18/11/2016 -

Linh Đạo

1367
Tiếp cận và đào tạo Tu sĩ trẻ trong các cộng đoàn Đa Minh ngày nay

Tiếp cận và đào tạo Tu sĩ trẻ trong các cộng đoàn Đa Minh ngày nay

Fr. Vincent de Couesnongle, OP.

Nguyên Tổng Quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết

 Dẫn nhập

Hiện nay hình như khắp mọi nơi, người ta đều nói đến ơn gọi đời tu đang được hồi phục. Có khi người ta còn nói là một “dòng giống trẻ mới” đang đến gõ cửa Tu Viện chúng ta. Sau cuộc khủng hoảng ơn gọi vừa qua, các vị phụ ưách tự hỏi chúng ta sẽ đón tiếp họ như thế nào trong cộng đoàn? và sẽ đào tạo họ như thế nào?

Trước đây, vấn đề khá đơn giản. Tôi còn nhớ Cha viện trưởng Tu Viện nói với tôi ngày tôi “mặc áo”:“Trong năm nay, con sẽ thấy được là cách sống của Dòng có hợp với con không, và nhà Dòng cũng xem xét cung cách của con có hợp với Dòng không; nếu có, con sẽ tuyên khấn; nếu không, Dòng cũng như con lấy lại tự do của mình”.

Ngày hôm nay, phức tạp hơn. Có lẽ không những là cộng đoàn đón nhận và đào tạo, nhưng các thanh niên nam nữ cũng có thể chất vấn cộng đoàn. Các bạn trẻ đó có thể chấp nhận các “điều kiện hạ thấp”của lập viện nhưng họ cũng đã có sẵn những câu “hỏi xéo” mà cộng đoàn phải lắng nghe, và ngay từ ngày đầu, đôi bên đi vào đói thoại. Quan điểm không phải là đồng nhất ngay cả khi bổ túc cho nhau. Do đó mà trong bài này cũng như trong một cuộc hội thoại, sẽ có những câu hỏi đặt ra cho cả hai bên về việc đón tiếp và đào tạo các bạn trẻ.

Đề tài bát ngát. Tôi sẽ nhấn mạnh về điều kiện đón tiếp và đào tạo, làm thế nào để tháp nhập các thanh niên vào cộng đoàn.

I. CỘNG ĐOÀN CHÚNG TA CÓ LÀM NẢN CHÍ CÁC BẠN TRẺ KHÔNG?

Trước khi nhận vào cộng đoàn, đã có tiếp cận bạn trẻ trước – Không phải nhà lập lãnh hết trách nhiệm. Các bạn trẻ cững không chỉ liên hệ tiếp xúc với một cộng đoàn riêng lẻ. Họ muốn biết cuộc sống của nhiều nhà trong dòng tu hoặc của tu hội. Chỉ sau khi nghiên cứu nghiêm túc, họ mới chọn lựa.

Dĩ nhiên là có những cộng đoàn phản chúng. Trong một điểm truyền giáo, Dòng chúng tôi từ lâu không thêm ơn gọi, một thanh niên đến chia sẻ đời sống của các cha, bắt đầu học các môn giáo học. Sau hai năm, anh ấy từ giã chúng tôi, đúng một giờ trước khi làm lễ “mặc áo”. Anh nói với cha giáo tập: “Con xin về, vì cộng đoàn không hề sống điều mà cha đã dạy cho con, những điều mà con trông đợi, yêu thích”.

Cũng như có những gia đình không thích có con thì cũng có những cộng đoàn không thích có ơn gọi mới vì sợ chính mình phải thay đổi vài mặt nào đó đời sống của mình.

Những bạn trẻ khác lại thất vọng về đời tu với lý do là không có sự đào tạo chân chính – theo ý họ – vì cộng đoàn gây chán nản cho các ơn gọi mới! một loại “hạn chế sinh sản”. Những cộng đoàn như thế làm sao đón nhận những người muốn dấn thân vào? Có nên trách các tu sĩ đã từ khước sự sống vì không biết rằng ham sống là nguồn lực của sức khỏe?

Và ngược lại có những cộng đoàn lại quá hăm hở đón nhận – Họ chú ý đến số lượng, nhưng số lượng không chắc bảo đảm được chất lượng; đúng hơn, có thể nói rằng: “Chất lượng là giai đoạn chớm nở của số lượng” – Có những cộng đoàn đón nhận bất cứ ai, bất cứ điều gì miễn là mới, bên lề, được sáng tạo liên tục. Có những cộng đoàn đang đi tìm, luôn đổi mục tiêu theo tính khí của mình, nơi mà sáng tạo – tuy cần thiết, có thể trở nên bừa bãi – Các cộng đoàn đó làm tôi nghĩ đến các đan sĩ lang thang của thời xa xưa – Nhưng các cộng đoàn này đang lang thang trên các nẻo đường tưởng tượng, phi cơ cấu và của một thứ tự do hỗn loạn.

Có lẽ là nơi các tu sĩ “chạy trốn” này có một cái gì có thể gây thiện cảm – Gần đây, các bạn trẻ hình như thích lối sống đó. Nhưng theo tôi, họ thích một cái gì chắc chắn hơn, ít thay đổi hơn – Họ ngán xây đời trên cát động – Hoặc có khi, sau vài năm sống giữa dòng đờ thích tối tân, vì thất vọng với lối sống đó, họ mới hội nhập với các cộng đoàn trên, nhưng thật ra họ không phải vào tu để tìm những cái “sáng tạo”như trên.

II. CÁC BẠN TRẺ TÌM GÌ TRONG ĐỜI THÁNH HIÊN?

Họ tìm điều quý nhất như tất cả Kitô hữu khác = sống với Đức Giêsu Kitô theo Tin Mừng của Ngài. Công Đồng Vatican II xác nhận và củng cố điều đó khi tuyên bố rằng tất cả người Kitô hữu đều được gọi trở nên trọn hảo, dù ở đấng bậc nào. Công Đồng cũng nhắc lại là không gì cao trọng hơn sự thánh hiến củaa phép Thánh Tẩy. Các bạn trẻ được hướng cuộc đời là như thế. Còn các ứng sinh đời tu thì tin là đã tìm ra Dòng này hay Dòng nọ một môi trường thuận lợi nhất để họ thể hiện cách cao nhất lý tưởng của mọi người Kitô hữu.

