24/07/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

239
Cầu nguyện - Chúa nhật 17 TN C
 
“Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở một nơi kia”, tác giả không nói ngày đó là ngày nào, nơi chốn ở đâu và thời điểm nào, để cho thấy Ngài cầu nguyện liên lỷ, không cần không gian và thời gian, và đây là lần thứ ba Luca nói đến việc Chúa đến nơi thanh vắng và cầu nguyện (Lc 6, 28 ; 9.28, 11, 1).
Ta hay hiểu cầu nguyện là xin xỏ, là các ân huệ, vậy thì Đức Giêsu không cần ! Luca nói nhiều đến việc Đức Giêsu cầu nguyện, vì đó là tương quan tình yêu, là việc đối thoại, là gắn bó thâm sâu với Chúa Cha. Chính mẫu gương đó là ví dụ cho các môn đệ, để hôm nay khi thấy Chúa cầu nguyện, các ông xin Ngài dạy họ cầu nguyện. Quả thật « con người không biết phải cầu nguyện như thế nào cho phải, nhưng là Thánh Thần sẽ dạy kêu lên : Abba, Cha ơi ! ».

Lời kinh Lạy Cha vừa là công thức cầu nguyện, vừa nhất là tổng hợp toàn thể sứ điệp Kitô Giáo nên tất cả các lời cầu nguyện được kết thúc bằng kinh này. Tìm hiểu trước hết lời “Abba” –“Cha ơi!”, bởi nói với ai điều gì thì phải biết tương quan giữa ta và người đó; vậy ta ngỏ lời với Thiên Chúa trong tương quan “Cha-con” và gọi “Cha ơi!”. Hạn từ này được sử dụng như thế nào và sự khác biệt ra sao giữa người Dothái, Đức Giêsu và chúng ta?

1. Người Dothái

Lần đầu tiên danh Chúa được mặc khải trong Xh 3, 14 “Ta là Đấng Hiện Hữu”, hình ảnh về một Thiên Chúa quyền uy, cao xa, con người không thể thấy cũng không thể tiếp cận nếu không sẽ phải chết (x. Xh 33,20). Dần dần, hình ảnh về người cha xuất hiện để nói về một “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu”. Tuy nhiên hạn từ “Abba, Cha ơi! Bố ơi!”, gọi cách thân mật, vì dùng từ quá thân thiết nên không bao giờ người Dothái dám dùng để thưa gởi lên Chúa, họ chỉ dùng để nói (miêu tả) về Thiên Chúa chứ không bao giờ dám dùng để thưa chuyện với Chúa, bởi sự kính trọng một Thiên Chúa uy nghi vẫn luôn là mối bận tâm! Ngay cả việc nói về Thiên Chúa, họ cũng ngại áp dụng từ “Cha” cho Ngài.

2. Đức Giêsu
 
Chúa Cha và Chúa Con có mối thân tình vượt qua  mọi ước mơ và hiện thực đối với người Dothái, Đức Giêsu là con và Chúa Cha là cha, cả trong lời nói lẫn trong tương quan, đây là tương quan mới mẻ và duy nhất “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và những kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 27). Tương quan cha-con trong lời nói và còn trong công trình chung đó là cứu độ con người. Tương quan giữa Đức Giêsu với Chúa Cha là tương quan khác biệt, có một không hai, sâu thẳm, hỗ tương. Tuy nhiên không có tương quan độc chiếm, mà Ngài lại chúng ta được thông dự vào; ta vừa được gọi Chúa là cha và được tham dự vào sự sống của Ngài như Chúa Giêsu (x. Ga 6, 57).

3. Chúng ta
 
Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha và tạ ơn trước khi nhận được hồng ân của Chúa Cha thế nào thì Ngài cũng dạy chúng ta bạo dạn thưa như vậy, tự nhiên và bạo dạn như những người con, vì chúng ta đã là con và như vậy “tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi” (Mc 11, 24). Đức Giêsu là người đầu tiên cầu nguyện với danh hiệu “Abba”, nhưng sau đó nhờ Thánh Thần, mỗi chúng ta cũng có thể thưa như thế. Là con, ta được thông dự vào lời cầu nguyện của Đức Giêsu “Tất cả đều là con Thiên Chúa trong Đức Kitô” (Gl 3, 26).

