến những chốn xa lạ, những nơi khó sống để hiện diện, để học cách nhìn nhận những hoàn cảnh mới, nhìn từ những bóng đêm, từ những xáo trộn và tìm kiếm, phát hiện dấu chân lạ lùng của Thiên Chúa ở nơi đó[4].

Khi dấn thân vào các môi trường, các nền văn hóa khác nhau. Theo gương Đức Kitô, người tu sĩ Đa Minh học biết mầu nhiệm hủy mình đi, mang lấy thân phận tôi đòi, đồng thời học biết cách đối thoại, hội nhập văn hóa. Nhờ đó, người tu sĩ đào sâu truyền thống Kitô giáo về chiêm niệm và cầu nguyện, biết niềm nở tiếp đón khách, quan tâm tới con người, tôn trọng thiên nhiên[5].

Đức Kitô được thánh hiến để đem Tin Mừng cho người nghèo. Làm môn đệ của Chúa, người tu sĩ Đa Minh nhận lấy sứ mạng của Chúa làm của mình. Do đó, họ không thể không quan tâm đến người nghèo dưới những góc độ khác nhau: người già, người bị áp bức, trẻ em đường phố... Sự hiện diện dấn thân vào mọi lĩnh vực xã hội, chính trị, báo chí, giáo dục... như một lời tố cáo những bất công để làm ngời sáng lên tình yêu vô giá của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó không phải là dấn thân để phá bỏ trật tự xã hội, mà là sự dấn thân của những tâm hồn biết lắng nghe thời đại với cặp mắt và đôi tai của Thiên Chúa.

Để giúp mọi người sống và cảm nghiệm những hoàn cảnh hiện tại như là một hoàn cảnh mang ý nghĩa tôn giáo, các tu sĩ Đa Minh đã trở nên thật gần gũi dễ tiếp cận với mọi người, luôn tươi cười niềm nở, trả lời cách hiền hòa với sự kính trọng hầu có thể thấu hiểu được nỗi đau của con người và chia sẻ đời sống với họ. Điều này đòi hỏi người tu sĩ phải mở lòng ra đón nhận tất cả, phải để trái tim mình biết rung động - san sẻ - biến đổi trước mọi hoàn cảnh sống, trước những khao khát của con người.

   Chúa Giêsu đã phán:  Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (Lc 10,2b). Tại sao ngày càng có ít người muốn làm thợ gặt của Chúa vậy ? Và nếu có là thợ, thì họ cũng chỉ là những người thợ vô dụng, lười biếng. Khi nhìn lại tinh thần dấn thân của anh chị em Đa Minh nói chung và từng thành viên trong Hội Dòng Đa Minh Rosa Lima nói riêng, mỗi người hãy tự thẩm tra mình  đã thực sự trở nên người thợ như Chúa muốn chưa, đã dấn thân thực sự như mục đích đề ra chưa.

   Chúng ta cũng nên cùng nhau nhìn về sứ vụ của Dòng và tự hỏi, ta đã quan tâm đủ cho sứ vụ chưa?

 

 

[1] x. Verbum Domini, số 38.

[2] x. Linh đạo Đa Minh trang 100.

[3] x. Linh đạo Đa Minh.

[4] x. Linh đạo Đa Minh.

[5] x. Tông huấn Vita Consecrata, số 79.

114.864864865135.135135135250