Chính là hướng về Đức Kitô của Tin Mừng mà các bạn trẻ định hướng cuộc đời họ. Các ứng sinh nghĩ là mình đã phát hiện, qua kiểu sống một Dòng nào đó, môi trường sống các lời khuyên Phúc Âm để họ đạt được lý tưởng tối hảo của mọi người Kitô hữu.

Trong quá khứ, các ứng sinh khá nhạy cảm về cơ chế các Dòng = nếp sống, tuân thủ, cơ cấu, công việc, truyền thống,… Người ta có xu hướng xem đó như một giá trị chính yếu = “hãy sống các điều đó đi rồi mọi sự, kể cả Đức Kitô sẽ được trao ban”. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã nói: “Giới thiệu cho tôi một tu sĩ chấp hành trọn vẹn luật Dòng của họ và tôi sẽ phong thánh tu sĩ đó”.

Ngày nay, các luận cứ trên không phải là biến hẳn, nhưng được sống trong ánh sáng của chính Đức Kitô, là để gặp Ngài, sống các đòi hỏi của Tình yêu. Các bạn trẻ quan tâm đến khả năng phục vụ và loan báo Tin Mừng, và từ đó phân biệt điểm chính và điểm phụ của đời tu mà các Dòng cống hiến cho họ. Có thể nói rằng, hôm qua, đời tu lệ thuộc vào cơ cấu và hôm nay vào sứ vụ loan Tin Mừng.

Hiến Pháp cơ bản của luật mới Dòng Đa Minh dựa trên hai trục: Hiệp thông – Sứ vụ với ý nghĩa trọn vẹn của Tin Mừng. Mọi Dòng tu đều nhận ra mình trong hai trục đó. Nhưng đều mà tôi muốn nhân mạnh ở đây là hai trục đó đáp ứng được đòi hỏi cơ bản của Tin Mừng = mến yêu tha nhân và loan báo Đấng Cứu Thế.

Đời thánh hiến đẩy hai chiều kích đó đến mức tuyệt đối. Qua lời khuyên khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, đời tu tuyệt đối hóa đòi hỏi của Tin Mừng. Trong cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem, yêu mến tha nhân, tình huynh đệ là cốt tuỷ của đời sống cộng đoàn. Bước theo các tông đồ thủa đó, ra đi không gậy, không xắc, không cơm bánh, không tiền bạc, tu sĩ cũng muốn được tự do, không có bận tâm nào khác ngoài việc loan báo hồng ân cứu độ.

- Đi theo Đức Kitô, loan Tin Mừng, hiệp thông. Đó là ba nhân tố chứa đầy sinh lực và các tu sĩ tương lai cũng đã có một ít kinh nghiệm nào đó trước khi bước vào ngưỡng cửa Tu Viện. Công cuộc đào tạo không gì  khác là đào sâu và đưa ba nhân tố trên đến mức trọn hảo về mặt thiêng liêng cũng như nhân bản.

Tôi nghĩ là tôi không lầm rằng trong ba yếu tố đó, “hiệp thông” là điều mà giới trẻ hôm nay nhay bén nhất: Đó là “dấu chỉ” của thời đại, của giới trẻ hiện tại. Họ càng cảm thấy mạnh mẽ nhu cầu tiếp cận nhau, trao đổi, chia sẻ, chung sống khi thế giới trở nên khô cứng, quên mất nhân vị, chỉ thấy nơi con người những bộ máy sản xuất và tiêu thụ. Trong khi đó, họ lại phát hiện được Đức Kitô và gặp Ngài qua các nhóm cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa. Phải chăng họ đã “cùng nhau” cảm nghiệm được sức mạnh hoán cải thế giới của Lời Chúa? Điều đó có nghĩa rằng, kinh nghiệm về Chúa và về cuộc sống tông đồ đến từ kinh nghiệm tương quan huynh đệ và cộng đoàn. Do đó chúng ta hiểu được tại sao họ đánh giá cao đời sống cộng đoàn trong lối sống tu sĩ mà họ tìm kiếm.

Ta có thể lấy nhiều ví dụ, như nhóm trẻ Bắc Mỹ hàng năm dành vài tháng để sống trong các cộng đoàn nhỏ, thường phối hợp lối sống cầu nguyện sâu đậm với việc phục vụ dân nghèo khổ của khu phố. Các bạn trẻ đó muốn cống hiến toàn diện đời minh cho kiểu sống trên và xin nhập cộng đoàn. Còn ở Nam Mỹ, cách đây nửa thập niên, các vị tuyên uý sinh viên hoặc Công Giáo Tiến Hành phát hiện ra nhiều ơn gọi trong môi trường Đại học. Ngày nay thì các ơn gọi lại xuất hiện từ các nhóm hoạt động ở những khu nhà ổ chuột hoặc nơi bùn lầy nước đọng. Còn ở Italia, giới trẻ lại nhận được ơn gọi của mình trong bầu khí của phong trào cộng đoàn Focolari.

