02/05/2021 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

690
Chúa Nhật V Phục SInh B - (Lm Jn Trần Đình Khả) Danh tính thật giả
Chúa Nhật Thứ 5 Phục Sinh
Danh Tính Thật Giả
(Mời bấm vào đây để nghe)

Một người mua cái chuồng gà tiền chế trên Amazon. Khi nhận được hộp đựng chiếc chuồng gà tiền chế và mở ra thấy những lời chỉ dẫn “Cần Đọc Hướng Dẫn Để Lắp Ráp.” Ông bắt đầu mở hộp và bỏ tất cả các bộ phận ra để chuẩn bị lắp ráp. Ông sửng sốt ngỡ ngàng, tờ giấy chỉ dẫn lắp ráp thì đúng là chỉ dẫn lắp ráp cho cái chuồng gà, nhưng các bộ phận thì không phải là cái chuồng gà mà là một cái thuyền phao để chèo chơi ngoài hồ.

Ngày hôm sau ông liền gọi ngay cho công ty Amazon khiếu nại về sự nhầm lẫn gây phiền hà và mất thời giờ của ông. Người tiếp viên của công ty nhã nhặn trả lời, “Chúng tôi thành thực xin lỗi vì sự sai sót nhầm lẫn của chúng tôi. Nhưng có thể ông sẽ cảm thấy bớt giận hơn khi biết rằng ở đâu đó hôm nay có một người đang đi ra ngoài hồ để chèo bơi với cái chuồng gà của ông.

Điểm muốn nói ở đây là để lắp ráp cái gì đó lại thành đúng hình dạng và công dụng của nó, chúng ta cần phải có đúng các bộ phận và sự chỉ dẫn rõ ràng.


Diện Tính

Chúng ta thường nhận diện danh tính cho mình qua những mối giây liên kết với người hay thứ gì đó. Danh tính của chúng ta được hình thành nhờ sự liên đới của chúng ta với giòng tộc, họ hàng, cha mẹ, gia đình, trường học, thầy cô, huấn luyện viên, bạn bè, hội đoàn, đội tuyển thể thao, hay phe đảng chính trị. Khi người ta nhìn vào chúng ta và vào những giá trị của chúng ta, họ muốn thấy cái gì tốt nhất ở nơi chúng ta, và đó là những cái sẽ là định hình, định danh, định tính của chúng ta. Chúng ta tìm thấy danh tính của chúng ta qua các mối giây liên đới của mình với người khác.

Elvis Presley, vua nhạc rock qua đời năm 1977, và nhiều người đã nhận có liên hệ với ông. Báo “Tin Vịt” đã đăng những mẩu truyện nhiều người nhận họ là “con” của Elvis Presley. Một số người quá “mê say” ông nên cố níu kéo lưu giữ tiếng tăm về tài nghệ âm nhạc và ca hát của ông qua cách để tóc, hay ăn mặc hoặc trình diễn điệu bộ giống như Elvis. Họ làm như thế là muốn được người khác biết đến để chia sẻ sự nổi tiếng của Elvis.

Một người ở Detroit rao bán giấy khai sinh cho những ai muốn nhận là con của Elvis Presley. Có chừng 2,000 người bỏ tiền ra mua giấy khai sanh giả. Đây là một trong nhiều thí dụ về những người bị lôi cuốn nhận diện mình với những cái hời hợt mau qua ở đời. Người ta coi ai đó là “thần tượng” và muốn mặc cho mình diện tính của người đó để được cảm thấy giống như người họ mê say; có người lại nhận diện với loại xe sang, quí họ lái, hoặc với những người đồng nghiệp, với một tổ chức hay hội đoàn, hoặc với giai cấp xã hội họ có liên đới, hoặc với đội banh họ ủng hộ. Nếu đội banh đó thắng thì họ cũng cảm thấy cái vinh dự chiến thắng. Các mạng xã hội ngày nay cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến việc nhận dạng của nhiều người. Danh tính của họ được dựa trên cách họ ăn mặc, thông điệp họ gởi đi, hay hình ảnh họ chia sẻ. Thật ra, không phải là đức tính, không phải trí thông minh, không phải giá trị đạo đức nhưng là cảm xúc về hình ảnh và sự nổi tiếng đã thu hút họ nhận diện với những thần tượng, hay đối tượng nổi tiếng mà họ yêu thích.

