27/11/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

473
Chúa Nhật I Mùa Vọng - A

Chúa nhật I Mùa Vọng- năm A

Ngày 27-11-2016

 

Tỉnh thức và sẵn sàng

Mt 24, 37-44

 

              1.      Ngữ cảnh

Matthêu dùng cả chương 24 và 25 để nói về thời cánh chung.

Khung cảnh: Đức Giêsu từ trong đền thờ Giêrusalem đi ra, có các môn đệ cùng theo, nhìn thấy kiến trúc lộng lẫy của đền thờ, các ông trầm trồ khen ngợi. Chúa nói sẽ đến ngày mọi sự sụp đổ, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Sau đó Chúa lên núi Oliu, các môn đệ lại gần và hỏi cho biết ngày giờ và những dấu hiệu của ngày quang lâm. Nhân cơ hội này Chúa nói những điều sau:

-         Những điềm báo bằng những cơn đau đớn khởi đầu;

-         Cơn gian nan khốn khổ tại Giêrusalem;

-         Cuộc quang lâm của Con Người và những hiện tượng của ngày đó;

-         Thí dụ cây vả;

-         Phải canh thức và sẵn sàng;

-         Ba dụ ngôn và cuối cùng là cuộc phán xét chung.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong những bài diễn từ nói trên và ở sau thí dụ cây vả và trước ba dụ ngôn.

             2.      Nội dung

           Thời ông Nôê và thời “Con Người quang lâm”

-       Ông Nôê: sách Sáng Thế 6, 11-13 kể chuyện ông Nôê đóng tàu và được cứu thoát khỏi nạn hồng thủy. Chuyện là dân phạm đủ thứ tội, tội nhiều đến độ không của lễ nào đền được, không sao ngăn chặn được sự xấu vì nó lan tràn quá nhanh và quá mạnh, chỉ còn một cách duy nhất là hủy diệt toàn bộ loài người và gây dựng lại một thế hệ mới với người công chính còn sót lại. Trước nạn lụt hồng thủy, người ta ăn uống, cưới vợ lấy chồng mà không ai hay biết gì, cho đến khi nước lụt ngập tràn trên đất và cuốn đi tất cả. Mọi người chỉ lo chuyện trần thế, vui hưởng đời này và coi đó là bảo đảm cho hạnh phúc của họ. Dường như con người chỉ lo cái hiện tại nơi cuộc sống này, mà không quan tâm đến lời mời gọi của Chúa và sống với Ngài nên mọi sự đến bất ngờ sẽ là tai họa cho họ. Vả lại nạn hồng thủy cũng chỉ được loan báo chứ chưa xảy ra nên người ta không cảnh giác. Ngày của Chúa cũng vậy, lúc này cũng chỉ là lời loan báo, nhưng là loan báo cách chắc chắn, và Chúa chờ mong con người thay đổi.

-       Con Người quang lâm: “quang lâm” dịch sát là “sự hiện diện”, nghĩa là Đức Giêsu sẽ hiện diện trở lại trong uy nghi (uy quyền và vinh quang); hay bản văn nói về việc Con Người từ mây trời mà đến để phán xét nhân loại. Tất cả như muốn nói Chúa sẽ đến trong chiến thắng, khải hoàn. Ngày Chúa đến sẽ có các sự kiện như thời ông Nôê, mọi người vẫn lo kế sinh nhai, sinh hoạt bình thường và bất ngờ lụt hồng thủy xảy đến và chuyện không ai ngờ...Ở đây cũng vậy, mọi chuyện diễn trong đời sống thường nhật: hai người đàn ông đang làm ruộng, hai người phụ nữ đang xay bột ở nhà và bất ngờ: một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Động từ ở thể bị động, người làm ruộng, người xay bột hoặc bị đem đi hoặc bị bỏ lại. Người làm hành động này là Thiên Chúa, Ngài có quyền trên tất cả, chuyện “đem đi” hay “bỏ lại” là do Ngài. Đức Giêsu cho thấy mọi người bình đẳng trong cuộc sống trần thế (hai người cùng làm ruộng, cùng xay bột) và không hoàn cảnh bên ngoài nào bảo đảm cho người ta, bên ngoài không có nét nào phân biệt giữa họ. Nhưng khi Đức Giêsu đến, sẽ có cuộc phân rẽ (đem đi và bỏ lại). Người được đem đi là người sẵn sàng và được đưa vào hưởng hạnh phúc với Chúa, người bị bỏ lại là người bị đem đi chỗ khác và Mt nói “bị ném ra ngoài”. Việc đem đi hay bỏ lại là do Chúa nhưng lại tùy thuộc vào những gì người ấy làm, tư thế người ấy đang sống. Có thể cùng  một công việc nhưng làm với hai cách thức, hai tâm tình khác nhau sẽ mang lại hai hiệu quả khác nhau, và ngày Chúa đến hai kết quả đó như thế nào là tùy thuộc chúng ta.