III. BẰNG CÁCH NÀO MỘT CỘNG ĐOÀN CÓ THỂ CỐNG HIẾN CHO GIỚI TRẺ MỘT MÔI TRƯỜNG ĐÁP ỨNG ĐƯỢC SỰ TÌM KIẾM CỦA HỌ?

Trước đây, cộng đoàn Tập viện ít liên lạc với Tu Viện hoặc cộng đoàn lớn, chỉ những ngày lễ quan trọng mới giao lưu giải trí – Phải được phép đặc biệt mới nói chuyện với một cha nào đó ngày đầu hoặc ngày cuối Tập viện, hoặc giáp mặt với vài cha “nghiêm nghị” để được xét duyệt về giáo luật,v.v…

Hiện nay, Tập viện liên kết chặt chẽ với toàn bộ cộng đoàn mặc dầu có nếp sống riêng. Chính toàn thể cộng đoàn phải đón tiếp và huấn luyện Tu sinh. Tiêu chuẩn lệ thuộc của các cha huấn luyện không còn giống thủa trước. Trước đây, Hiến pháp chỉ cho phép nhận vào cộng đoàn những tu sĩ sống “toàn thiện”cuộc sống chung với kỷ luật nghiêm khắc; ngày nay, các cộng đoàn là nơi bạn trẻ Tập sinh tam gia sinh động và dẫn nhập vào các sinh hoạt tông đồ. Nếu trong cả hai nếp sống cũ và mới, đều là sống chung, nhưng trong thực tế thì rất khác nhau. Trước “cùng làm, cùng một lúc, cùng một nơi”. Nay trao đổi, chia sẻ, phục vụ hỗ tương, hiệp thông liên vị,…

Vậy thì nguyên tắc đào tạo hiện nay là muốn tập cho Tu sinh sống cuộc sống của ngày mai một cách tuần tự và cụ thể đã dần tháp nhập vào một cộng đoàn trưởng thành. Sự cách biệt và khác xa của hôm qua nay trở thành đồng nhất hơn trong thời gian và qua liên hệ giữa những con người. Đó là một cái nhìn cách mạng cho dù cần thiết, vẫn đặt vấn đề nhiều hơn là giải quyết. Nhưng thử hỏi có nhà Giáo Tập nào tự hào là tránh được hết cam go, là lái thuyền êm ả toàn diện và biết được toàn bộ nhịp tiến của chiếc tàu ra khơi?

Tôi sẽ nêu ra ba điều kiện có thể làm cho môi trường huấn luyện của những năm đầu trở nên thuận lợi cho Tập sinh. Ai cũng biết rằng có nhiều cách tổ chức giai đoạn tiên khởi này. Nhưng tôi bỏ qua các sự khác biệt để đừng lại ở những điểm cơ bản chung.

1. Một bầu khí canh tân theo Tin Mừng

Có người cách đây không lâu bảo rằng: “đời tu chỉ chân thực, tốt đẹp và năng động giữa thế giới và đáng tin cậy vào thời kỳ khai sinh”. Nghĩa là sao? có lẽ là vào giai đoạn ra đời, các Dòng tu luôn đầy nhiệt huyết tràn sinh khí sôi bỏng, như các Thánh Đa Minh, Inhaxio, Teresa Avila, Anthony – Maria Claret.

Nhưng theo ý tác giả “thời khai sinh” cũng ngụ ý là đời tu luôn phải sống tình trạng bắt đầu đó nghĩa là phải luôn đổi mới. Các bạn trẻ, một cách mơ hồ, ước muốn sống lại những gì mà các Tu sinh nam, nữ đã sống trong sinh thời của họ với các đãng lập Dòng. Lẽ dĩ nhiên, giữa ước mơ và hiện thực là cả một vực thẳm. Thế nhưng, nếu chúng ta có sự bén nhạy của các Đấng Lập Dòng đối với thời điểm họ sống, các bạn trẻ có khi không nói rõ ra, thì chắc hẳn chúng ta có thể hiểu họ hơn. Nhưng điều này là một đòi hỏi bức bách đối với họ cũng như với chúng ta.

Nhưng thế nào gọi là một cộng đoàn khai sinh hoặc đang canh tân liên lỉ? Không gì khác là một cộng đoàn luôn luôn được hoán cải, không phải chỉ vì sức mòn của thời gian hay sức nặng của cộng đoàn. Giữa một thế giới biến chuyển không ngừng, buộc lòng chúng ta phải tùy khoảnh khắc, thích nghi hành động, lời nói, cuộc sống để đồng hành với thực tại nhân sinh. Trong vài trường hợp, nếu một kỹ sư 35 tuổi đã là một kỹ sư lỗi thời thì nghĩ làm sao về một người giảng đạo hay một giáo lý viên cần chuyển đạt Chúa đến cho nhiều người rất khác nhau về tuổi tác, môi trường, văn hóa, não trạng, các vấn đề biến chuyển cũng nhanh chóng như thế giới họ đang sống?

Cải tiến cuộc sống theo Đức Kitô và Tin Mừng đòi hỏi một cái nhìn  mới mẻ. Chúng ta già đi, mắt yếu đi, nên không thể nhìn rõ thế giới đang xoay chiều. Các bạn trẻ nhận thấy rất nhanh khiếm khuyết của chúng ta. Nếu chúng ta không dùng những phương tiện để nhìn rõ – một cặp kính không đủ đâu – thì các bạn trẻ sẽ nghi ngờ hiệu năng tông đồ và khả năng thông cảm họ nơi chúng ta.

Một tông đồ chân chính là một người ưu tư về sự cứu rỗi của người cùng sống, một người không thỏa mãn về những gì mình làm và luôn cảm thấy nhu cầu bức bách của nhiệm vụ. Còn các con chiên của Tin Mừng thì sao? Số lượng con chiên đã thay đổi. Các bạn trẻ rất ngạc nhiêu khi thấy vài cộng đoàn tận lực chăm chút cho một con chiên ngoan lành và bỏ rơi 99 chiên khác đang lạc lối. Người ta đã quên họ rồi chăng? Người ta có tìm những lối đi mới để bắt gặp họ không?