Chúng ta tìm thấy dạng tính của chúng ta ở đâu? Bạn là ai? Và Bạn nhận diện mình với ai? Những người và những cái bạn nhận diện và liên đới với sẽ làm nên hình ảnh của bạn. Nó sẽ ảnh hưởng đến những giá trị và những lựa chọn bạn làm và những mối liên hệ bạn có. Nếu bạn nhận mình là một lực sĩ thì chắc chắn bạn sẽ không ngồi nhiều giờ trước màn ảnh TV, hay trước máy vi tính để chơi các trò chơi điện tử. Trái lại bạn sẽ dùng thời giờ rảnh rỗi để tập luyện các môn thể thao. Nếu bạn nhận mình là một người cha trong gia đình, bạn sẽ không bỏ lơ con cái, hay phung phí tiêu xài mua săm những gì bạn thích cho riêng mình. Bạn sẽ để ý cân nhắc trong việc tiêu xài, và luôn biết quan tâm đến các nhu cầu của con cái để nuôi dưỡng và cung cấp cho con cái.


Khủng Hoảng Diện Tính

Một hiện tượng đang nổi lên rất mạnh ở Hoa Kỳ ngày nay được gọi là “văn hóa tẩy chay.”

Văn Hóa Tẩy Chay là một hình thức nhiều người ngày nay áp dụng cho các tổ chức liên đới trong xã hội, trong các cuộc đua chính trị, trên mạng xã hội truyền thông hay với những người khác. Những người bị khai trừ được coi là bị tẩy chay. Cụm từ “Văn hóa tẩy chay” này có những ám chỉ tiêu cực và thường được dùng trong các cuộc tranh cãi về tự do ngôn luận và kiểm duyệt. Ngày nay Văn hóa tẩy chay được thực hiện để cổ động, kêu gọi nhiều người đồng loạt tẩy chay, bãi bỏ, không tham gia, không ủng hộ hoặc để tỏ thái độ không đồng ý với người hay việc làm của một đảng phái, một tổ chức hiệp hội, một cơ quan chính phủ, một cấp lãnh đạo hay một vị vọng nào đó để gây áp lực trên họ.

Có thể hiện tượng lớn mạnh của văn hóa tẩy chay là tiếng nói phản ảnh một xã hội đang có Khủng hoảng trầm trọng về “danh tính” hay “diện tính.” Khủng hoảng đó càng trầm trọng thì tiếng la hét tẩy chay đó lại càng âm vang to. Vang to bởi vì người ta đang cố đi tìm diện tính tốt và chân thật mà vẫn chưa tìm được.
Khủng hoảng diện tính này có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Giáo hội cũng bị khủng hoảng diện tính. Khủng hoảng diện tính trong Giáo Hội, thiếu chứng tá can đảm cho tin mừng. Nhiều linh mục tu sĩ sống thiếu gương sáng và phản chứng vì tội khuấy nhiễu tình dục.

Khủng hoảng ở gia đình, nhiều gia đình đổ vỡ, ly thân, ly dị, chia rẽ, không chung thủy, không hạnh phúc, và người ta muốn tái hôn, lập gia đình với người khác, hoặc tái định nghĩa cho gia đình và hôn nhân. Họ muốn tìm một kiểu hôn nhân khác, gia đình khác với gia đình truyền thống.

Khủng hoảng trong xã hội, những người có trách nhiệm không tìm phục vụ cho công ích nhưng tìm phục vụ cho lợi riêng hay lợi ích nhóm. Thiếu những nhà đầu tư và giáo dục chân chính, ngay thẳng mưu tìm xây dựng một xã hội công bình và đạo đức.

Khủng hoảng ở các quốc gia, thiếu những nhà lãnh đạo liêm chính, thương dân, yêu nước; thiếu những người ra lãnh đạo là hy sinh để phục vụ chứ không phải để tìm có quyền cao chức trọng và ăn trên ngồi trốc.

Mới đây anh Braden Ellis, một sinh viên đại học ở California trong lớp học về khoa truyền thông, anh đã trình bày bài thuyết trình của anh với quan điểm chống lại “văn hóa tẩy chay” và biện luận rằng nhân viên cảnh sát là những người anh hùng. Anh bị giáo sư của anh là người chủ trương ủng hộ văn hóa tảy chay, liên tiếp ngắt lời và chỉnh sửa anh. Bà giáo sư nói là “cơ quan cảnh sát tự gốc là cơ quan kỳ thị, bởi vì cơ quan đó đã được thành lập ban đầu là để theo dõi tìm bắt những người nô lệ.” Giáo sư này ghét cảnh sát và nói cơ quan cảnh sát xấu và cho dù có kẻ cướp vào nhà bà cũng không gọi cảnh sát đến giúp. Bà chủ trương bãi bỏ cơ quan cảnh sát.