-       Không biết ngày nào: (cái chết cũng như ngày tận thế) là chuyện bất ngờ xảy đến và đến với bất cứ ai. Chúa vừa khẳng định là Ngài sẽ lại đến, vừa nói không biết thời điểm đó. Chúa đến là chắc chắn, vấn đề không phải là thời gian nhưng là cách thức, nghĩa là Chúa sẽ gặp chúng ta trong tâm thế nào? Sẵn sàng tỉnh thức, nghĩa là sống ngay lành hay đang ngủ mê trong lầm lỗi; chẳng chuẩn bị gì để rồi mọi sự bất ngờ xảy đến và tình trạng đáng tiếc xảy ra là “không mặc áo cưới” hay “đang ngủ say và để đèn hết dầu”?  Cần tỉnh thức để đợi chờ Chúa đến. Tỉnh thức bằng cách luôn chuẩn bị sẵn sàng, dù ngủ về thể lý nhưng tinh thần vẫn hăng say, để khi có ai báo “chàng rể đến” là đã sẵn sàng lên đường đi đón chàng rể.

Hãy canh thức: nghĩa là không ngủ; trước đó Chúa nói ngày Chúa đến như kẻ trộm, đến vào giờ bất ngờ và chủ nhà không biết, như vậy anh ta mới có thể lấy trộm được. Tại sao Chúa dùng hình ảnh này, xem ra tiêu cực? Hình ảnh này vừa nói đến tính bất ngờ, vừa nói đến sự năng động, lanh lợi của người tỉnh thức, không canh thức trong sự thụ động, nhưng là trong thái độ sẵn sàng, luôn ở trong tình trạng báo động như người canh không để trộm khoét vách nhà mình. Giả thiết là phải có một tâm trạng tỉnh táo, trí khôn sáng suốt, sẵn sàng, như kiểu nói của Phaolo đó là sự tiết độ (x. 1 Tx 5, 6-8).

Nếu chủ nhà biết khi nào kẻ trộm đến, hẳn ông canh không để chúng đào nhà và lấy của: nhà của người Dothai thời xưa có lẽ giống nhà của người Việt Nam ở vùng quê trước kia; vách được xây bằng đất trộn sét với cành cây hay rơm rạ, trộm có thể vào nhà không qua cửa mà là là khoét vách. Điều kẻ trộm làm là khác thường (không qua cửa  mà vào). Chúa dùng hình ảnh này vừa để nói lên: nếu không cẩn thận, không canh chừng thì không thể biết bằng cách nào trộm đã vào nhà, vừa nói lên thời gian kẻ trộm làm chuyện đó. Tại sao có hình ảnh này? Chúa dùng hình ảnh đời thường để nói về mầu nhiệm sự chết và sự sống lại. Sử dụng những gì diễn ra trong đời sống thường nhật để nói về Nước Trời.

Giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến: Việc Con Người ngự mây trời mà đến đã được nói đến trong Đn, đó là lúc Thiên Chúa đến xét xử muôn dân. Ở đây, Đức Giêsu khẳng khẳng định cách mạnh mẽ là Ngài sẽ đến, nhưng lại nói cách trống là không biết ngày giờ nào. Không ai biết và cũng chẳng thể tính toán để tìm ra ngày giờ đó. Chúa không “chơi trò ú tim” nhưng là thái độ con người cần có để sống với Ngài.

Chúa đến thật bất ngờ, để chúng ta chuẩn bị và chờ đợi. Trong mỗi khoảnh khắc của cuộc đời, ta phải sống cho phù hợp với thánh ý Chúa và chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Vì Chúa không cho ta biết ngày giờ để “trắc nghiệm” sự trung thành và tình yêu chân thực của ta dành cho Ngài.

           3.      Suy niệm

-       Hãy tỉnh thức! thức hay ngủ chỉ có ta mới biết. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến: đã đến vì Ngài đã giáng sinh làm người và cứu chuộc chúng ta; đang đến vì Nước Thiên Chúa đang hiện diện và sẽ đến trong ngày cánh chung, khi đó mọi người sẽ được thấy Ngài. Để được như vậy cần tỉnh thức. Tỉnh thức bằng cách sống theo thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại, làm tròn trách nhiệm mình đang đảm nhận trong mỗi công việc và hoàn cảnh cụ thể.

-       Mùa Vọng đến, Giáo Hội lại mời gọi cách đặc biệt mỗi người chúng ta tỉnh thức đón chờ Chúa, chờ Chúa đến theo hai nghĩa: Chúa sẽ đến trong ngày lễ “Giáng Sinh” mà chúng ta kỷ niệm mỗi năm, nhưng cũng là đến trong ngày cuối cùng của đời người. Dù Chúa đến cách nào đi nữa, chúng ta cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Lo việc trần thế, làm ăn, sinh sống, học hành... nhưng luôn sống trong cầu nguyện, luôn nhớ người anh chị em bên cạnh, luôn đón nhận những gì xảy đến trong cuộc đời như là một ân huệ Chúa ban để tạ ơn, để hoán cải và để sống hạnh phúc bên Chúa khi Ngài gọi.

Nt. Catarina Thùy Dung, OP.

114.864864865135.135135135250