2. Một bầu khí cầu nguyện chân thực

Thế hệ đang lên rất cần một nơi, một bầu khí giúp chia sẻ và thông hiệp với nhau để tìm ra bộ mặt của Thiên Chúa. Nhưng lời giảng và vài thí dụ không đủ đâu. Vậy cầu nguyện chân chính là gì? Hình như ước muốn cầu nguyện vừa thinh lặng thâm sâu vừa được chia sẻ với nhau là một “dấu chỉ của thời đại”. Thanh niên hiện nay không ngại nói đến cần nguyện, chiêm niệm, chiêm ngắm,… là những từ mà một số trong chúng ta nói đến một cách rất dè dặt trong những thập niên trước, thế nhưng ngày nay lại là một hiện tượng mới trong Giáo Hội. Tôi không cố ý nói đến các nhóm gọi là có “đặc sủng cầu nguyện”. Các nhóm này diễn tả một cách ồn ào, có khi sai lệch một khát khao thiêng liêng căn bản và quan trọng hơn nhiều. Chính cái khao khát quay về Thiên Chúa là cái “thời điểm lịch sử” hiện nay. Nói về các thời điểm thì dễ, nhưng phát hiện và tìm hiểu nghiêm túc thời điểm đó thì không dễ chút nào. Để nắm được điều tôi vừa nêu lên, ta có thể so sánh như sau:

Các năm 1930 – 1960, Công Giáo Tiến Hành phát triển cao độ. Ta có thể nhận ra nơi đó một bầu khí“chiến đấu” cho Tin Mừng qua các lãnh vực chính trị, xã hội, nghiệp đoàn,... Xu hướng đó vẫn còn sống động. Nhưng nay lại thêm một xu hướng nảy sinh từ hiện tại.

Quả thế, giữa một thế giới tiêu diệt nhân vị, con người hôm nay tìm trở về với chính mình, với chiều sâu nội tâm. Càng ngày càng đông người sử dụng các phương pháp trở về nội tâm của Đông phương như Thiền, Yoga, siêu niệm, dù họ thuộc tôn giáo hay ý thức hệ khác nhau. Ta không dừng lại ở các phương pháp đó, nhưng cần nhận định rằng: giới trẻ đi tìm đời tu cũng thuộc về hạng người trên. Tập sinh trong Giáo Hội, và với mức độ thiêng liêng nào đó, cũng muốn trở về với chính mình. Như một ai đó đã nói cách mạnh mẽ:  “Tôi chỉ hiện hữu nếu Chúa gọi tôi là con” (nghĩa là qua mối tâm-giao sâu sắc ). Cho nên người ta khát khao cầu ngụyện để được nghe tiếng gọi thẳm sâu đó. Con người hiện đại bị tấn công tứ phía từ bên ngoài, muốn mở rộng chính mình để hiện hữu và hiện hữu sung mãn.

Đối với đa số thanh niên đến với chúng ta, chiêm niệm, cầu nguyện cá nhân không phải là điều trừu tượng. Một số đã từng tham gia các nhóm cầu nguyện trong một giờ, hai giờ hay dài hơn, lắng nghe Lời Chúa trong thinh lặng, chia sẻ suy nghĩ trên một bản Kinh Thánh hoặc qua cuộc sống hằng ngày, cùng nghiền ngẫm trong nội tâm, cùng thở hơi thở của Thần Khí.

Tất cả điều trên có thể còn vụng về, lợn cợn và dễ tắt đi như đóm lửa rơm. Cảm tính và trí tưởng tượng còn chen lẫn vào, và các bạn ấy tưởng đã đạt mục đích. Nhưng dù sao, đó cũng là một cảm nghiệm của họ. Thần Khí có lối đi của Ngài, qua các vùng cỏ dại và tiếng gọi của Chúa đã đột nhập các bạn trẻ cách nào đó trong lúc họ tỉnh thức. Họ mong các cộng đoàn đón nhận họ như thế với các dấu hiệu của Chúa trong họ.

Vậy chúng ta phải nghe họ tâm sự như thế nào đây? Với một nụ cười rõ nét? Với khuôn mặt nghi ngại, xa xôi làm họ có thể bị tổn thương trong cái phần mà họ cho là quý nhất nơi họ? Chúng ta có thể nghi ngờ rằng, làm sao người trẻ ấy có thể tìm ra được một cái gì vững chắc trong một lãnh vực riêng tư như thế? Thế nhưng không phải các linh mục, các bác học uyên thâm về mặt thiêng liêng có thể mở cho họ những con đường nguyện cầu mới mẻ đâu. Phần đông lại chính là các người trẻ không phải là giáo sĩ và cũng không muốn trở thành giáo sĩ… Thần Khí thổi nơi nào Ngài muốn.

Vậy chúng ta sẽ cống hiến những gì cho họ? Có Thánh lễ, có “giờ kinh phụng vụ”, nhưng đây không phải là sách nhật tụng cũ được duyệt và sửa lại đâu. Đây là một phương thức mới để cầu nguyện với Giáo Hội . Thinh lặng, chia sẻ ý nguyện… Chúng ta có tận dụng hết tiềm năng của nền phụng vụ hậu Công Đồng chưa? Tiếc thay là bao nhiêu nơi đã không thoát khỏi thái độ tuân hành máy móc, chữ nghĩa, trong khi đó phải cầu nguyện xứng đáng hơn trước sự hiện diện của Thiên Chúa và tập họp nhiều tâm khảm đến ca tụng Danh Ngài.

Nhưng tôi còn muốn nhấn mạnh một khía cạnh khác nữa:

3. Lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ cầu nguyện

Nghe Lời Chúa, chia sẻ cầu nguyện là những danh từ mới của người Kitô hữu. Các Thỉnh sinh và Tập sinh ước mong tìm thấy các điều đó và thâm sâu hơn nơi chúng ta. Chúng ta sẽ cống hiến gì? Có thể là kém hơn điều họ đã sống và họ sẽ thất vọng? Hoặc họ chỉ có thể ở bên lề cộng đoàn, với vài người đã có kính nghiệm đó trong một nhà nguyện bé nhỏ riêng hoặc một phòng tu tách biệt.

Tôi xin đơn cử bằng lời tâm sự trong một buổi chia sẻ Lời Chúa cách đây 12 năm với các linh mục triều. Sau đó, tôi có nhiều dịp khác cũng có kinh nghiệm như thế với các cha xứ. Và tôi phải hổ thẹn mà thú nhận rằng, mãi 7 năm sau mới có được kinh nghiệm đó với anh em trong cộng đoàn tôi ở. Lần đó, tôi cũng đi với Cha Tổng Quyền của Dòng, Aniceto Fernandez, gặp gỡ chính thức các anh em theo giáo luật. Các cha đó là các linh mục thợ, nhờ cùng dấn thân vào cùng những thực tại xã hội, họ thốt lên những lời cầu nguyện mà trong Dòng chúng tôi chưa bao giờ được nghe! Tôi xin tóm lược các luận điểm trên:

- Trước khi cầu nguyện, phải có một bầu khí tương giao với Thiên Chúa.