Nói những tương quan trên để làm gì nếu không phải để tiếp tục cầu nguyện ! Tất cả các tôn giáo đều có lời và hình thức cầu nguyện, bởi đó là nhu cầu con người. Nhưng theo Tin Mừng hôm nay thì cầu nguyện như thế nào và với mục đích gì?

Luca nói đến ba dụ ngôn chính thức về việc cầu nguyện (Lc 11, 5-13; 18,1-8.9-15). Riêng dụ ngôn hôm nay muốn trả lời cho cách thức cầu nguyện, đó là cầu nguyện cách tha thiết “cứ gõ cửa thì sẽ  mở cho”, Chúa Cha sẽ ban cho người cầu nguyện bất cứ điều gì người ấy cần (nhưng chưa chắc là điều họ muốn) và nhất là ban Thánh Thần, Đấng chứa đựng mọi ân huệ.

Nội dung cầu nguyện nằm trong hai câu với năm ý :

Hai ý cho Chúa (c. 2)

 
- Xin cho “Danh Chúa được vinh hiển”, nghĩa là xin Chúa mặc khải chính Ngài cách trọn vẹn và vĩnh viễn, để con người thấy và đến được với Ngài. Danh Chúa được tôn vinh khi ơn cứu độ đến với con người.

- Cho “Triều đại Chúa mau đến”, đây là nội dung chính  của lời Đức Giêsu loan báo và sứ mạng của Giáo Hội. Mục tiêu sứ mạng Đức Giêsu là rao giảng về Chúa Cha, về Nước Trời. Lời kinh Lạy Cha hôm nay là lời cầu vô song, qui chiếu về điều này. Triều đại Thiên Chúa là bình an, là lòng thương xót. Xin cho Triều đại Chúa mau đến là xin cho mọi người biết sống theo thánh ý Chúa và nếu như vậy thì không còn chiến tranh, mà chỉ có hòa bình và yêu thương.

Ba ý cho con người (c. 3-4)
 
- Xin lương thực mỗi ngày. Xin Chúa phân phối cho có của ăn hàng ngày; chuyện ăn uống, y phục...là nhu cầu cấp bách nhất của con người, và ta có thể kiếm bằng những nỗ lực riêng. Vậy sao cần xin? Tìm cơm bánh không chỉ cho mình mà còn cho mọi người (chúng con), điều đó giả thiết ta phải có một thái độ mới và quyết tâm mới là lo cho nhu cầu mọi người. Bên cạnh đó còn có khía cạnh thiêng liêng đó là hai lời xin sau :

- Xin tha tội : khi phạm tội dù xúc phạm đến Chúa hay tha nhân, ta cũng không tự mình tha được mà lệ thuộc Thiên Chúa nên xin điều này. Và Chúa còn muốn thêm “cũng tha cho những  người có lỗi với chúng con”. Ta không thể nhận được ơn tha thứ của Chúa nếu ta vẫn còn một tâm hồn cay đắng và hiềm khích anh chị em (x. Mt 18, 2335)

- Xin đừng để sa chước cám dỗ: việc phạm tội, Lc vẫn quy cho Satantên cám dỗ đã dùng ít là ba chiến thuật cám dỗ Đức Giêsu, và con người cũng không thể thoát khỏi và nếu không có Chúa, ta không thể đứng vững ! Xin điều này vừa nhìn nhận giới hạn, yếu đuối của mình; vừa muốn được mãi mãi liên kết với Chúa không những trong lúc bình an mà cả trong thử thách.

Cầu nguyện là đối thoại với Chúa trong tương quan thân tình: “mặt đối mặt như hai người bạn” (Xh 33, 3), là tương quan “Cha-con” như lời “Lạy Cha” mà ta đọc rất nhiều lần trong ngày, là tin tưởng vì lời cầu nguyện sẽ được nhận lời, là phó thác vào bàn tay nhân từ của Chúa. Bởi con người còn biết cho con cái mình điều tốt nhất, thì Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhân ái lại không thương con người gấp trăm triệu lần sao?

Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.






 

 
114.864864865135.135135135250