Văn hóa tẩy chay đã thành công trong áp lực khiến Công Ty truyền hình A&E phải ngưng chương trình “Phát Sóng Sinh Hoạt Cảnh Sát” rất thịnh hành có nhiều người xem.

Thương nghị sĩ Tim Scott người Mỹ da đen của Đảng Cộng Hòa phát biểu là “Chúng ta không thể dùng sự kỳ thị để chữa trị căn bệnh kỳ thị.” Nói cách khác, tẩy chay là một hình thức của kỳ thị. Chúng ta không thể dùng văn hóa tẩy chay để làm phương thuốc chữa chứng bệnh kỳ thị. Làm như thế chỉ khiến cho nhiệt độ kỳ thị càng thêm nóng bỏng và tăng cường nhiệt độ chia rẽ và thù ghét.  


Diện Tính Chân Thật

Bài Tin mừng Chúa Nhật hôm nay Chúa Giê-su cho chúng ta tờ chứng nhận khai sinh bản gốc, danh tính hay căn cước trung thực của chúng ta. Tờ chứng nhận này không phải là giấy giả mạo khai sinh trong liên hệ tới Elvis Presley, hay với bất cử thần tượng hoặc tổ chức nào ở thế gian này. Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta biết nguồn gốc danh tính thật của chúng ta là Ngài. Nhờ có danh tính này chúng ta tìm thấy hy vọng, sức mạnh và nền tảng cho đời sống. “Thày là Cây nho, và chúng con là ngành nho.” Ngành nho sống nhờ thân cây nho.

Đời mỗi người là một cuộc hành trình đi tìm căn diện tính của chính mình. Chúa Giê-su cho chúng ta một món quà quí giá. Ngài nói, “Anh chị em có mối giây liên đới với Tôi. Đó không phải chỉ là giây liên đới thông thường, nhưng anh chị em là thành phần cốt yếu. Anh chị em không đơn độc một thân, một mình. Cuộc đời của anh chị em không phải là một sự tình cờ vô nghĩa. Thiên tính, sự khôn ngoan, sự sống, hạnh phúc tuôn chảy từ nơi Ta đến với anh chị em.” Nếu anh chị em ở trong sự nối kết hiệp nhất với Ta, anh chị em sẽ tìm thấy ý nghĩa và mục đích cho cuộc đời.”

Chúa Giê-su là cây nho. Chính Ngài và chỉ có Ngài mới giải được cái khát tinh thần của chúng ta. Tìm giải khát cho danh tính của mình ở tất cả những nơi khác đều vô ích. Khi chúng ta không có mối giây liên hệ với Thiên Chúa là nguồn sự sống, Đấng nói cho chúng ta biết chúng ta là công trình tuyệt tác của Ngài, thì chúng ta sẽ bị lôi kéo đi tìm danh tính của mình ở những cái khác, nghèo nàn và vô nghĩa không phải là Thiên Chúa.

Sau năm 1975 nhiều quân nhân và sĩ quan quân đội Việt-nam Cộng Hòa bị bắt đi học tập và tù cải tạo. Đời sống ở trong các trại giam rất thiếu thốn và cực khổ. Vừa tủi nhục vì bị thua cuộc, mất nước vào tay Cộng sản, vừa bị đi tù cải tạo xa gia đình vợ con. Bị những người kém kiến thức hơn cai trị. Một người kể lại là sau nhiều tháng bị cầm tù, và bị đưa đi từ trại cải tạo này tới trại giam khác, anh đã quá bực, quá chán, quá đau, quá thất vọng và không còn muốn sống nữa. Anh dự tính tự tìm cái chết chứ không chịu nhục và luồn lụy dưới tay kẻ thù. Nhưng một đêm khi anh nghe một anh bạn tù người Công giáo thầm hát bài “Trong đêm thâu con đã kêu cầu, và Chúa đã đáp lời con. Từ vực sâu con nài van Chúa và Chúa đã nghe tiếng con . . .”  Nghe hay và lạ tai, nhưng anh như cảm thấy có tia sáng hy vọng lóe lên. Anh liền nói chuyện và hỏi người bạn Công Giáo tại sao trong ngục tù cải tạo cực khổ, tủi hận và nhục nhã như thế mà anh còn có thể ca hát được. Anh hát bài hát đó có nghĩa là gì? Người bạn Công giáo giải thích là anh Tin vào Thiên Chúa; mỗi ngày và hàng đêm anh luôn cầu nguyện với Thiên Chúa. Chúa cho anh có sức mạnh, bình an và hy vọng. Anh bạn tù kia nói, “Tôi không phải là người Công giáo như anh. Tôi chỉ nghe biết qua về người Công giáo nhưng chẳng để tâm chú ý đến họ. Nhưng tôi thấy sự trầm lặng, hiền lành, bình thản và tin tưởng của anh tôi rất thích. Ước gì tôi cảm thấy được như anh. Anh bạn người Công giáo từ hôm đó, mỗi đêm đều thầm hát những bài thánh ca để giúp anh bạn này cùng hát cầu khấn với Chúa và với Đức Mẹ. Dần dần ý tưởng tự tìm cái chết biến đi.