- Cầu nguyện không phải chỉ bằng những công thức rập khuôn mà với những trái tim, những mẫu đời mở rộng và diễn đạt thành tiếng.

- Không chỉ bằng lời, mà qua cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ anh chị em trong thầm lặng.

IV. MỘT CỘNG ĐOÀN LẮNG NGHE CON NGƯỜI CỦA THẾ GIỚI HÔM NAY

Không có gì là xa lạ với Tin Mừng là ánh sáng cho cuộc sống cá nhân gia đình, xã hội cần được công bình, nhân vị được bảo vệ, sự triển nở con người trong tương giao với đồng loại và với vũ trụ. Chỉ lúc nào quy hướng vào chiều kích thực tại thế giới đó thì mới có thể nói đến “Tin Mừng toàn diện”. Giới trẻ đặc biệt nhạy cảm với vai trò Giáo Hội ở tầm vóc đó. Ơn gọi của họ đương nhiên quy về hướng đó và không ai có thể trách họ cách nghiêm túc.

Sự hiện diện cần thiết của nam nữ tu sĩ giữa lòng trần thế phải là mối quan tâm hàng đầu của chúng ta.

Dù là cộng đoàn hay cá nhân, chúng ta dễ bị cám dỗ tiếp tục làm những gì đã làm. Hoàn cảnh đã thay đổi nhiều từ 20, 30 hay 50 năm nay hoặc nhiều hơn nữa. Chúng ta chưa biến chuyển kịp với bước tiến của lịch sử. Hôm nay, chúng ta dễ phạm tội “quên lãng”, để chỉ nói đến một tội mà thôi, cái tội ấy đang lớn dần, vì con người nắm trong tay các phương tiện để thay đổi cục diện mà hôm qua mình lại là nạn nhân bất lực. Thế giới có thể bị đẩy vào hai hướng: Hủy hoại con người hoặc phát triển nhân sinh, làm nổ hành tinh trái đất hoặc làm cho nó tươi đẹp hơn, làm tăng gia hay thu hẹp khoảng cách giữa lớp khổ nghèo và lớp phú quý. Trước cảnh ngộ đó, các chuyên gia Tin Mừng phải đứng trong trạng thái báo động.

Tất cả vấn nạn trên, và còn bao nhiêu cái khác nữa, phải liên tục vang vọng vào tai chúng ta và làm chúng ta suy nghĩ, nếu muốn cho cộng đoàn liếp tục sống. Trong khu phố này, tỉnh này, làng này, miền này, ai là người chuẩn bị kiến thiết thế giới ngày mai, họ ở đâu? Trong thế kỷ XIX, Giáo Hội đã mất giới thợ thuyền, chính các vị Giáo Hoàng đã nói thế. Hôm nay, chúng ta đang mất hạng người nào, tầng lớp nào, lãnh vực nào? Sau thợ thuyền là các chuyên viên kỹ thuật chăng? Là các phụ nữ sau các nam nhân? Các thiếu nhi sau các giới trưởng thành?

Hầu như tất cả các Vị Lập Dòng đều tự đặt những câu hỏi như thế giữa thời đại họ sống. Các diện đau khổ thể xác, trí tuệ, đạo đức, tôn giáo,… đã lay chuyển các Đấng và họ đã cố gắng đáp ứng.

Còn cần nói thêm là giới trẻ đang quan sát hành động của chúng ta, chờ đợi chúng ta với nhiều chú tâm và hy vọng ở các bước ngoặt chọn lựa và quyết định của chúng ta.

- Đó là một hàn thử biểu chắc chắn đối với họ và sự  “chiêu sinh” một phần tùy thuộc vào đó.

- Có một sự kiện đáng ghi nhận: một số Dòng tu tăng sĩ số, dù không nhiều nhưng tuần tự, một số khác càng ngày càng giảm sút, làm chúng ta nhớ đến Lời Chúa: “Ai đã có thì được cho thêm, ai không có thì bị lấy bớt những gì đã có “ (Mc 4,25).

Phải chăng là các cộng đoàn thứ nhất tỏ ra bén nhạy với nhu cầu hôm nay hơn cộng đoàn thứ hai? Đời sống đem lại sự sống, thiếu thích ứng là đi vào sự chết. Suy nghĩ trên không có tham vọng soi chiếu cách quyết liệt vấn đề tế nhị của ơn gọi, nhưng ít nhất làm chúng ta chú tâm hơn.

Lại còn một vấn đề khác nữa được đặt ra nếu muốn lắng nghe thế giới. Đó là có mặt giữa thế giới, thấu hiểu các vấn đề và thông hiệp với tất cả những ai ý thức vấn đề và trăn trở với cảnh huống, với những người cùng khổ, thất nghiệp, di dân,… Người Kitô hữu, nhất là người tu sĩ, có bổn phận tiếp cận các hoàn cảnh và con người đó. Tin Mừng đã giảng dạy và mở hướng cho chúng ta, thế nên chúng ta không có quyền quên lãng. Trái lại, chúng ta phải giúp nhiều người nhận thức và thực hành giáo huấn đó, đối diện với những bối cảnh của họ.

Cũng cần chú ý đến cái “thế lực lôi kéo” của trần thế. Dấn thân vào môi trường, hiệp thông và đồng giao với cảnh vực, chúng ta cũng dễ bị thu hút và có khi chìm đắm vào môi trường đó. Những khoảng cách, những đoạn tuyệt biến mất và đời tu có thể bị pha loãng. Ta phải nhân danh Tin Mừng kêu gọi công bình, thương cảm, đồng thời lên án người thu thuế tham lam hay người Pharisee tự mãn, đuổi bọn thương buôn ra khỏi đền thờ, nhưng lại che chở cô nhi quả phụ. Đó là những đòi hỏi của Tin Mừng về mặt xã hội. Ta có thể không ngừng nói về Phúc Âm mà chỉ thấy khía cạnh xã hội. Khía cạnh này chỉ là một mặt của Tin Mừng, vì Tin Mừng còn bao gồm thái độ nội tâm, là tương quan với Thiên Chúa, là cầu nguyện, là đoạn tuyệt với thế trần, là Tin Mừng của nghèo khó, khiết tịnh và tuân phục.

Một lần, có một vị Bề trên Giám Tỉnh nói với tôi về vài tu sĩ của cha đang dấn thân vào một khu phố thấp kém để giúp các ngoại kiều tìm công ăn việc làm và cải thiện đời sống. Sau một thời gian, các tu sĩ tự hỏi: “Chúng ta không vợ, không con… Nhưng chúng ta khác biệt với láng giềng chúng ta ở đâu?”. Rồi các anh em đó quyết tâm trở về với cầu nguyện để có một sự khác biệt cụ thể. Đó là một trường hợp cá biệt, nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng, chỉ nơi các khu phố nghèo nàn mới có động cơ “vớt vát” trên. Xu hướng trên có khắp mọi nơi trên thế giới. Cần thiết lập sự quân bình. Điều đó đã khó cho thế hệ hôm nay và còn khó hơn cho thế hệ kế tiếp. Chúng ta hãy cho các bạn trẻ thấy những cộng đoàn lắng nghe cả Thiên Chúa lẫn trần thế. Đào tạo Tu sinh trẻ không phải trước hết là phải che chở họ khỏi một trần thế phức tạp, mà là tập cho họ đối đầu với trần thế đó với sự khôn ngoan, thận trọng và với những tách biệt cần thiết. Chúng ta cần có những cộng đoàn năng động chứ không phải chỉ ban bố lời khuyên răn và một giáo huấn trừu tượng, giúp Tu sinh đi vào cuộc đời đang chờ họ, không phải với hai bàn tay trắng mà với Thánh Giá Đức Kitô mà họ yêu mến và chiêm ngưỡng.

V. NHỮNG NGƯỜI TRẺ THÁP NHẬP VÀO MỘT CỘNG ĐOÀN

Tôi vừa gợi lên môi trường lý tưởng cho các ứng sinh vào đời sống của chúng ta, đó là một cộng đoàn đổi mới trong tinh thần Phúc Âm, với bầu khí cầu nguyện chân thật, với khả năng lắng nghe những con người hôm nay. Khó mà tìm ra được những cộng đoàn như thế, nhưng Chúa có thể cho gặp những cộng đoàn gần gần như thế hoặc ít nhất là hướng về ngã đó. Quả là một chỉ dấu của sự sống thật:

Bản chất của một cộng đoàn là làm sao để góp phần đào tạo? Tôi muốn nói đến vai trò đào tạo của cộng đoàn chứ không phải đến cha hay mẹ Giáo Tập. Nhưng xin chớ kết luận là không cần cha hoặc mẹ Giáo Tập, như người ta hay lầm tưởng. Toàn thể cộng đoàn có trách nhiệm đào tạo.

Ngay từ buổi sơ khai, đào tạo cần nhắm ba điểm:

- Hướng định ơn gọi

- Huấn luyện nhập môn vào đời tu.

Cả hai việc trên đòi hỏi giáo huấn và đối thoại, nhất là với người Giám Tập

- Tháp nhập vào cộng đoàn, đây là vai trò đặc biệt của cộng đoàn.

Muốn tiếp đón ai, trước hết là đón họ trước thềm nhà, rồi nếu tiếp tục, thì tìm hiểu các yếu tố của người đó. Với thời gian, không gian sẽ nới rộng và ấm cúng hơn. Ứng sinh sẽ trở nên một thành viên của gia đình, nghĩa là của cộng đoàn chúng ta, nơi các tu sĩ được nhập vào. Thế rồi, hai bên “thuần hóa” nhau, đối thoại với nhau không lời lẽ, giữa cộng đoàn và Thỉnh sinh vì ở đây kinh nghiệm sống quan trọng hơn là lời dạy, ngôn từ. Dần dà, cộng đoàn sẽ tìm ra nơi Tu sinh một con người, một nhân vị phản chiếu phần nào bộ mặt của cộng đoàn. Thỉnh sinh hoặc Tập sinh càng ngày càng tham gia đời sống chung, phụ giúp các thành viên khác qua phục vụ, quan tâm và đi bước trước. Các sai lầm có thể chứng tỏ họ có thiện chí và bắt đầu có thiện cảm với các anh em. Họ cảm nhận các lo lắng ưu tư của cộng đoàn và liên đới với các dự kiến của cộng đoàn. Càng ngày, họ càng ý thức thuộc về cộng đoàn và cộng đoàn xem họ là một thành viên. Rồi một cách vô thức, họ sẽ không nói về “tôi”, về “mình” nữa, nhưng là về  “chúng ta”. Điểm này cần gợi lên hai nhận xét:

- Tôi sẽ không nói thêm về bước tiến tuần tự dẫn đến sự tháp nhập nữa mà đến bước tiến của từng cá nhân, theo nhịp cộng đoàn và trên hết là nhịp của Thiên Chúa.

- Nhận xét thứ hai là tương quan, giữa nhóm Tập sinh và cộng đoàn. Phải thú thực là đã đi từ thái cực này đến thái cực kia. Một bên là Tập viện bên cạnh cộng đoàn, một bên là Tập viện chìm nghỉm trong cộng đoàn. Ở trường hợp thứ hai này, cộng đoàn không còn đóng vai trò đào tạo nữa.