Có một số người đang buồn khổ và chán sống. Có những người đang đi tìm điều họ thấy là họ cần từ những ly rượu trong quán bar, hay ở những nơi ăn chơi vui nhộn. Thực ra đó chỉ là những thói quen vô bổ hay những nghiện ngập nguy hiểm. Một số lại tìm vui trong các chương trình truyền hình, hay nhiều giờ tiêu đi với những nối kết trên điện thoại thông minh. Một số những người khác tìm danh tính của họ nơi nghệ thuật, sách báo, triết thuyết, hay những trò tiêu khiển khác. Tất cả mọi con đường nếu không phải là con Đường Giê-su thì đều đưa đến ngõ cụt.

Tin vào lời của Chúa Giê-su thì quả thật không ngoại cảnh nào sẽ đưa chúng ta đến niềm vui hạnh phúc nội tâm chân thật. Có lẽ nhiều người dùng những tiện nghi và xa hoa bên ngoài để phủ lấp cái sợ đang ẩn ở nội tâm. Nhiều người khác trái lại, dù họ ở trong những hoàn cảnh bi đát nhất, họ vẫn chỗi dạy vượt qua được những thảm cảnh và đoạt chiến thắng. Tất cả đều tùy thuộc ở những mối giây liên kết họ chọn cho mình. Chúa Giê-su là Cây nho. Chúng ta là các ngành nho. Chính Ngài là Người liên kết chúng ta với Ngài và với nhau. Chúng ta liên kết với Chúa Ki-tô, và như thế, chúng ta được liên kết với nhau như những ngành của thân cây nho là Đức Kito.

Chúng ta đang sống trong xã hội có nhiều phân biệt chia cắt. Có người cho là Hoa Kỳ là một đất nước mang căn bệnh kỳ thị chủng tộc trầm trọng. Mỗi lần có người da mầu bị cảnh sát bắn chết là truyền thông và nhiều người lại đồng loạt lên án sự kỳ thị mầu da. Thực tế thì ở xã hội nào cũng thế, không nhiều thì ít, ai cũng có chút kỳ thị phân biệt trong mình. Khi một người giơ tay chỉ mặt và lên án người khác tức là họ tự mặc cái vỏ kỳ thị cắt mình hay cắt người khác ra khỏi giây liên kết. Chúng ta không thể vạch mặt kỳ thị để chữa trị sự kỳ thị. Cách duy nhất là cùng liên kết với Chúa Kito và nhìn nhận mọi người là ngành nho liên kết với Thân Nho là Chúa Giê-su, được nuôi dưỡng bởi tinh thần và giáo huấn của Chúa thì mới hết kỳ thị và mới có thể sinh hoa kết trái. 

Để phục hồi con người trở về đúng hình dạng của con người nguyên thủy được Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa đã phải gởi chính Con của Ngài là Đức Giê-su Kito đến trần gian. Để trở thành con người mới này, mọi người đều cần làm theo đúng sự chỉ dẫn để lắp ráp đời mình theo gương mẫu của Chúa Giê-su hầu có thể trở nên con người mới theo khuôn mẫu của Thiên Chúa. Trong Tin mừng theo thánh Gioan, có 7 lần Chúa Giê-su nói về chính Ngài là điều kiện chúng ta cần:

 
  1. Ta là Bánh hằng sống 6:35
  2. Ta là Ánh sáng thế gian 8:12;  9:5
  3. Ta là Cửa chuồng chiên 10:7-9
  4. Ta là Người Chăn Chiên Tốt Lành 10:11, 14
  5. Ta là sự sống lại và là sự sống 11:25
  6. Ta là Đường, là sự Thật và là sự Sống 14:6
  7. Ta là cây nho 15:1, 5
L. M. Giuse Trần John Khả
114.864864865135.135135135250