Nếu Tập sinh luôn sống với đàn anh để chia sẻ mọi biến cố, hiệp thông với mọi dự kiến và nghi nan, nghe mọi lời tâm sự, được xem ngang hàng với mọi người,… thì Tập sinh không có đủ khoảng cách để nhận định chỗ mình ở đâu và ý thức bản chất ơn gọi của riêng mình. Tập sinh có nguy cơ say mê vấn đề của các bậc đàn anh, rập khuôn theo não trạng này và chỉ giải quyết việc của mình cách tạm bợ. Ngược lại, nếu hai nhóm chỉ xếp hàng bên nhau quá mức, thì người Tu sinh trẻ sẽ trở nên ấu trĩ, cắt đứt hẳn với đời sống thực tiễn, hôm nay và ngày mai. Cho nên, “phải có thời gian để tháp nhập mà không tan biến”.

Nếu được hướng dẫn đúng mức, sự tháp nhập là nguồn gốc và tiêu chuẩn cho tiến trình chín muồi. Trong tiến trình đó, cũng như trong động cơ thức đẩy, Tu sinh tiến tới hoặc trì trệ trong quá trình phát triển nhân cách và biến chuyển lành mạnh.

Có những Tu sinh nôn nóng muốn xác nhận ngay bản ngã mình, một sớm một chiều đã xem mình như thành viên toàn diện của cộng đoàn. Cách “xâm nhập” này phải được tha thứ vì phạm lỗi “đột nhập”, và phải có nhiều kiên nhẫn để điều chỉnh thái độ trên. Có Tu sinh thì rụt rè, nhút nhát, hoặc mặc cảm đứng bên lề cộng đoàn và chỉ “thức tỉnh” chầm chậm với thời gian. Cảm đoán được bên trong con người họ không phải dễ. Không nên suy đoán quá nhanh. Có kẻ vì sợ “bị loại” hoặc “để được Bề Trên chấp nhận ổn thỏa”, lại làm hết những gì được bảo phải làm. Tháp nhập như vậy có thể là nông cạn. Sau này - có khi đã trễ – mới thấy là chẳng có được gì sau cái “mặt tiền” đó. Ngược lại, có những Tu sinh bản ngã, cá tính manh mẽ, vị phụ trách có khi xem đó là tính xấu, vì bởi nhân đức cơ bản của Tập sinh gương mẫu là thụ động, là chịu đựng,… - theo quan niệm cũ.

VI. MỘT CỘNG ĐOÀN PHẢI BIẾT LẮNG NGHE TÍN ĐIỆP CỦA NGƯỜI TRẺ, BIẾT BIỆN PHÂN Ý NGHĨA, BIẾT TỰ ĐẶT VẤN ĐỀ CHO CHÍNH MÌNH

Có hai người thuộc thời hang động, mặc áo da súc vật, ngồi ở cửa hang, cùng ngắm một loạt đồ vật tạp lục làm bằng đá, bằng xương hoặc bằng đất. Một anh chán ngán nói: “Việc sưu tầm là một nghề đã chấm dứt – mọi sự đều đã được sáng tạo rồi”. Câu này làm tôi nhớ đến lời theo sách Giảng Viên (Ecclésiaste):“Khi mình đến quá trễ thì người ta đã nói sạch hết rồi”. Nhưng lịch sử giúp chúng ta điều chỉnh các phán đoán trên. Có lẽ nên chuyển lại câu đó: “Mình đến quá sớm nên chưa ai nói gì cả”. Quá sớm, vì người nghe điều mới mẻ nên không chấp nhận và đốt mất tín điệp. Chưa nói gì, vì luôn có điều mới mẻ cần khám phá ra. Nếu “chưa ai nói gì” thì “sao lại không nghe người trẻ nói, hay ít nhất, nghe họ báo động cho chúng ta tiếp những gì mới lạ mà họ cảm nhận?”.

Xin chớ kết luận rằng tôi cho họ có phần ưu thế của Thần Khí. Nhưng nếu quý vị còn nhớ điều tôi nhắc ở phần trước, là họ ao ước cầu nguyện và lắng nghe tiếng nói của thế giới, thế thì tại sao không quan tâm đến điều họ nói lên? Có lẽ họ nói vụng về, mong chúng ta nhắm mắt nghe hết, không phân biệt phải trái. Nhưng ít nhất, họ kêu mời chúng ta ý thức về những điều thu nhận cách mới mẻ; chúng ta cần mở mắt nhìn theo, và quan trọng không kém, là chúng ta không nên mơ ngủ. Chính Nietzche đã nói: “Phúc thay kẻ mơ ngủ (ngủ mơ màng) vì họ sẽ không ngủ thật”. Chúng ta nên tránh ngủ trước giờ; Nghĩa là, nếu chúng la cố ý bịt tai không nghe người trẻ mới đến, ắt là chúng ta lảng tránh mất sự thật và trở nên thoái hóa, lỗi thời.

Tuy nhiên, ta phải biết biện phân hư thực và tách lúa mì khỏi cỏ dại. Chính cộng đoàn là nơi đủ tư cách biện phân điều đó. Phải có biện phân cá nhân và biện phân cộng đoàn. Các thành viên trẻ có thể nói lên ý kiến mình. Cộng đoàn sẽ cùng nhau xem xét những gì đáng đón nhận và tháp nhập. Đó là cơ hội đặc biệt để lắng nghe nhau, để tiếp cận và làm giàu cho nhau. Đối với bạn trẻ, đó là một cách đào tạo và một cố gắng gia nhập cộng đoàn.

Tôi cũng không hề có ảo tưởng về tính chất duy “lý tưởng” của quan điểm trên. Nhưng muốn cho tiến bộ phải xuyên qua ảo tưởng, hư cấu. Trong việc đổi mới đời sống cộng đoàn, điều chúng ta thiếu nhất là“chiến lược ngón tay nhỏ” = hãy để một ngón tay nhỏ vào rồi từ từ bàn tay sẽ lọt, rồi cả thân thể với cả cộng đoàn và cộng đoàn sẽ biến chuyển… “Hãy xem, dịu dàng thay anh em sống bên nhau” (Tv 133,1).

Nhưng đối thoại và bàn bạc chưa đủ. Mỗi người phải sẵn sàng “tự chất vấn mình”, nghĩa là tự xét (chứ không phải chỉ xét tha nhân) dưới một ánh sáng mới. Tâm trạng, văn hóa, tôn giáo hay nghề nghiệp các địa bàn tông đồ mới,.v.v… cùng nhau xét lại những điều đó sẽ đan kết các thành viên với nhau, giúp cộng đoàn sinh động và cởi mở hơn. Các bạn trẻ chỉ chờ cái đó! Thế rồi, xem anh em mình như chứng nhân của các khám phá, và quyết định chung lại trở nên một sức mạnh.

Đúng là có nhiều điều để tìm kiếm và phát hiện – Lẽ tất nhiên là không nên tuyệt đối hóa sự kiếm tìm, nhưng phải dành cho nó một vị trí, một ý nghĩa. Lúc đó, chúng ta là tất cả, và tất cả chúng ta cùng nhau có nhiều khả năng hơn để giữa Giáo Hội và trần thế, trở nên khuôn mặt và miệng lưỡi của Đấng được gọi rất xác đáng là “đồng hành” với tất cả mọi người: Đức Giêsu Kitô.

VII. CÁC TU SINH TRẺ CHẤP NHẬN DẤN THÂN CUỘC SỐNG VỚI DÒNG TU TRONG KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

Tôi sẽ không nghiên cứu điểm này, vì muốn được như vậy, cần có một buổi thuyết trình riêng. Trước kia, dấn thân vào một Dòng là một việc tương đối dễ, vì Tu sinh biết khá rõ điều kiện cuộc sống đó và kiểu cách tông đồ của nơi mình nhập cuộc. Ngày nay thì khác, với bối cảnh mỗi ngày một biến chuyển:

- Một Dòng tu có những sinh hoạt nhất định (Giáo xứ, nhà tuyên úy, trường học, bệnh viện,…) di hưởng từ quá khứ đến nay. Rồi những năm tới (10 năm nữa hay hơn), nếu ơn gọi không tăng nhanh, làm sao nắm vững các cơ sở trên nếu thiếu hụt Tu sinh?

- Đồng thời các xứ đạo cũng gặp khó khăn tương tự – Họ sẽ cần sự giúp đỡ của các linh mục tu sĩ, mà gần đây họ không cần lắm! Mỗi Dòng với đặc sủng riêng của mình, làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đó và bằng cách nào?

- Rồi cũng trong thời gian đó, nhiều nhu cầu nảy sinh (những lãnh vực tông đồ mới, phương pháp loan Tin Mừng đổi mới, càng cấp bách với những phương tiện tryền thông xã hội, những vấn đề “Công Lý và Hòa Bình” …), ai sẽ đảm nhận những nhiệm vụ mới đó?

- Mai đây và tiếp đến, các tu sĩ trẻ sẽ phải nuôi dưỡng đàn anh dài dài vì tuổi thọ tăng dần. Nhu cầu này có thể ảnh hưởng đến tác vụ tông đồ chăng? Và vấn đề kinh tế sẽ lấn át vấn đề tông đồ chăng?

Với các vấn nạn trên, người trẻ phải tự đặt ra cho mình cách sắc nét. Dấn thân vào một Dòng là dấn thân vào một Tỉnh Dòng, với các Tỉnh Dòng khác, với toàn thể Dòng, với Giáo Hội toàn cầu và với Giáo Hội địa phương nơi mình hoạt động. Nghĩa là, khi dấn bước vào một Dòng tu, các Thỉnh sinh không thể từ chối đi vào một bóng tối nào đó mà những người đi trước không hề biết đến.

Nơi người trẻ đó, nhận định về các Đấng Lập Dòng và về sứ vụ Giáo Hội cần phải sâu đậm hơn, nếu không sẽ phải đặt lại vấn đề đặc sủng và sự tồn tại của Dòng, không sớm thì muộn.

KẾT LUẬN

Dưới dạng hội thoại, tôi đã cố gắng nêu lên những vấn đề của việc đón nhận và đào tạo Tu sinh hôm nay trong các cộng đoàn. Chúng ta đã suy nghĩ về cả hai phía – Tu sinh và cộng đoàn.

Chúng ta đã đi từ thái độ gây nản chí nơi Tu sinh, đã đề cập đến các điều kiện thuận lợi để Tu sinh gia nhập vào cộng đoàn, rồi bàn đến cách cộng đoàn lắng nghe và tự chất vấn, cho đến các Tu sinh sẵn sàng dấn thân vào một Dòng tu chịu ảnh hưởng của thời gian và không gian. Cuối cùng, nơi đây tôi xin tóm lược hai ý sau:

- Sự đón nhận tương hỗ của hai phía: Thỉnh sinh và Tập sinh cũng phải đón nhận người đi trước với quá trình đã hun đúc họ như thế.

- Nếu việc đào tạo là trách nhiệm của mọi thành viên trong cộng đoàn, bắt đầu bằng vị Giám đốc và Giáo Tập, thì các anh lớn cũng nhận được một cái gì đó từ những người mình đào tạo.

Nói như thế không phải là rơi vào một thuyết đồng đẳng hóa sai lầm. Mỗi đối tác, mỗi thành viên phải đóng vai trò của mình, từ vị trí của mình. Các Thỉnh sinh, Tập sinh phải sẵn sàng nhận biết: “Hạt giống mà Chúa đã gieo nơi họ, đã được trao gởi cho một mảnh đất, một môi trường, một lòng dạ mà không phải họ là người chủ đầu tiên. Cộng đoàn không được xem họ như những học sinh trung học, cũng không xem họ ngang hàng với mình”.

Lời cuối cùng tôi muốn nói, có lẽ là lời của Thánh Phanxicô Assisi, khi Ngài cám ơn Chúa đã gởi đến những ơn gọi trẻ là “người bạn mà Chúa đã ban cho con”.

http://hv.catechesis.net/linh-dao-dong-daminh/tiep-can-va-dao-tao-tu-si-tre-trong-cac-cong-doan-daminh-ngay-nay.html 

114.864864865135.135135135250